Kết thúc bỏ ngỏ

Một phần của tài liệu ĐẶC SẮC TẢN VĂN GÁY NGƯỜI THÌ LẠNH CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ (Trang 54 - 57)

5. Bố cục khóa luận

3.1.2. Kết thúc bỏ ngỏ

Khước từ sự bấu víu những đại tự sự, tiểu tự sự lên ngôi đã dung chứa tất cả những lệch pha và ngụy tạo của một thế giới chưa hoàn tất và vỡ vụn. Hướng tới tính không hạn định và vô hạn của tư duy, nhà văn ý thức được sức mạnh của khoảng trắng luôn mời gọi bạn đọc bước chân vào giải mã và khai phá những ý niệm ẩn chứa trong mê lộ chữ. Chính kết thúc bỏ ngỏ đã tạo ra những khoảng trống như vậy để bạn đọc suy nghiệm lại toàn cuộc vấn đề cuộc sống trên trang viết của nhà văn.

Đến với Gáy người thì lạnh, song hành cùng kết cấu “chêm xen ý”, bạn

đọc bắt gặp ở cuối tác phẩm những câu hỏi bâng quơ hay những dấu chấm lửng kéo dài đứt quãng. Ta bắt gặp rất nhiều cái kết bằng những câu hỏi tu từ

làm nhói buốt tâm trạng “Trời ơi chừng nào mới tới lần sau, đám trẻ lại về

xôn xao trước ngõ?!” [27, tr.84], “Ủa sao tôi không thấy buồn thấy đầy dự cảm bâng quơ? Ủa sao tôi không thấy hành động của thằng nhỏ tuyệt vọng như đã từng, khi nhìn theo bóng dáng ông cậu mình lúi húi chống gậy đi trong chiều muộn?” [27, tr.151], “Nhưng tuổi hai mươi gặp gì cũng hăng hái đeo mang, thấy gì cũng hớn hở vơ lấy vào mình, lỉnh kỉnh những phấn son, tô vẽ và xiêm áo, tuổi hai mươi ấy giờ nằm lại ở đâu?” [25, tr.18]. Những lời tự vấn/ chất vấn đầy nghi hoặc về đạo đức, về cách ứng nhân xử thế của con

người, về những đổi thay và suy đồi của văn hóa trong sự phát triển choáng ngợp của xã hội khoa học. Không ít lần nghe tâm hồn nhức nhối nỗi cô đơn, tìm mình trở về với vùng kí ức xanh mà tác giả cũng phải thon thót giật mình

và không kiềm nén được một câu hỏi vô vọng “Về ngang qua ngôi mộ cổ nằm

bên đường, tự hỏi cùng với người nằm dưới mộ này, có bao nhiêu lời hứa được chôn theo, có bao nhiêu thời gian của người ở lại bị bạc màu?” [27, tr.112]. Hỏi không phải để chờ đợi một câu trả lời, mà hỏi chỉ để nghe tiếng thở than của một tâm hồn mệt nhoài, để trì níu lòng người trong một thời khắc nhất định. Giữa những câu hỏi ngơ ngác và cô đơn khủng khiếp kiểu như ta là ai, ta đang làm gì, ai đã làm thay đổi ta hình như chưa bao giờ khép lại, nhất là khi xã hội càng phát triển phức tạp và bất ổn, có nhiều hơn những quy tắc lề luật mà con người định ra để ứng xử với nhau, dằn xiết nhau trong những mối ràng rịt đó. Kết thúc bằng dấu chấm hỏi là một cách mở ra một không gian khác của suy tư và chiêm nghiệm với một câu chuyện mới hơn. Đằng sau mỗi dấu chấm hỏi là một vấn đề còn đang chờ đợi con người tự giải đáp. Với lối kết cấu này, Nguyễn Ngọc Tư có thể kết nối với bạn đọc thông qua kênh giao tiếp nhiều dòng phức cảm. Những kết thúc này có thể khai thác triệt để khả năng tư duy của người đọc để cùng với tác giả tạo ra không gian đa chiều cho mọi người mặc sức đối diện, vùng vẫy hay chống chọi. Những dấu hỏi về

thân phận “vẫn chờ đợi ai đó đáp lời, chìa ra một bàn tay, một vòng tay ấm.

Có điều, khi đó không biết chúng còn đủ sức để nắm lấy không?” [27, tr.136] như một lời ai oán dành cho cuộc đời. Nguyễn Ngọc Tư không phải là một nhà triết luận, nhưng với sự lựa chọn kết thúc bỏ ngỏ bằng dấu chấm hỏi này, chị đã thành công khi vận dụng một cách khéo léo nguyên lí đồng sáng tạo trên bề mặt của cảm xúc. Trước trang tản văn khi kết thúc, người đọc dường như bị cuốn sâu vào câu hỏi đã được tác giả đặt ra và hớt hải đi tìm câu trả lời như một cách tự vấn bản thân. Ai? Cái gì? Ở đâu? Như thế nào? Là dấu hiệu cho những dự cảm về tương lai của người viết khi chính Nguyễn Ngọc Tư

cũng cảm thấy hoang hoải và hồ nghi mọi điều đang tồn tại trên cõi đời. Kết cấu bỏ ngỏ bằng những câu hỏi đã đặc tả được tính chất của một xã hội hậu công nghiệp, nơi đem đến cho con người nhiều ưu phiền, lo lắng và sợ hãi hơn là một sự lòng cần có. Thiết nghĩ, còn hoài nghi và lật trở thì con người vẫn còn chưa chết hoàn toàn và vẫn còn cơ hội để cứu chuộc tâm hồn.

Song hành với kết thúc bỏ ngỏ bằng dấu chấm hỏi, kiểu kết thúc bằng dấu chấm lửng cũng kéo dài hoài niệm và những khát thèm giản dị khi chính

tác giả cũng rơi vào mông lung và khắc khoải của cảm xúc. “Chật vật mấy,

cuối chạp cũng có cái đem phơi, đem nhuộm nắng, cũng có bụi bông vạn thọ, và bông trang bông lồng đèn nở rực rỡ trên hàng rào…” [27, tr.51], “Và tiếng rao của anh sửa bếp ga, ông già mài dao kéo dạo… của trưa nay một ngày nào đó không còn nữa, chẳng biết sẽ có tiếng rao nào khác để đánh thức kí ức tôi, về những người xa những nghề đã từng đi qua đời mình…” [27, tr.68]. Dường như thường trực trong mỗi cái kết là sự ứ đọng của nuối tiếc và xót xa

cho kỉ niệm đẹp một thời. Cái đặc sắc riêng trong Gáy người thì lạnh của

Nguyễn Ngọc Tư chính là từ những lấp lửng, dở dang của kết thúc bỏ ngỏ đã tạo cái nhìn đa chiều từ tác giả đến bạn đọc để cùng nhau lật trở và không

ngừng chiêm nghiệm lại cuộc đời, về nhân sinh và lẽ sống. “Gió thổi qua

những bờ sậy vàng cháy xao xác như những tiếng thở dài, than ôi con người ứ hự con người…” [27, tr.146] nối dài miên man cảm giác mệt mỏi và hoang

hoải của tác giả khi đối diện với nhân tình thế thái .“Lần đầu tiền mình nhận

ra - sau những chuyến phủi bụi trần thế thõng tay đi chơi núi - những cảm xúc ngột ngạt bị đẩy đến tận cùng, đến ngộp thở có khi cũng cần thiết cho mình, một người viết. Chữ bật ra từ những nỗi đau, biết đâu…” [27, tr.192] là một cách chia sẻ bài học mình vừa nhận ra trong cuộc sống để mọi người cùng nghiền ngẫm ẩn đằng sau dấu ba chấm lấp lửng kia.

Hoài nghi và tự vấn, trăn trở và suy tư qua những trang tản văn đã làm cho tâm hồn bạn đọc biến động không ngừng trước sự vận động của đời sống

hôm nay. Nguyễn Ngọc Tư với lối viết điềm đạm, thấu đáo đã bền bỉ đi theo suốt tác phẩm của chủ thể sáng tạo qua những câu chuyện rất đời thường, có lúc như là bâng quơ với những kết cục rất khó đoán. Khó có thể tìm ở trang viết của chị một kết thúc có hậu nhất là khi ở những dòng về cuối càng gieo rắc vào lòng người những hoang mang và bất trắc. Không có kết cục tối hậu mà chỉ còn những biến dịch. Con người cũng vậy, làm sao để cái dòng chảy của sự biến dịch ấy nó thuận theo với tự nhiên mới là điều đáng kể.

Một phần của tài liệu ĐẶC SẮC TẢN VĂN GÁY NGƯỜI THÌ LẠNH CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ (Trang 54 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(73 trang)