1.3. Các vấn đề cơ bản trong quản lý chuỗi cung ứng xanh
1.3.4. Hoạt động phân phối hàng hóa xanh và logistics xanh
1.3.4.1. Định nghĩa về phân phối hàng hóa xanh và logistics xanh
Logistics là khái niệm về sự quản lý tổng hợp các hoạt động liên quan tới sự di chuyển của hàng hóa thông qua chuỗi cung ứng, những hoạt động này bao gồm vận tải hàng hóa, lưu kho hàng hóa, quản lý hàng tồn kho, xử lý nguyên liệu và tất cả các quá trình xử lý các thông tin liên quan. Cụ thể, logistics là quá trình quản trị chiến lược công tác thu mua, di chuyển và dự trữ nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm và dòng thông tin tương ứng trong một công ty và qua các kênh phân phối của doanh nghiệp đó để tối đa hóa lợi nhuận hiện tại và tương lai thông qua việc hoàn tất các đơn hành với chi phí thấp nhất (Martin Christopher, 2011). Logistics trong quá trình sản xuất và kinh doanh doanh nghiệp được chia ra thành ba giai đoạn: logistics đầu vào (cung ứng tài nguyên, nguyên liệu sản phẩm cho sản xuất), logistics đầu ra (cung cấp sản phẩm đến người tiêu dung tối ưu nhất) và logistics ngược (quá trình thu hồi sản phẩm, phụ phẩm từ khách hàng quay trở lại doanh nghiệp). Theo đó, các nghiên cứu về hoạt động logistics đầu vào được gắn với các hoạt động tìm nguồn cung ứng, thu-mua, sản xuất trong doanh nghiệp, logistics đầu ra hướng đến các mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng trong phân phối bán lẻ, logistic ngược tập trung vào các vấn đề giải quyết sản phẩm đổi trả, thu hồi và tái chế…Cũng tương tự như các khái niệm về thiết kế, sản xuất, logistics truyền thống đề cập đến các vấn đề liên quan thuần túy về chi phí và tiền mà chưa có sự quan tâm cụ thể đến các vấn đề về môi trường đã và đang phát sinh. Vì vậy, khái niệm logistics xanh (green logistic) đã được xây dựng và nghiên cứu
trong thời gian gần đây là một hướng đi trong phát triển mô hình chuỗi cung ứng xanh. Các định nghĩa về phần phối xanh và logistics xanh, ngoài sự tập trung vào cắt giảm chi phí bên cạnh đó còn nghiên cứu sâu hơn về các chi phí bên ngoài hoạt động logistics liên quan chủ yếu đến các vấn đề về thay đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, tiếng ồn, khói bụi và an toàn trong vận tải. Logistics xanh cân bằng các mục tiêu về kinh tế, xã hội theo hướng tiếp cận với nhiều hoạt động thực tiễn cụ thể có tác động tích cực tới môi trường trong dài hạn.
Nhiều vấn đề được đặt ra để giúp các doanh nghiệp có cái nhìn sâu hơn về phân phối và logistics xanh. Trong đó, logistics ngược đã và đang có những lợi ích không nhỏ giúp cho doanh nghiệp quản trị dòng sản phẩm ngược tách biệt với dòng sản phẩm chính. Logistics ngược là tiến trình lên kế hoạch, thực hiện, kiểm soát sự hiệu quả, tính toán sự hiệu quả của dòng nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm, và các thông tin liên quan từ điểm tiêu dùng đến điểm xuất xứ với mục đích phục hồi giá trị và xử lý một các thích hợp. Logistics ngược gồm 3 bước chính: thu nhận, kiểm duyệt và phục hồi. Ở bước thứ nhất, sản phẩm do hư hỏng, lỗi từ nhà sản xuất hoặc được đổi trả do ý muốn của người tiêu dùng được thu hồi về bởi chính doanh nghiệp hoặc được khách hàng mang đến. Sau khi nhận được sản phẩm, doanh nghiệp tiến hành đánh giá chất lượng của sản phẩm để đưa đến các quyết định tháo dỡ, tái chế, tái sử dụng các bộ phận có thể. Cuối cùng, các thành phẩm từ các sản phẩm đổi trả được hoàn thiện thông qua chuỗi quá trình sản xuất và xử lý.
1.3.4.2. Hướng tiếp cận đối với logistics xanh
Tối ưu hóa mạng lưới vận chuyển và logistics
Các biện pháp chủ yếu để có một mạng lưới hiệu quá đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp. Các mạng lưới phân phối phải trở nên linh hoạt hơn, tiện dụng hơn và đặc biệt là có hiệu quả về chi phí và môi trường. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần có mạng lưới phân phối và logistics được thiết kế hợp lý, đồng thời cải tiến và hợp tác chặt chẽ với các tổ chức cung ứng dịch vụ logistics về các vấn đề môi trường. Một biện pháp đơn giản để giảm thiểu các vấn đề liên quan đến phát thải ra môi trường đó là việc giảm thiểu những phương thức vận tải gây ô nhiễm. Hiện nay, các doanh nghiệp sử dụng xăng, dầu làm nguồn nguyên liệu chính trong việc vận chuyển, chính vì vậy, lượng khí thải sẽ cắt giảm đáng kể nếu như các doanh nghiệp cắt giảm lượng phương tiện sử dụng xăng, dầu.
Thời gian gần đây tại các nước phát triển, các nguồn năng lượng mới đã được đưa vào sử dụng, sự phát triển về công nghệ cũng như các khuyến khích từ chính phủ các nước đã góp phần tạo nên những đổi mới ban đầu cho hoạt động vận tải hàng hóa. Hợp tác với bên cung ứng dịch vụ logistics, chia sẻ nguồn thông tin về hậu cần là các biện pháp mà các doanh nghiệp sử dụng để nhằm mục đích phát triển các vấn đề môi trường. Khái niệm “pooling” tức là việc xếp hàng hóa lấp đầy các khoảng trống trên phương tiện vận tải giúp giảm số chuyến vận chuyển là một ví dụ về hợp tác giữa các doanh nghiệp để hướng tới các mục tiêu xanh hóa.
Nâng cao hiệu quả phân phối hàng hóa tuyến cuối đối với khách hàng cuối cùng
Logistics tuyến cuối là tên dùng để chỉ ra phương thức vận tải cuối được thực để để đưa sản phẩm tới khách hàng tiêu dung cuối cùng. Tuyến cuối là phần dễ nhận biết về các vấn đề môi trường nhất của hệ thống logistics của doanh nghiệp đối với khách hàng. Các doanh nghiệp cần có một biện pháp hoạt động logistics tuyến cuối hiệu quả để tạo dựng hình ảnh và giá trị trong con mắt người tiêu dùng. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý logistics xanh
Công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các cải tiến mới trong một tổ chức. Điều này không ngoại lệ với việc ứng dụng quản lý logistics xanh trong doanh nghiệp, công nghệ thông tin đảm bảo cho doanh nghiệp có thể thực hiện các các mục tiêu về tài chính và môi trường cũng như các lợi ích cả về ngắn hạn lẫn dài hạn. Công nghệ thông tin giúp tối ưu hóa con đường vận chuyển, đảm bảo hàng hóa được vận chuyển với hiệu quả năng lượng cũng như hiệu quả chi phí. Những hệ quả của các sự kiện bất thương xảy ra đối với quá trình vận chuyển hoàn toàn có thể được dự báo bởi hệ thống lên kế hoạch vận tải tự động. Các hệ thống tiên tiến hiện nay đưa các giải pháp tối ưu sự vận hành, thu thập số liệu, thực hiện các lý thuyết về tối ưu hóa chuỗi cung ứng như Six sigma, Sản xuất tinh gọn, SCOR (Hệ thống dẫn chiếu vận hành).
CHƢƠNG 2: THỰC TRẠNG MÔ HÌNH QUẢN LÝ CHUỖI CUNG XANH CỦA IKEA