7. Cơ cấu của luận án
2.1.2. Nội dung trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Cũng giống như khái niệm, nội dung TNXHDN thay đổi theo thời gian và còn rất nhiều tranh cãi, điều này được thể hiện ở quan điểm rất khác nhau của các nhà nghiên cứu theo thời gian, cụ thể:
(i) Quan niệm truyền thống hay của trường phái cổ điển cho rằng trách nhiệm xã hội cuối cùng
của DN là tối đa hóa lợi nhuận và tạo ra giá trị cho các cổ đông trên cơ sở thực hiện kinh doanh có đạo đức và tuân thủ pháp luật. Đại diện tiêu biểu cho quan điểm này là Milton Friedman (1970). Những người ủng hộ Friedman và trường phái này cho rằng các DN không phải chịu trách nhiệm về toàn bộ xã hội, mà chỉ có các cá nhân mới phải chịu trách nhiệm này, trong khi các DN chỉ có TNXH duy nhất là kinh doanh và sử dụng các nguồn lực của mình trong quá trình hoạt động để gia tăng lợi nhuận trong khuôn khổ của pháp luật, không có lừa dối và gian lận.
Theo quan điểm truyền thống thì khía cạnh tài chính dường như là động lực duy nhất để phát triển DN. Nếu cùng một lúc các nhà lãnh đạo phải thực hiện hiện hai trách nhiệm là vừa đạt được lợi nhuận, vừa đáp ứng được các TNXH thì rất có thể sẽ tạo ra sự mâu thuẫn về quyền lợi và tiềm tàng nguy cơ xung đột về lợi ích giữa các bên liên quan, dẫn đến sự sụp đổ DN. Do đó, mục tiêu duy nhất của DN là tìm kiếm lợi nhuận cho các cổ đông mà không cần quan tâm đến các vấn đề xã hội đang cần. Quan điểm trên, ngày nay không còn được quan tâm và ủng hộ do sự thay đổi chính sách phát triển kinh tế của thế giới và lợi ích chung của loài người, đặc biệt là với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp như ngày nay trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Hiện nay, ngoài trách nhiệm chính là tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư và chủ sở hữu thì các DN còn phải thực hiện các trách nhiệm khác đối với xã hội. Dođó, khái niệm TNXHDN đã được mở rộng vượt ra khỏi trách nhiệm về kinh tế.
(ii) Theo quan điểm hiện đại, một số nhà nghiên cứu đã giới thiệu ý tưởng về TNXHDN của những
người kinh doanh ở phạm vi rộng hơn. Trong giai đoạn này các nhà nghiên cứu cho rằng TNXHDN là bổn phận đối với môi trường, các nhóm lợi ích và bổn phận về tài chính. Trong đó, các nhóm lợi ích bao gồm: các nhà đầu tư, nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp, chính phủ, các hiệp hội thương mại, các nhóm bảo vệ môi trường [49]. Đồng quan điểm này, rất nhiều nhà nghiên cứu đã tiếp cận theo các khía cạnh khác nhau của TNXHDN. Tiêu biểu phải kể đến đó là các nghiên cứu của tác giả Archie Carroll (1999); R.Edward Freeman (1984); Baron (1995);
Theo Carroll, các DN là những tác nhân kinh tế được tạo ra với mục đích cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng. Vì vậy, lợi nhuận là mục tiêu đầu tiên, các trách nhiệm sau đó đều dựa trên trách nhiệm này. Đây là một mô hình có tính toàn diện và được sử dụng rộng rãi trong nhiều nghiên cứu ngày nay. Trong đó:
Trách nhiệm kinh tế - tối đa hóa lợi nhuận, cạnh tranh, hiệu quả và tăng trưởng là điều kiện
tiên quyết bởi DN được thành lập trước hết vì mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận của chủ sở hữu, các trách nhiệm còn lại đều phải dựa trên ý thức trách nhiệm kinh tế.
Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Các DN có trách nhiệm thực hiện luật pháp. Trách nhiệm kinh tế và pháp lý là hai trách nhiệm không thể thiếu với việc thực hiện TNXHDN.
Trách nhiệm đạo đức là những quy tắc, giá trị được xã hội chấp nhận nhưng chưa có trong luật pháp. Ngoài việc thực hiện các trách nhiệm pháp lý được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật thì DN cần phải thực hiện các cam kết ngoài luật. Trách nhiệm đạo đức là tự nguyện nhưng lại là trung tâm của TNXHDN. Trách nhiệm từ thiện là những hành vi của DN vượt ra ngoài sự mong đợi của xã hội như quyên góp, ủng hộ cho người yếu thế, tài trợ học bổng, đóng góp cho các dự án cộng đồng,. Trách nhiệm này khác trách nhiệm đạo đức là DN hoàn
toàn tự nguyện khi thực hiện từ thiện. Nếu chưa thực hiện đến trách nhiệm này các DN vẫn được coi là đáp ứng đủ các chuẩn mực mà xã hội mong đợi.
Nhược điểm của mô hình này là các trách nhiệm dường như được xếp theo thứ bậc từ thấp đến cao, trong khi đó trên thực tế các trách nhiệm vẫn có thể lồng ghép, cùng thực hiện với nhau tại một thời điểm.
(iii)Theo quan điểm các bên liên quan: Các bên liên quan được R.Edward Freeman (1984) nhắc
đến lần đầu tiên trong cuốn sách “Quản trị chiến lược: Cách tiếp cận các bên liên quan” (Strategic Management: A Stakeholder Approach), theo đó các bên liên quan là “các cá nhân hoặc nhóm có thể tác động hoặc bị tác động bởi việc hiện thực hóa sứ mệnh của một tổ chức”
Freeman chia các bên liên quan thành hai nhóm chính là nhóm liên quan chủ yếu và nhóm liên quan thứ yếu. Nhóm liên quan chủ yếu gồm có: Khách hàng, nhà cung cấp, người lao động, các nhà tài trợ, cộng đồng. Nhóm liên quan thứ yếu gồm: Chính phủ, các đối thủ cạnh tranh, nhóm ủng hộ người tiêu dùng, nhóm có lợi ích đặc biệt, giới truyền thông. Mối quan hệ giữa các bên hữu quan không phải bất biến mà mang tính chất động, có thể thay đổi theo thời gian. Dựa trên lý thuyết của Freeman, Baron (1995) đã chia các bên liên quan thành hai nhóm, được gọi là thị trường và phi thị trường. Nhóm thị trường gồm: Khách hàng, đối thủ cạnh tranh, người lao động, đối tác và nhà cung cấp; nhóm phi thị trường gồm: Các tổ chức phi chính phủ, chính phủ, nhà quản lý, môi trường, giới truyền thông, xã hội hoặc cộng đồng. Cả hai nhóm này đều có ảnh hưởng đến các cấp độ khác nhau về áp lực hoặc động cơ TNXHDN cụ thể: Chính phủ, các cơ quan nhà nước, các cổ đông của công ty có ảnh hưởng đến việc ban
hành các quyết định của công ty; các đối tác kinh doanh, người lao động giúp DN đạt những mục tiêu của mình; cộng đồng, giới truyền thông và các đối tượng khác ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của DN [38]. Clackson cho rằng, các bên hữu quan có thể yêu cầu hoặc thực hiện quyền sở hữu đối với DN và ảnh hưởng tới các hoạt động trong quá khứ, hiện tại và tương lai [49]. Kotler và Lee lại cho rằng theo khái niệm tiếp thị xã hội, các nhà tiếp thị nên cân nhắc ba yếu tố khi đưa ra chính sách marketing: Lợi nhuận của công ty, mong muốn của người tiêu dùng và lợi ích của xã hội [80].
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, thuật ngữ TNXHDN đã được công nhận và ủng hộ ở hầu hết các tổ chức, tuy nhiên không có sự nhất trí chung nào về khái niệm và lý thuyết về TNXHDN, điều này đã tạo ra các rào cản cho các tổ chức tiếp cận các cơ hội và thách thức do TNXHDN mang lại. Secchi (2007) cho rằng "cần có những nỗ lực mới hơn để giảm sự không đồng nhất giữa lý thuyết và cách tiếp cận TNXHDN" [104]. Lee (2008) kết luận định nghĩa về TNXHDN đã và đang thay đổi trong ý nghĩa và thực tiễn [86]; nghiên cứu của Salmi Mohd Isa (2012) cho thấy, theothời gian xã hội sẽ thay đổi và yêu cầu về TNXHDN sẽ được đánh giá lại [103].
Với ba quan điểm được trình bày ở trên thì quan điểm thứ 2 và thứ 3 đã được vận dụng được và áp dụng rộng rãi trong DN tại các quốc gia phát triển . Với bối cảnh thực tế tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay và các doanh nghiệp công nghiệp tại Phú Thọ, NCS cho rằng các doanh nghiệp có thể vận dụng theo cả hai quan điểm này. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình các bên liên quan trong việc xây dựng và áp dụng thực hiện TNXH tại DN là phù hơp hơn bởi nó bao trùm tất cả các đối tượng trong xã hội và hướng DN đến phát triển bền vững.