DÙNG DANH TỪ THÂN TỘC ĐỂ HÔ GỌ

Một phần của tài liệu Khảo sát các đại từ nhân xưng và lớp từ xưng hô trong một số truyện ngắn của Nam Cao (Trang 32 - 36)

I. GIÁ TRỊ NGỮ NGHĨA, NGỮ DỤNG CỦA CÁC ĐẠI TỪ NHÂN XƯNG VÀ LỚP TỪ XƯNG HÔ ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG TIẾNG VIỆT

2. GIÁ TRỊ NGỮ NGHĨA, NGỮ DỤNG CỦA LỚP TỪ ĐƯỢC DÙNG TRONG XƯNG HÔ

2.1. DÙNG DANH TỪ THÂN TỘC ĐỂ HÔ GỌ

Dựa trên sự phân biệt về giới tính, danh từ thân tộc được dùng trong xưng hô có thể gồm ba nhóm nhỏ sau:

– Những từ trỏ thuần nam giới như: Anh, cha, bố, thầy, chú cậu, dượng, ông, dùng cho cả ba ngôi số ít. Có thể dùng ở số nhiều theo cấu tạo:

Chúng + ông / anh. Các + những từ còn lại.

Ví dụ: Chư ông đi gặt hẳn? (Quái dị, Nam Cao). Hay: Các anh cứ tự nhiên!

– Những từ trỏ thuần nữ giới, dùng cho cả ba ngôi số ít: Chị, mẹ, u, má, đẻ, thím, dì, cô, mợ, bà. Cấu tạo số nhiều thêm từ “các” (trừ “đẻ” không cấu tạo số nhiều).

– Nhóm những từ không biểu thị giới tính như: Em, con, cháu, bé, cưng, nhóc, bác, cụ, cố, tổ. Số ít dùng cho cả ba ngôi. Số nhiều cấu tạo bằng cách ghép yếu tố:

Chúng + cháu / em / con. Các + tất cả các từ trên.

Danh từ thân tộc dùng để xưng hô được sử dụng trong hai phạm vi: Phạm vi gia đình và phạm vi xã hội. Một trong những phong cách giao tiếp ngôn ngữ của người Việt là giữ gìn tôn ti trật tự trong giao tiếp. Do vậy, trong phạm vi gia đình, các danh từ thân tộc có sự phân biệt về vai vế, tuổi tác, lớn – nhỏ giữa các thành viên thuộc cùng một thế hệ. Ngoài ra, danh từ thân tộc được sử dụng trong phạm vi gia đình cũng thể hiện sự phân biệt về giới tính, gia hệ, quan hệ hôn nhân cũng như các mức độ tình cảm.

Quan hệ bên nội có các từ: Bác, chú, cô,…trong mối tương quan bên ngoại: Cậu, dì,…Dựa trên sự phân biệt về quan hệ hôn nhân, danh từ thân tộc có các cặp từ tương ứng như: “Cậu – mợ, dì – dượng, chú – thiếm, cha – mẹ, cô – dượng, cô – chú” . Trong đó các cặp từ “cậu – mợ”, “dì – dượng’, “chú – thiếm”, “cô – dượng” không những thể hiện quan hệ hôn nhân mà còn thể hiện mối quan hệ “nội –

ngoại” trong gia đình.

Bên cạnh đó, các danh từ thân tộc khi sử dụng cũng thể hiện những sắc thái tình cảm của các thành viên trong gia đình. Chẳng hạn, trong quan hệ vợ chồng, cặp từ xưng hô cơ bản thường được sử dụng là “anh – em”. Tuy nhiên, tùy theo tình cảm, tâm trạng trong một hoàn cảnh cụ thể mà xưng hô giữa vợ và chồng có thể thay đổi “tôi – cô” hoặc “tao – mày”. Thậm chí, trong tình trạng căng thẳng, mối quan hệ vợ chồng diễn tiến theo chiều âm, vợ chồng đôi khi cũng sử dụng những danh ngữ mang sắc thái “khiếm nhã” để gọi nhau: Con kia, thằng kia,…

Danh từ thân tộc được dùng trong xưng hô giữa các thành viên trong gia đình người Việt rất đa dạng và phong phú. Tùy theo tuổi tác, địa vị của các thành viên trong gia đình mà khi giao tiếp người Việt sẽ có cách lựa chọn các danh từ thân tộc cho thích hợp. Chẳng hạn, xưng hô giữa anh chị và em trong gia đình người Việt cũng rất phong phú. Việc lựa chọn các từ ngữ trong xưng hô giữa anh, chị, em trong gia đình còn phụ thuộc vào nhận thức, lứa tuổi, không gian sống (thành thị hay nông thôn), giới tính, quan hệ vai anh, chị và em trong gia đình người Việt qui định (cùng thế hệ, có thứ bậc) cũng như sự quan tâm giáo dục của gia đình từ bé, từ đó giúp các thành viên xưng gọi hợp với một chuẩn mực ngôn ngữ, văn hóa xã hội mà mọi người chấp nhận. (Bùi Minh Yến, 1993).

Nhìn chung, trong phạm vi gia đình, các danh từ thân tộc đều có các cặp từ xưng hô tương ứng. Việc phá vỡ sự tương ứng trong xưng hô mang giá trị ngữ nghĩa, ngữ dụng nhất định.

Chẳng hạn trong truyện ngắn “Con mèo” của Nam Cao, vợ chồng anh cu cãi nhau, lúc đầu chị cu nói: “Trời ơi là trời!…Mày phá tao thế à? Từ sáng đến giờ, tao ngồi trầy trầy trên khung cửi, mới được chừng một đồng hào, mà mày phá tao một lúc một cái nêu, bốn năm cái bát…”

Khi sự giận dữ dâng cao, anh chồng lúc này chẳng còn là cái thá gì với vợ cả: “Mày cứ đánh chết bà đi! Mày đánh chết bà xem nào! Mày không đánh

chết bà được thì…”.

Ngoài xã hội, việc sử dụng các danh từ thân tộc cũng rất đa dạng và phong phú. Nếu như trong phạm vi gia tộc, các danh từ thân tộc được dùng với ý nghĩa chính xác của chúng để xưng và để hô, thì trong giao tiếp xã hội, các danh từ thân tộc này có sự chuyển biến rất mạnh mẽ.

Chẳng hạn: Chị khẽ gọi: Con1 vào đây mẹ1 bảo.

Anh bộ độ nói với bà Năm: “Mẹ2 để con2 gánh nước cho”.

Xét ví dụ trên ta thấy : “Con1” chỉ chức năng xưng hô trong phạm vi thân tộc, đặt trong mối quan hệ giữa mẹ và con. “Con2” được dùng để xưng hô giữa những người bên ngoài phạm vi thân tộc.

Trong khẩu ngữ để tạo ngôi nhân xưng thứ ba có thể kết hợp danh từ thân tộc với từ “ta” ở phía sau. Chẳng hạn như: “Ông ta, bà ta, bác ta, cậu ta,…”. Mặt khác, “ta” cũng có thể kết hợp với đại từ “hắn” để nhấn mạnh “hắn ta”. “Ta” kết hợp với danh từ chung “người” thành đại từ phiếm chỉ “người ta” tức chỉ người nào đó không xác định. Từ phiếm chỉ “người ta” khi dùng để xưng hô trong trường hợp cụ thể cũng có thể không qui chiếu với một người nào xác định. Cách xưng hô bằng từ phiếm chỉ dẫn tới tình trạng người nói không chịu trách nhiệm điều mình nói. Bên cạnh đó, “người ta” cũng được dùng để xưng hoặc hô khi nói dỗi hoặc thể hiện sự kín đáo, e dè của người con gái trong tình yêu.

Chẳng hạn: Anh chẳng hiểu người ta gì cả. – Người ta nói giận chứ có giận anh đâu!

Trong sự kết hợp giữa danh từ thân tộc với từ “ta” cần chú ý về sắc thái của từ được tạo ra. Bởi vì “ta” kết hợp với danh từ thân tộc chỉ dùng cho người cùng lứa tuổi và thường mang sắc thái không kính trọng. Còn với danh từ thân tộc “thím,

mợ, dượng, cậu” thì chúng được sử dụng để xưng hô trong gia đình và giao tiếp xã hội (dù không thật phổ biến). Trong đó, “thím, mợ, dượng” là những từ được gọi dựa trên quan hệ hôn nhân. “Cậu, mợ” được dùng để gọi vợ chồng nhà quyền thế trước cách mạng hoặc biểu thị quan hệ hôn nhân xét theo quan hệ nội – ngoại, trong mối tương quan với bên nội. Thực tế trong xưng hô giao tiếp xã hội ngày nay, khi đã gọi người chồng bằng “chú” hoặc “cậu” thì người ta có xu hướng gọi người “vợ” bằng “cô” thay cho “thím”, “mợ”. Bởi vì xưng hô giao tiếp ngoài xã hội trong trường hợp này không cần phải tương ứng.

Còn từ thân tộc “cha”, “má” (ba, má) khi được dùng trong giao tiếp xã hội, sắc thái ý nghĩa có sự biến đổi mạnh theo hai hướng trái ngược sỗ sàng hoặc kính trọng. Ngày nay, một bộ phận giới trẻ có xu hướng gọi bạn cùng lứa tuổi bằng từ thân tộc “ba”, “má”, dù trong trường hợp nào thì cách xưng hô này vẫn mang sắc thái thô tục.

Ví dụ: Thôi đi ba, ba biết gì mà nói! Má Phương cho mượn cây viết coi!

Tuy nhiên, trong xưng hô ngoài xã hội, ở một hoàn cảnh giao tiếp nhất định thì từ thân tộc “mẹ” lại mang sắc thái kính trọng.

Chẳng hạn: Tạm biệt mẹ chúng con lên đường. (Đây là câu nói của anh bộ đội nói với người phụ nữ lớn tuổi mang sắc thái kính trọng).

Có thể nói, trong phạm vi giao tiếp xã hội, các từ thân tộc như: “Ông, bà, cụ, anh, chị, em, chú, bác” được sử dụng thông dụng nhất. Như đã nói, việc sử dụng các danh từ thân tộc trong phạm vi giao tiếp xã hội ở một ngữ cảnh nhất định thì các danh từ thân tộc này cũng có sự biến đổi nhiều về nghĩa.

Chẳng hạn: Bạn nữ gọi nhau bằng “ông” mất đi ý nghĩa tuổi tác, giới tính, tình cảm.

Ngoài ra, sự kết hợp của các cặp danh từ thân tộc tương ứng cũng tạo ra danh từ đẳng lập dùng trong xưng hô chỉ ngôi nhân xưng số nhiều. Ví dụ: Anh em đang làm gì vậy?

Trong tiếng Việt, xưng hô bằng các danh từ thân tộc là một trong những tác nhân quan trọng để vun đắp, duy trì mối quan hệ tình cảm giữa các nhân vật giao tiếp dựa trên quan hệ huyết thống. Đồng thời thể hiện sự ràng buộc về mặt tình cảm – nét đẹp “trọng tình” trong nguyên tắc ứng xử của người Việt. Mặt khác, việc dùng các danh từ thân tộc trong giao tiếp xã hội còn thể hiện “chiến lược giao tiếp” của

người Việt. Khi thực hiện chiến lược giao tiếp, nhân vật giao tiếp luôn có sự điều chỉnh, lựa chọn từ xưng hô sao cho phù hợp với ngữ cảnh, đối tượng giao tiếp,… nhằm đạt hiệu quả giao tiếp cao nhất.

Có thể nói, khi ngôn ngữ thực hiện chức năng giao tiếp trong vô số lĩnh vực của đời sống thì lĩnh vực mua bán là đa dạng và tinh tế nhất. Trong lĩnh vực này, cách xưng hô của người nói (người bán) nhằm thu hẹp khoảng cách với đối tượng giao tiếp (người mua) cũng thể hiện sự tinh tế của người nói qua việc lựa chọn ngôn ngữ sao cho thực hiện được mục đích giao tiếp, tức là bán được nhiều hàng.

Theo thống kê của Mai Thị Kiều Phương, khoảng 80 % các câu hỏi mua bán sử dụng các danh từ thân tộc để làm từ xưng hô. Trong mua bán, người bán nhiều lần thay đổi từ xưng hô tùy theo đối tượng giao tiếp để thực hiện “chiến lược mua bán” (Mai Thị Kiều Phương, 2004: 19 – 21).

Nhìn chung, các đại từ nhân xưng thường mang sắc thái biểu cảm không kính trọng. Do vậy, trong giao tiếp gia đình cũng như ngoài xã hội, người Việt sẽ sử dụng các danh từ thân tộc dùng để xưng hô như nhiều nhà Việt ngữ đã nhận định. Chính vì vậy, trong xưng hô, người Việt thường có xu hướng “thân tộc hóa” trong giao tiếp.

Một phần của tài liệu Khảo sát các đại từ nhân xưng và lớp từ xưng hô trong một số truyện ngắn của Nam Cao (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(69 trang)
w