Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Quản trị kinh doanh: Giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty TNHH công nghệ tin học Phương Tùng (Trang 67 - 69)

Nguồn nhân lực lúc nào cũng được coi là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công của doanh nghiệp. Công tác tuyển dụng, đào tạo và quản lý nguồn nhân lực luôn là vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu.

Các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nhân viên của Phương Tùng bao gồm:

Một là, nâng cao nhận thức của cán bộ công nhân viên về chất lượng.

Công ty cần có những biện pháp tuyên truyền tích cực giúp công nhân viên trong công ty nhận thức được vai trò quan trọng của chất lượng. Nó là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của công ty trên thương trường. Qua đó cũng quyết định tới đời sống của bản thân cán bộ công nhân viên trong công ty.

Công ty có thể áp dụng một số biện pháp:

- Tổ chức các lớp học cho cán bộ công nhân viên về qui trình chất lượng phục vụ khách hàng.

- Cử các cán bộ chủ chốt quan trọng, các cán bộ chuyên môn tham gia các khóa học về chất lượng

- Thuê các chuyên gia về tập huấn nâng cao trình độ cho nhân viên.

- Gửi email tài liệu về qui trình chất lượng, hướng dẫn nhân viên nhằm có những kiến thức tốt về chuyên môn.

Hai là, nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng lao động

Đây là một vấn đề đã, đang và sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong Công ty TNHH công nghệ tin học Phương Tùng. Để làm được điều đó, công ty cần tiết kiệm chi phí lao động, thực hiện tuyển đúng người, đúng việc (sắp xếp lao động vào các vị trí phù hợp nhất với năng lực và sở trường của họ). Việc tổ chức thi tuyển phải thực sự khách quan, nghiêm túc.

Đặc biệt, để tránh hiện tượng “chảy máu chất xám” Phương Tùng cần có những chính sách nhằm giữ chân được đội ngũ lao động có năng lực. Ngoài vấn đề về lương thưởng, doanh nghiệp cần tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo giúp người lao động có điều kiện nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, tạo cho họ cơ hội để thăng tiến tới các vị trí cao hơn trong công ty.

Trong bố trí việc, công ty cần nâng cao tính độc lập trong công việc, phát huy tinh thần lao động sáng tạo của đội ngũ cán bộ công nhân viên.

Ba là, duy trì tốt công tác đào tạo cho đội ngũ cán bộ công nhân viên

Đây là hoạt động quan trọng giúp công ty nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của mình. Với những đối tượng cán bộ công nhân viên khác nhau, công ty cần có những chương trình đào tạo thích hợp:

- Đối với đội ngũ quản lý:

Kinh doanh trong nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh gay gắt, những người quản lý không những cần giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà còn cần có sự am hiểu sâu sắc về kinh tế, tài chính, về quản trị doanh nghiệp… Dựa trên kiến thức nền tảng, họ cần thường xuyên cập nhật cho mình các thông tin mới về mọi lĩnh vực đời sống.

Hình thức đào tạo đối với đội ngũ quản lý nên là các khóa đào tạo ở trường lớp hoặc tập huấn ngắn hạn, dài hạn theo các chuyên đề thích hợp với công tác điều hành.

- Đối với đội ngũ lao động kỹ thuật: cần được liên tục tiếp cận với các loại công nghệ mới, từ đó am hiểu và làm chủ được những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Muốn vậy, doanh nghiệp nên tổ chức nhiều hơn các khóa đào tạo thực tế, các đợt tập huấn ngắn hạn, dài hạn tại các trường lớp bồi dưỡng về kỹ thuật.

- Đối với đội ngũ nhân viên bán hàng: đây là bộ phận lao động trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, là đại diện cho hình ảnh của doanh nghiệp đối với khách hàng. Sự thành công hay thất bại của hoạt động phát triển khách hàng phụ thuộc phần lớn vào họ. Do vậy, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, và tính xã hội hóa cho nhân viên bán hàng là một đòi hỏi tất yếu khách quan. Những khóa đào tạo về kỹ năng cho nhân viên bán hàng như: giao tiếp, xử lý tình huống, thuyết phục khách hàng… cũng nên được công ty quan tâm đến.

Để nâng cao kiến thức cho nhân viên bán hàng doanh nghiệp cần tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn về chuyên ngành. Điều này đặc biệt quan trọng đối với đội ngũ cán bộ công nhân viên trẻ - những hạt nhân tương lai của công ty.

Để nâng cao kinh nghiệm cho nhân viên bán hàng, doanh nghiệp nên áp dụng phương pháp “cân đối kinh nghiệm”. Theo đó, một nhân viên mới sẽ làm việc dưới sự hướng dẫn của một nhân viên có kinh nghiệm trong công ty. Điều này không những tạo cho doanh nghiệp bầu không khí làm việc thân thiện, tương trợ lẫn nhau mà còn có

thể đạt được hiệu quả mong muốn khi có sự kết hợp hài hòa giữa sự nhiệt tình, năng nổ của nhân viên mới với sự chín chắn của những cán bộ đã trải qua thực tế công việc trong nhiều năm.

Bốn là, phát huy khả năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ công nhân viên

Công ty cần tạo điều kiện cho các thành viên trong toàn công ty phát huy được hết sự sáng tạo, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc nhằm đạt đến sự hoàn thiện trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Doanh nghiệp nên tiến hành đánh giá và khen thưởng cho các sáng kiến. Ngay cả trong trường hợp sáng kiến chưa dùng được cũng cần có những phần thưởng nhất định nhằm kích thích, động viên cán bộ công nhân viên phát huy tính sáng tạo hơn nữa. Đối với những người có nhiều sáng kiến ngoài việc dành cho họ những phần thưởng đặc biệt công ty nên xem xét việc tăng lương hoặc tạo cơ hội thăng chức cho họ. Như vậy sẽ kích thích nhân viên làm việc tích cực hơn nữa góp phần làm tăng năng suất lao động.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Quản trị kinh doanh: Giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty TNHH công nghệ tin học Phương Tùng (Trang 67 - 69)