PHONG CÁCH TRUYỆN NGẮN NAM CAO TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

Một phần của tài liệu Khảo sát các đại từ nhân xưng và lớp từ xưng hô trong một số truyện ngắn của Nam Cao (Trang 25 - 29)

THÁNG TÁM

GS. TS Phương Lựu đã nhận định về phong cách như sau: “Phong cách là chỗ riêng độc đáo về tư tưởng cũng như nghệ thuật có phẩm chất thẩm mĩ thể hiện trong sáng tác của những nhà văn ưu tú” (Phương Lựu, 2006 : 86).

Thật vậy, phong cách là cái riêng, độc đáo của mỗi nhà văn. Trong tác phẩm có bao nhiêu yếu tố thì có bấy nhiêu chỗ cho phong cách nhà văn thể hiện. Văn học là nghệ thuật ngôn từ, văn học không đơn thuần chỉ là sự tái hiện cuộc sống. Nhà văn phản ánh hiện thực bằng hình tượng thông qua tác phẩm văn học. Điểm khu biệt giữa văn học so với các môn khoa học khác như lịch sử, triết học là văn học tái tạo cuộc sống bằng hình tượng thông qua cái nhìn chủ quan của nhà văn về hiện thực khách quan. Do vậy, văn học nghệ thuật chính là địa hạt của sự sáng tạo. Chính vì lẽ đó, mỗi văn nghệ sĩ muốn tạo nên tiếng nói riêng trên văn đàn trước hết anh ta phải không ngừng sáng tạo “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra những gì chưa có”. Nhà văn phải nói những điều mà cổ họng người khác không nói được. Hay nói cách khác nhà văn phải tạo cho mình một phong cách trên thi đàn.

Như đã nói, phong cách là lĩnh vực của sự sáng tạo. Vì thế nghiên cứu phong cách của những nhà văn lớn là điều không đơn giản. Nam Cao là nhà văn hiện thực lớn, một nhà nhân đạo sâu sắc nên phong cách của ông cũng đa dạng và phức tạp. Điều này đã được nói nhiều bởi các nhà nghiên cứu, các nhà lý luận. Chúng tôi chỉ xin đề cập đến những phương diện, những nét tiêu biểu có liên quan đến đề tài nghiên cứu.

1. NAM CAO NHÀ VĂN HIỆN THỰC TÂM LÍ SẮC SẢO

Hà Văn Đức cho rằng: “Phong cách nghệ thuật của Nam Cao thể hiện nhiều mặt: Xây dựng hình tượng, kết cấu tác phẩm, ngôn ngữ và đặc biệt là nghệ thuật miêu tả tâm lý – một bút pháp mới mẻ và độc đáo lúc bấy giờ” Hà Văn Đức (2000 : 262). Trong giai đoạn văn học 1930 – 1945, trên thi đàn lúc này đã có một chị Dậu (Tắt đèn – Ngô Tất Tố), một anh Pha (Bước đường cùng – Nguyễn Công Hoan), Nam Cao đến với thi đàn khá muộn mãi đến năm 1941 chúng ta mới có một Nam Cao. Nam Cao không chỉ miêu tả cuộc sống nghèo khổ về vật chất của những người nông dân mà ông còn “mạnh dạn đi theo lối riêng” “khơi nguồn chưa ai khơi”để “sáng tạo những gì chưa có”. Có được điều này là bởi Nam Cao đã xoáy sâu vào mọi ngõ ngách trong tâm hồn con người, chạm vào chỗ tinh vi, mơ hồ, những suy nghĩ có khi bất ngờ và đáng xấu hổ trong tâm hồn nhân vật để phát hiện ra những

biểu hiện sâu kín của thế giới nội tâm nhân vật. Truyện của Nam Cao thường phát triển theo dòng tâm lý, mạch phát triển của tâm lý. Mạch truyện phát triển theo mạch tâm lý, tâm lý diễn ra trước, hành động diễn ra sau kết hợp nhuần nhuyễn, tài tình không hề áp đặt.

Như đã nói, đề tài trong những truyện ngắn của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám là đề tài về người nông dân và người tri thức. Nhân vật được khắc họa một cách sống động, chân thực và gần gũi.

Với mỗi loại nhân vật, Nam Cao đều tìm thấy một tiếng nói riêng phù hợp với tâm hồn và suy nghĩ của nhân vật. Đối với người tri thức, những câu hỏi mà nhân vật đặt ra như một thủ pháp để nhân vật tự bộc lộ tâm trạng và những suy nghĩ của nhân vật về cuộc đời, về nghệ thuật. Còn ở đối tượng nông dân thì thủ pháp ấy có sự thay đổi. Điều đó thể hiện sự am hiểu của Nam Cao về đối tượng nông dân cũng như sự tài tình trong bút pháp miêu tả của nhà văn.Thủ pháp độc thoại nội tâm phải tuân theo cái logic của sự phát triển tâm lý nhân vật, do đó nó đem lại tính chân thực, khách quan cho tác phẩm. Và đây cũng là điểm đặc sắc góp phần tạo nên lối viết và phong cách Nam Cao.

Có thể nói, “Nam Cao đã khắc phục tính phiến diện, đơn giản trong việc miêu tả tâm lý nhân vật. Qua ngòi bút của ông, tâm lý con người được thể hiện một cách phong phú, đa dạng với nhiều sắc thái tinh vi”. (Trần Đăng Suyền, 2004 : 179).

2. LỐI KỂ CHUYỆN MỚI MẺ VỚI GIỌNG ĐIỆU VÀ NGÔN NGỮ MANG TÍNH PHỨC ĐIỆU ĐẶC SẮC VÀ HIỆN ĐẠI TÍNH PHỨC ĐIỆU ĐẶC SẮC VÀ HIỆN ĐẠI

Một đóng góp mới của Nam Cao trong việc cách tân nghệ thuật văn xuôi là ở lối kể chuyện độc đáo, mới mẻ. Câu chuyện được kể không phải chỉ theo một giọng của người kể chuyện mà có sự đan xen nhiều giọng điệu: Khi thì là giọng kể và điểm nhìn của người trần thuật, khi thì tác giả trao điểm nhìn cho nhân vật để nhân vật tự bộc lộ tâm trạng. Trong một tác phẩm có sự đan xen nhiều điểm nhìn, có lúc là điểm nhìn bên ngoài của người trần thuật lại chuyển sang điểm nhìn bên trong suy nghĩ của nhân vật để miêu tả những biểu hiện tinh vi thầm kín đầy phức tạp trong thế giới nội tâm của nhân vật. Tác giả như đứng ra một bên để nhân vật tự nói lên suy nghĩ bằng chính ngôn ngữ và sự suy tư theo ý thức của nhân vật, chứ Nam Cao không áp đặt cho nhân vật bằng ngôn ngữ của chính mình. Do đó ngôn ngữ của nhân vật mang tính cá thể hóa cao. Trong những tác phẩm trần thuật theo quan điểm nhân vật, Nam Cao thường gọi tên nhân vật hoặc gọi bằng đại từ ngôi thứ ba: hắn, y, thị,…và sử dụng rộng rãi lời nửa trực tiếp. Mở đầu tác phẩm, Nam Cao thường bắt đầu từ điểm nhìn khách quan: “Hắn vừa đi vừa chửi, bao giờ cũng

thế, cứ rượu xong là hắn chửi” (Chí Phèo). Nhưng từ điểm nhìn khách quan có lúc nhà văn trao điểm nhìn cho nhân vật để nhân vật tự nói lên tiếng nói bên trong: “Tức thật! Tức thật! Ồ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất!”

Vì ngôn ngữ thể hiện cá tính của nhân vật và ý thức của tác giả chứa đựng trong nhiều điểm nhìn nên ngôn ngữ cũng mang tính phức điệu. Có thể nói, một trong những yếu tố quan trọng tạo nên phong cách của Nam Cao chính là cách sử dụng ngôn ngữ. Ngôn ngữ trong tác phẩm ông mang đậm hơi thở của cuộc sống hàng ngày; tự nhiên, sống động với lối so sánh ví von rất đời thường của người nông dân Bắc bộ.

Trong một tác phẩm văn học có sự đan xen của nhiều giọng điệu tạo nên âm hưởng chung bao trùm lên toàn bộ tác phẩm. Giọng điệu không chỉ bộc lộ tình cảm của nhà văn mà còn quyết định đến việc xây dựng tác phẩm, cách thức xây dựng nhân vật. Đồng thời, giọng điệu cũng góp phần thể hiện tư tưởng nghệ thuật của nhà văn.

Đọc văn Nam Cao ta tưởng chừng Nam Cao không có tình cảm, mọi thứ dường như đều bị bóc trần để chỉ còn lại những gì khô khốc, tàn nhẫn, lạnh lùng đến khắc nghiệt. Tuy nhiên cái giọng điệu khách quan lạnh lùng như tàn nhẫn chỉ là giọng điệu bên ngoài. Còn cái giọng điệu bên trong ẩn sâu dưới lớp vỏ ngôn từ thì không hề dửng dưng, lạnh lùng, tàn nhẫn. Có thể nói, Nam Cao đã “đóng cũi sắt tình cảm” để tạo nên giọng văn khách quan, lạnh lùng. Nhưng, chính trái tim chan chứa yêu thương cùng với sự đồng cảm sâu sắc mà Nam Cao dành cho con người khi đến mức cao trào thì bật ra những lời trữ tình ngoại đề với giọng điệu triết lý, buồn thương chua xót cho số phận của những số kiếp đang mòn mỏi, chết trong lúc sống.

3. KẾT CẤU MỚI MẺ

“Kết cấu nghệ thuật của tác phẩm văn học là cách tổ chức, sắp xếp các yếu tố trong tác phẩm thành một chỉnh thể nghệ thuật” Lê Tiến Dũng (2003: 106).

Với ý thức thường trực của một cây bút luôn “đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”. Trong tác phẩm của Nam Cao, cốt truyện thường được xây dựng trên cơ sở miêu tả những cuộc đấu tranh nội tâm của nhân vật. Sự kiện thường xuất hiện với tư cách là nguyên nhân, nguồn gốc để nhân vật bộc lộ những cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ. Sự vận động của hành động không chỉ diễn ra bên ngoài mà chủ yếu chỉ xảy ra bên trong thế giới nội tâm. Có thể nói,

sáng tác của Nam Cao có sự nới lỏng cốt truyện để cho những chi tiết, những cái vặt vãnh hàng ngày của cuộc sống thường nhật tràn vào tác phẩm.

Đối với Nam Cao, một cây bút luôn đào sâu, tìm tòi, không ngừng sáng tạo cùng với khả năng quan sát, chiêm nghiệm những xung đột trong đời sống và trong thế giới nội tâm con người, thấu hiểu những biểu hiện tinh vi sâu tận ngõ ngách tâm hồn nhân vật, Nam Cao đã tổ chức kết cấu tác phẩm cho phù hợp với mạch vận động tâm lý trong việc khắc hoạ tâm trạng và xây dựng tính cách nhân vật. Chuyện hầu như không có cốt chuyện, truyện được kể chủ yếu theo dòng ý thức tâm lý của nhân vật và chính dòng ý thức này đã thúc đẩy câu chuyện tiến tới. Chính vì vậy, mạch truyện thường chậm rãi, thong dong ít hấp dẫn nhưng đạt đến chiều sâu tâm lý. Đây chính là kết cấu tâm lý trong tác phẩm của Nam Cao. Chính vì câu chuyện được phát triển theo sự phát triển tâm lý của dòng ý thức nhân vật nên mạch tự sự ít đi theo trình tự thời gian. Trong truyện của Nam Cao, câu chuyện thường được kể theo sự đảo ngược trình tự thời gian, từ hiện tại rồi quay về quá khứ và tiếp tục kể câu chuyện xảy ra trong hiện thực rồi kết thúc. Trần Đăng Suyền gọi kiểu kết cấu này là “kết cấu đi thẳng vào vấn đề trung tâm” (Trần Đăng Suyền, 2004). Mặt khác, Nam Cao cũng hay sử dụng và sử dụng thành công kiểu kết cấu vòng tròn (kết cấu đầu cuối tương ứng). Đây là kiểu kết cấu mà phần mở đầu và phần kết thúc của tác phẩm có sự tương ứng với nhau về những hình ảnh, những tình tiết, những sự kiện…

Đọc “Chí Phèo” không ai không bị ám ảnh bởi hình ảnh cái lò gạch bỏ không hiện lên phần đầu tác phẩm gắn liền với Chí Phèo và cũng chính cái lò gạch bỏ không ấy lại thoáng hiện ra trong đầu thị Nở, khi thị Nở nghe tin Chí Phèo chết và thị nhìn nhanh xuống bụng. Như vậy, hình ảnh cái lò gạch bỏ không trong “Chí Phèo” có ý nghĩa đặc biệt. Nó vừa gợi ý nghĩa về sự mở đầu và kết thúc cuộc đời Chí Phèo, vừa dự báo về sự tái sinh Chí Phèo trong xã hội thực dân phong kiến. Đồng thời, nó cũng thể hiện ý nghĩa tố cáo hiện thực xã hội một cách sâu sắc nhất. Ở Nam Cao còn có những tác phẩm mà hệ thống nhân vật được xây dựng trong mối quan hệ đối lập. Nam Cao đã kết hợp giữa mối quan hệ đối chiếu tương phản với mối quan hệ bổ sung. Điều này thể hiện rất rõ ở “Chí Phèo”, “Lang Rận”, “Rửa hờn”,…

Tuy nhiên, việc phân chia kết cấu chỉ là sự tương đối, bởi vì tác phẩm là sản phẩm của sự sáng tạo đa dạng và phong phú của mỗi nhà văn. Do đó, trong một tác phẩm, nhà văn sử dụng nhiều kết cấu nhằm làm bật lên chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.

Trong “Chí Phèo”, nhà văn không chỉ sử dụng kết cấu vòng tròn mà ông còn kết hợp nhuần nhuyễn kết cấu đảo ngược trình tự thời gian cùng với lối kết thúc để ngỏ, gợi lên cho người đọc nhiều suy nghĩ. “Ai cho tao lương thiện?”. Câu hỏi vang lên day dứt, khôn nguôi, xoáy sâu trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Kết cấu mới mẻ cùng với cách xây dựng nhân vật, tác phẩm Nam Cao đã, đang và sẽ để lại dư âm mạnh mẽ trong lòng độc giả và mãi sống cùng năm tháng.

Một phần của tài liệu Khảo sát các đại từ nhân xưng và lớp từ xưng hô trong một số truyện ngắn của Nam Cao (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(69 trang)
w