Cơ sở xây dựng kiến nghị khuyến nghị

Một phần của tài liệu Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (Trang 132 - 136)

7. Cơ cấu của luận án

4.1.1. Cơ sở xây dựng kiến nghị khuyến nghị

Quyết định số 880/QĐ-TTg, ngày 09/6/2014 Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Quyết định số 879/QĐ-TTg, ngày 09/6/2014 Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với những nội dung chủ yếu sau:

Với quan điểm: Phát triển công nghiệp tỉnh Phú Thọ phù hợp với Quy hoạch phát triển KTXH và Quy hoạch phát triển các ngành kinh tế của tỉnh, của Vùng và cả nước, đồng thời gắn với tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, lấy mục tiêu phát triển công nghiệp là động lực quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ và phù hợp với thế mạnh kinh tế của địa phương. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản lý, điều hành ngành công nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp có sức cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ, gắn với sản phẩm công nghiệp có hàm lượng chế biến sâu, giá trị gia tăng cao. Định hướng cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất công nghiệp tập trung trong các khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch, ưu tiên phát triển công nghiệp sạch và thủ công mỹ nghệ gắn với dịch vụ, du lịch, nông nghiệp và sinh thái, gắn mục tiêu phát triển công nghiệp phải chú trọng đến các yếu tố bảo vệ môi trường và phát triển bền vững và giải quyết các vấn đề xã hội.

Định hướng phát triển công nghiệp tỉnh Phú Thọ: Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp và đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; thân thiện với môi trường. Ưu tiên các ngành, sản phẩm công nghiệp mà tỉnh có vùng nguyên liệu và thị trường truyền thống như: chế biến chè; chế biến giấy; bia; phân bón; VLXD; dệt may-da giày; chế biến gia súc, gia cầm. Khuyến khích và thu hút các dự án có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng lớn như: cơ khí lắp ráp, cơ khí nông nghiệp, điện tử, công nghiệp phụ trợ, chế biến gỗ, sản xuất VLXD, dệt may cao cấp, thực phẩm đồ uống. Chú trọng phát triển các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề để

đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp ở nông thôn nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của trung ương về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch để thu hút mạnh đầu tư tăng tỷ lệ lấp đầy. Chú trọng phát triển công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp phục vụ sản xuất và chế biến trong nông nghiệp ở vùng nông thôn. Hạn chế phát triển công nghiệp ở bên ngoài các khu, cụm công nghiệp.

Đối với các ngành công nghiệp có nguy cơ ảnh hưởng và tác động mạnh đến môi trường như chế biến khoáng sản, hóa chất, dệt nhuộm... không thu hút đầu tư bằng mọi giá nếu các dự án đầu tư không đáp ứng đủ các điều kiện về môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong quá trình sản xuất cần kiểm soát nghiêm ngặt về việc tuân thủ các quy định môi trường, chất thải... nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực mang lại.

Tập trung đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trọng điểm làm hạt nhân phát triển như: Phú Hà, Cẩm Khê, Trung Hà, Phù Ninh... Hình thành các vùng, hành lang kinh tế công nghiệp để tạo dựng mối liên kết giữa vùng nguyên liệu chế biến với cơ sở sản xuất.

Tranh thủ tối đa việc tiếp nhận thiết bị và công nghệ tiên tiến; kiên quyết ngăn chặn việc nhập công nghệ lạc hậu, hao phí nhiều năng lượng và gây ô nhiễm. Thông qua đổi mới công nghệ, chuyển từ sản xuất và xuất khẩu sản phẩm thô sang chế biến và xuất khẩu sản phẩm tinh, sản xuất hàng thay thế nhập khẩu.

Từng bước chuyển dịch các ngành công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi thành phố, thị xã và khu đông dân cư; doanh nghiệp nhỏ, công nghiệp sử dụng nhiều lao động về địa bàn nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động giữa các vùng; thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.

Trong quá trình phát triển, công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cần sự phối hợp với các địa phương xung quanh, nhằm hạn chế tình trạng cục bộ, đầu tư chồng chéo, cạnh tranh không cần thiết làm triệt tiêu nội lực phát triển của các địa phương trong Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Nhóm ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm gắn với vùng nguyên liệu tập trung và gắn với xây dựng nông thôn mới cần được đặc biệt ưu tiên phát triển làm cơ sở vững chắc để thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp nông

thôn, giúp chuyển dịch cơ cấu lao động tại chỗ, giải quyết việc làm và thu nhập, dần xóa bỏ khoảng cách giữa thành thị và nông thôn...

Bên cạnh các định hướng phát triển công nghiệp, nhà nước cũng có rất nhiều các quy định nhằm bảo vệ người lao động, coi bảo vệ người lao động là nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất của luật pháp về lao động. Ngay từ những năm đầu khi phát tiển nền kinh tế thị trường Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương “ phải tăng cường bảo vệ người lao động, trọng tâm là ở các doanh nghiệp”. Tại hiến pháp 1992 đã có những quy định ghi nhận sự bình đẳng bảo vệ người lao động (Điều 3 và Điều 56). Bộ luật Lao động năm 1994 và năm 2012 đều có những quy định cụ thể hoá nguyên tắc bảo vệ người lao động trên các khía cạnh cụ thể: Bảo vệ việc làm cho người lao động (Điểm a, Khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động năm 2012), bảo vệ quyền được trả lương theo thoả thuận (Khoản 3, điều 90 và Điều 96 Bộ luật Lao động năm 2012), bảo vệ quyền được thành lập, gia nhập hoạt động công đoàn (Điều 190, Bộ luật Lao động năm 2012), bảo vệ quyền nhân thân của người lao động.

Trong phát triển công nghiệp bảo vệ môi trường luôn là vấn đề nóng bỏng. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của đất nước, của nhân loại, là nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc, gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hoà bình và tiến bộ xã hội trên phạm vi toàn cầu. Từ sau Đổi mới (1986), thực hiện chủ trương công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhiệm vụ bảo vệ môi trường luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng và được xác định là một trong ba trụ cột trong tiến trình phát triển nhanh và bền vững của nước ta. Hệ thống quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường đã được hình thành và phát triển, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, được thể hiện qua văn kiện Đại hội Đảng, các chỉ thị, kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về bảo vệ môi trường.

Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng xác định rõ phát triển các ngành kinh tế và bảo vệ môi trường: Nông - lâm - ngư nghiệp phát triển theo hướng kinh tế hàng hoá, gắn với công nghiệp chế biến, đáp ứng nhu cầu trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, phát huy lợi thế sinh thái, bảo vệ môi trường và tài nguyên. Ngày 25 tháng 6 năm 1998, Đảng ban hành Chỉ thị số 36/1998/CT-TW về "Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Đây là lần đầu tiên Đảng ban hành chỉ thị về bảo vệ môi trường, đã đề ra 4 quan điểm cơ

bản: "Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; Bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Coi phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm là nguyên tắc chủ đạo kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; Kết hợp phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững".

Đại hội toàn quốc lần thứ IX, Nghị quyết của Đảng tiếp tục nhấn mạnh quan điểm bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững. Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 15/11/ 2004 của Bộ chính trị (khóa IX) về "Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước". Ngày 3/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 24- NQ/TW "Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý nguyên và bảo vệ môi trường" khẳng định, bảo vệ môi trường là vấn đề mang tính toàn cầu, vừa là mục tiêu, vừa là nội dung cơ bản của sự phát triển bền vững, đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững.

Bên cạnh đó là các quan điểm, chính sách của nhà nước về phát triển bền vững như: Định hướng Chiến lược phát triển bền vững Việt Ntyam (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam) tại Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2004. Phát triển bền vững trở thành quan điểm xuyên suốt trong chính sách của Đảng, Nhà nước và đã được lồng ghép trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015 và 2016 - 2020. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 (Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2012).

Tháng 9 năm 2015, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững, các quốc gia trên thế giới đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu về phát triển bền vững. Nhằm cụ thể hóa Chương trình nghị sự 2030 tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017), trong đó đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể. Nhằm cụ thể hóa các mục

tiêu, chỉ tiêu về phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2019 về lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.

Tất cả những định hướng phát triển công nghiệp, những văn bản chỉ đạo và định hướng phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường như trên là cơ sở giúp NCS hình thành các kiến nghị và khuyến nghị cho luận án này.

Một phần của tài liệu Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (Trang 132 - 136)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(198 trang)
w