Motif “cái song trùng”

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Trại hoa đỏ của Di Li. (Trang 36 - 41)

5. Bố cục của khóa luận

2.2.1. Motif “cái song trùng”

Cái song trùng đã tồn tại từ lâu trong các nền văn hoá nghệ thuật nhân loại. Đó là sự thể hiện các con vật, sự vật theo nguyên lí cặp đôi; thể hiện tính lưỡng diện, sự tồn tại song song không thể thiếu nhau của các đối cực… Tôn giáo truyền thống thường quan niệm “linh hồn là bản trùng của chủ thể sống, có thể tách rời thể xác khi chủ thể chết, hoặc trong giấc mộng hoặc do một thao tác ma thuật, và có thể thác sinh vào chính thể xác đó hay vào một thể xác khác. Như vậy, hình ảnh con người tự hình dung về mình là một hình ảnh nhân đôi” [5, 826].

“Cái song trùng tồn tại như một mẫu gốc có sức sống rất lớn trong văn học các dân tộc” [26]. Đặc biệt, riêng trong lĩnh vực văn học, và cụ thể hơn nữa là văn học kì ảo thì đến giai đoạn chủ nghĩa lãng mạn, đại diện là chủ nghĩa lãng mạn Đức đã phủ lên cái song trùng (Doppelgänger) một màu sắc bi đát và oan nghiệt. Nó có thể là người bổ sung, nhưng thông thường hơn là đối thủ khiêu chiến với chính nhân vật. Trong các truyền thuyết cổ, “gặp cái song trùng của mình là một biến cố tai hại, đôi khi là dấu hiệu của cái chết” [26]. Trong tiếng Đức và tiếng Anh hiện đại, “Doppelgänger” có ý nghĩa “người

xuất hiện đột ngột gây sự bất ngờ, làm giật mình người khác” [26], đôi khi nó đồng nghĩa với cả từ “bóng ma”.

Nếu dựa trên quan niệm rằng cái song trùng vừa là cái bổ sung thể hiện “sự tồn tại song song không thể thiếu nhau của các đối cực” [26], vừa là một ám ảnh, “một đối thủ khiêu chiến” thậm chí là “bóng ma” và “gặp cái song trùng của mình là một biến cố tai hại, đôi khi là dấu hiệu của cái chết” [26], thì có thể quan sát thấy cái song trùng tồn tại một cách phổ biến trong tác phẩm Trại Hoa Đỏ của Di Li. Vấn đề cần quan tâm ở đây là cái song trùng không tồn tại đơn thuần để mà nó được Di Li tạo ra một ảo giác giữa hư và thực gây hoang mang do dự cho chủ thể khi đối mặt với nó - cơ sở cho sự tồn tại của cái kì ảo.

Trong sáng tác của Di Li xuất hiện cả hai kiểu song trùng: kiểu song trùng như là sự tồn tại không thể thiếu nhau, và kiểu song trùng tồn tại như là sự ám ảnh của nhau.

Kiểu song trùng thứ nhất thường xuất hiện ở những nhân vật mà giữa chúng có những mối quan hệ mật thiết: vợ - chồng, anh - em, mở rộng hơn nữa là giữa cá nhân và ngoại cảnh, con người và Chúa trời… Sự tồn tại khăng khít giữa các khách thể trong một thời gian dài và với một hoàn cảnh đặc biệt dường như đã làm nảy sinh một sự tương liên đặc biệt, vượt ra khỏi các quy luật tồn tại thông thường, hay nói cách khác chúng nhuốm một màu sắc siêu nhiên bí hiểm. Bản thân sự tồn tại của khách thể này là cơ sở cho sự tồn tại của khách thể kia, và khi một khách thể này tan rã thì khách thể kia cũng không còn lí do tồn tại, hoặc chìm đắm trong u sầu mộng tưởng và giao tiếp với nửa đã mất bằng một “kênh” đặc biệt, hoặc cũng đi đến một sự tan rã và cùng dẫn đến một sự sụp đổ nhiều cấp bậc vào một khách thể lớn hơn. Quan trọng là ở đây, tính song trùng phải được lồng vào một motif, đề tài thần bí, kiểu hồn ma sống dậy trở về cõi thế, hoặc ảo giác hư thực của một nhân vật

chịu sự ám ảnh, dằn vặt trong mộng tưởng, từ đó cái song trùng vừa có một hiệu ứng hoang mang tạo nên cái kì ảo đồng thời chuyên chở chiều sâu triết học của nó. Cụ thể trontascasc phẩm, nhân vật Bách có một sự gắn kết khắn khít với Huy - đồng nghiệp của anh. Sự gắn kết đó xuất phát từ tình bạn và hơn thế nữa là sự đồng cảm, thấu hiểu, bổ trợ lẫn nhau giữa hai con người cùng số phận cô đơn. Giống như việc hai người yêu nhau luôn có một mối dây quan hệ tình cảm không thể lí giải, nếu một bên xảy ra việc, bên kia sẽ cảm nhận được thông qua thứ gọi là “linh tính”. Với trường hợp là bạn cũng như vậy, khi cảm thấy không thể sống thiếu người kia bởi sự ràng buộc về mặt tình cảm, tự bản thân sẽ xuất hiện sự tương liên đặc biệt. Mọi cảm giác của Bách khi đột ngột ghé thăm nhà Huy đều dẫn đến một cảm giác bất an dự báo cho những sự việc xảy ra sau đó: “Kim đồng hồ của Bách nhích đến con số 12. Thốt nhiên, anh lạnh run người” [23, 127]. Sau cái chết của Huy, cuộc sống của Bách vẫn diễn ra như bình thường. Tuy nhiên, sự bình thường đó nhuốm đầy sự ám ảnh về Huy, Bách vẫn có cảm giác Huy đang ở bên cạnh và thậm chí thực hiện cuộc hội thoại với một người đã mất: “Người Bách ướt đẫm, anh lẩm bẩm.

- Huy ơi, cậu ngồi đằng sau nhớ thắt dây an toàn vào nhé, lần này mình sẽ cẩu nó lên.

Bất thần, chiếc xe rệu rã rú lên một tiếng kinh hồn rồi bật lại đằng sau. Bách phanh khựng lại, anh nhìn thấy mình đã ở chính giữa mặt đường.

- Cảm ơn cậu, giờ thì cậu ngủ tiếp đi nhé” [23, 228 - 229].

Hoặc như Mai Thanh - một nữ cảnh sát được giao tiếp nhận vụ của Huy sau khi nhân vật bị sát hại. Đứng trước tình huống nguy hiểm bị ám sát, Mai Thanh kịp thời dừng xe lại vì nhìn thấy một hình ảnh vụt qua: “Cô nhìn thấy chị mình, mặc bộ quần áo hoa hệt 10 năm trước đang đứng dưới mưa và giơ hai tay ngăn lại như không muốn cho cô vào nhà” [23, 307]. Một cái kì ảo kết

hợp cả yếu tố ảo giác hư thực và thần bí vào cái song trùng tồn tại xuyên suốt, thể hiện ý niệm triết học về mối quan hệ giữa cái tuyệt đối và cái hữu hạn, chất thần thánh và chất thực tại, lí trí và bản năng… trong bản chất của tồn tại. Di Li rất tài tình khi đưa được yếu tố kì ảo vào trong một tác phẩm trinh thám mà không ai phản bác được. Sự tồn tại của “cái song trùng” được liệt vào dạng kì ảo, hình thành dựa trên mối quan hệ gắn kết giữa con người với con người bởi một sợi dây vô hình mà khoa học đến bây giờ vẫn chưa thể nào lí giải được.

Kiểu song trùng thứ hai trong tác phẩm của Di Li là một biểu hiện rõ ràng của sự rạn nứt nhân cách: cái song trùng như là hiện thân của diễn ngôn ám ảnh, “một đối thủ khiêu chiến” và “gặp cái song trùng của mình là một biến cố tai hại, đôi khi là dấu hiệu của cái chết”. Kiểu song trùng này có khi được biểu hiện trong cặp đôi người - vật. Hình ảnh con chó đen xuất hiện trong câu chuyện để lại ám ảnh cho phần lớn người đọc. Sự xuất hiện của nó mới đầu tưởng chừng như không có nghĩa, tuy nhiên sự xuất hiện đó lại là một “dấu hiệu” không thể chối bỏ. Di Li vô cùng khéo léo khi lựa chọn hình tượng con chó rừng màu đen trong tác phẩm của mình như một biểu tượng cảnh báo: “Chó rừng, do thường gào rú khi có người chết, thường lẩn khuất nơi nghĩa địa và ăn xác chết, cho nên được coi là con vật báo điềm dữ, chẳng khác gì chó sói” [5, 187]. Cả độc giả lẫn chính nhân vật đều “bị” Di Li làm cho rối trí khi băn khoăn không biết đó là do con chó là ảo giác hay chính nó đã xuất hiện, cảnh báo rồi biến mất như một hiện tượng tâm linh. Tiếp đó, con chó xuất hiện lần thứ hai, tác giả đã rất khôn ngoan tránh xác định cụ thể rằng liệu con chó này có phải là con chó đã xuất hiện trước mũi xe của gia đình Diên Vĩ trong đêm đầu tiên ở trang trại hay không. Nếu trước đó, nó xuất hiện theo đôi, thì lần này chỉ là một, nhưng lại mang những đặc trưng của con chó đã bị cán qua. Nhưng nếu đã bị cán thì tại sao lại xuất hiện? Nếu không phải

thì con chó bị cán là gì? Sự mơ hồ này khiến độc giả băn khoăn hoang mang không biết đó vẫn là con chó cũ thoát được cú chẹt bởi chiếc xe đang chạy với tốc độ cao kia, hay chính là hồn ma con chó trở về. Motif song trùng ở đây kết hợp chặt chẽ cả tính mơ hồ hư thực với cái thần bí rùng rợn tạo nên một hiệu quả tổng hợp đặc biệt cho cái kì ảo của Di Li.

Ở nhiều trường hợp, cái song trùng còn được Di Li thể hiện trong những cặp người - người, theo đó nhân vật này là ám ảnh của nhân vật kia. Lí do của một sự cuồng tín trong việc săn đuổi ấy có thể là một nguyên nhân rất bề mặt thuộc về lí trí - đi tìm lời giải cho những sự việc đang diễn ra tại trang trại hay rất cảm tính - chỉ là một sự tò mò của nhân vật. Diên Vĩ và người đàn bà mặc đồ đen trong giấc mơ của cô là một song trùng bởi chúng tồn tại như là ám ảnh của nhau. Diên Vĩ luôn bị ám ảnh bở sự xuất hiện của người đàn bà. Cô thực hiện cuộc đuổi bắt như thể hai người đang trong một trò chơi “rồng rắn” mà người phụ nữ là cái đích mà cô cần đạt tới. Ngược lại, người phụ nữ tồn tại như một thực thể sống, có cảm xúc, có hành động, có lời nói. Nhân vật tôi bị ám ảnh bởi sự sợ hãi, cũng chính sự sợ hãi đó khiến cho người đàn bà trong giấc mơ của cô trở nên chân thực, thậm chí xuất hiện ngay cả khi cô không nằm mơ. Tuy nhiên, đó cũng có thể bị hiểu nhầm là một loại hành động ảo tưởng của nhân vật khi tiền sử Diên Vĩ có bệnh về thần kinh. Nhưng sự xuất hiện của cái xác người phụ nữ với những đặc điểm được miêu tả trùng khớp với người đàn bà áo đen trong giấc mơ của Di Li khiến cho chi tiết trở thành một yếu tố kì ảo về sự song trùng giữa một hồn ma và người. Sự song trùng này còn xuất hiện trên nhân vật Bảo - con của Diên Vĩ. Có thể nói như vậy vì khi theo dõi câu chuyện, người đọc dường như thắc mắc trước một hiện tượng siêu nhiên: Bảo có thể nhìn thấy được những thứ mà ít ai nhìn thấy được. Cụ thể trong chuyến du lịch được nhân vật Diên Vĩ hồi tưởng, Bảo nhìn thấy “người nằm trên giường”, “Máu ở trên tay, chảy ra nhiều lắm” [23, 63].

Trùng khớp hoàn toàn với lời miêu tả của cậu bé bán hàng rong sau đó: “Lấy panh xa lam cắt đứt mạch máu. Máu chảy ra cho đến chết” [23, 64]. Bí ẩn này được giải thích trong mạch văn của tác phẩm, Bảo là một cậu bé khuyết tật, được thay thủy tinh thể. Tuy nhiên, đôi mắt mới của cậu là một bí ẩn, tội ác của nhân vật bác sĩ - bạn của Diên Vĩ. Đôi mắt của Bảo được ăn cắp từ một xác chết vẫn còn hơi ấm, nó tồn tại một sợi dây gắn kết với thứ gọi là tâm linh. Người phương Đông quan niệm rằng, mọi thứ trên cơ thể đều gắn kết với linh hồn. Cũng có thể, đôi mắt của Bảo nối với linh hồn của người chủ cũ trước đó, điều đó khiến cho cậu có liên kết với thế giới kia, nhìn thấy được “họ”. Hay nói như theo định nghĩa của cái song trùng, Bảo bị chính đôi mắt của cậu ám ảnh.

Tóm lại, kiểu nhân vật song trùng hay motif cái song trùng là motif nghệ thuật tồn tại xuyên suốt trong tác phẩm của Di Li. Phải thừa nhận rằng, vận dụng một motif, một tư tưởng đã tồn tại từ lâu trong văn hoá truyền thống, với kĩ thuật tinh tế trong việc cấp cho nó một sự mơ hồ, từ đó tạo nên một cái kì ảo ảo giác hư thực, tác giả đã đề cập được nhiều vấn đề, trong đó có không ít vấn đề có tính dự báo: vấn đề tội ác và hình phạt, vấn đề vô thức, vấn đề sự rạn nứt nhân cách… Sự đa chiều đa nghĩa đã khiến cái kì ảo và tác phẩm của Di Li không hề là loại truyện kinh dị rẻ tiền gây cảm giác rùng rợn, giật gân mà ngược lại chứa đầy tính trí tuệ, tính hấp dẫn.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Trại hoa đỏ của Di Li. (Trang 36 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)