Không gian núi rừng

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Trại hoa đỏ của Di Li. (Trang 58 - 60)

5. Bố cục của khóa luận

3.1.2. Không gian núi rừng

Khác với một số tác phẩm mang yếu tố kì ảo có xuất hiện không gian núi rừng, không gian núi rừng trongTrại Hoa Đỏ là một địa danh vô danh hay nói đúng hơn là một địa danh bí ẩn như chính dân tộc đang sinh sống tại đây. Trong thời hiện đại, khi xã hội phát triển, ấy vậy mà nơi gia đình Diên Vĩ lựa chọn làm trang trại lại như là một vùng núi sâu chưa được khai phá với một tộc người bí ẩn, đường dây điện chưa kéo tới, không có sóng điện thoại, nằm khuất sâu sau những tán rừng già chen lẫn đồi trọc và mọc đầy một loài hoa kì bí màu đỏ.

Ngay sau khi lạc vào trang trại Hoa Đỏ, không gian núi rừng bí hiểm vây đặc mọi chốn: “Chính ngọ, mặt trời thẳng đứng xuống đám lá đang oằn lên xơ xác. Những dãy đồi trọc câm lặng bên vệ đường giương mắt nhìn chiếc xe duy nhất đang lùi lũi vật lộn với cơn lốc” [23, 5]; “Chiếc xe bất thần chao đi khiến những người trên xe nhãng chuyện không hay vừa rồi. Động đất. “Ôi…”, người phụ nữ tái mặt, bíu chặt tay chồng, rồi theo bản năng, cô quờ lấy thằng bé. Nhưng chiếc xe đã rung lên bần bật khiến bàn tay cô trượt khỏi con trai mình. Bầu trời trở nên trắng nhợt. Nó chóe dại một màu nhàn nhạt như ánh sáng trong bộ phim khoa học viễn tưởng” [23, 6]; “Những bức tường buồn bã, thê lương, cánh cửa gỗ nâu mục ải, bụi hoa dại đỏ ối, và khuất sâu sau những lùm cây tối tăm, ẩm ướt” [23, 10]; “phiến đá rất to nhô lên miệng hang núi hệt một hình người cụt đầu, hai tay đỡ lấy phần cổ một cách tuyệt vọng. Trời vẫn còn những vạch mây đỏ sậm” [23, 11]; “Những tán lá cây cổ thụ xòa xuống càng khiến lối mòn hút dài trước mặt thăm thẳm như cõi u minh” [23, 12]; “Tiếng gió thổi ào ạt luồn qua lưng chừng núi, qua những cánh rừng và hang đá hoang sơ tạo thành những tiếng rít ghê rợn” [23, 51]. Cảnh núi rừng hoang vu với những hình ảnh kì bí về bầu trời, khu rừng, những ngọn đồi, ngôi nhà và cùng với thứ ánh sáng, âm thanh ma mị cứ trở đi

trở lại trong tác phẩm, tạo cảm giác vừa tò mò vừa rùng rợn, đồng thời cũng kích thích trí tưởng tượng và khả năng khám phá hiện thực của người đọc. Rõ ràng, tác giả đã có chủ ý tô đậm sự huyền bí của không gian trong tác phẩm gợi lên miền đất hoang sơ, man dại, bí hiểm của rừng thiêng nước độc heo hút thuở xa xưa. Cũng giống như các ngôi làng nơi rừng núi khác, từ thủa khai thiên lập địa đến mãi về sau, dân làng nơi đây đã truyền tụng bao giai thoại về những con ma rừng, lời nguyền... Rồi những chuyện kinh dị về việc truy tìm kho báu của dòng họ Quách. Môi trường dày đặc âm khí chưa thoát khỏi nét hoang dại sơ khai.

Bao bọc lấy Trại Hoa Đỏ là ám ảnh về một miền đất, một không gian đêm nhiều hơn ngày, nơi mà mọi điều dữ dội đều có thể xảy ra. Không gian ngập chìm trong bóng tối và khí lạnh ghê người, ở đó ánh sáng dường như biến mất rất nhanh: “Thời gian ở đây như trôi nhanh hơn vào ban ngày và chững lại vào ban đêm, tựa hồ bóng đêm sẽ kéo dài đến bất tận” [23, 39]. Đó là một không gian ma ảo chập chờn, chứa đầy hiện tượng kì lạ mà không ai có thể lí giải nổi.

Trong tác phẩm, Di Li đã sử dụng gam màu tương phản của sương khói, núi rừng, những bụi hoa đỏ và âm thanh của tiếng sói hú, tiếng gió rít gợi cảm giác về sự huỷ diệt tàn khốc. Tràn ngập trong tác phẩm là màu xám bàng bạc làm nổi rõ lên màu hoa đỏ rùng rợn: “những chùm hoa đỏ rợp lên trong khu nhà kính, màu đỏ bao quanh hàng rào, vươn lên những bậc thang nhà sàn và bò quanh hồ nước. Chỉ sau một đêm, hoa nở ngập tràn, một màu đỏ quái lạ ngợp khắp trang trại” [23, 248]. Dường như cái chết đang rình rập, xâm lấn, hủy diệt sự sống và cõi sống.

Không gian núi rừng ma quái bí ẩn đã trở thành nỗi sợ hãi, triền miên, ám ảnh các nhân vật: “Vĩ bắt đầu tuyệt vọng. Dường như một bàn tay vô hình đang tách dần cô khỏi những người xung quanh, và lúc này, bao quanh Vĩ chỉ

có núi rừng và những bụi cây rậm rạp” [23, 29]. Có lẽ, dáng vẻ thiên nhiên cùng những giai thoại về không gian núi rừng đã trở thành nỗi ám ảnh kích thích trí tưởng tượng của nhà văn. Song, điều quan trọng là dựng nên không gian rừng núi hoang vu kì bí, Di Li có điều kiện thể hiện nhiều hơn những quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người. Trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại, người ta bắt gặp những không gian nghệ thuật khác với không gian của Di Li: không gian mờ ảo lung linh trong Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà và Chinatown của Thuận, cả hai đều mang tính cá nhân hóa, phản ánh tâm linh của từng nhân vật. Trong Cơ hội của Chúa, “mỗi nhân vật bị ám ảnh bởi một không gian mang sắc màu tính cách và số phận riêng biệt” [15, 96]: Hoàng với không gian linh thiêng của nhà thờ, của chúa Jesus; Tâm với không gian đô thị, thương trường; Thủy với không gian học trò và những day dứt vì không thể níu giữ nổi mối tình đầu thơ mộng đã qua... Tiểu thuyết của Di Li lại xuất hiện nhiều không gian rừng núi. Nói tới rừng là người ta liên tưởng tới sự tối tăm, hoang vu và rậm rạp nên “nó tượng trưng cho vô thức. Đi vào rừng là hành trình bước vào thế giới vô thức - bản năng của con người” [40, 786]. Không gian rừng núi là cái nền để Di Li phản ánh hành trình ấy. Ở đó, nhân vật sống với những bản năng nguyên thủy nhất chứ không phải chỉ dựa vào những suy luận hay sự trợ giúp của công nghệ hiện đại, từ đó dễ dàng lật giở, bóc tách những tầng nội giới, suy nghiệm cũng như hành động được che giấu của nhân vật.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Trại hoa đỏ của Di Li. (Trang 58 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)