Trăn trở về sự phai nhạt những giá trị cuộc sống

Một phần của tài liệu ĐẶC SẮC TẢN VĂN GÁY NGƯỜI THÌ LẠNH CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ (Trang 31 - 35)

5. Bố cục khóa luận

2.1.2. Trăn trở về sự phai nhạt những giá trị cuộc sống

Con người vốn dĩ là một bản thể đầy mâu thuẫn. Người ta có thể trưởng thành hơn qua từng ngày sống, từng ngày trải nghiệm hay va vấp trên đường đời, nhưng cũng có thể trở nên biến chất khi đứng trước sự cám dỗ của phù phiếm, hư ảo và hạn định. Biết đó là những giá trị nhất thời và không bền vững theo thời gian, người ta vẫn chấp nhận lao theo đeo đuổi một cách không ngừng nghỉ dù mệt mỏi và bế tắc. Những giá trị mang tính chất hình

thức của xã hội hiện đại khiến con người từ chối hoàn thiện bản thân, tự biến mình thành những tha nhân tham vọng và lạc loài. Chính tư duy của con người đặt để giá trị cho mọi hiện hữu và sống với những giá trị đó, song đồng thời chính họ cũng là tác nhân chối bỏ tất cả mọi thứ đã xây dựng nên. Và sự biến đổi hay làm mờ nhạt những giá trị tốt đẹp của truyền thống là điều khó tránh khỏi trong xã hội đương đại. Nhất là những giá trị thẩm mĩ đạo đức. Đây là điều cốt yếu khiến Nguyễn Ngọc Tư bận tâm trong những trang viết của mình.

Đứng trước ma lực của tiền tài, danh vọng, con người trở nên tham vọng và sẵn sàng đánh đổi nhân cách để chiếm hữu tất cả. Các nhân vật trong tập tản văn gần đây nhất của đặc sản Nam Bộ cũng vậy, họ dị dạng và xấu xí từ cách nhìn nhận đến lối sống. “Chân - Thiện - Mĩ” từ lâu vốn là một niềm khao khát mãnh liệt mà loài người hướng đến song giờ đây trở nên xói mòn

trước xã hội thực dụng. Cúi xuống vùng non xanh mát vạch ra trong tâm trí

bạn đọc một sự so sánh nhỏ khi trước đây văn hóa nghe nhìn được xác lập ở sự “nghe khỏe” [27, tr.14], “đẹp giản dị” với “tiếng hát non trong, mộc mạc, chân phương, đôi lúc vụng về, run rẩy. Ca sĩ không dùng bất cứ phương tiện nào kỹ thuật nào để nương dựa, lấp liếm hay che đậy, cứ hồn nhiên như vậy mà cất cao tiếng hát từ đáy lòng, thanh thoát” [27, tr.14], “Tô Ánh Nguyệt năm xưa đau nỗi đau xa con chỉ cần nghẹn ngào bước từng bước run lẩy bẩy, nắm tiền trong tay bay bời bời” [27, tr.16] là đủ khiến cho khán giả nghẹn

ngào nước mắt. Ở thì hiện tại, người ta thấy “sự giản dị năm xưa mãi mãi ở

lại với… năm xưa” [27, tr.15], khi chân phương, mộc mạc đem lại sự “dễ chịu, khoan khoái, thoải mái” [27, tr.14] bị đánh đổi bằng thứ âm thanh chát

chúa, xô bồ, bằng hình ảnh nhức mắt “Tô Ánh Nguyệt bây giờ vừa gào thét

vừa bứt xé hàng khuy áo quá sex, mệt gì đâu” [27, tr.14]. Cuộc sống của xã hội hiện đại đã làm thay đổi thị hiếu thẩm mĩ của đại bộ phận người dân. Thị hiếu của những tâm hồn trong lành và thanh sạch bị đánh đổi bằng thị hiếu thị

trường khô cứng, giả tạo. “Những bức tranh lụa, những trang viết của Thạch Lam, những bản nhạc mono thu âm năm xửa năm xưa…” [27, tr.15,] trở thành những hình ảnh đẹp của quá khứ xa vời. Càng trải đời, càng va chạm người ta càng trở nên “già đời” và không còn được là mình một cách nguyên chất. Chính nhà văn cũng thảng thốt về bản thân khi ngày càng đuối sức vùng vẫy

trong một cuộc sống “phàm tục” mà thèm muốn “Những tuổi hai mươi gặp gì

cũng hăng hái đeo mang, thấy gì cũng hớn hở vơ lấy vào mình, lỉnh kỉnh những phấn son, tô vẽ và xiêm áo, tuổi hai mươi ấy giờ nằm lại ở đâu?” [27, tr.18]. Văn chương soi rọi vào văn hóa để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, nhưng chính văn chương cũng ngày càng bất lực khi chứng kiến phai nhạt, thậm chí sụp đổ của những “Chân - Thiện - Mỹ”. Sự lệch lạc và khủng hoảng của đức tin trước uy tín của các giá trị sống xuất phát từ chính mâu thuẫn giữa sự u mê và lạc lối về mục đích sống.

Như một sự đánh rơi có chủ ý, con người đứng trước guồng quay hối hả của cuộc sống đã chấp nhận biến mình thành muôn vàn những khuôn mặt tập thể. Khi chủ nghĩa vật chất được tôn sùng, những giá trị truyền thống như yêu thương, đạo đức, nhân cách trở nên xa lạ và nhạt nhẽo. Không còn chiếm giữ vị trí trung tâm, tình cảm gia đình ngày càng lỏng lẻo, rời rạc và thậm chí

còn xa lạ một cách dở khóc dở cười. Ăn cơm một mình với sự thiếu vắng

những bữa cơm sum họp đủ đầy, “ngồi mình mình với chỏng chơ bàn ghế,

muỗng xước vào đáy đĩa mà nghe như xước trong lòng những âm thanh rởn

óc” [25, tr.101], “nghe vẳng lại tiếng mình chỉ thấy bóng của mình” [27,

tr.103], là một nỗi buồn chưa bao giờ xoa dịu đối với cái tôi khi mỗi lần ông ngoại chống gậy từ kí ức trở về. Người đọc hình dung ra cái cảm giác cô đơn đến ngút lòng của những lần tình cảm gia đình đi lạc, người già đợi người trẻ về mang theo hơi ấm cho căn nhà chỉ toàn lạnh lẽo, trống vắng mà khi trước “từng đầy ắp tiếng cự cãi rầy rà, bước chân chạy nhảy, nồng đượm mùi mồ hôi, và rực rỡ những nụ cười” [27, tr.84]. Bỗng chốc tiếng than “Trời ơi

chừng nào mới tới lần sau, đám trẻ lại về xôn xao trước ngõ?!” [27, tr.84] tràn ứ trong không gian những chờ đợi, trông ngóng. Quan hệ giữa ông bà, cha mẹ với con cháu bị nuốt chửng bởi bộn bề mưu sinh hay sự ích kỉ cá nhân. Thiếu liên kết trong gia đình, yêu thương và sẻ chia dần dần biến mất như một căn cớ đẩy con người vào vùng lầy của cô độc và tha hóa. Chỉ ghi lại cái cảm giác mà mình từng trải qua, từng chứng kiến bao lần trong cuộc sống, Nguyễn Ngọc Tư đã làm nhức lòng biết bao con người khi thấy bản thân mình bên cạnh hình ảnh những người ông, người bà còm cõi bên mâm cơm hiu quanh và thiếu thốn hơi ấm tình thân. Đã bao người đi qua cuộc sống này một cách vội vã mà không chịu một lần nhìn lại phía sau, để thấy mình đã làm cho mình vơi đi đến tưởng chừng tuột mất cái gia tài thiêng liêng và vĩnh cửu nhất của một đời người. Như một lời nhắc nhở hay cảnh tỉnh, tác giả kể những câu chuyện rất đời thường mà độc giả có thể bắt gặp mỗi ngày nhưng phớt lờ đi, để giãi bày nỗi lòng của một người tha thiết yêu cái đẹp đích thực.

Càng đi sâu vào cuộc sống, chứng kiến những hao khuyết của yêu thương, và niềm tin trong tâm hồn con người, độc giả càng rơi vào cảm giác bức bối và khó chịu cho sự thua cuộc của truyền thống khi đấu tranh với hiện đại. Người ta thôi đấu tranh để gìn giữ những giá trị bất biến và ý nghĩa, để cho đến một ngày, không chỉ các giá trị sống bị phai màu và đánh mất, con người cũng đánh mất chính mình một cách đầy chủ ý. Rơi vào cảm giác hụt hẫng đến chới với của một người phụ nữ làm thiện nguyện, người ta mới thấm thía hết cái xa xót của một người tin yêu cuộc sống bị chính cuộc sống phản bội. Ừ thì phải mộng mơ để cuộc sống dễ thở, nhưng giữa cái xã hội vật chất

như bây giờ thì “Ba đồng một mớ mộng mơ…” [27, tr.105]. Rẻ như bèo và chỉ

cần có tiền là mua được tức thì, nhưng điều đáng lưu tâm chính là cảm giác nuối tiếc vô hạn khi có thêm một hạng mục giá trị sống khác bị quy đổi thành

vật chất. Hình ảnh thằng bé bị bệnh bị “kích động dữ dội, cơ thể co giật, mặt

một chữ “TIỀN!” [27, tr.107] đằng sau những âm thanh “gru gru” [27, tr.106], bỗng chốc làm tất thảy vỡ vụn. Người ta nghẹn ngào cho cuộc sống nghèo nàn, nhưng càng thất vọng hơn cho sự đánh mất nhân cách một con người. Dẫu biết rằng đây là cuộc sống vật chất, mọi hệ hình giá trị đều bị đánh đổi và mờ nhạt dần theo thời gian, nhưng không khỏi nản lòng và tuyệt vọng cho sự buông thả của con người.

Theo vòng xoáy gay gắt của thời đại công nghiệp, giữ gìn những giá trị sống chân chính là một điều khó, nhưng càng khó hơn là làm sao giữ cho chính mình luôn được là mình. Đứng trước sự nhạt nhẽo và tầm thường của cuộc sống, trước sự phai nhạt những thang giá trị làm thước đo chuẩn cho mọi

con người, mọi thời đại, Gáy người thì lạnh của Nguyễn Ngọc Tư như những

dòng tâm sự mà nhà văn chia sẻ dành cho tất thảy con người đang hiện tồn. Nếu biết sống chân thành và giản dị, biết yêu và tin yêu cuộc sống một cách lành mạnh, biết loại trừ những toan tính, thủ đoạn, những dục vọng, khát thèm và đặt lên trên hết một thái độ sống tích cực, thì mọi rào cản thời đại sẽ trở nên đơn giản và dễ dàng vượt qua. Đây là bức thông điệp sâu sắc mà người trần thuật Nguyễn Ngọc Tư muốn gửi đến bạn đọc từ những trang tản văn tưởng như toàn những chuyện bình dị, thân thuộc này.

Một phần của tài liệu ĐẶC SẮC TẢN VĂN GÁY NGƯỜI THÌ LẠNH CỦA NGUYỄN NGỌC TƯ (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(73 trang)