Không gian vô thức

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Trại hoa đỏ của Di Li. (Trang 60 - 63)

5. Bố cục của khóa luận

3.1.3. Không gian vô thức

Vô thức có thể được hiểu là “những suy nghĩ, cảm giác ở ngoài ý thức, là những gì bản thân con người hoàn toàn không ý thức được” [31, 98]. Các dạng tồn tại của vô thức là thói quen và những trạng thái không thể giải thích được như mộng du, mê sảng hay những hành động không biết trước và không kiểm soát được. Lí thuyết Phân tâm học lại quan niệm vô thức là vùng chứa

toàn bộ những nhu cầu bản năng bị dồn nén, cấm kị, không được phát lộ ra ngoài “là những lục địa tiềm ẩn, chôn vùi, dấu kín ngay trong mỗi chúng ta” [11, 16]. Freud đặc biệt coi trọng biểu hiện của vô thức qua những giấc mơ bằng cả một hệ thống biểu tượng giải mã và những hành vi sai lạc, chủ yếu là những trạng thái mộng mị, mê sảng. Từ những khái niệm cơ bản về vô thức, có thể khái quát như sau: Trước hết, vô thức là lĩnh vực thuộc về tinh thần mang đậm dấu ấn của tâm linh, dự cảm. Nó nằm ngoài sự kiểm soát của ý thức, nó thể hiện miền sâu tâm lí của con người. Vô thức thường xuất hiện trong trạng thái chấn động tinh thần, tâm lí... Kế đến, vô thức biểu hiện ở các dạng thức: mộng mị, giấc mơ, trạng thái mê sảng, những ẩn ức hay sự kiềm chế bản năng, những dục vọng, bản năng nguyên thủy của con người. Không gian vô thức là loại không gian tồn tại trong giấc mơ khi nhân vật nằm giữa hai thái cực mê và tỉnh. Vì vậy đặc trưng truyền thống của loại không gian này chính là sự mơ hồ, nhạt nhòa, ám ảnh và gây cảm xúc mạnh.

Trong chuỗi trần thuật của tiểu thuyết, Diên Vĩ là nhân vật nằm mộng nhiều nhất, điều này cũng dễ hiểu khi mọi vấn đề trong tác phẩm đều xoay quanh nhân vật này. Tuy là mơ nhưng bao giờ những sự kiện trong giấc mơ cũng ám ảnh và đôi khi trở thành một phần cuộc sống thực của nhân vật. Bối cảnh không gian của những giấc mơ này thường rất đa dạng. Đó là không gian xa lạ với những con người mà Diên Vĩ chưa bao giờ gặp mặt: “Những cơn gió mang hơi thở mát lạnh và mùi hương đặc trưng của rừng già lọt qua kính cửa xe đang mở hé khiến Vĩ chìm hẳn vào giấc ngủ không mộng mị… Chừng rất lâu sau, Vĩ nghe thấy những âm thanh lao xao như tiếng cười nói. Khắp bản đèn điện sáng trưng đến chói mắt. Rất nhiều người đang tụ tập ở xung quanh. Họ đến từ những ngôi nhà trong bản, mặc các trang phục xủng xoẻng đầy vòng khuyên trên người. Họ hò reo và nói cười vui vẻ như thể đang chơi một trò gì đó” [23, 44 - 45]. Trong suốt quãng thời gian Vĩ ở lại

Trại Hoa Đỏ, những giấc mơ như thế này thường xuyên xuất hiện. Nhưng tất cả đều có một điểm chung là chúng rất mơ hồ về không gian. Từ không gian bầu trời, khung cảnh cho đến những ngôi nhà với hành lang âm u, kéo dài hun hút đến vô tận… Người đọc cũng như nhân vật không thể xác định được vị trí tồn tại chính xác của những địa điểm mà Diên Vĩ nhìn thấy trong giấc mơ mặc dù sau đó, theo sự dẫn dắt của nhân vật hồn ma từng xuất hiện trong giấc mơ của Diên Vĩ, những địa điểm đó dần dần được hé lộ. Diên Vĩ chỉ nhìn thấy sự kiện nhạt nhòa của không gian trong giấc mơ nhưng những sự kiện, không gian ấy lại rất thật. Chính điều này đã tạo nên đặc trưng mang tính chất truyền thống của không gian vô thức trong Trại Hoa Đỏ là sự mơ hồ, không xác định rõ không gian, địa điểm.

Một đặc tính nữa của không gian vô thức cần nhắc tới, không gian này có sự chồng chất lên nhau giữa không gian thực và không gian trong mộng. Không chỉ một lần, Diên Vĩ lẫn người đọc không thể nào phân biệt được đâu là giấc mộng và đâu là hiện thực mà Diên Vĩ trải qua hay thực chất Diên Vĩ đang rơi vào trạng thái “thoát hồn”: “Có cái gì đó đánh thức Vĩ dậy. Vĩ mơ vài giấc mơ chập chờn nhưng CÁI GÌ ĐÓ đã ám vào một phần giấc mơ của cô. Những giai điệu quen thuộc, da diết và êm dịu một cách ma mị. Cô thấy mình như rời khỏi mặt đất và bên dưới là loang loáng những cặp mắt man dại đang nhìn cô chằm chằm” [23, 88]. Vĩ mơ, và trong giấc mơ của cô, cô lại thoát khỏi bản thân mình. Hay nói một cách khác, không gian trong giấc mơ tồn tại tính ảo kép. Sự chồng chéo giữa thực và ảo ngay cả trong giấc mơ là một tính chất đặc biệt của không gian vô thức trong Trại Hoa Đỏ.

Không gian vô thức trong tiểu thuyết còn thể hiện tính đồng hiện trực tiếp. Đây là một tính chất tồn tại trong văn học kì ảo truyền thống. Trong không gian này, chủ nhân giấc mơ thường thấy chính mình lạc vào không gian trong mơ đó, mọi sự vật sự việc đều được nhìn qua cái nhìn của nhân vật

và có quan hệ trực tiếp với họ. Hay nói một cách khác, người nằm mơ cũng chính là nhân vật chính trong mơ. Trong giấc mơ của Diên Vĩ, cô không chỉ nhìn thấy mọi vật, cô thấy cả chính mình. Nhân vật trong mơ trực tiếp tìm đến cô, Diên Vĩ có thể điều khiển mọi hành động, suy nghĩ của bản thân trong giấc mơ. Thậm chí, cô còn cảm nhận được rằng mình đang lạc trong giấc mơ của chính mình: “Giấc ngủ tách cô khỏi cơ thể, soi rõ khuôn mặt nhợt nhạt của cô đang nép sát vào Lưu” [23, 152]. Việc tái hiện trực tiếp đó khiến cho người đọc nhầm lẫn giữa hiện thực và kì ảo, đôi khi tin vào yếu tố Diên Vĩ bị ám ảnh bởi căn bệnh hoang tưởng. Tuy nhiên chính giấc mơ cũng là sự phản bác giả thiết về việc những gì nhân vật thấy là ảo giác. Có thể trong hiện thực đó là ảo giác nhưng những gì xảy ra trong giấc mơ lại trùng khớp với hiện thực chứng minh cho tính chân thật trong hiện thực bởi giấc mơ thường chỉ phản ánh một phần hiện thực không thể nào trùng khớp với hiện thực.

Việc đan xen giữa thực và ảo trong cách xây dựng không gian trong

Trại Hoa Đỏ khiến cho bộ tiểu thuyết trinh thám này trở nên khó tìm ra câu trả lời, tạo sự lôi cuốn đối với người đọc. Đặt các tình huống trong một không gian không xác định hoặc khó xác định khiến cho nhân vật lẫn bạn đọc bị đánh lừa bởi thị giác và suy luận login. Điều này khiến cho cái kết của tác phẩm thành bất ngờ, không đoán trước được, khác với các tác phẩm trinh thám đơn thuần. Sự dung hợp được yếu tố kì ảo vào tác phẩm trinh thám chính là thành công của tác giả.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Trại hoa đỏ của Di Li. (Trang 60 - 63)