7. Bố cục của luận văn
3.1.1. Từ sử dụng phép tương phản, liệt kê tăng cấp
Theo dõi quá trình sáng tác của Ma Văn Kháng, người đọc nhận thấy dạng thức cốt truyện trong truyện ngắn của ông có sự biến chuyển phức tạp. Trong quá trình phát triển, truyện ngắn Ma Văn Kháng những năm 80, cách phản ảnh hiện thực, tư duy nghệ thuật thông qua việc tạo dựng cốt truyện có những đổi mới đáng kể. Song về cơ bản, nhiều tác phẩm vẫn chưa thực sự thoát ra khỏi khung cốt truyện truyền thống. Tuy vậy, nó đã báo hiệu và tạo tiền đề cho sự đột phát từ năm 1986. Nhà văn không còn cố gắng tái hiện một câu chuyện sao cho mạch lạc, đồng nhất với hiện thực, mà đã
biết hướng tới đối tượng bạn đọc, cắt nghĩa câu chuyện bằng lôgic đời sống, quan tâm đến đổi mới cách viết, cách kể và cách xây dựng cốt truyện. Đôi khi, tác giả này không bằng lòng với việc miêu tả, đánh giá con người một cách đơn giản nữa mà thay vào đó là sự đa dạng ở nhiều phương diện.
Ma Văn Kháng đã sử dụng phép tương phản, đối lập để tạo cốt truyện. Trong một số truyện ngắn, cốt truyện được tạo dựng qua sự tương phản đối lập giữa các nhân vật. Đó là sự tương phản về chân dung, tính cách, học vấn, văn hóa, lối sống…Từ hàng loạt các chi tiết, sự kiện mang tính đối lập, tác giả để người đọc tự xác định vấn đề nội dung tư tưởng được thể hiện. Ở truyện Trăng soi sân nhỏ là sự tương phản của hai nhân vật Nam và Bân từ đầu đến cuối tác phẩm. Họ đối lập nhau về phong cách, lối sống, suy nghĩ. Bân là một con người thực dụng, lợi dụng uy tín của Nam để vụ lợi cho bản thân: “Bân thực dụng quá! Bân coi nghề chỉ là một phương tiện cần triệt để lợi dụng kiếm chác”[33, tr.171]. Trong khi đó, Nam lại là một con người sống đúng mực, ngại đua chen danh lợi, “là kẻ hiểu đời, hiểu mình, hay giữ kẻ, chỉ sợ mình gây phiền hà cho người khác”[33, tr.165]. Vì vậy, trước cùng một sự việc, hai nhân vật đã có tâm trạng, hành động và cách xử sự khác nhau. Khi được mời đi xuống cơ sở, Nam thì rụt rè, đắn đo: “Lúc nào cũng e e ngại ngại rụt rụt rè rè. Cơ sở nào có nhã ý hẳn hoi mời Nam xuống đi thực tế để viết, hoặc chỉ là gặp gỡ, trò chuyện với anh em, Nam cũng đắn đo năm bảy lượt, rồi thường là cảm ơn họ bằng một lá thư thoái thác và hứa hẹn dịp khác. Dịp khác có nghĩa là không bao giờ. Nam xử xự như vậy không phải là không có lý. Trước hết, nơi mời mình, chưa nói các chuyện khác, chỉ nói đến chi tiêu thì tốn kém đã là cái chắc. Ăn của khách không thể không lịch sự. Lại còn xe đón xe đưa. Lại còn quà cáp, tặng phẩm. Lại còn phong bì tiền tiêu vặt. Bạc triệu chi cho một ông nhà văn ra cái lạt như chơi. Trong khi làm ăn, kiếm được đồng bạc đâu có dễ. Lúc này, thật giả lại đang khó phân ngôi. Về, viết cái gì, chẳng may sai sót, tình ngay lý gian, há miệng mắc quai, tiếng để đời”[33, tr.166]. Ngược lại với Nam, Bân vô cùng xông xáo, nhiệt tình với các lời mời. Khi thấy Nam còn ngại ngần, Bân đã ra sức thuyết phục Nam bằng mọi lí lẽ, hết lần này đến lần khác, kể cả thề thốt, và chán nản:
“Thôi, ông không đi thì thôi! Nhưng thật là phí đấy. Một vùng trời mây non nước bán sơn địa tuyệt đẹp. Một vùng văn hóa cổ nữa. Hoài của!”[33, tr.169]. Họ tương phản nhau từ ngoại hình cho đến tính cách và hành động: “Bân có đầy đủ ưu thế và cá tính riêng biệt, mạnh mẽ của người làm báo. Cao lớn, khỏe mạnh, ăn to nói lớn, hiểu biết rộng, tự tin, Bân tới đâu là ở đó vị nể, thậm chí e sợ. Cốt cách con nhà báo xông xáo, khẩu khiết hết sức linh hoạt, lại xem cái tài lẻ xem tướng số, đoán tử vi nên ở đâu Bân cũng tạo được một sức hút quanh mình. Y yêu cầu điều gì, chẳng ai dám từ chối. Vừa biết quyền lực của mình, lại vừa uyển chuyển trong giao tiếp, cần ngọt ngào có ngọt
ngào, cần bỗ bã thì bổ bã nên nói chung y muốn gì được nấy”(…) Bân ồn ào quá, thậm chí hơi lăng xăng và buông tuồng. Cách sống ấy khác với Nam. Nam vừa thấp bé nhẹ cân, bề ngoài đã xoàng xĩnh, lại ăn vận cẩu thả và tính tình rụt rè đến kì lạ”[33, tr.170]. Nhà văn luôn đặt Nam trong trạng thái đối lập với Bân: “Vừa ngồi vào bàn ăn, Bân đã giũ áo, quát: “Quạt đâu? Để khách chết thiêu chết đốt thế này à?”. Cô bé tiếp tân bé choắt, xanh rớt hớt hải chạy đi bật quạt trần, quạt cây, vừa quay trở lại thì Bân quát gọi bia. Cô nọ lập cập bê khay bia chai Vạn Lực ra, vừa đặt xuống mép bàn, Bân đã gạt tay: “Vứt! Ai uống cái thứ bia rởm này. Bia lon Halida đâu?” (…) Nam ước giá chui được xuống gầm bàn! Ăn uống no nê rồi, Bân vơ hết bốn, năm lon bia chưa mở cho vào túi xách rồi khệnh khạng ra xe.”[33, tr.172]. Đoạn kết của truyện đã khái quát rất rõ chân dung của hai nhân vật này, trong khi Bân dún chân chạy ngược con đường để trở lại nhà Thuấn để lấy hai ký thuốc lào thì Nam ngồi rũ xuống vệ đường, “Nam cảm thấy không sao có thể đứng dậy được nữa; nước mắt Nam trào ra khỏi tròng mắt, Nam khóc một mình, lặng lẽ giữa quạnh hiu”[33, tr.183]. Qua nhân vật, dường như Ma Văn Kháng muốn luận bàn về chức năng, vai trò, cái tâm của nhà văn.
Với cái nhìn của tư duy tiểu thuyết, khai thác chiều sâu ý nghĩa của sự vật, hiện tượng, khám phá cuộc sống từ nhiều bình diện khác nhau, nhà văn như lách sâu hơn vào ngõ ngách đời sống tinh thần, tìm ra những nguyên nhân và quy luật khắc nghiệt của tồn tại xã hội. Ma Văn Kháng đã đưa vào trang viết nguyên dạng đời sống những người đàn bà sống trong một khu tập thể với nghề nghiệp riêng, số phận riêng nhưng lại cùng một sở thích “cùng có một lòng ái dục, ham mê chuyện ái tình”(Những người đàn bà) . Tuy cùng một sở thích nhưng họ lại có hai lối sống khác nhau. Bốn người đàn bà: Mụ Chí, bà Tài, cô Thơ, cô Nhị trong mối liên kết bền chặt vui vẻ, trẻ trung, rất hồn nhiên với đời sống dục tình: “Chả lúc nào họ hết chuyện. Dòng sông tình ngầm chảy dạt dào là đề tài lôi kéo tò mò đầy thi vị của họ”[33, tr.204]. Họ bị lôi kéo thói tò mò đầy thi vị của một thói tật bởi chính dòng sông tình dạt dào. Trong khi đó, một phụ nữ “xốc vác, quả đoán và đa tình”[33, tr.207] như chị Tươi lại là người hy sinh cho tình yêu như một con chiên tử vì đạo, khô héo và buồn tẻ. Chị mãi đắm chìm trong một cuộc sống khổ ải khủng khiếp mà không hề nản lòng: “Không phải chỉ vì nó là cuộc kiếm sống, là cái khốn khó đề giành giật lấy miếng ăn, để lấp đầy cái dạ dày mà là để trọn vẹn một đời sống khác, một đời sống bao giờ cũng hướng về sự hoàn thiện, đầy ảo tưởng tôn giáo, vì ở đó có sự hiến mình cao cả cho tình yêu. Tình yêu bao giờ cũng là một giấc ảo mộng và luôn tuyển mộ được những tín đồ thiết tha với cái chết tử vì đạo như Tươi đây”[33, tr.215]. Bốn người đàn bà kia không bao giờ đồng tình với “người đàn bà chèo con thuyền ngược bến”như Tươi. Họ nhất trí “Rằng bọn đàn ông cực kỳ khôn ngoan, chính họ đã tạo ra hôn nhân để hạ người đàn bà
xuống địa vị thứ hai trong cuộc sống. Trong hôn nhân, giống đực hưởng nhiều hơn. Trời cho họ cái ưu thế là được cái công năng chủ động. Nhưng mặt khác, xung lực bọn họ, tiếng thế rất có giới hạn. Và hôn nhân chính là cái ách, tuy là cái ách êm dịu với đàn bà”. Do vậy, đàn bà phải tương kế tựu kế, giành lấy chủ động trong thế bị động. Hơn nữa, đời là một dòng sông dạt dào, nhưng ngắn ngủi nên hãy tận hưởng. Thời gian còn ít lắm, việc gì phải đi con đường trái nước ngược gió như Tươi”[33, tr.212]. Từ “Những người đàn bà”, người đọc như cảm nhận được về bản chất đích thực của cuộc sống: con người không chỉ hăm hở trong hành động mưu sinh mà còn hăm hở cả trong ái tình. Nhưng với hai câu chuyện cuộc đời với hai kiểu sống, hai lối sống tương phản, truyện đã gợi nhiều suy nghĩ cho chúng ta. Câu nghi vấn ở cuối truyện: “Và những ai cười được như thế hẳn là những người sung sướng lắm, có phải thế chăng?”[33, tr.216] khiến độc giả không khỏi bâng khuâng. Bởi suy cho cùng, cuộc đời con người cũng như một dòng chảy sinh hóa hồn nhiên, ai thuận theo nó thì gặp được niềm vui sống, ai một mình bơi ngược dòng nước thì tròng trành, trắc trở mệt mỏi biết bao.
Ma Văn Kháng đào sâu bản thể cuộc sống, truy tới cùng ngọn nguồn sự đa tạp trong cuộc sống, thậm chí đi đến cùng mọi nguyên nhân đem tới hạnh phúc cũng như khổ đau, bất hạnh của con người. Vì thế, trong xây dựng cốt truyện “Nhiên, nghệ sĩ múa”, nhà văn đã đặt số phận của Nhiên đầy trắc trở. Ông đã đặt Nhiên trong sự đối lập với cái Sấn. Nhiên là một cô gái đẹp “từ gương mặt thánh thiện đến làn da tẩm hương và dáng hình thanh tú. Thân hình nàng cao đúng gấp bảy lần mái đầu nàng. Nàng đạt những số đo lí tưởng, biểu hiện giới tính đến độ rực rỡ nhất ở vòng ngực, bờ vai, cùng eo hông. Chân dài và trắng muốt”(…)Vẻ đẹp của Nhiên ánh xạ tâm hồn nàng. Nhiên đẹp vì những cảm xúc tự do và không hạn định do chính tâm hồn nàng tỏa ra”[33, tr.282]. “Nhiên không chỉ xinh đẹp mà còn thông minh, còn là một người chịu khó, cần thận. Bản tính nàng linh hoạt. Ngôn ngữ nàng giàu hình ảnh. Đã hoạt bát lại còn hết sức duyên dáng. Sắc đẹp và lòng tốt, sự hiền hậu và đức tính tươi vui, kết tinh những giá trị tự nhiên của nàng đã khiến cuộc sống của mọi người xung quanh nàng thú vị hơn lên rất nhiều”[33, tr.292]. Đối lập với vẻ đẹp của Nhiên là Sấn với “vẻ bề ngoài không ai đoán nổi(…). Sấn liên tục thay đổi hình dạng bằng váy áo. Sấn tơ tuốt, kiểu cách từ cái móng tay, đến điệu đi, cách nói”[33, tr.288]. Dù cô có tìm cách tơ tuốt thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể che lấp đi được những nhược điểm trong nhan sắc và cái bản tính chanh chua của mình : “Tiếc thay, Sấn vẫn lùn tịt, mắt ti hí, mũi tẹt, môi vều, ngực bẹt, đít nhọn. Đã vậy lại chảnh hoảnh, chanh chua”[33, tr.288]. Ở thế đối lập đó, trong dáng hình “tiên thiên bất túc”cùng “thái độ hờn ghét cố hữu của y thị với Nhiên hôm nào, có thể chỉ là biểu thị của máu ghen đàn bà thông lệ, lại cũng có
thể là bộc lộ sự suy đồi thê thảm về nhân cách của con người”[33, tr.295]. Suốt cuộc đời, tâm hồn Nhiên chỉ hướng tới một tình yêuduy nhất với cậu trung úy và nàng vô cảm trước mọi sự quyến rũ “Nàng chỉ có một mối tình duy nhất đó. Bây giờ vẫn vậy. Nàng vô cảm trước mọi quyến rũ, vì đã quá mải mê và linh hồn đã đắm đuối đến kiệt lực. Nàng đơn nhất trước cái rắm rối, phức tạp của cuộc đời. Nàng nguyên vẹn, không sức mẻ, thủy chung như nhất. Nàng trinh bạch, hồn nhiên, dung dị”[33, tr.296]. Dù Nhiên “chưa hề được thực hiện thiên chức đàn bà là làm vợ, làm mẹ. Nhưng nàng đã thực hiện thiên chức của một con người: đã yêu, đã chờ đợi, đã tôn thờ”[33, tr.296].
Chị chung thủy sắt son trong tình yêu với người chiến sĩ đã hi sinh ở chiến trường xa thật đối lập với chuyện tán tỉnh, bợ đỡ với bao ham muốn thể xác tầm thưởng ở những kẻ đàn ông bao quanh chị như Chiên nghiện, Hóa còi, Long hói, Tư Thành mắt trố, Khoản rỗ… Đặt trong thế tương phản triệt để ấy, cái đẹp trở nên cô độc hơn bao giờ hết “Nhiên vẫn một mình tâm tình, một mình đơn độc trên sân khấu cuộc đời”. Từ sự đối lập trong cốt truyện, độc giả đau đớn xót xa hơn bao giờ hết về số phận của một người phụ nữ đáng ra phải được yêu chiều hạnh phúc, bởi chị “hoàn toàn dư thừa điều kiện để có một đời sống lứa đôi chứa chan hạnh phúc; hoàn toàn có thể trở nên một người vợ đem lại kiêu hãnh cho chồng”[33, tr.293]. Cuộc đời Nhiên là những nỗi đau trong sự chờ đợi vô vọng về một tình yêu đẹp đã đi qua đời nàng thuở thanh nữ và nỗi đau từ thói hờn ghen cố hữu của người đời. Số phận của cái đẹp đã bị khuất lấp và nhấn chìm trong bao nhiêu cái rối rắm, phức tạp của cuộc đời đa sự, khi thế thái đang phai lạt nhân tình.
Bên cạnh việc sử dụng thủ pháp tương phản, để tạo nên các lớp nội dung tư tưởng phong phú trong tác phẩm, Ma Văn Kháng còn sử dụng kết hợp nghệ thuật liệt kê tăng cấp. Trong “Vệ sĩ của quan châu”, nhà văn đã dành những trang viết với cái nhìn xót xa cho sự mông muội của một kiếp người. Hình ảnh Khun đầy bản năng thú tính bạo liệt mỗi lúc một ghê sợ hơn khiến cho mọi người kinh sợ. Dù cho Ma Văn Kháng có cắt nghĩa những hành động của Khun chỉ là những hành động của kẻ mông muội, mang tính bản năng của những con thú hung dữ chứ không phải là hành động của một con người có ý thức thì việc liệt kê tăng cấp những hành động ngày càng tàn bạo, người ta kinh hãi nhận ra Khun đúng là sự tồn tại của một thứ vũ khí giết người, của sự u mê tăm tối, của cái gọi là phi nhân tính. Đến cả quan châu, người đã sử dụng hắn như một vệ sĩ tin cẩn, cũng có lúc phải rùng mình sợ hãi khi nhìn kỹ tên tay sai của mình:
“Nó không phải là con tôi, còn nó là cái gì, chính tôi cũng không biết”[33, tr.39].
Cũng trong trạng thái cảm thương cho sự mông muội của một kiếp người, Ma Văn Kháng còn dành sự thương cảm cho một kẻ dị hình, dị dạng, khố rách áo ôm, không nơi nương tưa, không người thân thích và chẳng biết nguồn gốc xuất thân từ
đâu, đó là Mã Đại Câu (Mã Đại Câu, người quét chợ Mường Cang). Hai lần theo quân Trung Quốc của lão được tác giả khắc họa rõ ràng, hành động ngu xuẩn ấy được lặp lại ở mức độ cao hơn, lần sau tệ hại hơn lần trước. Lão ngu muội nghe lời xúi giục của bọn xấu, bỏ ra đi. Khi đi lão còn “Đứng lại ở cửa khẩu, vạch quần, hướng về mảnh đất đã cưu mang lão, đái một bãi, rồi lão nhỏ bọt chửi: - Téo mẹ tằng ố - Nàn!”[35, tr.52]. Sau lần ăn cháo đái bát đó, lão trở về trong bơ phờ mỏi mệt. Những tưởng đó là bài học để lão nhận ra sự ngu dại của mình, vậy mà khi quân xâm lược sang, lão lại định một lần nữa ôm gót theo chân. Sự u mê trong nhận thức khiến cho cả khi nòng súng ngắn của tên sĩ quan chĩa vào người, lão vẫn chưa tỉnh ngộ “Nòng súng ngắn của sư trưởng chĩa thẳng vào ngực Mã Đại Câu. Mã Đại Câu quay đầu dịnh chạy. Nhưng lão đã quay tròn, y như người say thuốc, có điều là mệt lắm, mệt bã cả người. Tuy vậy lão vẫn cố gào: - Ngộ là người Hán tây. Ngộ là người Hán tây. Ngộ gốc ở bên Tàu tây…”[35, tr.57]. Lão chết mà vẫn không thoát khỏi sự lầm lạc, tăm tối, chẳng hiểu chuyện gì xảy ra. Lão bị lừa mà vẫn chưa ngộ được một điều giản dị: “Ngu đần mà sống với hiền từ, lương thiện thì quá lắm cũng chỉ làm cho người ta bực mình thôi, chứ ai giết lão làm gì!”[35, tr.57].
Ở truyện “Trung du, chiều mưa buồn”, nhà văn đã bộc lộ những suy nghĩ khắc