Con người cải biên thực tại, vượt lên thế sự

Một phần của tài liệu Sự vận động trong truyện ngắn ma văn kháng (Trang 65 - 70)

7. Bố cục của luận văn

2.2.2. Con người cải biên thực tại, vượt lên thế sự

Giai đoạn 1945 – 1975, với cảm hứng sử thi đầy màu sắc lãng mạn, văn học ngợi ca những con người với tính cách dường như hội tụ đầy đủ những phẩm chất cao quý của cộng đồng. Họ đại diện cho giai cấp, cho dân tộc. Sau khi đất nước được giải phóng, văn học đã bắt đầu có sự mở rộng quan niệm về hiện thực rồi dần dần dịch chuyển từ cảm hứng sử thi sang cảm hứng thế sự đời tư. Trong cảm hứng đó, các sáng tác của Ma Văn Kháng đã có sự cảm nhận đời sống và con người trên những tọa độ mới, với những cung bậc mới phong phú và đa dạng hơn.

Trong truyện ngắn Ma Văn Kháng, ông thường đặt nhân vật vào những tình huống, hoàn cảnh éo le để nhân vật lựa chọn cách sống của mình. Nhà văn thường tạo ra tình huống lựa chọn để nhân vật hành động, cải biến thực tại. Một số nhân vật sống hồn nhiên theo lẽ đời, tin ở nghị lực bản thân. Dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng họ không bao giờ chịu khuất phục trước những bất hạnh mà mình gặp phải. Sống trong hoàn cảnh gia đình với mối quan hệ mẹ ghẻ con chồng, bị hắt hủi tệ bạc, nhưng Kiểm đã không bị hoàn cảnh chi phối: “Chú bé ấy có khả năng tự biểu hiện sâu sắc. Nhưng, nó không làm cho Tư kinh sợ vì sự không ngoan, lọc lõi. Nó không chai lì, không tàn nhẫn. Bị vùi dập và dồn vào cảnh sống thiếu thốn cả vật chất lẫn tình cảm, nó vẫn giữ được một khoảng cách, chưa đồng hóa với cái xấu, chưa mặc nhiên công nhận cái xấu như là một chuyện tất nhiên”(Kiểm - chú bé – con người) [23, tr.288].

Chú bé phải lựa chọn cho mình một con đường: Tiếp tục sống với dì ghẻ trong sự ghẻ lạnh đọa đày hay là bỏ nhà ra đi để tạo lập cuộc sống. Và cuối cùng, Kiểm đã bỏ đi nhưng không phải là đi hoang mà đi Lào Cai để lập thân bằng học tập và lao động.

Lão Xuyển trong truyện ngắn “Đỉa bám chân ai”khiến người ta khâm phục. Ca đời lão nghiện thuốc phiện làm khổ vợ con, tưởng chừng như sẽ không bao giờ bỏ được. Nàng tiên nâu đã tàn phá cơ thể lão đến thân tàn ma dại: “Cái sọ thì to, con mắt thì lồi. Mặt như quả trám héo, tai như cái mộc nhĩ khô. Mồm giống mồm con khỉ. Chân tay là những lóng sậy khô chắp lại. Diện mạo, vóc dạc dị mọ như làm từ cái khuôn hình quỷ quái, phi thời gian. Đã thế lại bốc mùi ngai ngái, nên có người bảo: “Xương cốt lão giá đem nấu lên cũng thành xái thuốc phiện mất”. Nghĩa là khói thuốc đã ngấm nghía vào tận da thịt, lục phủ ngũ tạng xương tủy lão, vào tận tâm tính lão. Xưa, lão hồn nhiên, trong trẻo như chú chim họa mi, nay lão như con quạ già, thẩm

lẩm kì cục, quái dị khác thường!”[35, tr.113]. Nhờ nghị lực, lão quyết tâm cai nghiện dù đau đớn về thể xác, bức bối về tâm hồn. Lão tự đóng một chiếc cũi với niềm tin nó sẽ giúp lão chế ngự được những cơn thèm thuốc và cai nghiện để xứng đáng với sự hi sinh của anh công an xã Thào A Sẩu: “Lão Xuyển đã chui vào cũi, bấm khóa gang và rút chìa, ném tọt xuống ao. Lão Xuyển chui vào cũi tự nhốt mình”. Ta khâm phục và trân trọng ý chí và nghị lực của lão trong sự tự khổ hành đầy đớn đau: “Đã qua cả một ngày đêm dài lão không hút một hơi thuốc rồi còn gì. Nên bây giờ cơn đói, cơn thèm mới ù ập tới như bão rừng, như lũ quét. Thoạt đầu là lão ngáp. Ngáp đến rách mép ra. Rồi lão thở hổn hễn. Rồi lão nuốt nước bọt ừng ực. Rồi lão lại lăn trên sàn cũi ôm bụng và bắt đầu rên la (…) Trong giây phút lão Xuyển chẳng còn là lão Xuyển, chẳng còn là con người nữa rồi. Mắt lão đỏ ké. Rớt dãi nhễu ra hai bên mép. Lão nhe răng gầm ghè rồi bất chợt chồm dậy, há miệng ngoạm răng vào cây chấn song (…), lão lăn kềnh ra mặt cũi, rồi cứ thế hai bàn tay xòe đủ mười ngón, lão liên hồi cào cấu vào mặt, vào ngực, bụng, chân tay mình cho kỳ rách nát mới thôi. Lão ngứa như điên dại (…). Lão dựng người lên kêu trời, rồi lăn ra đất, vật vã mình mẩy như con trăn bị ong đốt. Trời, lão kêu khắp người lão đau nhức, tựa như có cả ngàn con dòi, con bọ, con vắt, con đỉa đang bò, đang rúc rỉa trong lồng xương ống máu lão, nó cắn rứt, nó đục, nó hút tủy lão”[35, tr.120]. Lão cố gắng trở thành một con người tốt. Lão nhìn nhận lại chính mình, chế ngự được thói xấu mà lão từng sa ngã một cách dũng cảm, kiên cường: “Nhìn lão Xuyển tự nhốt mình trong cũi, do vậy ta không thấy lão là kẻ yểu nhược, trái lại, ta có cảm giác lão giống như một chiến binh thời cổ đại tự xích chân vào cỗ súng đại bác để đối mặt với kẻ thù (…) Nhìn lão Xuyển tự nguyện làm kẻ khổ hành, ta nhận ra đó là sự thức tỉnh của con người, khi họ nhận ra họ là một thực thể bị ly cách, bị cô lập và để trở lại với cộng đồng, họ phải thực hiện sự tự gột rửa thanh lọc bản thân mình”[35, tr.121]. Nhà văn muốn thức tỉnh con người. Con người cần có nhu cầu tự sám hối, tự nhìn nhận lại mình, vươn tới hoàn thiện về nhân cách. Quan niệm ấy đã thể hiện chiều sâu nhân bản.

Ma Văn Kháng có phần ưu ái với kiểu nhân vật vượt lên thế sự này. Họ luôn hướng về chân, thiện, mỹ; sống và hành động theo tiếng gọi của cái đẹp. Các nhân vật đối nhân xử thế trên cơ sở cái đẹp của tính người và tình người để vượt lên trên những thói thường của cuộc đời vốn đa đoan đa sự. Có thể khẳng định, bao giờ cũng vậy, hạnh phúc lớn lao đích thực của con người nói chung và người trí thức chân chính nói riêng là được tự do theo đuổi sự nghiệp mình đã lựa chọn và đam mê suốt đời. Cuộc đời họ sẽ có ý nghĩa đích thực khi được thỏa mãn trong sự tìm tòi, sáng tạo. Nhưng hầu hết những nhân vật trí thức trong truyện ngắn Ma Văn Kháng lại đều bị rơi vào những bị kịch bởi sự chà đạp và vùi dập của những kẻ nắm quyền hành. Tuy nhiên, dù

cay đắng thế nào, họ vẫn không hề hoang mang khụy ngã mà luôn bản lĩnh vững vàng, kiên định trước những biến cố cuộc đời. Điều đặc biệt, khi sáng tạo về nhân vật người trí thức, nhà văn đã khám phá ra cái hồn cốt của bản chất kẻ sỹ trong nhịp sống hối hả đương đại. Ông Thại trong truyện “Tóc huyền màu bạc trắng”đã vượt lên trên tất cả những oan uẩn của “một đời người dằng dặc những tai biến, oan khổ, đau đớn hơn hai chục năm liền”để “biết cách sống trong những hoàn cảnh khủng khiếp nhất”. Hơn hai mươi năm trong tù là những tháng ngày ông tìm cách ứng xử uyển chuyển để tránh những sự hành hạ, đòn roi vô lý, để vẫn giữ được cốt cách của một người chính trực. Khi trở về với cuộc sống bên ngoài, nhận ra sự phi lí, mong manh là vốn dĩ cuộc đời, ông chẳng thèm bận tâm nữa. Ông vẫn giữ cách sống nề nếp, đàng hoàng, phong lưu của bậc chính nhân quân tử. Còn thầy Khiển trong truyện cùng tên là một nhà giáo uyên bác, say mê với nghề. Nhưng số phận thầy thật trớ trêu. Thầy bị hai anh em Chiên và Sự tìm mọi cách hãm hại. Dù vậy, thầy vẫn sống ung dung, đĩnh đạc vượt lên sự ghen ghét đố kị để sống ngoài vòng cương tỏa bằng tài hoa tài tử của mình:

“Thầy vẫn một phong thái tề chỉnh, đàng hoàng, vô tư, hồn nhiên, không thiện không ác, như bẩm sinh tính người. Mỗi giờ dạy của thầy vẫn đều đặn là một dịp thầy phát tiết anh hoa”[33, tr.374]. Thầy vượt lên hoàn cảnh, sống an nhàn thanh đạm với thú vui chơi cây cảnh cùng sự thành đạt của con cái. Thầy vẫn vui vẻ sống như một dòng nước trong. Viết về những người trí thức, Ma Văn Kháng không viết về những con người có tư tưởng lớn làm đổi thay cả nhận thức thời đại mà chủ yếu viết về những người lao động trí óc như nhà văn, nhà giáo, nhà báo, cán bộ nghỉ hưu…Họ là những con người có tâm, có tài và giàu lòng tự trọng. Họ luôn khát khao hướng tới chân, thiện, mĩ và không bao giờ bán rẻ lương tâm vì đồng tiền, không chịu buông xuôi chấp nhận thói đời đen bạc. Dẫu rằng, những con người tài hoa gặp nhiều bi kịch nhưng các nhân vật này không chết chìm trong sự vùi dập của số phận mà luôn có những hành động chống trả số phận quyết liệt. Bằng sự vận động trong tư duy và quan niệm mới về con người, nhà văn đã có cách nhìn mới về người trí thức. Không chỉ phát họa về nỗi đau thân phận một cách u ám, ông còn cho thấy được bản lĩnh vượt lên thế sự trong hoàn cảnh bi đát nhất để người đọc thấy được một bức chân dung tinh thần tươi sáng và đầy hy vọng. Dù chịu nhiều ganh ghét, tị hiềm của những con người xấu xa, của thói thế tục thường tình quen đố kị thì họ vẫn giữ cốt cách vững vàng, không thể chuyển lay. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn không bao giờ thay đổi nhân phẩm tốt đẹp của mình, khí tiết vẫn ngời sáng vẻ thanh cao. Trước những thăng trầm của số phận, họ vẫn ung dung tự tại và biết vượt lên trên bi kịch cuộc đời. Qua chân dung này, Ma Văn Kháng như muốn đặt ra những yêu cầu mới cho người trí thức trong cuộc sống. Ông không hề khiến người đọc bi quan bởi hầu hết họ không bị khuất phục trước

sự vùi dập của số phận mà luôn có những hành động chống trả số phận để khẳng định bản thân. Ngoài tài năng và nền tảng đạo đức vững chắc, họ cần có bản lĩnh vững vàng trước những tác động tiêu cực của xã hội, dám đứng lên đấu tranh đến cùng với những cái xấu, cái tiêu cực. Với hình tượng này, Ma Văn Kháng đã đề cập đến vấn đề có tính chất xã hội và thời đại, đây là nét mới trong ngòi bút của ông.

Khảo sát các tác phẩm của Ma Văn Kháng, ta nhận thấy các nhân vật thường rơi vào những trắc trở và bất công. Nhà văn luôn hướng họ đến việc tự ý thức vượt qua những rào cản vô lí của cái xấu, cái tráo trở trong xã hội để cải biên thực tại, vượt lên thế sự, hướng tới những căn cốt, nền tảng của đạo lý, văn hóa làm nên cốt cách đầy giá trị nhân bản. Đặc điểm này dễ nhận thấy ở nhân vật người phụ nữ trong một số truyện của ông. Họ dám hành động mạnh mẽ để cải tạo hoàn cảnh. Với cá tính sắc sảo khôn ngoan, thông minh và nhân hậu. Tuy gặp phải hoàn cảnh éo le, bất hạnh nhưng ở họ luôn tiềm tàng một nghị lực sống phi thường, một khát vọng vượt lên số phận. Mỗi nhân vật đều có cuộc đời riêng, nhưng đặc điểm chung là họ phải vật lộn mưu sinh tủi cực. Đối với Xuân, một chốn nương thân trong thời buổi khốn khó là một điều xa xỉ:

“Xuân là một người phụ nữ đẹp, một người đàn bà hơn bất cứ phụ nữ nào. Y sinh ra trong một gia đình công nhân nghèo. Y quen sống trong nghèo khổ. Lương thấp, nhà ở chật chội, y sẵn sàng chịu đựng. Đức nhường nhịn, hy sinh của y ít người bằng, đặc biệt là trong sự cam chịu thói cay độc, tai quái của mẹ chồng ở độ tuổi trái tính và thằng em chồng, hang ổ của muôn điều uất ức. Nhưng y nhịn nhục là để âm thầm hướng về một khát khao giải tỏa. Y là đàn bà. Y không ước muốn cao xa đâu. Một đời sống tạm đủ thôi. Đã bao lần y khóc thầm cay đắng. Y chỉ mong có được một túp lều nhỏ của riêng, hoặc một góc buồng nhỏ riêng tư thôi. Y chỉ mong những điều kiện ăn ở tối thiểu”[34, tr.83]. Để hiện thực hóa ước muốn của mình, Xuân đã phải chạy vạy ngược xuôi xin cơ quan cấp cho nhà ở , tích cực, chủ động còn hơn cả anh chồng nhà báo Huấn. Thậm chí, khi cần, chị sẵn sàng mạnh dạn đương đầu với bà trưởng phòng, không để bà xỉ nhục. Để kiếm thêm chút tiền cải thiện cho sinh hoạt gia đình, chị đi bán thuốc lá ở công viên vào buổi tối. Phải thừa nhận “Xuân là sự can đảm đương đầu, là cội nguồn của cái đẹp. Xuân không đầu hàng. Xuân hóa thân để dành giật”[34, tr.92]. Xuân dám đương đầu, dám giành giật để thoát khỏi cảnh sống chật chội, bế tắc. Cô đã hành động quyết liệt để thoát khỏi cảnh sống tù túng. Ma Văn Kháng thường đi sâu khám phá vẻ đẹp của lòng nhẫn nại, đức hi sinh và tình yêu thương chồng con của người phụ nữ. Người phụ nữ trong truyện “Nợ đời”, khi cần phải cứu chồng ra khỏi cơn tuyệt vọng, cứu sự nghiệp và sinh mạng của chồng, chị sẵn sàng hiến thân, dám hy sinh cả phẩm hạnh của mình. Bên cạnh đức hi sinh, người phụ nữ trong truyện của ông bao giờ cũng tràn đầy sức sống. Trong truyện “Miền an

lạc vĩnh hằng”, bà Sẹc là một người phụ nữ giỏi giang: “Cô tôi cả đời thua thiệt nhưng luôn nín nhịn, hỉ xả, trọn vẹn nghĩa tình. Cô chăm chỉ, chịu thương chịu khó, việc thổ mộc, nhỏ như cắt cỏ, đánh gianh, lớn như cuốc cày, trồng tỉa, chăn nuôi, thảy đầu thông thuộc, giỏi giang”[33, tr.270]. Nhưng bà lại có số phận trớ trêu, bị nỗi đời éo le đày đọa. Bà bị những kẻ phản trắc lợi dụng, vu oan khiến bà phải rời bỏ cơ quan, bỏ biên chế ra đi. Song bà không hề gục ngã trước đau thương mà vẫn can đảm sống và cống hiến cho tập thể. Bà đương đầu với những kẻ đặt điều thị phi nhằm bôi nhọ hãm hại bà.

Trong mô típ nhân vật người phụ nữ dám đương đầu với hoàn cảnh để mong sao khắc phục được những trở ngại gặp phải còn có cô vợ của Luyến trong truyện Mất điện. Qua những câu chuyện vặt vãnh xoay quanh các tình huống bình thường trong đời sống thường nhật, ta thấy được tinh thần và thái độ sống trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Trong khi người đàn ông như Luyến tìm cách lảng tránh việc sửa điện thì vợ anh lại chủ động tham gia việc này, đã thế lại còn dám đương đầu với thằng điên mà cả khu tập thể đều sợ. Chị luôn gắng gỏi trong mọi công việc, kể cả những việc thường không dành cho phái nữ: “Vợ Luyến không phải là kĩ sư, cũng không phải là công nhân ngành điện, chị chỉ là thợ nấu luyện ở xí nghiệp cao su thành phố. Nhưng điều đó chẳng có gì là hệ trọng. Đã là thợ tất có dính đến cơ khí, đến điện, hay ít nhất cũng hơn mấy anh văn phòng bàn giấy. Mấy bà cùng tầng nghĩ vậy và tin chắc là đúng vì chứng cớ là đã thấy vợ Luyến một buổi dựng ngược cái xe đạp ở ngoài hành lang, tháo trục giữa, thay ổ bi, đục líp, chữa râu tôm, đổi săm lốp, nghĩa là đại tu cả cái xe đạp”[23, tr.269]. Những giọt nước mắt của Luyến ở cuối truyện là minh chứng cho sự chiến thắng của con người đối với thói trì trệ, hèn nhát của bản thân. Nhìn nhận khái quát, nhiều nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Ma Văn Kháng phần nào cho thấy họ là những con người của thời đại mới, dám đương đầu, đấu tranh với hoàn cảnh, số phận để làm chủ cuộc đời. Nhà văn đã bộc lộ sự trân trọng và ngợi ca phẩm cách của họ. Đây là điểm đáng quý, thể hiện chiều sâu nhân bản của cây bút này.

Trong các truyện ngắn, dù miêu tả con người ở góc độ nào chăng nữa, Ma Văn Kháng cũng luôn hướng về bản chất tốt đẹp của con người. Cuộc đời đầy những thăng

Một phần của tài liệu Sự vận động trong truyện ngắn ma văn kháng (Trang 65 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)