I. GIÁ TRỊ NGỮ NGHĨA, NGỮ DỤNG CỦA CÁC ĐẠI TỪ NHÂN XƯNG VÀ LỚP TỪ XƯNG HÔ ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG TIẾNG VIỆT
2. 5 DÙNG DANH NGỮ LÀM PHƯƠNG TIỆN XƯNG HÔ
Những danh ngữ làm phương tiện xưng hô có khả năng biểu thị nhiều sắc thái ý nghĩa, tình cảm của các nhân vật khi tham gia giao tiếp.
Như đã biết, danh từ là một thực từ có khả năng tập hợp xung quanh nó những từ ngữ khác. Cấu tạo của danh ngữ gồm một danh từ trung tâm và một số yếu tố phụ khác:
Phần phụ trước + Danh từ + phần phụ sau.
Phần phụ trước có thể là số từ (trừ từ bất định “một” vì “một” tạo ra danh ngữ không xác định. Nếu có sự kết hợp giữa “một” hay từ chỉ lượng với danh từ riêng sẽ tạo ra ý nghĩa đặc biệt).
Chẳng hạn nói, “những Chí Phèo”, “một chị Dậu” thì lúc này các danh ngữ trên mang tính khẳng định, chỉ về phẩm chất của sự vật được nói đến. Còn phụ từ chỉ lượng: “những, các, mấy, mọi” khi kết hợp với danh từ chung chỉ người, chúng được dùng ở ngôi thứ II số nhiều, đôi khi có thể dùng để xưng.
Ví dụ: Mấy anh cho em hỏi! – Các bác sĩ về nhé!
Còn những từ chỉ lượng như: “Toàn thể, tất cả, hết thảy” luôn chỉ số nhiều và được dùng với tính chất kêu gọi, hiệu triệu.
Ví dụ: Tất cả học sinh chú ý!
Mặt khác, phần phụ trước của danh ngữ có thể là từ chỉ xuất “cái”, từ chỉ xuất “cái” dùng để chỉ xuất, hạn định sự vật. Còn phần phụ sau của danh ngữ được dùng để xưng hô có thể là từ “này” hay những định ngữ hạn định thể hiện sắc thái biểu cảm của người nói đối với người nghe một cách rõ rệt.
Ví dụ: Cái thằng không cha, không mẹ này!
Trên đây là một số phương tiện xưng hô được sử dụng trong tiếng Việt. Các đại từ nhân xưng và lớp từ xưng hô khi đi vào hoạt động nói năng rất đa dạng và phong phú. Nhìn chung, trong tiếng Việt, xưng hô có xu hướng “thân tộc hóa” bằng cách sử dụng các danh từ thân tộc trong giao tiếp.