II. SƠ ĐỒ HỆ THỐNG CÁC CUỘC GIAO TIẾP TRONG MỘT SỐ TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO
2. LỚP TỪ ĐƯỢC DÙNG TRONG XƯNG HÔ
2.3.1. THỂ HIỆN SỰ CĂM GHÉT, KHINH BỈ CỦA NGƯỜI NÓ
Cách xưng hô này có cấu trúc: ± cái ± thằng ± danh từ riêng ± này. ± cái ± con / thằng ± danh từ ± này.
Trong “Chí Phèo”, Chí Phèo là một kẻ tứ cố vô thân từ khi sinh ra đã là đứa trẻ vô thừa nhận. Điều này đã được Nam Cao nêu rõ trong tác phẩm. Tuy nhiên, nguồn gốc xuất thân của Chí Phèo được nhấn mạnh hơn nữa thông qua cách gọi của nhân vật khác với hắn trong giao tiếp. Nhà văn để lí Cường gọi Chí Phèo là “Cái thằng không cha không mẹ này”. Từ chỉ xuất “cái’ hạn định sự vật, góp phần nhấn mạnh sự vật được nói đến. Chỉ xuất “cái” kết hợp với chỉ định từ “này” làm cho sự vật hiện lên một cách cụ thể, qui chiếu đến một con người cụ thể là Chí Phèo. Hơn nữa, việc sử dụng từ “thằng” mang sắc thái không kính trọng có phần khinh miệt. Trong đó “thằng không cha không mẹ” càng làm rõ nguồn gốc xuất thân của nhân vật. Thông qua cách xưng hô của lí Cường, nhân vật này hiện lên với ngôn ngữ của kẻ hách dịch, bề trên và đang đứng ở vị thế giao tiếp trên Chí Phèo.
Trong truyện, Nam Cao đặt nhân vật Chí Phèo trong mối quan hệ với các nhân vật khác. Thông qua cách gọi của các nhân vật với nhau, tính cách, thái độ của những con người này thể hiện rõ rệt và hết sức sinh động. Cách gọi của bà cô thị Nở thể hiện thái độ khinh bỉ của bà ta đối với Chí Phèo: “Đàn ông làng này đã chết cả rồi hay sao, mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha”.
Dụng học rất quan tâm đến vấn đề “nói với ai, ai nói, nói trong hoàn cảnh như thế nào”. Trở lại cách gọi của bà cô thị Nở, bà gọi Chí Phèo là “một thằng không cha” khi nghe được những lời tâm tình mà lúc đầu bà tưởng cháu bà nói đùa. Bà cô thị Nở nói trong tâm trạng hoảng hốt, uất ức, nhục nhã cho bà và cho cả ông cha nhà bà khi thấy “Cháu bà sao mà đĩ thế”. Đặt cách gọi “một thằng không cha” trong hoàn cảnh như thế thì cách xưng hô này không những thể hiện sự khinh bỉ, căm ghét của bà cô đối với Chí Phèo mà còn thể hiện sự phản đối một cách quyết liệt của bà đối với việc hôn nhân của thị Nở.
Như vậy, “cái thằng không cha, không mẹ này” và “một thằng không cha” không đơn thuần chỉ là sự thể hiện nguồn gốc xuất thân của nhân vật mà còn kèm theo cả thái độ và tính cách của các nhân vật trong giao tiếp.
Từ khi ở tù ra, Chí Phèo đã mất hết nhân hình lẫn nhân tính và hắn thực sự trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. Điều này đã được Nam Cao khắc họa rõ nét khi miêu tả Chí Phèo đến nhà Bá Kiến nằm vạ cũng như khi hắn đến mua rượu của bà hàng rượu. Các danh ngữ được dùng để hô gọi phản ánh tính cách hung hãn có
phần bất trị của Chí Phèo như: Cái thằng liều lĩnh ấy, cái thằng trời đánh không chết ấy, cái thằng mà cả làng phải sợ hắn, cái thằng Chí Phèo.
Những định ngữ như: “Liều lĩnh, trời đánh không chết, cả làng phải sợ hắn” đi kèm với danh từ trung tâm “thằng” có tác dụng nhấn mạnh đặc điểm tính cách của nhân vật Chí Phèo. Chí Phèo đã mất đi tính lương thiện “hiền lành như đất” mà thay vào đó tính cách hung hăng, ngạo ngược đến nỗi “cả làng phải sợ”. Chí Phèo đã thực sự không còn là “Con Người” mà hắn đã bị lưu manh hóa và trở thành quỷ dữ. Như đã nói ở trên, khi ra tù Chí Phèo đến nhà Bá Kiến để đòi món nợ năm xưa, Bá Kiến dùng những lời lẽ hết sức khôn khéo xưng gọi “anh – tôi” với Chí trong giao tiếp. Tuy nhiên, dưới con mắt của tên địa chủ nham hiểm và dày dặn kinh nghiệm này, Chí Phèo chỉ là “cái thằng liều lĩnh”, “một thằng đầu bò”. Bá Kiến gọi Chí là “thằng Chí Phèo này”. Cách xưng gọi của Bá Kiến thể hiện sự khinh miệt của kẻ bề trên và Bá Kiến cũng hiểu rõ tính cách của Chí Phèo. Hắn mạnh chỉ vì hắn liều lĩnh và đối với những thằng liều lĩnh thì cụ phải biết “mềm nắn rắn buông”.
Còn đối với Chí Phèo, khi đến nhà Bá Kiến rạch mặt ăn vạ, hắn tự đặt mình ngang hàng với Bá Kiến qua cách gọi: “Bố con thằng Kiến”, “cái thằng bá Kiến này”, “cái lão cáo già này”, “cái cụ bá thét ra lửa ấy”.
Như đã biết từ chỉ xuất “cái” góp phần nhấn mạnh, hạn định sự vật đứng sau nó. Nhìn chung danh từ riêng khi dùng để xưng hô chúng được qui chiếu với người nói hay người nghe xác định. Bản thân danh từ riêng đã có ý nghĩa riêng biệt, song ý nghĩa của chúng càng được nhấn mạnh hơn khi có sự trợ giúp của những yếu tố khác, đặc biệt là từ chỉ xuất “cái” và từ chỉ định “này”. Do vậy, “cái thằng này” đã là riêng biệt, vậy mà còn thêm tên riêng “Bá Kiến” hay “Chí Phèo” nên ý nghĩa của nó không phải là gọi đơn thuần mà vừa gọi vừa chỉ thẳng vào một đối tượng giao tiếp. Do đó, toàn bộ tổ hợp “cái thằng bá Kiến này” hay “thằng Chí Phèo này” để chỉ một người cụ thể không thể lẫn với bất cứ người nào trong thế giới nhân vật củaNamCao. Hơn nữa, với các cách gọi này, rõ ràng ta thấy được thái độ coi
thường không nể sợ của Chí Phèo đối với Bá Kiến. Mặt khác, khi đến nhà Bá Kiến, Chí Phèo coi Bá Kiến chẳng là cái thá gì cả nên hắn gọi Bá Kiến là “cái thằng bá Kiến này”. Nhưng thái độ nhũn nhặn của tên địa chủ này làm cho Chí ta cảm thấy “mềm nhũn”. Lúc này đây, cái sợ cố hữu trong lòng thức dậy, Chí Phèo mới thấy hình như trơ trọi và hành động của hắn quả là táo bạo. Do đó, Chí thấy hắn cũng oai vì dám đương đầu với chánh tổng khét tiếng trong hàng huyện. Chính vì lẽ đó, sự thay đổi trong cách gọi “cái cụ bá thét ra lửa ấy”, “cụ bá” là cách gọi theo chức vụ kèm theo sự tôn trọng và “thét ra lửa” lại thể hiện quyền uy của Bá Kiến, cho
thấy Chí Phèo đã bắt đầu ngã ngũ trước sự đối xử nhũn nhặn của “con người đáng kính ấy”. Và khi xác định địa vị của Bá Kiến thì Chí Phèo thấy hắn đã là anh hùng rồi. Do vậy, hắn nghĩ cụ bá đã xử nhũn với hắn thì hắn vào. Nhưng với Chí Phèo, Chí từng làm canh điền cho Bá Kiến nên anh ta cũng ít nhiều hiểu được “tâm địa” của cụ bá. Do đó, Chí Phèo phân vân chẳng biết “cái lão cáo già này”, “cái thằng bá Kiến này” nó đang thực hiện âm mưu gì chăng? Cách gọi “lão cáo già” biểu lộ sự nghi ngại cùng thái độ miệt thị của Chí Phèo. Cũng như Bá Kiến, Chí Phèo cũng hiểu rõ đối tượng giao tiếp với mình. Nhưng trước sự đối xử nhũn nhặn cùng cách gọi bằng danh từ thân tộc “anh”, “anh Chí” của Bá Kiến khiến “cái thằng liều lĩnh ấy” từng bước nhượng bộ để đi vào nhà, thương lượng cùng cụ bá.
Chí Phèo không những thể hiện thái độ khinh thường đối với Bá Kiến mà một lần nữa Chí Phèo nghĩ đến bà ba nhà cụ bá cũng với thái độ này. Chí gọi bà ba là “cái bà ba còn trẻ này”,“cái con quỷ cái” thể hiện sự khinh bỉ đến căm phẫn của hắn đối với bà ta.
Trong tác phẩm, so với nhân vật Bá Kiến, Chí Phèo có vị thế xã hội thấp hơn, bởi Chí Phèo là “thằng bạch đinh”, còn Bá Kiến trước đây làm lí trưởng rồi lên chức chánh tổng được gọi là cụ bá. Sở dĩ Chí Phèo gọi tận tên tục ra mà chửi và đặt mình ngang hàng với “bố con thằng bá Kiến” vì hắn mới ở tù ra.
Nếu như thái độ của Chí Phèo dành cho Bá Kiến là sự coi thường, không kiêng nể thì đối với Bá Kiến, Chí Phèo cũng chẳng phải là đối tượng để Bá Kiến yêu
thương, trân trọng. Và yêu thương, trân trọng sao được đối với kẻ mà Bá Kiến đã dốc tâm sức lắm mới “ngấm ngầm” đẩy được nó vào tù? Tuy nhiên, trong tác phẩm, ba lần Chí Phèo đến gặp Bá Kiến, hắn đều được cụ bá tiếp đãi với thái độ nhã nhặn, thân mật. Bá Kiến thường gọi Chí Phèo là “anh”, “anh Chí”, “cái anh này”. Song cũng cần thấy rằng, đằng sau cái thái độ nhã nhặn ấy là sự khinh bỉ của kẻ bề trên đối với tên “đầy tớ tay chân” của mình.
Bên cạnh Chí Phèo, thị Nở cũng là một nhân vật màNamCao đã dày công xây dựng. Thị Nở không những xấu “ma chê quỷ hờn” mà thị lại còn dở hơi nữa. Đặc điểm đó của thị Nở được thể hiện qua các danh ngữ sau: “một người đàn bà ngồi tênh hênh”, “người đàn bà khốn nạn kia”, “cái người đàn bà dại dột kia”.
Các danh ngữ trên góp phần làm nổi bật bản chất dở hơi, ngốc nghếch của nhân vật thị Nở.
Trong truyện ngắn “Nửa đêm”, nhân vật cũng được gọi bằng các danh ngữ như: “Thằng trương Rự, thằng Thiên Lôi, ông Thiên Lôi, kẻ giết người kia”. Các tên gọi
này được dân làng Vũ Đại gọi nhân vật Rự, thể hiện sự mỉa mai của dân làng Vũ Đại đối với hắn. Và cách gọi “thằng”, “con” thường thấy ở nông thôn trước cách mạng dành gọi những người dân ở tầng lớp dưới. Còn cách gọi “ông Thiên Lôi” lại bộc lộ tính cách hung hăng, bạo ngược của Rự khi người làng so sánh tính cách của hắn với Thiên Lôi – vị tướng trời hết sức mạnh mẽ và hung hãn trong quan niệm của người dân. Còn “cái thằng Đức, thằng bé khốn nạn, thằng bé kia, con thằng Thiên Lôi, cái giống nhà thằng Thiên Lôi, một thằng ngớ ngẩn” qui chiếu con trương Rự. “Cái thằng Đức” là cách bà quản Thích gọi đứa cháu của bà với cả sự yêu thương trìu mến. Niềm hi vọng, an ủi lớn nhất của bà trong những năm tháng cuối đời. Đức lớn lên duy chỉ có sự yêu thương của bà quản Thích. Còn dân làng Vũ Đại đều coi Đức là mầm mống của tội ác vì hắn là con Thiên Lôi, con của một kẻ giết người. Do vậy, cách gọi “con thằng thiên Lôi, cái giống nhà mày bạc, cái giống nhà thằng Thiên Lôi” thể hiện định kiến cùng thái độ miệt thị của người làng đối với Đức.
Trong truyện “Đôi móng giò”, Trạch Văn Đoành là con lão câu cá, nhờ bỏ ra một số tiền mổ bò, mổ lợn khao làng mà từ thằng bạch đinh, Đoành nghiễm nhiên trở thành ông Cửu Đoành. Chính vì vậy, các ông quan viên trong làng gọi Đoành là “một thằng không chôn nổi bố” với thái độ miệt thị nguồn gốc xuất thân của Đoành cũng như con người của hắn.
Trong truyện ngắn “Lang Rận”, bà cựu Đẩu xem thầy lang như một người “ăn mày”, “cạy dỉ mũi chưa sạch” tức là bà chê và thể hiện sự nghi ngờ đối với tay nghề của lang ta. Do vậy, bà thể hiện sự miệt thị qua cách gọi sau: “Cái anh cu lang rận ấy, cái anh cu con này”. Nếu có gọi lang bằng “ông lang Rận”, “ông lang” chăng nữa cũng thể hiện sự bực tức không kính trọng của bà cựu Đẩu. Bởi vì, xét thấy, việc sử dụng danh từ thân tộc “ông” có thể biểu thị sự kính trọng đối với người nghe, tuy nhiên “ông” đi kèm với biệt danh “lang Rận”. Thực chất, “lang Rận” không phải là tên thật của thầy lang, tên “lang Rận” là kết quả của sự trêu chọc của bà cựu và cô Đính đối với thầy lang. Bởi vì, theo bà cái mặt thầy lang dẫu có rửa mỗi ngày ba lượt xà phòng, bà trông thấy vẫn còn buồn mửa. Hơn nữa, trên người thầy lang, “rận lắm hơn giòi”. Chính vì lẽ đó, cách gọi “ông lang Rận” thể hiện ghê tởm, mỉa mai, khinh bỉ của bà cựu Đẩu và cô em chồng.
Xét theo trục quyền uy thì bà cựu là người giàu có ở làng mà lại là tay cứng “chỉ có hòng bắt nạt người ta chứ chẳng ai dám bắt nạt mình”, do vậy, cách xưng hô của bà cựu Đẩu và cô Đính dành cho người ở nhà mình với thái độ hách dịch của kẻ bề trên.
Có thể nói, các danh ngữ có danh từ riêng làm trung tâm thường nhấn mạnh vào người nói hay người được hô gọi để chỉ ngôi nhân xưng số ít. Hơn nữa, những danh từ riêng này cũng có thể kết hợp với đại từ chỉ định như: “này, kia, đây, đó” ở phía sau để nhấn mạnh người nói hay người nghe và chúng có thể được cấu tạo theo cấu trúc sau:
Thằng + danh từ trung tâm + định ngữ.
Có thể thấy, “đây, này” có ý nghĩa chỉ đối tượng gần, ngay trước mặt. Người đọc không chỉ nghe mà còn thấy các nhân vật giao tiếp chỉ vào nhau, vỗ vào vai nhau. “Này” cũng có thể là một đối tượng đang được những người giao tiếp nói đến nhưng không có mặt. Còn “kia” chỉ đối tượng ở xa nhưng trong tầm mắt, có thể là ngôi II cũng có thể là ngôi III. “Đó” cũng có ý nghĩa như “kia”, song “đó” còn có thể là một đối tượng vắng mặt. Các đại từ chỉ định trên khi kết hợp với danh từ chung chúng mang ý nghĩa của một từ chỉ xuất dùng để qui chiếu đến người nghe ở ngôi II. Trong truyện ngắn củaNamCao, ông thường sử dụng các danh ngữ có cấu trúc trên để chỉ xuất sự vật được nói đến hay để nhấn mạnh vai nói hoặc vai nghe ở ngôi II như: “Thằng này” (Cười, Quên điều độ, Đời thừa, Chí Phèo), “thằng Chí Phèo, thằng này, thằng Bá Kiến, thằng cha tự này” (Chí Phèo), “thằng bé kia” (Nửa đêm). Bên cạnh đó, còn có các danh ngữ có danh từ trung tâm như: “Thằng con lão” (Lão Hạc), “thằng kẻ trộm” (Lang Rận), “thằng bé khốn nạn” (Nửa đêm), “những thằng bạt mạng, những thằng đầu bò, những thằng du côn” (Chí Phèo). Trong đó, “những thằng bạt mạng, những thằng du côn, những thằng đầu bò” là cách gọi khinh bỉ của Bá Kiến với những tên đầy tớ của mình. Thông qua cách gọi ấy, thể hiện sự am hiểu của cụ bá về tính cách của chúng, từ đó Bá Kiến dễ dàng áp dụng chiến lược “mềm nắn rắn buông” trong cái nghề làm quan.
Bên cạnh việc sử dụng các danh ngữ trên,NamCao còn gọi nhân vật bằng các danh ngữ khác với “gã” làm trung tâm như: “Gã, gã kia” (Nước mắt), “gã tình nhân vô liêm sỉ, gã trẻ tuổi say mê lí tưởng” (Đời thừa). “Gã” là cách gọi người đàn ông với thái độ khinh miệt. Trong “Nước mắt”, Điền đến nhà dây thép lĩnh tiền. Người đông nên phải chen lấn, Điền rất ghét phải giành giật, nên Điền đưa căn cước và tấm bưu phiếu với thái độ lễ phép gọi người thư kí là “ông”. Đáp lại thái độ ấy của Điền là thái độ cục cằn của người thư kí. Do đó, từ cách gọi “ông”, Điền gọi ông ta bằng “gã”, “gã kia”. Khi nói “ gã” đã thể hiện hết thái độ bực tức, khinh bỉ của Điền. Hơn nữa, “kia” là từ chỉ định thể hiện người nói đang ở xa người nghe, tức Điền đang đứng ở vị thế xa chỗ viên thư kí và đang quan sát cách làm việc cũng như thái độ của ông này.
Có thể nói, qua cách xưng hô của các nhân vật trong cuộc thoại,NamCao không chỉ hé mở cho chúng ta biết tính cách, thái độ, địa vị xã hội của các nhân vật, mà việc sử dụng các từ xưng hô này còn góp phần quan trọng trong việc khắc họa diễn biến tâm trạng của nhân vật.
Nếu như trong truyện ngắn “Lão Hạc”, cách xưng gọi “lão”, “lão Hạc” thể hiện thái độ kính trọng của người nói đối với nhân vật thì trong “Chí Phèo”, Chí Phèo gọi bá Kiến là “lão bá” với thái độ suồng sã có phần khinh miệt. Đồng thời, “lão bá” còn thể hiện sự dày dặn cũng như uy thế của Bá Kiến trong “trường đời”. “Lão bá vừa nói một tiếng, bao nhiêu người đã ai về nhà nấy, hắn có lăn ra kêu nữa, liệu