II. SƠ ĐỒ HỆ THỐNG CÁC CUỘC GIAO TIẾP TRONG MỘT SỐ TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO
1. ĐẠI TỪ NHÂN XƯNG
1.2. THỂ HIỆN SỰ CĂM GHÉT, KHINH BỈ CỦA NGƯỜI NÓI ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHE
NGƯỜI NGHE
Trong giao tiếp, việc sử dụng cặp từ xưng hô “tao – mày” mang hai sắc thái khác nhau: thân mật, sỗ sàng hoặc thô tục, khinh miệt.
Trong truyện ngắn Chí Phèo, nhà văn miêu tả ba lần Chí Phèo đến nhà Bá Kiến và cả ba lần ấy đều có sự đối mặt giữa Chí Phèo – Bá Kiến.
Lần thứ nhất, do mới ra tù, Chí Phèo quyết tâm thanh toán với Bá Kiến món nợ cũ. Vì vậy, Chí Phèo đặt mình ngang hàng với Bá Kiến: gọi “mày” và xưng “tao”: “Tao chỉ liều chết với bố con nhà mày đấy thôi. Nhưng tao mà chết thì có thằng sạt nghiệp, mà còn rũ tù chưa biết chừng”.
Cách xưng hô “tao – bố con nhà mày” thể hiện thái độ miệt thị của Chí Phèo với Bá Kiến. Bá Kiến lúc này chỉ ở địa vị ngang hàng với Chí Phèo. Đối lập với thái
độ hung hăng, liều lĩnh của Chí Phèo là thái độ nhã nhặn cùng chiến lược giao tiếp khôn ngoan của Bá Kiến. Và Bá Kiến đã giành lợi thế trong giao tiếp. Do vậy, lần thứ hai Chí Phèo đến gặp Bá Kiến với bộ điệu hiền lành “lạy cụ”, “bẩm cụ” và xưng “con”. Sự thay đổi cách xưng hô đồng thời cũng thể hiện cuộc thương lượng bán linh hồn cho quỷ của Chí Phèo đã ngã giá. Thế nhưng, sau đêm gặp gỡ thị Nở, thị đã đánh thức bản năng của người đàn ông và làm trổi dậy những ước mơ xa xưa về mái ấm gia đình ở Chí. Chí Phèo thèm lương thiện và hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao. Nhưng định kiến xã hội là bức tường thành vững chắc đã ngăn cản Chí trở về thế giới bằng phẳng, thân thiện của những con người lương thiện. Và Chí Phèo đau khổ, thất vọng, càng uống lại càng tỉnh. Và lần thứ ba hắn đến gặp Bá Kiến để đòi làm người lương thiện: “Tao muốn làm người lương thiện. Ai cho tao lương thiện? (…) Tao không thể là người lương thiện nữa”.
Chính sự thức tỉnh về quyền làm người đã giúp Chí Phèo sáng suốt nhận chân kẻ thù. Do đó, cách mà Chí Phèo gọi Bá Kiến chẳng phải là “cụ” mà Chí đã xưng “tao” với Bá Kiến. Cách xưng hô này là sự thức tỉnh cao độ và sự căm thù mãnh liệt của Chí. Đồng thời “tao” cũng là cách xưng đầy hối hận, day dứt của hắn. Chí Phèo không thể là người lương thiện được nữa. Niềm uất hận, cay đắng trong cách nói của Chí Phèo. Còn gì chua xót hơn khi con người nhận ra được giá trị của chính mình nhưng anh ta không thể nào tìm lại được. Cuộc đời của Chí Phèo đã đi đến ngõ cụt. Chính vì vậy, chỉ có cái chết mới có thể khẳng định được giá trị của mình và Chí Phèo đã chết trước ngưỡng cửa loài người.
Tuỳ từng trường hợp và các mối quan hệ mà có sự kết hợp giữa các đại từ xưng hô “tôi” với nhiều từ khác như: “tôi – ngài”, “tôi – anh”, “tôi chú”. Các mối quan hệ này rất phong phú: có khi là quan hệ láng giềng, bạn bè, chủ tớ. Trong mỗi trường hợp khác nhau, đại từ “tôi” lại diễn tả những tình cảm và sắc thái khác nhau. Có lúc, là tình cảm trang trọng, lịch sự mang sắc thái trung tính. Đôi khi, là sự thân mật, trìu mến. Nhưng cũng có lúc, đó lại là sự trịch thượng của kẻ trên đối với người có vị thế thấp hơn.
Trong truyện ngắn “Một bữa no”, bà phó Thụ xưng “tôi” gọi “bà” với bà của cái đĩ: “Nhà tôi không có cơm cho nó ăn để nó cứ nồng nỗng nó chơi. Bà muốn chơi với nó thì đem ngay nó về nhà, tìm cơm nó ăn, bà cháu chơi với nhau vài ba tháng cho thật chán đi, rồi hãy bảo nó lên. Tôi không giữ. Bà tưởng nó đã làm giàu làm có cho nhà tôi đấy hẳn?”.
Xét về tuổi tác bà cái đĩ lớn hơn bà phó Thụ. Nhưng xét về địa vị xã hội thì bà phó Thụ lại ở vị thế cao hơn. Cách xưng “tôi” gọi “bà” cũng thể hiện phần nào sự
khiêm nhường của bà phó Thụ với người lớn tuổi. Tuy nhiên, nếu đặt trong hoàn cảnh của cuộc giao tiếp, tức là trong tình thế bà cái đĩ vì đói phải bạo dạn đi “ăn chực” nhà bà phó cùng cách nói và thái độ của bà phó Thụ trong suốt cuộc giao tiếp thì cặp từ xưng hô “tôi – bà” lại mang sắc thái trịch thượng của người bề trên. Do vậy, có thể nói, sắc thái của các từ xưng hô rất phong phú và đa dạng. Nhưng cũng tuỳ trường hợp nói với ai, ai nói và nói trong hoàn cảnh nào mà sắc thái của các từ xưng hô này sẽ khác nhau.