5. Bố cục khóa luận
2.1.1. Tâm niệm “hạn chế sân hận, trải rộng tình thương”
Hận là một trạng thái bất ổn của tinh thần. Thuyết phật giáo quan niệm “Nếu tâm bình thì ác khẩu không khởi, tâm chỉ còn niềm cảm thông trọn vẹn và cởi mở, một tấm lòng đầy từ ái, không còn chi phối bởi bất cứ ác nghiệp nào. Với tâm từ bi rộng lớn, sâu thẳm vô biên, ta sẽ cảm hóa những kẻ ác
nghiệp thoát khỏi sân hận và oán thù” [28]. Xuất phát từ những cảm xúc mang tính chất cá nhân, sự ích kỉ và giận dữ hình thành khi bản thân con người không làm chủ được bản thân trước tham vọng hoặc phản bội. Như những cơn sóng nảy sinh từ một vòng tròn đồng tâm, sự tĩnh lặng và yên bình của tâm hồn bỗng chốc bị phá vỡ và tăng dần theo mức độ của lòng hận.
Con người vốn sinh ra với hai phần là “con” và “người”, khi phần “người” bị phần “con” cưỡng chế và vây hãm là lúc con người mất đi nhân hình, nhân tính và dần trở thành một bản thể vô hồn. Sân hận là sự tập trung những cảm xúc tiêu cực. Nuôi hận chính là một cách tàn phá chính mình, nuôi dưỡng mầm mống tội ác và tạo điều kiện cho tội ác nảy sinh. Khi yêu thương bị những điều tầm thường và nhỏ nhen của chủ nghĩa vị kỉ làm lu mờ, con
người trở thành một bản thể đầy mâu thuẫn. Bước chân vào Gáy người thì
lạnh, bạn đọc chia sẻ với cảm thức của tác giả khi nhận diện những tha nhân
rủ mòn vì định kiến, ích kỉ và mất đi gia vị bao dung mà nuôi hận trong lòng dài lâu. Cõi lòng không tâm tịnh, bất ổn không an nhiên sống khiến tâm hồn
lúc nào cũng nặng trĩu như đeo đá trên lưng. Trên tay có đá là những trăn trở
về cách đối nhân xử thế của những con người trong xã hội công nghiệp khi sân hận nới rộng đến vô cùng. Con người dường như lúc nào cũng chờ chực sát thương nhau để mà hả hê trong phút chốc rồi sau đó nặng lòng. Căn bản vì con người trong xã hội đương đại là những kẻ mang nhiều lớp mặt nạ ngụy trang để che đậy sự sợ hãi, sự mất mát về niềm tin và không thể tự cân bằng
mình để sống. “Căm. Uất. Ngột ngạt” [27, tr.130] khiến tâm hồn bỏng rát và
mỏi mệt. Khi sân hận đã được trải rộng thì “những cuốn sách về nghệ thuật
buông bỏ” [27, tr.130] trở nên vô nghĩa, bởi người đời luôn cầm đá trên tay,
luôn “hăng hái ném nhau”[27, tr.128], biết “vì nó mà mình đau nhưng người
ta vẫn giữ gìn để tiếp tục làm đau người khác, hòn đá được ném đi ném lại trong một hành trình sát thương không ngơi nghỉ”[27, tr.128]. Chính những bất trắc của thời đại đã gieo rắc vào tâm hồn tha nhân những suy nghĩ đen tối
và nguy hại, sẵn sàng đánh đổi yêu thương để giành về phần mình những điều phù phiếm, hạn hẹp.
Dưới sự tác động của những thành tựu khoa học hiện đại, của đồng tiền, quyền lực thì sự tha hóa của nhân sinh trở thành một ám ảnh với mỗi người cầm bút chân chính. Không thể đứng ngoài lề hiện thực, bằng sự nhạy bén và tinh nhạy của một người viết ký, người viết tản văn đã nỗ lực đào sâu và tiếp cận con người từ những biến động của tâm hồn. Nói như Heidegger thì con người là kẻ duy nhất có khả năng tự vấn bản thân mình. Chính vì lẽ đó mà văn học trở thành phương tiện để bóc tách nội tâm của con người để thức tỉnh chính bản thể. Đi tìm căn nguyên để giải quyết vấn đề, người ta phát hiện con người trở nên ích kỉ và mất dần thiện tính là do khủng hoảng niềm tin. Khi mất đi niềm tin vào bản thân, vào đồng loại, con người trở nên biến chất và tràn đầy lòng nghi vực, thù hận. Thù hận cơi nới, lan nhanh và không tha cả cho bất cứ ai. Những đứa trẻ còn non nớt thơ ngây, dăm tuổi đã biết phân
chia biên giới “ta - giặc rạch ròi” [27, tr.171], biết “chửi thề ô bô lô a ba la
rồi hỏi bộ giàu là giỏi lắm sao”[27, tr.148], biết “nhảy dựng lên nói bà đừng có khi dễ tui, đừng thấy tui nghèo mà làm nhục tui”[27, tr.87]. Bước đường mưu sinh đã bám bẩn, những dự án thương mại bỗng chốc trở thành kẻ thù tàn phá sự ngây thơ và trong sáng nơi các em. Những hằn học, giận dữ đáng lẽ ra không nên chế ngự những tâm hồn cần an nhiên sống như thế, nay bỗng chốc tràn lan và “hứa hẹn” sẽ lớn dần thêm từng ngày. Cảm giác đau nhẹ nhưng đắng lòng khi chứng kiến cái mầm non xanh mởn mởn luôn đem lại cảm giác bình yên giờ đây đang chết rũ, sẵn sàng đẩy người đối diện về phía
bên kia biên giới bằng bóng tối trong ánh mắt chúng với “một cái đá gió rất
khẳng khái. Sau những vòng bánh xe thản nhiên quay có mấy tiếng chửi thề của chính thằng nhỏ lả tả rơi”[27, tr.151]. Người đọc cũng rơi vào trạng thái bức xúc và hoài nghi, khi liệu rằng giữa muôn ngàn phi lý đang tồn hiện, con
người dễ có thể không nảy sinh tội ác và thù hận khi bị dồn vào đường cùng, bị tước đoạt cuộc sống.
Lĩnh hội từ các thế hệ nhà văn đi trước, với Nguyễn Ngọc Tư, hình ảnh những người lính bước ra từ chiến trận ở bên kia chuyến tuyến được nhìn lại với tinh thần hết sức nhân bản. Những người đàn ông mang thân phận của kẻ
thù trở về đời thường nhưng mang trên mình mãi mãi một vết sẹo - “mà trên
phim người ta gọi bằng giọng chắc nịch là “địch”, “quân bán nước”, “lũ tay
sai” [27, tr.171]; mỗi lần chạm tới là một lần đau nhói khiến người đọc không
khỏi chùng lòng mà buồn dấm dẳng. Thời gian đi qua không thể làm bạc màu quá khứ, không thể xóa đi những vết sẹo đã chai cứng nhưng sẵn sàng bung vỡ khi có người cào cấu, càng không làm cho hận thù nguội bớt, vơi đi. Sự đeo bám dai dẳng của tư tưởng bảo thù, oán hận đã bắt buộc họ phải chối từ
cuộc sống, họ lẩn tránh “Hết tháng Tư, họ mới quay lại, thất thần và nặng trĩu
như vừa đi đâu xa lắm, mới về” [27, tr.171]. Cảm giác ngột ngạt và ứ đọng của không gian sân hận dường như đã giết chết tâm hồn của con người mỏi mòn chờ sự trở lại một cuộc sống thật đời thường.
Len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống, tản văn Gáy người thì lạnh
của Nguyễn Ngọc Tư không khỏi khiến cho người đọc rơi vào cảm giác
hoang mang và bải hoải. Nếu ở Yêu người ngóng núi, dù có lúc chạm đến tận
cùng đau đớn và bất an, nhưng niềm tin vào cuộc sống, vào sự hướng thiện của con người vẫn còn được gieo neo bởi tình thương thì giờ đây, nhìn đâu
trong Gáy người thì lạnh bạn đọc cũng cảm thấy sự nghi kị và hoài nghi đến
tột cùng. Bởi sự nới rộng của sân hận đang dần triệt tiêu yêu thương và biến yêu thương trở thành một giá trị xa xỉ. Nhen nhóm và nuôi dưỡng hận thù qua những suy nghĩ hay hành động biến các nhân vật trong tản văn trở nên xấu xí và đáng thương. Hận thù như hút cạn sinh lực của tha nhân. Sân hận đeo bám ráo riết tâm hồn con người hiện đại đang cạn rũ yêu thương với đồng loại. Đôi lần ngoảnh mặt làm ngơ, đôi lần chắc lưỡi mặc kệ hình thành những thói quen
xấu, làm nền cho những nhỏ nhen, toan tính trỗi dậy. Mất đi khả năng chia sẻ và biết yêu thương, con người như những kẻ vô hồn chỉ biết lao vào kiếm tìm và xác định những giá trị phù phiếm mà từ chối làm “người”. Tại sao không
sống và yêu thương chân thành như “một bà mẹ ôm con trong lòng mà bàn
tay chị lúc nào cũng bọc lấy bàn tay con, lúc xoa nhẹ lúc nắn khẽ, lúc day ngón cái vẽ lên lòng bàn tay nó những bông hoa” [27, tr.90] hay những “ông cha hồ hởi nán lại chờ con chơi xích đu trong sân trường mẫu giáo”
[27,tr.92], “những ông cha lo âu ngồi bên ngoài hàng rào trường thi, xong
buổi làm bài mệt nhoài cha đón con bằng cái xoa đầu và hỏi “mệt không ông tướng?” [27, tr.92] trong Tùy bút phải lòng. Nguyễn Ngọc Tư đã khơi sâu vào phức cảm âu lo của con người khi đương thời họ vẫn còn là nô lệ của trạng
thái tinh thần sân hận, toan tính trong Gáy người thì lạnh.
Là một nhà văn có nhân sinh quan tích cực, luôn hướng ngòi bút của mình vào những nét đẹp tâm hồn và trực diện nhìn vào sự thật với những mặt trái của xã hội, Nguyễn Ngọc Tư luôn thể hiện trong mỗi trang viết của mình tâm niệm về lẽ sống ở đời. Không triết lí hay rao giảng đạo đời, bằng chính sự giản dị của tâm hồn người cầm bút, nữ nhà văn đến gần với bạn đọc hơn ở chiều sâu tâm lí bằng những suy ngẫm và trăn trở rất chân thành. Với tâm niệm “hạn chế sân hận, trải rộng tình thương”, Nguyễn Ngọc Tư mong muốn nêm đầy gia vị yêu thương của tấm lòng để xoa dịu những tâm hồn tổn thương chất chồng và xóa bỏ khoảng cách vời vợi giữa người với người.