4. Lớp chi tiết nghệ thuật “Trăng”
4.3. Trăng và cố hương
Người Trung Quốc có ý thức gia tộc, gia hương rất mạnh mẽ. Đỗ Phủ có câu thơ rằng “Nguyệt thị cố hương minh” (Trăng là ánh sáng quê hương). Lý Bạch vốn mẫn cảm, vậy trăng có thể dẫn tới nhiều tâm tư sâu thẳm trong lòng người, mà hoài niệm về cố hương là một trong những tình cảm sâu nặng nhất. Bài “Tĩnh dạ tư” đã diễn tả tình cảm cố hương nồng ấm đó của Lý Bạch:
“Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương Cử đầu vọng minh nguyệt Đê đầu tư cố hương” (Tĩnh dạ tư) (Đầu giường ánh trăng rọi Ngỡ mặt đất phủ sương Ngẩng đầu nhìn trăng sáng Cúi đầu nhớ cố hương)
(Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh)
Con người sinh ra trong trời đất, và ai cũng vậy, đều có một quê hương- một cái nôi. Nơi ấy, chúng ta cất tiếng khóc chào đời và lớn lên cùng năm tháng. Nhưng vì lý tưởng hay vì cuộc mưu sinh mà không ít người phải ra đi. Song cho dù có đi đâu thì những ấn tượng, những kỉ niệm về những cảnh vật bình dị êm đềm nơi ấy đã in trong trí nhớ tuổi thơ vẫn không bao giờ phai nhạt. Xa quê hương trên bước đường lưu lạc nơi đất khách quê người, có khi nào vô tình gặp lại những cảnh vật quen thuộc nơi quê hương thì lòng người lại dâng trào những cảm xúc bồi hồi tưởng nhớ. Trong thơ Thôi Hiệu (cũng đời Đường) là làn khói trên sông buổi hoàng hôn: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”
Còn ở đây trong thơ Lý Bạch lại là một vầng trăng đang tỏa sáng giữa một đêm khuya yên tĩnh:
Nghi thị địa thượng sương”
Trăng tỏa sáng xuống sông mênh mông trời đất, đến tận bên giường nằm của nhà thơ. Ánh sáng của ánh trăng khiến nhà thơ ngỡ như sương phủ trên mặt đất. Chính sự liên tưởng này làm cho chúng ta cảm nhận rất rõ sự tràn ngập của ánh trăng và tạo ra một ấn tượng: dường như con người bị phong tỏa bởi ánh sáng của trăng. Mỗi cảnh huống, mỗi tâm trạng. Trong thơ Lý Bạch, trăng có khi là người bạn tâm giao cùng chia sẻ nỗi niềm vui buồn bên chén rượu. Còn ở đây, giữa một đêm đầy trăng và yên tĩnh trăng lại đánh thức trong tiềm thức của nhà thơ nững kỉ niệm với quê hương: ngày xưa ông thường ngắm trăng trên ngọn núi Nga Mi nơi quê nhà. Đó là điều chỉ có được trong tâm hồn nhạy cảm của một con người đã xa quê từ lâu:
“Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương”
Nhà thơ sử dụng động từ “vọng” (trông)- chỉ một hành động nhìn đa chiều, mang sắc thái nội tâm, nhìn trăng nhưng cũng nhìn cả vào hồn người: đồng thời tạo ra một cặp đối rất chỉnh (giữa hai tư thế: cử đầu- đê đầu; hai hành động: vọng- tư; hai hình ảnh: minh nguyệt- cố hương) vừa khắc họa rất rõ hình ảnh của nhân vật trữ tình- nhà thơ, vừa thể hiện nỗi nhớ quê hương da diết mạnh mẽ trong lòng ông. Nhưng có gì đằng sau hai tư thế, hai hành động và một tâm trạng kia mà khi đọc hai câu thơ thì lòng ta lại dậy lên những nỗi niềm chua xót, thương cảm đối với thi nhân. Đó chính là một nỗi buồn, nỗi buồn thấm vào từng câu chữ, quyện trong hình ảnh nhà thơ cúi đầu. Nỗi buồn của một con người tha hương mà khi từ quê hương ra đi những mong thực hiện được lý tưởng chính trị, đem tài năng ra giúp nước nhà, mang lại hạnh phúc cho nhân dân; vậy mà đến lúc này vẫn chưa thực hiện được. Ánh trăng trong đêm thanh tĩnh đó là ánh trăng gợi cảm gợi sầu gợi nhớ. Ánh trăng ấy đã đem lại cho thi nhân nỗi cô đơn thắm thiết, nỗi nhớ nhà dằng dặc khôn nguôi. Vì vậy, động tác “Ngẩng đầu nhìn trăng sáng” chỉ trong khoảnh khắc còn nỗi nhớ quê hương trĩu nặng khiến mái đầu cúi xuống “Cúi đầu nhớ cố
hương”. Ánh trăng gợi nhớ đó đã đưa người thơ tìm lại những mảnh ký ức của cố
quận, sông xưa, núi cũ, quê nhà,….