Thời gian phi thực

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Trại hoa đỏ của Di Li. (Trang 64 - 67)

5. Bố cục của khóa luận

3.2.1. Thời gian phi thực

Một trong những đặc điểm của việc đổi mới tư duy nghệ thuật tiểu thuyết là sự xuất hiện của thời gian phi tuyến tính bên cạnh dòng thời gian tuyến tính. Thời gian trong tiểu thuyết của Di Li là sự pha trộn, đan chồng của cái kì ảo trong quá khứ và hiện tại. Thời gian được mơ hồ hóa tạo nên tính chất hư ảo, góp phần tạo không gian kì ảo trong tác phẩm. Những đơn vị thời gian và những mốc thời gian thường mang tính chất mơ hồ, không xác định.

Trong Trại Hoa Đỏ, thời gian rất khó xác định, có đôi khi chính xác đến từng phút nhưng lại không thể xác định được đó là lúc nào, ngày tháng năm nào, thời gian chỉ dừng lại trong tích tắc khi nhân vật trộm liếc nhìn đồng hồ, có thể là “2 giờ 30”, “12 giờ” nhưng lại không nói rõ là sáng hay tối. Thời gian hư ảo, không xác thực ấy đã đưa người đọc vào trạng thái bất định. Người đọc không thể xác định được thời gian diễn ra câu chuyện, vì thế những hoạt động của nhân vật diễn ra trong một sự mơ hồ, nhân vật và cả người đọc đều không nhận thức được liệu đó là thực hay là ảo, là trong giấc mơ hay là nhân vật đang thức. Dẫn đến hình thành một mê cung trong tư duy

logic của bạn đọc buộc bạn đọc phải theo dõi hết mạch diễn biến của câu chuyện để có thể lần tìm được lối ra của “mê cung suy luận” ấy.

Trong tiểu thuyết còn xuất hiện sự chồng chéo của các lớp thời gian quá khứ và hiện tại. Thời gian hiện tại chủ yếu là câu chuyện xoay quanh gia đình Diên Vĩ và trang trại Hoa Đỏ. Như đã giới thiệu, Diên Vĩ được chồng là Lưu tặng cho một trang trại, khu trang trại này được xây trên một thung lũng heo hút, chưa có người biết đến với những con người dân tộc lạ kì và một màu hoa đỏ rực bao trùm khắp không gian. Tại đây, liên tiếp xảy ra những vụ án mạng bí ẩn. Theo lời mời của gia đình Diên Vĩ, Bách - một thanh tra điều tra tội phạm được mời đến tham dự buổi tiệc tại đây. Anh vô tình bị cuốn theo những vụ án li kì, cùng với Diên Vĩ, Bách đã lần giở ra những bí mật ẩn sâu nơi đây. Thời gian quá khứ có hai mảng đan xen, đó là những câu chuyện truyền thuyết cũng như lời kể của dân bản về dòng họ Quách và những bí ẩn đang diễn ra hàng ngày ở quanh khu trang trại. Một mảng khác là về những sự việc xảy ra trong quá khứ của các nhân vật trong tác phẩm. Nhiều lần, nhân vật đang ở trong hiện tại nhưng tâm trí lại bất chợt quay về với quá khứ như trong lần Bách tìm đường lên Trại Hoa Đỏ, thời gian đang ở hiện tại với cơn mưa rào giữa hè thì bất thình lình quay ngược lại thời điểm lần đầu Mai Thanh - đồng nghiệp của anh đến làm việc tại trụ sở. Hay như khi Diên Vĩ phát hiện ra xác chết trong hang động bí ẩn đằng sau bức tượng người cụt đầu, thời gian chuyển động xung quanh Diên Vĩ, tạo ra một vòng xoáy vô hình nối liền những hình ảnh trong quá khứ và hiện tại: “Cô quay cuồng, hoa mắt và thiếu dưỡng khí. Trên vách có một hốc rộng như chiếc giường đá thiên nhiên tự tạo, và ngự trên đó là một bộ xương còn nguyên mớ tóc đen dài với phần bên dưới lồng trong bộ quần áo đen tuyền, bộ quần áo của người đàn bà mà cô vẫn nhìn thấy trong những cơn ác mộng. Bộ quần áo này, người đàn bà này là có thật. Nó không phải chỉ là tưởng tượng vô thức trong những giấc

mơ. Hoặc ngược lại, bộ quần áo này, người đàn bà này vẫn chỉ là cõi mộng. Cả cái hang động này nữa, cũng đang trong cõi mộng. Cả con Lucky, cả Trại Hoa Đỏ, cả những chuỗi ngày kinh hoàng vừa rồi đều không có thật. Thậm chí cả bé Bảo, cả Lưu, cả Khang, cả Sương, cả Đào Lam Thúy, cả người mẹ đã bỏ rơi cô, cả bệnh viện tàn tạ đầy những con người điên loạn, cả ngôi làng bảo phủ ám khí trong suốt tuổi thơ cô cũng chỉ là vô ảnh” [23, 526 - 527]. Thời gian cứ thế chảy ngược và cuối cùng bị phủ nhận. Sự đồng hiện giữa thời gian hiện tại với thời gian huyền thoại tạo ra không khí hư ảo cho tác phẩm. Khi thời gian thực tế ào ạt chảy, thời gian lịch sử từ từ trôi qua trong từng giây từng phút.

Tiểu thuyết nhiều lần nhắc đến ngôi nhà bí ẩn với kho tàng gắn liền lời nguyền của dòng họ Quách, tất cả mang dáng dấp của những lời đồn đãi về bùa ngãi, lời nguyền. Nhà văn kể đến những dấu ấn của truyền thuyết lưu truyền từ thời xưa, về một gia tộc bị nguyền rủa, mỗi một đời đều có người tự tử, cho đến tận hiện tại. Đó còn là lịch sử của một gia tộc hùng hậu sở hữu một gia sản khổng lồ từ những trận chinh chiến qua các làng bản, vì bảo vệ kho báu đã đâm chết một cô gái có ý định đánh cắp nó bằng hình thức tàn bạo, cái chết tức tửi đã khiến cô ta buông lời nguyền rủa cả dòng họ, thứ duy nhất còn sót lại như một bằng chứng cho lời nguyền là căn nhà cổ nằm khuất sau những tán rừng của dòng họ Quách. Những sự kiện, hiện tượng diễn ra lần lượt cũng gợi ra sự trôi chảy của dòng thời gian từ từ từng chặng, từ quá khứ đến hiện tại nhưng không theo logic cụ thể mà bất chợt hiện ra trong lời kể hoặc trong tâm trí nhân vật.

Thời gian dường như cũng hoà chung trong dòng chảy biến hoá khôn lường của không gian để tạo ra ấn tượng về một thời xa xưa, một miền xa vắng chứa đầy những sự kiện, hiện tượng kì ảo: “Ngôi nhà tồn tại từ bao thế kỉ và đã chứng kiến mọi hỉ nộ ái ố của kiếp người, niềm vui, nỗi buồn, tình

yêu, sự thù địch, sự sống và cả cái chết” [23, 93]. Ngôi nhà cứ sừng sững như bất động trong sự tàn phá của thời gian, hoặc giả ở đây không tồn tại thời gian: “Ngôi nhà cổ vẫn nguyên xi như vậy” [23, 299].

Thời gian phi thực trong tác phẩm và loại thời gian đan xen giữ tuyến tính và phi tuyến tính tạo ra một dòng chảy thời gian mới, không phù hợp với thời gian thực. Trong sự giao thoa giữa thực và ảo đó, không chỉ nhân vật mà người đọc cũng không thể phân biệt được đâu là ảo giác, đâu là thực tế. Việc xoay tròn trục thời gian từ quá khứ đến hiện tại và ngược lại khiến cho những bí mật của nhân vật được bóc tách một cách chậm rãi tạo sự bất ngờ cho người đọc. Thông qua quá khứ tái hiện trong tâm thức nhân vật, người đọc có nhiều hơn một cách lí giải cho sự thật ẩn giấu trong mỗi nhân vật xuất hiện tại Trại Hoa Đỏ.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Trại hoa đỏ của Di Li. (Trang 64 - 67)