Từ ngôn ngữ đời thường giản dị

Một phần của tài liệu Sự vận động trong truyện ngắn ma văn kháng (Trang 95 - 100)

7. Bố cục của luận văn

3.3.1. Từ ngôn ngữ đời thường giản dị

Trải qua những năm tháng sống ở miền núi, Ma Văn Kháng không chỉ am hiểu sâu sắc tâm hồn, bản chất thật thà của người dân tộc thiểu số mà còn học được tiếng nói của họ, rồi đưa ngôn ngữ đó vào các truyện ngắn. Để tạo nên không gian hiện thực và cuộc sống con người nơi miền biên ải, nhà văn đã sử dụng tiếng nói và lối tư duy, cách diễn đạt của người dân tộc thiểu số. Khảo sát các tác phẩm viết về miền núi, ta thấy Ma Văn Kháng vận dụng những thành ngữ hoặc những câu dân ca quen thuộc của người dân vùng cao, tạo nên màu sắc miền núi sống động và tự nhiên: “Khóm ngải tàn rồi khóm ngải lại xanh/ Câu hát hết rồi câu hát lại bắt đầu”[33, tr.474]. Câu hát quen thuộc dễ nhớ của người Mông được tác giả vận dụng để diễn tả thời gian trôi đi, trời đất vẫn tuần hoàn. Giai đoạn đầu, khi viết về người dân miền núi, nhà văn sử dụng lớp ngôn ngữ thuần chất, hồn nhiên, mộc mạc, lời ăn tiếng nói hằng ngày của con người miền cao. Một lớp ngôn ngữ giản gị gần với cách cảm, cách nghĩ của đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, khắc họa được những người dân nơi đây với bản chất hiền lành, chất phác. Không chỉ vận dụng tiếng nói, Ma Văn Kháng còn đưa lối nói năng giàu hình ảnh so sánh gắn với tư duy trực quan của người miền núi vào truyện ngắn. Khi miêu tả về chân dung các nhân vật, nhà văn mượn ngôn ngữ, cách ví von của người dân tộc để qua đó làm toát lên đặc điểm, tính cách, số phận của họ. Để thể hiện bản chất thẳng thắng, bộc trực của Giàng Tả, nhà văn sử dụng lối nói hình ảnh: “Cũng là da là thịt mà da thị Giàng Tả như sắt như đồng. Vai Giàng Tả rộng gấp rưỡi vai người. Ngực

phồng như hai quả gò, bả vai nổi u xương. Cái cổ, cái đầu còn lạ hơn, thẳng đơ một đường, không biết gục xuống chịu lụy ai, lúc nào cũng như quyết giữ thẳng, bành ra, to bằng mặt, trông như một khối đúc liền, với vài ba nét mắt, miệng, mũi ngắn nhỏ, đơn sơ. Tất cả sức mạnh như vậy là không biết phô ra, chúng chìm trong da thịt, xương cốt, trong dáng đứng bước đi ngay ngắn, tự nhiên”[33, tr.57]. Cùng phương thức như vậy, chân dung Seo Ly – kẻ khuấy động tình trường hiện ra như một trang tuyệt sắc xứ Mèo có số phận đắng cay: “Chín, mười tuổi Seo Ly là cái gậy đuổi lợn vứt bờ rào. Mười hai, mười ba tuổi, nàng là cái bóng thất thểu, vẹo vọ vì cái lù cở nặng địu sau lưng(…) Nhưng mười lăm tuổi nàng như được trời ban phép lạ, biến đổi từng ngày( …) Qua tuổi hai hai nhăm…, nàng là trăng trên trời. Là chim quyên trong các loài lông vũ. Là măng tre trong các loại rau ăn. Là quả vải trong các thứ trái cây. Là mùa xuân của thiên nhiên”[33, tr.312-314]. Không chỉ vậy, ngôn ngữ của nhân vật cũng được bảo tồn ở dạng tự nhiên mang tính khẩu ngữ. Khi xây dựng các đoạn đối thoại, nhà văn đã để nhân vật dùng lời nói mang đậm bản sắc vùng cao, như lời Mo Chúng nói với Pao về nhân vật Cấu trong truyện “San Cha Chải”: “Nó là cây thuốc phiện đấy, Pao à. Cái cây ra hoa kết quả gây hoảng loạn cả trời đất nên sấm chớp ầm ĩ lên đấy. Thằng Cấu đem cái xấu, cái ác về San Cha Chải rồi!”[33, tr.465]. Đời sống vùng cao được nhà văn tái hiện qua một hệ thống từ ngữ sinh hoạt mang đặc trưng vùng miền như: A Đa (Cha), A Má (Mẹ), thắng cố, túi bột ngô, lù cở, lễ hội A Tha Chin Đơ, lễ cống ma…. Đặc biệt, khi xây dựng ngôn ngữ đối thoại của những người dân nơi đây, nhà văn thường rút gọn thành phần câu sao cho ngắn gọn, không có thành tố phụ, chỉ vừa đủ lượng thông tin cho những câu hỏi trước đó. Điều này phù hợp với tính cách thật thà của họ. Nhờ vậy, “Đọc truyện Ma Văn Kháng, ta có cái thú được nhập ngay vào mạch truyện chảy trôi một cách tự nhiên như cuộc sống trải bày trước mắt. Tác giả miêu tả các sự kiện khá tỉ mỉ bằng những lời văn mộc mạc, ân tình, cảm động, chân thực như chính đời sống, tâm hồn, tiếng nói của người miền núi”[6, tr.101]. Chính việc đưa ngôn ngữ, tiếng nói của người dân miền núi vào trong lời trần thuật của người kể chuyện và lời thoại của nhân vật đã góp phần tạo nên sự thành công và lí giải cho sức sống lâu bền trong các truyện ngắn Ma Văn Kháng.

Có thể nói, xu hướng sử dụng ngôn ngữ đời thường, phồn tạp, thông tục phổ biến ở các cây bút văn xuôi thuộc nhiều thế hệ từ các nhà văn lớp trước như Tô Hoài đến các nhà văn kế thừa như Lê Lựu, đặc biệt là các nhà văn xuất hiện sau năm 1975. Theo lộ trình sáng tác truyện ngắn của Ma Văn Kháng, chúng tôi nhận thấy ngôn ngữ đã có sự vận động, biến chuyển. Khi chuyển đổi từ đề tài dân tộc miền núi sang đề tài đời sống đô thị, thành công của truyện ngắn Ma Văn Kháng là một bước chuyển đổi mạnh mẽ, bắt đầu bằng tư duy nghệ thuật, trong đó có việc đổi mới sử dụng ngôn ngữ.

Cùng với đó là sự vận dụng tư duy tiểu thuyết cho phép chất liệu đời thường được ùa vào văn học. Ngôn ngữ nghệ thuật dần bớt đi vẻ trang trọng, thi vị, gia tăng chất thô mộc, góc cạnh, tự nhiên của cuộc sống. Thứ ngôn ngữ xù xì, thân mật và tươi rói sự sống của khẩu ngữ dần thâm nhập vào các tác phẩm. Cách lựa chọn này của Ma Văn Kháng hạn chế bớt cho người đọc cảm giác bị định hướng, họ cảm thấy như đang được ngồi túm tụm để nghe kể chuyện. Một trật tự ngang bằng giữa người kể và người nghe được thiết lập. Trong mảng truyện về đời sống người dân thành thị, ngôn ngữ trong những trang viết của ông lại rất đời thường, phù hợp với tính cách từng loại người ở cả ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật. Người đọc có cơ hội được thưởng thức tài năng diễn xuất bằng ngôn ngữ của một nghệ sĩ lớn với biệt tài sắm vai nhiều nhân vật có tính cách và ngôn ngữ khác nhau. Nhà văn đi sâu vào thế giới nội tâm vô cùng phong phú và phức tạp của từng số phận, từng kiểu loại nhân vật trước sự ngổn ngang, bề bộn của hiện thực cuộc sống. Vì hướng ngòi bút của mình vào việc khám phá sự đa chiều của cuộc sống thường nhật nên trong các truyện ngắn, nhà văn đã thay đổi ngôn ngữ, lớp từ ngữ chính trị xã hội nhạt và thưa thớt dần, cùng với đó là sự gia tăng của lớp từ ngữ đời thường.

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng rất phong phú với đủ các thành phần giai cấp và mọi lứa tuổi, tầng lớp khác nhau. Mỗi kiểu nhân vật lại có những ngôn ngữ riêng. Ngôn ngữ riêng đó mang tính trần trụi của sự thật, là lời ăn tiếng nói hằng ngày, chân thật trong giọng điệu, thô nhám trong từ ngữ. Truyện ngắn Ma Văn Kháng còn sử dụng tính chất ngôn ngữ bình dân, thậm chí chợ búa và dung tục. Người đọc có thể nhận ra yếu tố ấy trong ngôn ngữ của những hạng người tầm thường, những nhân vật chỉ biết bon chen trong danh lợi và nhục dục. Cuộc cãi vã xô xát của vợ chông Tín và Tý Ngoan với một loạt từ ngữ tục tĩu, thô lỗ hiện lên vô cùng xinh động phản ảnh hiện hiện thực đời sống của một số góc khuất nơi thành thị xô bồ:

“Xấu hổ lấy rổ mà che! Chẳng việc đ. Gì mà xấu hổ cả. Cô đừng có bên nó. Tôi là vợ nó, tôi đòi hỏi nó phải làm đủ nghĩa vụ với tôi. Nó lấy cớ đái tháo đường thoái thác. Đái tháo đường gì mày! Đái tháo đường mà đi ca về là lần mò đến, úp mặt vào bẹn con đĩ Tý Ngoan ấy! Úi giời ơi, tăng tịu với ai chứ lại tằng tịu với con cave chuyên dùng vốn tự có để lừa bọn Tây mà không biết nhục! Không thế thì là gì, hở đồ khốn nạn? Không thế thì như mọi khi mày còn sùng sục như chó dái ấy, hiểu chưa? - Ừ, thì tao là chó dái đấy! Nào, thích thì vào đây, lên giường, tụt quần ra!”[35, tr.306]. Rồi những người phụ nữ trong “Những người đàn bà”suốt ngày ngôi lê đôi mạch, lời ăn tiếng nói thô thiển. Một mụ Chí có “giọng nói lơ lớ. Trang phục lai căng và cung cách ngồi lê mách lẻo, vô giáo dục”[33, tr.202]. Lời ăn tiếng nói của mụ đầy tính dâm đãng và bợm trạo: “Ây dà. Nó hôn bà Tài à. Nó còn vật ngửa bà Tài ra để sờ tí à! [33,

tr.203];”Ây dà, ngày nào chông đi là về nó cũng bắt phải “ấy”nó một cái, rồi nó mới dậy đi nấu cơm mà”[33, tr.205]. Mụ sẵn sàng ném vào mặt bà Tài những lời lẽ đầy sống sượng: “Rẻ cái l. mẹ mày! Chưa học bắt chuột đã học ỉa bậy. Bốn trăm thôi. Hăm bảy Tết bắc nồi nhé! Tao trông bếp cho. Vừa trông bếp vừa kể chuyện ma, chuyện quỷ nhé. Cái con ma xó này, còn chuyên mày lăng nhăng với thằng đại tá lùn thế nào, mày chưa kể đấy nhé!”[33, tr.206]. Một mụ Tài cũng suồng sã không kém trong cách trả lời mụ Chí khi nói về ông vụ trưởng có máu dê: “Tiên sư thằng đĩ đực, thằng dê già!”[33, tr.209]. Thậm chí, ông còn đặt vào miệng những kẻ quyền thế, trí thức lư manh những từ ngữ mang tính khẩu ngữ thô thiển vốn chỉ được dùng cho những kẻ bần tiện, du thủ du thực trong đám cặn bã của xã hội sử dụng. Chỉ cần vài ba từ ngữ ấy, Ma Văn Kháng đã phơi bày một bức tranh hiện thực dữ dội khiến cho người đọc thấy kinh hãi. Bà Nhàn trong truyện “Trung du chiều mưa buồn”chức cao, sang trọng nhưng nói năng với những từ ngữ mang tính chợ búa: “cha tiên sư nó”, “Xem thằng ông mãnh định đi vĩnh gì nữa nào?”. Thông qua những từ ngữ thô lỗ ấy, bản chất ích kỉ và sự băng hoại đạo đức nơi con người đã được phơi bày. Đặt những ngôn từ đó vào kiểu nhân vật này, đồng nghĩa người kể chuyện và đối tượng trần thuật đứng ngang hàng, bình đẳng và thân mật đến suồng sã. Đồng thời, thể hiện được tính chiến đấu cao của nhà văn trước cái xấu xa đội danh quyền lực. Ma Văn Kháng đã khai thác triệt để về khả năng miêu tả và biểu hiện của ngôn ngữ dung dị đời thường, mang đến cho độc giả một cái nhìn khá mới mẻ và toàn diện về mọi mặt của đời sống. Qua đó, ông thể hiện khát vọng được nói thật, nhìn thẳng vào sự thật và cho thấy sự tiên phong, tiền trạm cho sự đổi mới nền văn học.

Trong các truyện ngắn, để phát họa cuộc sống một cách chân thực nhất, Ma Văn Kháng đã khai thác tối đa nguồn tư liệu dân gian. Chúng ta nhận ra trong lời ăn tiếng nói của những người lao động bình thường sự bỗ bã, suồng sã, đậm chất khẩu ngữ; của những người trí thức thì tao nhã, trích dẫn tục ngữ, thành ngữ, điển tích…Song, tất cả lớp ngôn ngữ ấy đều rất dễ hiểu, thậm chí có phần thô nhám nhưng gần gũi với đời sống hàng ngày. Hầu như toàn bộ kinh nghiệm cọ xát của tác giả với ngôn ngữ đời sống thực tế đã được huy động. Thay đổi lối văn chương trang trọng, mực thước ít cá tính, việc nhà văn dung nạp nhiều thành ngữ, tục ngữ và lối nói dân gian không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nghệ thuật cho tác phẩm mà còn phản ánh hiện thực bức tranh đầy màu sắc của cuộc sống sinh hoạt, khắc họa tính cách nhân vật. Chỉ trong một đoạn văn ngắn nói về những người bỏ quê ra đi kiếm sống ở xứ người trong truyện “Người cuối cùng về làng Lận”, nhà văn đã sử dụng đến chín thành ngữ: “Hạng giàu có thường là giám đốc, chủ nhà hàng, kĩ sư, bác sĩ. Hạng nghèo nàn là đám thợ thuyền, hoặc vô nghề nghiệp hưởng trợ cấp, hoặc làm các nghề lặt vặt (…).

Kỳ lạ là ở chỗ hạng giàu có, ăn nên làm ra, nếu truy nguyên thành phần giai cấp thì y như rằng, nếu không chính bản thân họ là con cái của mấy anh địa chủ, phú nông tư sản bị đấu tố hoặc tịch thu, trưng thu tài sản nên uất khí bỏ Tổ quốc ra đi. Hừ, thì ra đánh chết cái nết không chừa. Họ vẫn là anh khôn ngoan, từ bạch thủ tay trắng, từ thất cơ lỡ vận mà dựng lại cơ đồ, trong khi mấy anh vốn là dân du thủ du thực, khố rách áo ôm, sống vô gia cư, chết vô địa tán, cầu bơ cầu bất, hoặc trộm cắp chuyên nghiệp, bị bắt, sống tù vượt ngục ra đi, những tưởng chuyến này cờ đến tay tha hồ phất, trở thành ông nọ bà kia, võng giá nghênh ngang thì xo xúi vẫn hoàn xo xúi”[34, tr.162,163].

Không giống Tô Hoài, sử dụng nhuần nhuyễn các thành ngữ, tục ngữ để miêu tả cuộc sống nhọc nhằn và số phận của những người dân lao động, tìm hiểu phong tục tập quán và cuộc sống sinh hoạt, Ma Văn Kháng sử dụng linh hoạt để phản ánh nhiều phương diện với những gam màu muôn vẻ của con người và cuộc sống. Qua đó, người đọc thấy được cái nhìn hiện thực ở chiều sâu nhân bản của nhà văn và hiện thực nhức nhối trong cuộc sống đầy biến động của cơ chế thị trường. Không trau chuốt cầu kì, ngôn ngữ trong truyện ngắn Ma Văn Kháng ngồn ngộn chất dung dị, luôn tươi rói sự sống, giàu tính biểu cảm và ánh lên vẻ đẹp của cuộc sống đời thường, mang lại cho những tác phẩm sắc điệu riêng. Bằng bản lĩnh nghệ thuật vững vàng và tài năng sáng tạo nghệ thuật, nhà văn đã góp phần làm phong phú ngôn ngữ văn học, đưa ngôn ngữ đời sống vào văn học một cách tinh tế, sâu sắc. Đặc điểm này phù hợp với xu hướng vận động chung của ngôn ngữ truyện ngắn đương đại: diễn tả đời sống trong tính hiện thực, trong tất cả sự xù xì, thô nhám, góc cạnh, thậm chí tục tằn của nó, khước từ lối diễn đạt trang trọng, ước lệ, thuần khiết.

Trong quá trình khảo sát các truyện ngắn để phục vụ cho việc nghiên cứu luận văn, chúng tôi nhận thấy có lúc Ma Văn Kháng rơi vào sự sa đà khi lạm dụng quá nhiều ngôn ngữ đời thường, mang lại cảm giác ít nhiều dung tục và rơi vào tự nhiên chủ nghĩa. Tuy nhiên, việc bình thường hóa ngôn ngữ truyện ngắn như vậy xuất phát từ thế giới quan và sự đổi mới quan niệm nghệ thuật: con người đương đại phải đối diện với trạng thái vỡ mộng trong hành trình đi tìm cái đẹp tuyệt đích và bị bao vây bởi một hiện thực hỗn độn, ngổn ngang, ở đó không còn những “đại tự sự”, tất cả các diễn ngôn bị đời thường hóa, cá nhân hóa đến tận cùng. Vượt lên trên tất cả, việc nhà văn khéo léo sử dụng ngôn ngữ đời thường một cách giản dị đã cho thấy nỗ lực kéo gần khoảng cách văn chương với hiện thực đời sống khiến cho văn và đời thật gần gũi, chân thực, xóa nhòa ranh giới giữa tác phẩm với bạn đọc. Nhìn chung, ngôn ngữ truyện ngắn Ma Văn Kháng đã bám sát sự vận động của hiện thực và tư duy, tinh thần của con người trong thời đại mới.

Một phần của tài liệu Sự vận động trong truyện ngắn ma văn kháng (Trang 95 - 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)