5. Bố cục khóa luận
3.2.1. Ngôn ngữ đặc sệt Nam Bộ
Khi bàn đến Nguyễn Ngọc Tư, độc giả thường thích thú gọi nữ nhà văn bằng danh hiệu “đặc sản Nam Bộ”, với bản thân mình, Nguyễn Ngọc Tư cũng “thấy mình hơi giống… đặc sản. Nghĩa là không cần chiều chuộng khẩu vị của tất cả mọi người, tôi sống với tất cả những gì tôi có”. Với cái tâm của người cầm bút, với tấm lòng của một người con sâu nặng với quê hương, bằng tất cả những gì mình có trong tay, giản dị nhưng sắc sảo, Nguyễn Ngọc Tư đã chinh phục được bạn đọc bằng cái cách nhà văn yêu quê hương qua từng con chữ.
Gom góp những yêu thương và tha thiết dành cho mảnh đất quê hương vào từng trang văn, Nguyễn Ngọc Tư dường như chưa bao để mình rơi ra khỏi sự bảo bọc ân tình của những con người phúc hậu, hiền lành nhưng vô
cùng hào sảng, chịu chơi ở xứ này. Rong ruổi suốt những hành trình bạt ngàn nỗi nhớ, cái hành trang lớn nhất tác giả để dày thêm trong tản văn của mình chính là vốn ngôn ngữ đặc sệt miền Nam rịn ra trong từng con chữ. Chỉ cần
thở nhẹ trong bầu không khí đặc quánh chất địa phương ở Gáy người thì lạnh,
ta đã cảm nhận được tình cảm đặc biệt thiêng liêng của nữ nhà văn dành cho từng con người, mỗi mảnh đất đã từng sống, từng đi qua, khi hòa mình vào những biến động của cuộc đời để chiêm nghiệm hay lật lại từng trang kí ức.
Tuổi thơ sinh ra và lớn lên gắn liền với sông nước, với những phong tục lề thói, nếp ăn ở, sinh hoạt của người dân miền đã ăn sâu và tiềm thức của người phụ nữ yêu nghiệp văn này. Quyện chặt như máu mủ ruột rà, Nguyễn Ngọc Tư đã đưa những đặc trưng nơi mình đang sống lên những trang tản văn một cách thật tự nhiên và chân chất. Từ những lời ăn tiếng nói hằng ngày,
cách xưng hô “ê”, “mậy”, “ổng”, “bả”, “tụi nhỏ”, “ Ông Cà Bi ở xẻo Quao”,
“chú Mười Ba”, “thằng Tư Giàu”, “Chú Năm Thái”, “Ông Ba, Ông Bảy”, “ông chú bán cà rem”, “anh vá dép”,… trở thành một nét đặc sắc. Phổ biến trong lối xưng hô đặc trưng của người miền Tây Nam Bộ là cách gọi tên theo thứ tự sinh ra trong gia đình đi kèm với tên gọi, khiến cho người đọc cảm giác gần gũi và thân thuộc với từng con người nơi đây dù chưa một lần tiếp xúc.
Đúng như nhà văn Gorki từng gọi khẩu ngữ là máu của văn chương nghệ thuật, nếu mất đi lớp ngôn ngữ địa phương này, tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư có thể sẽ mờ nhạt và không tạo được một phong cách như Nguyễn Ngọc Tư đã tạo dựng như bây giờ. Sử dụng thành thục và linh hoạt, mỗi tản văn của tác giả hiển hiện sinh động trước mặt bạn đọc như đời thực. Lắm khi len lỏi trong cách dùng từ xưng hô, người ta nhận ra những hỉ nộ ái ố đính kèm theo chứ không còn đơn thuần là một các gọi tên. Những kiểu bày tỏ tình
cảm như “ê nói nghe nè, tự dưng tao thấy đời buồn hiu, mậy…” [27, tr.37],
“lay lắt vậy mà thằng nhỏ tôi sắp qua được năm nhứt đại học Cần Thơ rồi đó
ngon trai lắm à nghen…” [27, tr.65]..., thiệt chỉ có ở miền sông nước Cửu Long này mới có và mới làm lòng người ngọt lịm những yêu thương.
Là nhà văn tận lực với cơ địa văn hóa vùng miền, xuất hiện với tần số
dày đặc trong tản văn Gáy người thì lạnh là lớp ngôn ngữ trần thuật “gợi ấn
tượng về văn hóa sông nước”, về những thức ăn ngon đã trở thành đặc trưng
cũng như nề nếp sinh hoạt của con người miền Nam. “Cặp mé sông Rạch
Rập” [27, tr.47], “Mùa Chạp cá làm đìa người ta lớp rọng lớp làm mắm để
ăn dần dần cho tới mùa lúc sau, mớ xẻ làm khô ăn Tết” [27, tr.49], “những rặng dừa nước, những cây bần, cây vẹt mọc nghiêng nghiêng chểnh mảng ven bờ. Những hàng đăng đó lơ phơ chồi sậy, những cái vó cất gác chếch lên hóng gió sau một đêm sũng nước. Những chiếc ghe hàng bông neo lại bên rặng mắm nấu cơm chiều om lên vài lọn khói còm nhom” [27, tr.76], “những ô rô, chùm gọng, ráng, choai” [27, tr.77]… là những hình ảnh chân thật và gần gũi đến vô phương mà chỉ tới Nam Bộ người ta mới tận mắt nhìn thấy. Cái ân tình của con người nơi đây cũng đằm thắm và nồng hậu vô cùng với “những khạp da lươn đựng nước mưa đặt bên đường để đãi khách bộ hành…”
[27, tr.122], hay một bữa cơm “nhậu đã đời” mà “nếu nhà chủ hết củi nấu
cơm, chắc họ rút cây ven vách ra chụm luôn” [27, tr.187]. Thiên nhiên thì đãi
đằng bằng “gió chướng” [27, tr.47], bằng ‘thứ nắng đỏ quạch đặc quánh” [27,
tr.169] cùng với ‘những cây bần lớp quỳ lớp đứng thành chòm, thành rừng”
[27, tr.174].
“Chất Nam Bộ” thấm tràn trong cái phong phú và dồi dào của vốn từ vựng Nguyễn Ngọc Tư. Với sự tinh tế và khéo léo của một người phụ nữ, Nguyễn Ngọc Tư nhẹ nhàng chiếm lĩnh cõi lòng bạn đọc bằng sự tự nhiên và mộc mạc của con chữ. Cái “đặc sệt Nam Bộ” thường thấy ở những truyện ngắn hay tiểu thuyết đầu tay của nữ nhà văn xuất hiện trong tản văn tràn đầy sức hút. “Không thể một lần và vĩnh viễn tạo ra được phong cách cá nhân. Phong cách cá nhân được hình thành trong sự tương tác sinh động với những
vấn đề sáng tác mà nhà văn giải quyết trong mối quan hệ mật thiết với sự phát triển của cuộc sống và bản thân nhà văn” [206, tr.11]. Chính ngôn ngữ rặc Nam Bộ mà Nguyễn Ngọc Tư đã lựa chọn sử dụng và gắn bó hình thành nên cái chất “đặc sản” trong lối hành văn của chủ thể. Bên cạnh đó, ảnh hưởng sâu đậm cuộc sống và văn hóa miền Tây Nam Bộ đã góp phần tạo dựng nên sự cuốn hút lâu bền cho mỗi tác phẩm tản văn của Nguyễn Ngọc Tư. Bản thân
lối sử dụng phương ngữ đã tạo nên bản sắc của tản văn Gáy người thì lạnh
của “đặc sản Nam Bộ” nhìn từ phương diện nghệ thuật ngôn từ.