Thời gian thực tại

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Trại hoa đỏ của Di Li. (Trang 67 - 70)

5. Bố cục của khóa luận

3.2.2.Thời gian thực tại

Sự thâm nhập lẫn nhau giữa thế giới vật chất và thế giới tâm linh làm biến đổi những phạm trù cơ bản của các thế giới này. Thời gian của thế giới siêu nhiên được miêu tả trong nhóm văn bản kì ảo không phải là thời gian của cuộc sống thường ngày. Thời gian ở đây dường như đình lại, nó kéo dài rất nhiều hơn là điều người ta cho là có thể.

Sự đình trệ của thời gian thực tại gắn liền với không gian chết nơi mà mọi thứ kể cả thời gian đều trong trạng thái đứng yên, đôi khi di chuyển lại di chuyển rất chậm, ứng với kiểu không gian địa phủ tồn tại trong tác phẩm. Sau một thời gian dài lạc trong trạng thái vô thức, lưỡng lự giữa ảo giác và thực cảnh, khi tỉnh lại, cảm giác về thời gian đối với Diên Vĩ diễn ra một cách lặng lẽ: “Trăng ngoài cửa sổ vẫn bàng bạc, soi rõ từng ô gạch. Trại Hoa Đỏ tĩnh lặng như không còn sự sống” [23, 390]. Theo như Todorov: “Cái kì ảo, như ta thấy, chỉ tồn tại trong thời gian của sự lưỡng lự…” [39, 53]. Rõ ràng nhân vật đang ở thực tại tuy nhiên lại không hề có một khái niệm nào về thời gian. Sự

sợ hãi đã bao trùm toàn bộ mạch truyện, ảnh hưởng đến tâm lí nhân vật cũng như bạn đọc buộc nhân vật cũng như bạn đọc đưa ra những giả thuyết về thời gian diễn ra chậm rãi đó, chính những giả thuyết được đưa ra hướng bạn đọc lẫn nhân vật rơi vào trạng thái “lưỡng lự” khi không biết đâu là thực và đâu là ảo. Sau một thời gian dài lạc vào giấc mơ hay là bị ngất đi, khi tỉnh lại từ sự sợ hãi, nhân vật tưởng chừng như mình vẫn còn đang ở thực tại - thực tại khi mà nhân vật chưa đi lạc vào sự sợ hãi. Trong thực tại đó luôn tồn tại một ánh trăng ở cùng một vị trí, soi rõ không gian luôn không biến đổi, thậm chí trầm mặc. Thời gian lúc này không còn là mốc để xác định nữa khi ngay cả hành động của nhân vật cũng trở nên chậm chạp, nhất là về suy nghĩ mà theo cách nói của Todorov có thể hiểu là lạc vào sự “lưỡng lự” của sự sợ hãi về điều mà bản thân không nắm chắc được. Hay nói trong khoảng thời gian này, thời gian thực sự bị biến mất hoặc chết bởi không thể tìm thấy hoặc xác định được thời gian cụ thể. Thời gian trong tác phẩm lúc bấy giờ chỉ được nhận biết một cách không rõ ràng thông qua không gian, đây là điều khó tìm thấy trong một tác phẩm trinh thám đơn thuần bởi yếu tố thời gian trong quá trình phá án luôn là nhân tố đóng vai trò mấu chốt nhất, từ đó nhân vật thám tử mới có thể tìm ra những dữ liệu giúp đưa ra lời giải. Việc đi ngược lại với quy ước thời gian trong tiểu thuyết trinh thám thông thường không những góp phần tạo ra yếu tố kì ảo trong tác phẩm của Di Li mà còn khiến cho quá trình đi tìm lời giải trong tác phẩm trở nên gây cấn, hồi hộp và cuốn hút hơn.

Thời gian trong Trại Hoa Đỏ dường như ngưng đọng hay “chết” khi nhân vật đặt trong bối cảnh hành động vội vã: “Trong khoảnh khắc, thời gian và không gian như dồn tụ lại thành một khối tròn bao phủ. Trong khối tròn hư vô đó, tất cả trở thành không giới hạn, không ý thức, không ý niệm, không ý nghĩ, chỉ còn lại duy nhất một nỗi sợ hãi từ hoang sơ nguyên thủy” [23, 526]. Thời gian đó không nằm trong quá khứ mà nằm ở chính hiện tại, một thực tại

không tồn tại quá khứ lẫn tương lai. Ở đây, chúng ta không đi đến tận cùng của những biểu hiện về thời gian hiện thực mà cần tập trung nhiều hơn về mối quan hệ giữa con người và thế giới đã tạo ra thời gian hiện thực “chết” đấy. Dùng thuật ngữ theo kiểu của Freud thì đó là “hệ thống quan hệ của cảm nhận và ý thức” [39, 145]. Nhân vật đứng trước những sự kiện trùng hợp giữa thực tế và mộng ảo đã tạo nên một sự sợ hãi, chính sự sợ hãi đó khiến cho hành động bị ngưng trệ, sự ngưng trệ hành động chi phối bởi não bộ, từ đó dẫn đến các giác quan cũng như tư duy bị ảnh hưởng tạo ra cảm nhận về một sự ngưng trệ của ngoại cảnh mà cụ thể ở đây là không gian, tạo ra một không gian mà nơi đó mọi thứ diễn ra một cách chậm chạp, đôi khi đình trệ. Đó là một loại quan hệ tương đối tĩnh nhằm nhấn mạnh và “không ngừng làm nổi bật tính có vấn đề của cảm nhận đặc biệt là vấn đề của giác quan cơ bản - thị giác” [39, 145]. Thời gian chết là hệ quả của sự vận động của tư duy giữa hai trạng thái mơ và thực, tinh thần và vật chất. Hay nói một cách khác, nhân vật bị tác động bởi ngoại cảnh, những gì nhìn thấy được đã khiến cho nhân vật rơi vào một trạng thái khủng hoảng về tư duy, cái gọi là “sự sợ hãi nguyên thủy” được nhắc đến trong ví dụ đưa ra về thời gian ngưng trệ bắt nguồn từ sự trùng lặp giữa mơ và thực, thứ mà nhân vật cho là ảo giác với sự thật hiện thực khiến cho mọi hành động của nhân vật trở nên trì trệ là lí do cho trạng thái khủng hoảng đó.

Ở đây, thời gian thực tại mang ý nghĩa nhấn mạnh vào thời gian cảm nhận hay quá trình cảm nhận của tác phẩm khi mà truyện trinh thám dường như chỉ tập trung vào yếu tố phá án, suy luận logic chứ ít khi chạm đến cảm nhận của bạn đọc. Việc sử dụng thời gian thực tại trong một tác phẩm trinh thám càng khẳng định được thành công của Di Li trong việc mở ra một “cánh cửa mới” cho dòng văn học kì ảo khi sử dụng rất đắc yếu tố kì ảo như một

phương tiện nghệ thuật khi kết hợp được hai thể loại văn học có thể nói là đối nghịch với nhau: trinh thám và kì ảo.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Trại hoa đỏ của Di Li. (Trang 67 - 70)