6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu
1.3.2. Đặc điểm ngôn ngữ trong phóng sự Vũ Trọng Phụng
Đặc trưng chính trong ngôn ngữ của Vũ Trọng Phụng là giọng văn trào phúng. Điều này không chỉ thể hiện rõ trong ngôn ngữ tiểu thuyết, truyện ngắn mà còn cả trong các phóng sự. Và đây cũng chính là một trong nguyên nhân để các “tình thái từ” được Vũ Trọng Phụng “ưu ái” sử dụng trong ngôn ngữ phóng sự để truyền tải nội dung, lẫn thể hiện thái độ của ông một cách khách quan, sâu sắc nhất đối với những vấn đề nóng bỏng của xã hội bấy giờ.
37
Ngôn ngữ trào phúng với những từ tình thái đã “sắc thái hóa” giúp các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng không lên án xã hội thối tha với sự tha hóa của những tầng lớp người khác nhau bị đồng tiền chi phối một cách gay gắt, trực tiếp, mãnh liệt như những nhà văn hiện thực phê phán khi ấy. Ngôn ngữ trong các phóng sự của ông đã được “nhúng” qua giọng văn trào phúng, hài hước để nhẹ nhàng, thâm thúy và sâu sắc, cay đắng hơn.
Cũng nhắc thêm, trong một xã hội thực dân nửa phong kiến đầy những bất công mà Vũ Trọng Phụng sống khi ấy, việc sử dụng ngôn ngữ trào phúng để chế giễu những sự “đổi mới” nửa vời, thói rởm đời, những tệ nạn như mại dâm, ma túy,…cũng là một cách hay để các phóng sự của ông có thể dễ dàng tiếp cận với tầng lớp bạn đọc bình dân lẫn trí thức. Việc sử dụng những PTBTTT trong ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả trong các phóng sự đã tạo ra giọng điệu, những tình huống trào phúng trong chính những thiên phóng sự tưởng chừng rất khô khan ấy. Đọc phóng sự của Vũ Trọng Phụng, vì thế, đôi khi, chúng ta như đang đọc một tiểu thuyết chứ không phải là một bài báo theo đúng định nghĩa phóng sự trong báo chí hiện đại bây giờ. Các PTBTTT xuất hiện với mật độ khá dày đặc trong ngôn ngữ nhân vật ở trong các phóng sự khiến các phóng sự phần nào thể hiện tính chủ quan khá nhiều. Nhưng mặt khác, các PTBTTT được sử dụng trong ngôn ngữ nhân vật và tác giả giúp cho nghệ thuật trào phúng trong các phóng sự của ông thăng hoa.
Nhắc đến ngôn ngữ nghệ thuật của văn chương, phóng sự Vũ Trọng Phụng thường chúng ta hay tập trung vào bút pháp “trào phúng” và giọng văn “châm biếm” như một đặc trưng riêng của ông. Trong văn học Việt Nam, thuật ngữ trào phúng được hiểu như giọng văn mang tính trào lộng, khôi hài, châm biếm,…Là cách sử dụng những ngôn ngữ tạo ra tiếng cười mang tính mỉa mai, phê phán, đả kích những cái sai, cái xấu của xã hội và con người trong xã hội đó. Những tình huống mâu thuẫn, bất ngờ, ngôn ngữ, giọng điệu
38
trong tác phẩm sẽ được sử dụng như những “trợ thủ” để gây tiếng cười trào phúng.
Có thể nói, việc vận dụng các PTBTTT trong ngôn ngữ nhân vật đã tạo nên dấu ấn rất riêng trong việc xây dựng nhân vật, sử dụng ngôn ngữ tạo nên giọng điệu, tình huống trào phúng trong phóng sự. Có cảm giác khi đọc phóng sự của Vũ Trọng Phụng, vừa có chút tiểu thuyết, chút tiểu phẩm, nhưng điều quan trọng hơn cả là tác phẩm của ông thấm đẫm sự chua xót, đau đớn vì những sự suy thoái, tha hoá, những éo le của những phận đời khổ cực trong xã hội thời ấy.