II. SƠ ĐỒ HỆ THỐNG CÁC CUỘC GIAO TIẾP TRONG MỘT SỐ TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO
2. LỚP TỪ ĐƯỢC DÙNG TRONG XƯNG HÔ
2.2. THỂ HIỆN SỰ KHIÊM NHƯỜNG, HẠ MÌNH CỦA NGƯỜI NÓI ĐƯỢC BIỂU HIỆN QUA CÁCH XƯNG KHIÊM
ĐƯỢC BIỂU HIỆN QUA CÁCH XƯNG KHIÊM
Đối lập với cách xưng tự khẳng định mình là cách xưng khiêm tức là sự tự hạ mình của người nói. Xưng khiêm là cách xưng hô thể hiện sự kín đáo trong giao tiếp của người Việt. Xưng khiêm là lối xưng hô tự hạ mình thấp hơn so với vị thế mà người nói có thể có trong giao tiếp.
Trong truyện “Chí Phèo”, đối lập với cách xưng hô trịch thượng cùng thái độ hung hăng của Chí Phèo. Bà hàng nước đã tự hạ thấp mình bằng cách xưng “chúng cháu”. “Chúng cháu” trong trường hợp này thể hiện thái độ nhẫn nhịn, cam chịu cùng tâm trạng sợ hãi của người đàn bà này.
Nhân vật Bá Kiến được khắc họa là một con người gian xảo với bản chất xấu xa nham hiểm. Chỉ trong cuộc giao tiếp đối mặt giữa Chí Phèo – Bá Kiến mới thể hiện rõ nhất khả năng ứng xử khôn khéo và miệng lưỡi sắc bén của nhân vật Bá Kiến. Chí Phèo phải đánh đổi cả quãng đời trai trẻ bằng những năm tháng tù đày chỉ vì Chí muốn giữ nhân cách: “Hai mươi tuổi người ta không là đá nhưng cũng không toàn xác thịt. Người ta không thích cái gì người ta khinh”. Do vậy, về đến làng, Chí Phèo quyết tâm trả thù ngay, hắn say khướt, cầm vỏ chai, gọi tận tên tục của Bá Kiến ra mà chửi. Chí tự đặt mình ngang hàng với Bá Kiến được thể hiện qua cách gọi “Bố con thằng Kiến nó đâm chết tôi”. Lúc này đây, Bá Kiến xuất hiện với tư cách xưng hô thân mật bằng từ chỉ thân tộc “anh Chí”, “anh”.
Trong hoàn cảnh ấy, ở địa vị của Bá Kiến, hắn có thể gọi Chí Phèo bằng “mày” và xưng “tao”. Nhưng không, Bá Kiến không làm thế, hắn tự hạ mình thấp hơn vị thế giao tiếp mà mình vốn có để gọi Chí Phèo theo cách gọi ngang hàng: “anh – tôi”. Thậm chí Bá Kiến còn sử dụng đại từ chỉ gộp “ta” ở số nhiều (chỉ Bá Kiến và Chí Phèo). “Ta” ở đây mang sắc thái thân mật. Bá Kiến quá hiểu đối thủ của mình, khi nói cứng tức là Chí Phèo đã thấy mình yếu thế. Bá Kiến “cười nhạt nhưng tiếng cười giòn giã lắm” rồi hắn nói như lời trách cứ nhẹ nhàng: “Cái anh này nói mới hay! Ai làm gì anh mà anh phải chết? Đời người chứ có phải con ngóe đâu? Lại say rồi phải không?”. Bá Kiến hiểu rõ Chí Phèo đến nhà hắn với mục đích gì. Nhưng với sự khôn khéo, giảo hoạt, nham hiểm, Bá Kiến mềm mỏng áp dụng nguyên tắc “mềm nắn rắn buông” bằng cách “xưng khiêm hô tôn” để “giải hòa” cùng Chí Phèo và từng bước thuyết phục anh ta. Để tạo ra sự thân mật trong giao tiếp với Chí Phèo, Bá Kiến không chỉ áp dụng cách xưng hô trên mà lối xưng hô trống không hướng đến Chí Phèo cũng được hắn sử dụng nhằm đạt được hiệu quả trong giao tiếp. Hơn nữa, chỉ riêng một thông tin “có họ với nhau” đã làm cho Chí Phèo
nguôi nguôi. Chí Phèo ngồi lên và Bá Kiến biết rằng mình đã nắm chắc phần thắng, nháy mắt với lí Cường rồi mới quát con. Còn Chí Phèo cứ ngỡ rằng cụ bá quát con tức cụ đã đứng về phía mình. Thế là Chí Phèo theo chân Bá Kiến vào trong nhà. Với chiến lược giao tiếp theo nguyên tắc “xưng khiêm hô tôn” truyền thống, Bá Kiến dùng lời lẽ để trả món nợ những tưởng không thể trả hết được bằng tiền bạc cho Chí Phèo. Bá Kiến dùng lời lẽ để trả hoàn toàn món nợ ấy với “giá rẻ” đến bất ngờ: một bữa rượu và một đồng bạc.
Lần thứ hai, Bá Kiến lại phải tiếp Chí Phèo. Biết hắn đến, Bá Kiến dõng dạc hỏi cũng với cách sử dụng danh từ thân tộc để tạo sự gần gũi thân mật: “Anh Chí đi đâu đấy?”
Nếu như lần trước Chí Phèo tự đặt mình ngang hàng với Bá Kiến bằng cách gọi “Bố con thằng Kiến” thì lần này hắn “lạy cụ”, “bẩm cụ” và xưng “con” với điệu bộ hiền lành cùng lời thỉnh cầu ngược đời là xin được đi tù. Bá Kiến quát để thử dây thần kinh người: “Anh này lại say khướt rồi”.
Quả thật, Bá Kiến đã cố tình vi phạm qui tắc giao tiếp, hắn không trả lời câu hỏi của Chí Phèo. Chí Phèo móc đủ mọi túi để tìm con dao và dọa đâm chết người.Bá Kiến không mảy may run sợ, hắn cười khanh khách. Vì sao Bá Kiến vẫn giữ được thái độ ung dung như vậy? Có thể vì Bá Kiến hiểu rất rõ đối tượng giao tiếp với mình là ai? Và hắn đang ở hoàn cảnh như thế nào? Bá Kiến biết Chí Phèo đòi đi tù chỉ vì hắn không tìm được con đường sống ngay trên làng Vũ Đại. Lợi dụng hoàn cảnh ấy, Bá Kiến đẩy Chí Phèo vào cuộc đối đầu với Đội Tảo. Bá Kiến vẫn giữ cách nói thân mật: “Anh bứa lắm. Nhưng này anh Chí ạ, anh muốn đâm chết người cũng không khó gì. Đội Tảo còn nợ tôi năm mươi đồng đấy, anh chịu khó đến đòi cho tôi, đòi được tự nhiên có vườn”.
Bá Kiến đã từng bước thiết lập quan hệ giao tiếp thân thiện. Cũng với cách xưng hô “anh – tôi” mà Bá Kiến đạt được hai kết quả đồng thời: Đòi được nợ và có thêm một tay chân mới. Có thể nói, Bá Kiến biết lợi dụng hoàn cảnh giao tiếp cùng với việc nắm bắt tâm lí người đối thoại, do vậy, hắn biết cách giành chủ động từ tình thế bị động nhờ vào việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp hiệu quả nhất.
Cuộc thoại thứ ba diễn ra vào một buổi trưa, khi Bá Kiến đang bực mình vì bà tư đi mãi chưa về. Thấy Chí đến, Bá Kiến móc sẵn năm hào và quát một câu cho nhẹ người “Chí Phèo đấy hở? Lè bè vừa vừa chứ, tôi không phải cái kho”. Bá Kiến gọi hỗn danh “Chí Phèo” chứ không gọi “anh Chí’. Sau lời mắng mỏ trịch thượng của kẻ bề trên: “Cầm lấy mà cút, đi đi cho rảnh. Rồi làm mà ăn chứ báo người ta mãi à?”. Chí Phèo làm dữ khiến Bá Kiến phải dịu giọng “Thôi, cầm lấy vậy, tôi không
còn hơn”. Là kẻ phát ban lại tự đặt mình vào tình thế khẩn cầu với thái độ nhũn nhặn vì bởi cụ bá phát hiện ra thái độ khác thường của Chí Phèo.
Như vậy, chỉ với cách sử dụng từ ngữ xưng hô thích hợp để thực hiện chiến lược giao tiếp, Bá Kiến đã hiện lên là một con người giảo hoạt có tâm địa dối trá. Lựa chọn cách thức “xưng khiêm hô tôn” cho Bá Kiến cũng là cách Nam Cao kín đáo thể hiện bản chất của nhân vật này. Bá Kiến từng bước xác lập địa vị của mình. Có thể nói, Bá Kiến đã nhường một bước để tiến trăm bước và dù thể hiện sự nhún nhường qua cách xưng khiêm thì Bá Kiến vẫn hiện lên là một con người nham hiểm và hắn vẫn là người “cầm cân nảy mực” trong cái làng Vũ Đại ấy. Qua đó, chúng ta thấy dùng ngôn ngữ đối thoại hay ngôn ngữ của nhân vật để khám phá, thể hiện tính cách của nhân vật đạt hiệu quả thực sự là một nét đặc sắc trong nghệ thuật viết văn của Nam Cao.
Trong truyện “Một bữa no”, bà cái đĩ vì đói quá phải đến “ăn chực” nhà bà phó Thụ. Khi gặp bà ngoài ngõ, bà phó hỏi:
– “Bà đi đâu thế?
– Bẩm bà, con lên chơi với cháu. Lâu lắm, cháu không được về, con nhớ cháu quá!”
Xét theo tuổi tác bà cái đĩ lớn hơn bà phó Thụ, nhưng trong hoàn cảnh đói nghèo mà bà cái đĩ gọi người nhỏ tuổi hơn mình là “bà” và xưng “con”. Bà đã lựa chọn từ xưng hô theo địa vị xã hội chứ không theo tuổi tác.
Trong “Quên điều độ”, Hài – một tri thức Tây học vì sức khỏe yếu nên anh ta xin thôi việc để về quê trị bệnh. Hài muốn mở một trường tư nhưng phải có giấy chứng nhận của đốc tờ. Trong hoàn cảnh Hài, một người vừa mắc bệnh tim lại thêm bệnh phổi thì việc chứng nhận anh ta có đủ sức khỏe để mở trường là không thể đối với một người y sĩ có lương tâm nghề nghiệp. Do vậy, khi viên y sĩ nói: “Tôi không thể chứng nhận rằng ông khỏe”. Hài hoảng hốt, gần muốn khóc. Anh ta áp dụng chiến lược “xưng khiêm hô tôn” để gợi lòng trắc ẩn ở người y sĩ, tức là Hài đã hạ thấp mình xuống vị thế vốn có để gọi y sĩ là “ngài” và xưng “tôi”. Và với cách xưng gọi “tôi – ngài” cùng thái độ khẩn thiết, chân thành đến mức thương hại của Hài đã khiến viên y sĩ chấp nhận lời thỉnh cầu.