7. Bố cục của luận văn
3.1. Nghệ thuật tổ chức cốt truyện
Quá trình xây dựng cốt truyện là một quá trình lao động phức tạp và gian khổ, thể hiện phong cách, tài năng của nhà văn. Theo Hà Minh Đức: “Cốt truyện là một hệ thống các tình tiết, sự kiện, biến cố phản ánh những diễn biến của cuộc sống và nhất là các xung đột xã hội một cách nghệ thuật, qua đó các nhân vật, các tính cách hình thành và phát triển trong những mối quan hệ qua lại của chúng nhằm làm sáng tỏ chủ đề và tư tưởng của tác phẩm”[3, tr.137] . Ở mỗi giai đoạn văn học, cốt truyện trải qua những chặng đường phát triển khác nhau. Nó thể hiện tư duy nghệ thuật của nhà văn trong từng giai đoạn. Từ giữa những năm 80 trở về sau, truyện ngắn có khuynh hướng tự nới rộng, tự vượt thoát khung thể loại. Nó phong phú hơn trong hình thức diễn đạt, đa dạng hơn ở nội dung phản ảnh và cách thức dựng truyện cũng được tự do hơn. Từ đó, có những truyện ngắn được xây dựng cốt truyện giàu kịch tính, nhưng cũng có cốt truyện chứa đầy tâm trạng; có truyện kết cấu cốt truyện rõ ràng những cũng có truyện có cấu trúc lỏng lẻo, lắp ghép với kết thúc mở. Cùng với các yếu tố thi pháp khác, cốt truyện đã góp phần không nhỏ trong quá trình tiếp cận hiện thực của nhà văn. Cốt truyện có sự vận động thay đổi trong sự phát triển chung của thể loại.
Cốt truyện có thể xem là phương tiện để nhà văn bộc lộ tính cách, hành động của nhân vật và là phương tiện chủ yếu để nhà văn tái hiện các xung đột xã hội. Để thể hiện quan niệm của mình về cuộc sống, về con người một cách có hiệu quả, các nhà văn luôn có ý thức sáng tạo, làm mới cốt truyện. Sự vận động của cốt truyện là sợi dây liên kết các mối quan hệ của nhân vật, tổ chức, sắp xếp các sự việc diễn ra, qua đó, nhân vật bộc lộ tính cách và tư tưởng của tác phẩm. Tiếp cận các sáng tác của Ma Văn Kháng, ta nhận thấy nhà văn đã sử dụng nghệ thuật xây dựng cốt truyện rất mới mẻ và độc đáo, tạo nên phong cách viết văn riêng.