II. SƠ ĐỒ HỆ THỐNG CÁC CUỘC GIAO TIẾP TRONG MỘT SỐ TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO
1. ĐẠI TỪ NHÂN XƯNG
1.1. ĐẠI TỪ NHÂN XƯNG GÓP PHẦN THỂ HIỆN KẾT CẤU MỚI MẺ CÙNG LỐI KỂ CHUYỆN ĐỘC ĐÁO TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NAM
CÙNG LỐI KỂ CHUYỆN ĐỘC ĐÁO TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO
Trong truyện của Nam Cao, ông thường mở đầu tác phẩm bằng một từ xưng hô mang tính hồi chỉ. Như đã biết, do tính hoàn chỉnh của văn bản nên những phát ngôn có tính hồi qui thường không được dùng cho việc mở đầu văn bản. Tuy nhiên, Nam Cao thường mở đầu truyện ngắn của mình bằng từ “hắn” – một đại từ xưng hô ngôi ba. Trong khi tác giả chưa có bất kì dòng nào giới thiệu về nhân vật. Nhưng với cách mở đầu này, Nam Cao làm cho người đọc có cảm giác nhân vật rất quen thuộc, rất gần gũi, người này tồn tại ngay bên cạnh họ, trong gia đình, trong thôn xóm họ.
Chẳng hạn, trong tác phẩm “Chí Phèo”, Nam Cao mở đầu tác phẩm là tiếng chửi của “hắn”. “Bắt đầu hắn chửi trời” sau đó “Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại, ai cũng nhủ “Chắc nó trừ mình ra! Không ai lên tiếng cả”. Mở đầu tác phẩm bằng một đại từ xưng hô ngôi III. Nam Cao gợi cho người đọc cảm giác vừa quen, vừa lạ. Quen vì “hắn” được nói đến ở đâu đó rồi, lạ vì “hắn” lại bắt đầu trò gì nữa đây? Mặt khác, mở đầu tác phẩm chỉ là tiếng chửi của Chí Phèo mà không có sự đáp lại của dân làng Vũ Đại. Qua đó, nhà văn hé mở phần nào về hoàn cảnh của một con người đáng thương là “hắn”. “Hắn” bị vứt ra ngoài xã hội và có lẽ “hắn” đang cô đơn đi tìm một lời tâm tình, chia sẻ. Nhưng không, trong hoàn cảnh của Chí Phèo lúc này chỉ có mình hắn nói với chính hắn mà thôi. Dân làng Vũ Đại đã không thừa nhận Chí Phèo là một con người trong cái xã hội ấy nữa. “Hắn” đang rơi vào cảnh cô đơn. Theo kết cấu thông thường, nhà văn để nhân vật xuất hiện sau khi đã giới thiệu về nguồn gốc xuất thân hoặc tên tuổi của nhân vật. Còn trong truyện Chí Phèo, nhà văn để nhân vật Chí Phèo xuất hiện với điểm nhìn hiện tại và gọi nhân vật bằng một đại từ nhân xưng “hắn” – ngôi ba. Sau đó, Nam Cao mới trở lại quá khứ để giới thiệu nguồn gốc xuất thân của nhân vật. Chính cách mở đầu này của Nam Cao đã tạo nên kết cấu mới mẻ cho truyện ngắn của ông.
Còn với tác phẩm “Đời thừa”, trong cơn say rượu, Hộ đã dọa nạt đuổi mẹ con Từ. Từ “chẳng dám cãi nửa lời, chỉ lẳng lặng cúi mặt nhìn xuống, như một đứa trẻ biết mình có lỗi khi người ta quở phạt”. Đáp lại sự giận dữ, cơn thịnh nộ cùng những
lời sỉ vả của Hộ, Từ chỉ lẳng lặng cúi đầu, thể hiện sự nhún nhường trong quan hệ vợ chồng. Do đó, trong cuộc thoại chỉ có lời của Hộ. Tuy nhiên, cũng là hai nhân vật ấy nhưng trong hoàn cảnh khác, họ sẽ sử dụng các phương tiện xưng hô khác để thể hiện tình cảm.
Trong 15 truyện ngắn khảo sát, các nhân vật của Nam Cao có tên hoặc không tên đều được gọi là “hắn”. “Hắn” theo như lối xưng hô thông thường của người Việt là đại từ nhân xưng ngôi ba được dùng ở số ít với sắc thái khinh miệt, không tôn trọng. Các nhân vật của Nam Cao dù là tri thức hay nông dân cũng đều qui về “hắn”. Như đã biết, Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc, văn của ông thấm đẫm tính nhân đạo. Do đó, nếu Nam Cao dùng “hắn” để gọi nhân vật với thái độ miệt thị, lạnh lùng hay tàn nhẫn, khắc nghiệt thì có hay không cái xót thương, da diết cho kiếp người. Do vậy, để hiểu hết ý nghĩa của từ “hắn” trong những trang văn của Nam Cao, chúng ta không thể không xét đến nhà văn đã dùng “hắn” để qui chiếu đến nhân vật nào? Hoàn cảnh nào? Nói với ai, ai nói và nói như thế nào? Trong truyện ngắn của Nam Cao, có một số nhân vật “thực sự” là “hắn” như: Rự – Nửa đêm, hắn – Đòn chồng và cũng có nhân vật tuy được gọi “hắn” nhưng chứa đựng sự cảm thông, chia sẻ của tác giả.
Trong các truyện: “Chí Phèo, Đời thừa, Cười, Quên điều độ, Làm tổ, Nước mắt” các nhân vật đều được gọi “hắn” nhưng đằng sau cách gọi lạnh lùng, khách quan ấy là sự yêu thương và cảm thông sâu sắc của nhà văn đối với người nông dân và người tri thức thời bấy giờ. Trong các truyện trên, ngòi bút của Nam Cao đã xoáy sâu vào tấn bi kịch tinh thần của con người. Mỗi nhân vật được đặt trong mỗi hoàn cảnh khác nhau. Đối với nhân vật tri thức, Nam Cao đặt họ giữa miếng ăn và danh phẩm. Nhưng các nhân vật này đều suy nghĩ, trăn trở, dằn vặt về cuộc đời, về nghệ thuật, và dù họ lẩn quẩn trong cuộc sống “áo cơm ghì sát đất”, đôi lúc họ còn dằn vặt, đay nghiến những người thân. Nhưng cuối cùng “hắn” vẫn giữ được những phẩm chất cao đẹp của con người có lượng vốn học hành. Còn đối với người nông dân, Nam Cao cũng gọi nhân vật của mình là “hắn”. Trong Chí Phèo, Nam Cao đã khai thác bi kịch “tâm hồn đau đớn” của người nông dân. Chí Phèo bị lưu manh tha hóa là do xã hội thực dân phong kiến cùng những thế lực đại diện cho nó gây ra. Có thể nói, sự thức tỉnh muốn làm người lương thiện ở Chí Phèo thể hiện niềm tin của tác giả vào người nông dân. “Con Người” với hai tiếng thiêng liêng ấy dù bị đẩy vào hoàn cảnh nghiệt ngã đến cùng cực thì Con Người vẫn vươn lên xứng đáng với danh hiệu ấy. Do vậy, đằng sau thái độ khách quan lạnh lùng tưởng chừng như miệt thị với cách gọi “hắn” là cả sự yêu thương, trân trọng của nhà văn đối với số phận con người.
Trong tiếng Việt, đại từ nhân xưng “y”, “thị” được dùng ở ngôi ba. “Y” có thể dùng để chỉ cả nam lẫn nữ. “Thị” chuyên dùng cho nữ. Trong truyện ngắn “Đòn chồng”, vợ Lúng được gọi là “y”, trong “Lang Rận” thầy lang được gọi là “y”, Sinh trong “Đón khách” cũng được gọi là “y”. Như vậy, Nam Cao đã sử dụng đại từ nhân xưng “y” để gọi cả nam lẫn nữ. Tuy nhiên, trong truyện ngắn “Đòn
chồng”, đại từ nhân xưng “y” không hoàn toàn trung tính mà “y” mang sắc thái mỉa mai, dè bỉu. Vợ Lúng vì đói quá nên ăn hai tấm bánh dày đậu mà không có đủ tiền trả bị chị hàng bánh bêu xấu giữa chợ đến nỗi “y cúi mặt, nước mắt ròng ròng”. Về đến nhà “y” bị chồng đánh đen đét vào mông: “Y đau quắn đít. Y nhăn mặt lại. Y van lạy. Y gào”.
Còn trong “Lang Rận”, tác giả gọi thầy lang bằng “y” khi mà thầy lang cảm thấy xấu hổ và dằn vặt vì nghĩ đến cái nhục sáng mai. Do vậy, lang ta suy nghĩ giữa sống và chết để rồi đi đến quyết định tự vẫn để bảo toàn danh dự. Nhân vật “lang Rận” sống bị chê bai, miệt thị, nhưng có lẽ lang Rận thật sự hãnh diện và đẹp đẽ khi thầy lang quyết định tự tử chăng? Bởi vì, lúc này đối với thầy lang chỉ có cái chết mới khẳng định được giá trị làm người ở thầy. Chính vì lẽ đó, cách gọi “y” là cách gọi bằng những suy nghĩ bên trong của nhân vật và “y” cũng thể hiện sự cảm thông của nhà văn đối với nhân vật tri thức này.
Như vậy, từ xưng hô “hắn” – ngôi ba đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên lối kết cấu mới mẻ trong truyện ngắn của Nam Cao. Với kết cấu mới mẻ cùng cách xây dựng nhân vật độc đáo, tác phẩm Nam Cao đã, đang và sẽ để lại dư âm mạnh mẽ trong lòng độc giả và mãi sống cùng năm tháng.