Nhân vật tiên tri

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Trại hoa đỏ của Di Li. (Trang 30 - 32)

5. Bố cục của khóa luận

2.1.2. Nhân vật tiên tri

Tiên tri có nghĩa là biết trước một cách kinh nghiệm về những điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Như vậy, nhân vật tiên tri chính là kiểu nhân vật có khả năng đoán biết được mọi sự việc sắp xảy ra. Kiểu nhân vật này luôn song hành cùng với motif lời tiên tri, tiên đoán số phận. Trong dòng chảy văn học kì ảo thế giới đã từng xuất hiện rất nhiều dạng nhân vật tiên tri, từ hình ảnh các viên tư tế - người trung gian giữa thần linh và con người trongThần thoại Hi Lạp cho đến nhân vật đạo sĩ trong Liêu trai chí dị và cả những con người bình thường những có khả năng đoán biết được tương lại trong các tác phẩm hiện đại như Kano Malta, Honda, Kano Creta trong Biên niên kí chim vặn dây cótcủa Haruki Murakami.

Trại Hoa Đỏtuy không phải là một câu chuyện kì ảo nhưng lại sử dụng yếu tố kì ảo như một thủ pháp nghệ thuật, vì vậy trong tác phẩm không hề ngạc nhiên khi bắt gặp hình ảnh nhân vật tiên tri. Ráy - là một người phụ nữ dân tộc, cũng giống như các cư dân khác sinh sống ở đây, Ráy mang một sự bí ẩn khó có thể lí giải, từ hành động, lời nói cho đến ngoại hình của cô cũng đầy khác thường.

Ráy là một người dân tộc nhưng lại thông thạo tiếng Kinh. Ngoại hình của nhân vật này được miêu tả một cách kì dị, có gì đó liên tưởng tới hình tượng phù thủy trong những câu chuyện dân gian: “Người phụ nữ rất khó đoán tuổi. Có lẽ chị ta chỉ mới ngoài ba mươi nhưng cuộc sống nhọc nhằn ở một vùng đất cách li hoàn toàn với thế giới văn minh bên ngoài khiến chị ta trông già hơn đến gần hai chục tuổi. Đôi môi thâm sì, hàm răng đen như của người nghiện thuốc và tròng mắt trắng dã” [23, 19]. Khác với các nhân vật tiên tri khác, đôi lúc, Ráy cũng giống như những con người lầm lũi sống xung quanh trang trại của vợ chồng Diên Vĩ. Có thể nói, Ráy không hề nổi bật, tuy nhiên những hành động của cô ta mới đáng để chú ý. Bình thường, Ráy lên

núi hái thuốc, thực hiện những công việc như những người phụ nữ khác. Nhưng Ráy lại là người duy nhất biết tiếng Kinh ở đấy. Chị ta biết rõ mọi thứ xung quanh trang trại, về nguồn gốc, về con người, về những lời nguyền. Lời tiên tri của Ráy xuất hiện rất nhiều lần trong tác phẩm, nhưng chỉ xoay quanh một nội dung: mối nguy hiểm đang đe dọa Diên Vĩ. Lời tiên đoán của Ráy luôn xuất hiện đúng lúc, trước khi những sự việc xảy ra. Mặc dù nó không rõ ràng, nhưng cũng mơ hồ dẫn nhân vật và cả người đọc đi đến tin tưởng về một tai họa nào đấy. Điểm đáng chú ý nữa để khẳng định Ráy là một nhân vật tiên tri, đó là về ngôn ngữ và hành động của chị ta mỗi lần đưa ra lời tiên tri cho Diên Vĩ: “Cơ thể Ráy bắt đầu rùng rùng như trong một cơn co giật vô thức. Vĩ nhớ lại rằng bất cứ khi nào Ráy đưa ra những lời tiên đoán, giọng chị ta khác hẳn. Nó thông thái hơn vẻ cục mịch ngày thường của Ráy, như thể của một người hoàn toàn khác. Vĩ đã từng nghe những chuyện nhập đồng và rất có thể Ráy có khả năng dẫn nhập. Quả nhiên, sau đó trạng thái của Ráy trở lại bình thường” [23, 206].

Tuy nhiên cần phải xem lại vai trò nhân vật tiên tri trong tác phẩm. Khi Ráy cũng là một người nằm trong âm mưu được dàn xếp tại trang trại. Việc cô ta cảnh báo cho Diên Vĩ về những hiểm họa đang rình rập ở trang trại, xung quanh Diên Vĩ như là một lời đe dọa buộc Diên Vĩ và cả gia đình của cô rời khỏi nơi đây. Chi tiết này khiến cho tác phẩm quay trở lại mạch văn trinh thám, hiện thực như ban đầu. Sự chuyển giao khéo léo của Di Li giữa hai mạch hiện thực và kì ảo tạo nên một mê cung hai ngã rẽ. Một ngã rẽ hướng người đọc đi đến tin tưởng vào sự xuất hiện nhân vật tiên tri, một ngã rẽ lại phủ định điều đó. Liệu sự xuất hiện của nhân vật tiên tri trong câu chuyện chỉ mang yếu tố tạo sự thần bí? Và cái kì ảo lại xuất hiện, lời tiên đoán lúc này của Ráy không chỉ là lời cảnh báo, ta có thể hoàn toàn xác định, đây là một lời tiên đoán: “Nó sẽ rời bỏ cô”. Đó là cái lần trước khi Diên Vĩ bị sảy thai.

Ngoài hai lời tiên tri: một về những nguy hiểm mà Diên Vĩ gặp phải khi tiến tới Trại Hoa Đỏ, một về đứa bé trong bụng Diên Vĩ, những lần tiên tri sau này của Ráy chỉ hoàn toàn là lặp lại như một sự cảnh báo. Thậm chí, cô ta cố tình nói những lời vô nghĩa chỉ để đánh lừa hướng điều tra của Bách. Bởi có sự nhập nhằng đó khiến người đọc không thể xác định được đâu là thực đâu là ảo. Nhưng cần phải thấy rằng việc sử dụng yếu tố kì ảo làm tăng tác dụng của nhân vật liên quan tới sự tổng hợp của hai vế thể loại, khiến cho tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn, vẫy gọi hơn một tác phẩm trinh thám theo lối mòn.

Dù được xây dựng theo góc độ nào đi nữa thì không thể chối bỏ được vai trò làm phương tiện đắc lực để tác giả bộc lộ những suy nghĩ, quan điểm của bản thân về cuộc sống của nhân vật tiên tri. Thông qua nhân vật, tác giả bộc lộ thái độ phê phán những điều mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại ngay cả trong thế giới hiện đại. Diên Vĩ đã tin vào lời tiên tri của Ráy, thậm chí người đọc cũng vậy, nên mới rơi vào cái bẫy hỗng “điểm trắng” của tác giả, đi theo điều hướng suy luận của tác giả. Qua đó, tác giả muốn nhắn gởi rằng: Không phải khi nào ta cũng có thể tiên đoán chính xác được tương lai, vận mệnh của chúng ta là do chính bản thân chúng ta tự quyết định, hạnh phúc hay bất hạnh, nguy hiểm hay an toàn tất cả là ở chính bản thân mình.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Trại hoa đỏ của Di Li. (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)