THỂ HIỆN TÌNH CẢM YÊU THƯƠNG, TRÌU MẾN CỦA NGƯỜI NÓI ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHE

Một phần của tài liệu Khảo sát các đại từ nhân xưng và lớp từ xưng hô trong một số truyện ngắn của Nam Cao (Trang 46 - 49)

II. SƠ ĐỒ HỆ THỐNG CÁC CUỘC GIAO TIẾP TRONG MỘT SỐ TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO

1. ĐẠI TỪ NHÂN XƯNG

1.3. THỂ HIỆN TÌNH CẢM YÊU THƯƠNG, TRÌU MẾN CỦA NGƯỜI NÓI ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHE

ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHE

Khảo sát 15 truyện ngắn của Nam Cao, chúng tôi thấy tuỳ từng mối quan hệ mà các cặp từ xưng hô được sử dụng khác nhau. Một từ xưng có thể kết hợp với nhiều từ hô khác nhau và ngược lại.

Trong truyện ngắn “Nửa đêm”, trong phạm vi gia đình, bà có thể xưng “tôi” và gọi cháu là “anh”:

Bà quản Thích mỉm cười, lườm cháu:

– Chăm cho nó béo lên để rồi cho anh cưới vợ có phải không? Gớm! Sao anh chẳng khôn tí nào?

Hắn, cười đáp lại:

– Cưới thì cưới, chẳng cưới thì bán đi, dễ không có tiền đấy phỏng?

– Nào ai bảo anh rằng đừng cưới? Tôi bây giờ già rồi, lại chả mong anh có vợ, có con để lúc chúa có bắt tôi nằm xuống đấy cũng được yên cái lòng đấy à? Vậy anh đã tìm được đám nào chưa?

Cặp từ xưng hô “tôi – anh” vừa bộc lộ sắc thái trìu mến thân mật, vừa có tính chất dân dã, hơi suồng sã của người dân quê. Và ở đây, cặp từ xưng hô này hoàn toàn phù hợp với tình cảm của bà cháu Đức. Từ ngày gặp cái Nhi, Đức lanh lẹ, hoạt bát hơn trước, Đức và bà quản Thích cùng bàn đến chuyện tương lai. Đối với bà quản Thích, bà vượt qua bao cực nhọc, đắng cay để nuôi đứa cháu. Bà quản Thích yêu nó hơn cả bản thân bà. Chính vì vậy, sự hoạt bát của Đức cũng như những lời tâm sự của hắn làm cho bà cảm thấy ấm lòng hơn. Và cặp từ “tôi – anh” thể hiện sự thân mật yêu thương có phần đề cao đứa cháu và cả niềm vui của bà quản Thích. Một hi vọng loé lên trong đầu bà về tương lai của thằng cháu.

Trong quan hệ gia đình, các cặp vợ chồng tuỳ địa vị, tuổi tác, tình cảm mà xưng hô với nhau bằng các cặp từ xưng hô khác nhau. Có khi là “tớ – mình”, mới mẻ hơn

một chút là lối tỉnh thành “tôi – mợ”. Cũng có lúc là “tôi – bu nó” đối với những cặp vợ chồng đã có con, mang theo trong cách xưng hô đó là sự chất phác và tình cảm hết sức giản dị trong quan hệ vợ chồng.

Trong truyện ngắn “Đời thừa”, khi Hộ không say và hắn đang chăm chú đọc đoạn văn hay. Lúc đó, Hộ gọi vợ là “mình” hoặc bằng tên “Từ” và xưng “tôi”. Còn Từ luôn xưng “em” gọi “mình” thể hiện sự yêu thương gần như tuyệt đối của một người vợ. Qua cách xưng hô của Từ, nhân vật được khắc hoạ là người vợ yêu chồng và vị thế của Từ luôn thấp hơn Hộ trong gia đình. Hơn nữa, cách xưng “em” cũng thể hiện sự dịu dàng của nhân vật.

Trong quan hệ giữa bạn bè cùng lứa mang sắc thái thân mật, tự nhiên thì việc sử dụng đại từ “tớ” cũng là trường hợp khá điển hình. Thông thường “tớ” được dùng trong quan hệ bạn bè cùng lứa như: “tớ – cậu”, “tớ – bạn”,…

Trong truyện ngắn “Chí Phèo”, sau đêm gặp gỡ “định mệnh” giữa thị Nở và Chí Phèo, sáng dậy Chí Phèo cảm nhận thấm thía sự cô độc của đời mình: “Đời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi một bàn tay đàn bà”. Do đó, lần đầu tiên được săn sóc, được ăn bát cháo hành của thị Nở nấu. Chí Phèo cảm nhận được sự yêu

thương và hắn thấy mắt mình ươn ướt. Hắn thèm được trở về cái xã hội “thân thiện của những người lương thiện”. Hắn thèm được làm hoà với mọi người biết bao và thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Do vậy, bằng một cái giọng nói vui vẻ và một vẻ mặt rất phong tình, Chí Phèo bảo thị: “Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui”. Có thể nói, cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và thị Nở không đơn thuần là cuộc gặp gỡ giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Mà đó là cuộc gặp gỡ giữa tình thương và sự tha hoá. Phải đặt trong hoàn cảnh của Chí Phèo mới thấy hết được giá trị của các cặp từ xưng hô “tớ – mình” này. Sau bao nhiêu năm làm con quỷ dữ của làng Vũ Đại, Chí Phèo chỉ biết say triền miên để mà chém giết, để mà rạch mặt ăn vạ. Hắn sống theo theo thói quen và hắn không cần biết ngày tháng. Hắn cũng chẳng cần nhớ hắn đã bao nhiêu tuổi? Hắn bán linh hồn và thể xác cho quỷ dữ để đạp đổ bao nhiêu cảnh yên vui, làm chảy máu và nước mắt của biết bao người lương thiện. Thế nhưng, sau cái đêm định mệnh ấy, Chí Phèo tỉnh và hắn thèm lương thiện. Chính trong hoàn cảnh đó, lời đề nghị của Chí Phèo mới thật thiết tha và chân thành. Nó không phải là sự xưng hô thông thường mà nó là lời cầu xin của Chí Phèo với thị Nở. Có thể nói cặp từ xưng hô “tớ – mình” được thốt ra từ nhân vật Chí Phèo sao mà tha thiết thế! “tớ – mình” đã thực sự rút ngắn khoảng cách giữa một con quỷ dữ và một con người. Và Chí Phèo hi vọng được trở về thế giới của loài người. Cách xưng hô của Chí Phèo với bạn tình thật thân thiết và đong đầy

tình cảm chứ không phải cách xưng hô hách dịch lúc trước. Do vậy, cách xưng hô này thể hiện sự yêu thương, là lời cầu xin, sự thức tỉnh ở nhân vật này.

Trong truyện “Làm tổ”, khi cơn bão đi qua, gió may thổi đám lá tre bối rối. Thai nghĩ đến vợ, đến những ngày hạnh phúc bên mái ấm gia đình. Do vậy, Thai gặp vợ điều đình với nhau một cuộc tái hợp. Thế nhưng, với vợ, Thai chỉ là “cái thằng chồng bạt mạng”, thị khinh bỉ chồng bởi vì anh chồng đã “nướng” tất cả tài sản vào những canh bạc. Vì lẽ đó, Thai xưng là “tớ” và gọi vợ là “đằng ấy”. “Tớ” là cách gọi cho những bạn bè thân thiết. Cặp từ xưng hô “tớ – đằng ấy” thể hiện tình cảm yêu thương, thân thiết củaThai.Với cách gọi này, Thai muốn tạo sự thân mật với vợ để thuyết phục chị ta cùng chung sức xây dựng lại tổ ấm. Nhưng chỉ mấy hôm sau, khi chị vợ không nhượng bộ, không chịu bỏ tiền ra nữa, lúc này Thai gọi vợ là “nó” và xưng “ông”. Chính sự thay đổi trong cách xưng hô thể hiện thái độ căm giận đến mức cao độ của hắn. Vậy là anh ta bỏ mặc tất cả: Vợ con, nhà cửa chẳng là cái thá gì nữa.

Trong các truyện “Lang Rận, Sao lại thế này, Cười, Nước mắt”, các cặp vợ chồng thường xưng “tôi” gọi “mình”. Đây là cách xưng hô khá phổ biến trong quan hệ gia đình. Ở “Nước mắt”, “Cười” có lẽ do cuộc sống chật vật vì miếng cơm manh áo nên “hắn” (Cười), “Điền” (Nước mắt) vợ chồng vẫn thường cãi nhau, lúc đó họ gọi “mình” nhưng xưng trống. Và khi đến mức căng thẳng, vợ chồng thường sử dụng lối nói trống không để “giao tiếp” với đối phương. Chính cách sử dụng này mà nhân vật được khắc họa một cách chân thực, gần gũi và sống động. Bởi lẽ, thực tế cuộc sống cũng vậy, trong hoàn cảnh cụ thể với tâm trạng giận dữ thì cả vợ và chồng thường không muốn nhìn mặt nhau, không muốn nhắc tới người đã làm mình bực. Do vậy, với cách sử dụng này làm cho nhân vật củaNamCao thêm sống động, gần gũi như chính con người trong cuộc sống vậy.

Còn trong truyện ngắn “Nửa đêm”, Đức vì thất tình, hận đời mà bỏ nhà ra đi. Rồi thì Đức lại về, hắn về đột ngột giữa lúc mọi người gần như quên hắn. Lúc này, mọi người mới biết chắc hắn bỏ nhà đi Sài Gòn. Dấu vết Sài Gòn còn in lại trong trang phục của Đức và vợ hắn nhưng đặc biệt là cách xưng hô của đôi vợ chồng này. Chúng xưng hô với nhau theo cái lối tỉnh thành:

Buổi sáng hôm nay, cậu nóng mà em cũng nóng. Trong lúc quá giận, em ăn nói có quá lời. Như thế là em không phải, bây giờ em biết hối hận, em xin cậu, cậu bỏ quá đi cho em.

– Đã thế thì được. Chúng ta đều không phải, tôi xin lỗi mợ. – Em chả dám.

Cách xưng hô “em – cậu”, “tôi – mợ” là cách xưng hô ở tỉnh thành và các cặp từ xưng hô này được dùng khi quan hệ vợ chồng theo chiều dương. Mặt khác, các từ xưng hô này còn thể hiện đặc điểm về lối sống, tập quán, thói quen, sắc thái địa phương.

Trong quan hệ bạn bè, nhân vật thường xưng “tôi” gọi bạn là “anh + tên riêng” hoặc “chú, bác”. Cách xưng hô bằng tên kết hợp với danh từ thân tộc tạo cảm giác gần gũi thân thiết trong tình bạn như: Cách xưng “tôi – anh, tôi – bác Hiệp” (Sao lại thế này), tôi – Hài, Thư (Quên điều độ).

Nhìn chung, hệ thống các từ xưng hô trong tiếng Việt rất đa dạng và phong phú. Giá trị biểu cảm của các từ xưng hô cũng khác nhau. Do vậy, giá trị của các từ xưng hô còn phụ thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp: ai nói, nói với ai và nói trong hoàn cảnh nào. Hơn nữa, trong một số truyện ngắn của Nam Cao, việc sử dụng các đại từ nhân xưng và lớp từ xưng hô không chỉ thể hiện thái độ, quan hệ, đặc điểm tính cách của nhân vật, mà nó còn thể hiện nét đặc sắc của văn hóa địa phương. Có thể nói điều góp phần làm cho tác phẩm của ông gần với đời sống là do nhà văn am hiểu sâu sắc về hoàn cảnh, con người, văn hóa địa phương và nhất là cách sử dụng từ xưng hô trong tác phẩm của Nam Cao rất đặc sắc và hiện đại.

Một phần của tài liệu Khảo sát các đại từ nhân xưng và lớp từ xưng hô trong một số truyện ngắn của Nam Cao (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(69 trang)
w