Khi nền kinh tế Việt Nam cũng như nền kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn đồng thời cạnh tranh ngày càng gay gắt, để có thể tồn tại và phát triển thì các công ty trong ngành cần phải quan tâm đánh giá các ảnh hưởng của môi trường làm căn cứ quan trọng giúp nhà quản trị Marketing có thể đánh giá được các thế mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp cũng như những cơ hội và thách thức mà thị trường đem lại.
Năm 2011- 2013, nền kinh tế Việt Nam phải đương đầu với nhiều thử thách. Dù vậy, nền kinh tế Việt Nam cũng đã từng bước khôi phục và ổn định hơn. Nhiều công ty, doanh nghiệp đã lấy lại đà tăng trưởng theo chiều hướng tích cực.
Tăng trưởng GDP
Hình 2.2: Biểu đồ thể hiện tăng trưởng GDP.
Qua biểu đồ, tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng giảm tuy nhiên với mức độ không đáng kể. Tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội năm 2013 (5,7%) tuy thấp hơn mức tăng 6,78% của năm 2010 nhưng trong điều kiện tình hình sản xuất rất khó khăn và cả nước tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì mức tăng trưởng trên là khá cao và hợp lý.
Năm 2013, tổng GDP tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2012; GDP theo giá thực tế khoảng 2255,2 - 2275,2 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 112,8 - 113,8 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 1.290 - 1.300 USD. Khi thu nhập tăng cao, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng những sản phẩm công nghệ cao, hiện đại và đa tính năng nhiều hơn. Nhận biết được điều này, các công ty trong ngành đã nhập về hàng loạt các sản phẩm mới với công nghệ hiện đại, mẫu mã đa dạng và nhiều tính năng. Đây là một trong những cơ hội cho ngành phát triển hơn nữa khi mà ngày càng thu hút thêm lượng lớn khách hàng.
Việt Nam gia nhập tổ chức kinh tế thế giới WTO, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hợp tác phát triển với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra không ít những thách thức đối với ngành khi mà ngày càng nhiều các ĐTCT xuất hiện, các công ty phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp nước ngoài khi hàng rào thuế quan bãi bỏ, đặc biệt là cạnh tranh về công nghệ, giá cả.
Lạm phát
Lạm phát là nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngành, lạm phát làm các chi phí đầu vào gia tăng. Năm 2011, lạm phát tăng 13,29% so với đầu năm và tăng 20% so cùng kỳ năm trước, gây khó khăn cho nỗ lực kiềm chế lạm phát dưới 15% theo mục tiêu đề ra. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ
chặt chẽ, thận trọng để kiểm soát lạm phát và hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống, thực hiện mạnh mẽ các biện pháp điều hành nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20% và điều chỉnh cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho sản xuất, giảm tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất. Cùng với sự nổ lực của nhà nước, đến năm 2013 lạm phát đã giảm xuống còn 6,4% và được đánh giá là tỷ lệ lạm phát thấp nhất trong 10 năm qua. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp trong ngành kinh doanh các thiết bị tin học. Các công ty sẽ ít gặp khó khăn trong việc biến động giá và thu hút sự đầu tư từ bên ngoài. Tuy nhiên việc thắt chặt chính sách tiền tệ dẫn đến khó khăn trong vấn đề vay vốn đầu tư đặc biệt là trong ngành điện tử, nguồn vốn lớn là yếu tố rất quan trọng.
Với ngành kinh doanh các thiết bị tin học, viễn thông thì nhận thức của khách hàng về vai trò của ứng dụng công nghệ trong kinh doanh phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế chung, khi điều kiện phát triển kinh tế thuận lợi thì khách hàng có xu hướng ứng dụng nhiều, khi điều kiện kinh tế sụt giảm, lạm phát cao thì khách hàng thường cắt giảm nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ ưu tiên các nhu cầu tối thiểu.
Nền kinh tế có những biến động phức tạp, đem lại những cơ hội và thách thức lớn cho các doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải có những biện pháp kịp thời để tận dụng cơ hội cũng như vượt qua những thử thách để phát triển bền vững.