Motif lời tiên tri

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Trại hoa đỏ của Di Li. (Trang 49 - 53)

5. Bố cục của khóa luận

2.2.4. Motif lời tiên tri

Lời tiên tri được hiểu là sự tiết lộ về tương lai, tức những sự kiện được ghi chép từ trước khi chúng xảy ra như một sự tiên liệu, đoán biết trước bằng năng lực dự báo. Có nhiều hình thức của lời tiên tri. Mọi người đều có thể cảm nhận được lời tiên tri của chính mình, đó gọi là linh tính của mỗi người khi họ cảm nhận được điềm gì đó với bản thân, người thân của mình xảy ra tại thời điểm đó hoặc thời gian liền sau. Lời tiên tri thuộc lãnh vực tâm linh mà

các quốc gia tiến bộ đều tôn trọng lãnh vực đó thể hiện qua quyền niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.

Nắm giữ một vai trò quan trọng trong việc phát triển cốt truyện kì ảo của Trại Hoa Đỏ, motif lời tiên tri tồn tại khá nhiều, xuyên suốt toàn bộ tiến trình phát triển của cốt truyện thể hiện dưới nhiều hình thái khác nhau. Ta thường bắt gặp motif này ở các câu chuyện thần thoại, cổ tích, truyền thuyết… với tần số dày đặc và là một trong những thủ pháp quan trọng để tạo nên cốt truyện kì ảo.

Trong Trại Hoa Đỏ, ngay từ chương đầu, đã có thể dễ dàng nhận thấy được lời tiên tri từ người phụ nữ dân tộc bí ẩn: “Cô phải cẩn thận. Hết sức cẩn thận - Chị ta vạch những đường kì lạ lên lòng bàn tay Vĩ - Tôi đã nhìn thấy những đường này. Tai họa. Đó là tai họa. Nó đang ở rất gần đây thôi, rất gần cô” [23, 26]. Đây được xem là hình thái đơn giản nhất của lời tiên tri và diễn ra khá nhiều thông qua lời tiên đoán của nhân vật “người đàn bà” mà sau này là Ráy. Không chỉ dừng lại ở đó, lời tiên tri còn trở nên ám ảnh hơn, xuyên suốt toàn bộ câu chuyện, như là một sự mở đầu cho chuỗi những sự kiện rùng rợn xảy: “Tôi nhìn thấy máu - Chị ta thì thào - Tôi nhìn thấy những đám mây đen. Nó đang bao phủ quanh cô.” [23, 27]. Mặc dù chỉ là một lời tiên đoán mơ hồ, của một nhân vật chỉ vừa mới xuất hiện, không rõ ràng, song lời tiên tri này như là khởi nguồn cho sự phát triển của cốt truyện khi tất cả những tình tiết xảy ra sau này đều xoay quanh Diên Vĩ và xảy ra đúng với những gì mà người phụ nữ đã tiên đoán. Khác với việc suy luận của một thám tử, một bên nghiêng về tư duy logic, một bên lại hoàn toàn là dựa vào thứ gọi là “cảm tính”, lời tiên tri mặc dù vậy vẫn mang một ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống và nhất là ở phương Đông khi những điều tâm linh được cho là ứng nghiệm và có sức ảnh hưởng sâu sắc.

Không chỉ xuất hiện một lần, lời tiên tri của Ráy cứ lặp đi lặp lại trước mỗi sự việc sắp xảy ra như một hồi chuông cảnh báo. Khác với ở phần đầu tác phẩm, lần xuất hiện thứ hai của lời tiên tri từ Ráy trở nên mơ hồ, không rõ ràng: “Nó sẽ rời bỏ cô. Nhưng ngài cũng mách với tôi rằng điều đó sẽ tốt đẹp hơn cho cô - Ráy ngửa cổ lên trần nhà, đôi mắt trợn trừng” [23, 205]. Không chỉ có sự việc được tiên tri ban đầu, lần này, lời tiên tri khiến cả nhân vật lẫn bạn đọc trở nên hoang mang vì những phán đoán của mình về sự việc trong lời nói của Ráy. Như đã nhắc đến trước đây, khi đứng trước một sự việc không thể nào lí giải, người ta thường lựa chọn cách tin vào một sự việc có vẻ duy tâm về thế lực vô hình chi phối mọi việc và có năng lực toàn năng. Lời tiên tri của Ráy ở đầu tác phẩm đã ứng nghiệm, vì thế, đứng trước những sự việc chưa tìm thấy lời giải dần xuất hiện trong tác phẩm, nhân vật kể cả bạn đọc lựa chọn tin vào lời tiên tri của Ráy như là một manh mối. Trong khi đó, khác với lần đầu, lần thứ hai, lời tiên tri không còn là nền móng cho cốt truyện phát triển. Sau sự xuất hiện của Bách - cảnh sát, bằng suy luận logic và duy vật của một thám tử, dưới một góc nhìn trần thuật khác, những yếu tố kì ảo được bớt dần đi thay vào đó là những lí lẽ mang tính thực tế, lí giải cho những sự việc đang xảy ra trong trang trại. Lời tiên tri lúc này chỉ còn xuất hiện xung quanh Diên Vĩ, mang mục đích hướng suy luận logic của người đọc đi theo một lối khác, hướng về một sự việc khác đã và đang xảy ra nhưng lại nhầm tưởng là sự việc kì bí đang diễn ra tại Trại Hoa Đỏ: Diên Vĩ sắp mất đi đứa con mà cô đang mang.

Không dừng lại đó, lời tiên tri của Ráy còn xuất hiện nhiều lần. Nhưng những lần sau đó, Ráy chỉ lặp đi lặp lại một thông điệp: “Lời… nguyền. Hắn… muốn… - Vĩ hầu như không nghe rõ lời của người hấp hối nữa - Tôi… đã nhìn thấy… những… bóng đen… bao phủ… Hắn… đứng ngay đằng sau… lưng cô… Hãy… cẩn thận.” [23, 413]. Đến gần cuối tác phẩm, khi nhân vật

Ráy bị lộ diện, lời tiên tri đó vẫn cứ lặp lại buộc người đọc phải suy nghĩ rốt cuộc nhân vật có dụng ý gì. Nếu như ban đầu, lời tiên tri của Ráy là để cảnh báo về một mối nguy hiểm, tuy nhiên, sau đó nhân vật Ráy lại trở thành một nhân vật phản diện - kẻ tình nghi cho những sự việc xảy ra trong Trại Hoa Đỏ. Rõ ràng đây là một nhân vật tiên tri, vì đã nhìn thấy được những vấn đề mà Diên Vĩ gặp phải trong quá trình ở lại trang trại ngoại trừ những vụ án mạng vì đây là sự việc có sự tham dự của Ráy. Lời tiên tri của Ráy trước khi chết như một sự khẳng định lại lần nữa, cô không phải là hung thủ cuối cùng trong vụ án. Dĩ nhiên, yếu tố kì ảo vẫn là phương tiện chính truyền tải nội dung này của cốt truyện. Bởi như đã nói trước, nhân vật Ráy chính là nhân vật tiên tri, và những lời tiên đoán cuối cùng của cô trước lúc chết vừa là tiên tri vừa là cảnh báo cho Diên Vĩ. Thực chất, việc lời tiên tri hay những sự việc kì bí chỉ xoay quanh Diên Vĩ là một dụng ý rất đắc của tác giả. Di Li đã rất xuất sắc khi đưa được suy nghĩ của bạn đọc vào một vòng xoáy suy luận với nhiều “điểm trắng” buộc bạn đọc tự tìm ra một lời giải đáp thích đáng cho riêng mình. Từ đó gây bất ngờ trước lời giải ở kết thúc của tác phẩm.

Chương 3

TRẠI HOA ĐỎ

- KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN NGHỆ THUẬT KÌ ẢO 3.1. Không gian nghệ thuật - Sự “lưỡng lự” giữa hư - thực

Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật trong tác phẩm. Không có một hình tượng nghệ thuật nào mà lại không được đặt trong một bối cảnh không gian, cũng như không có một nhân vật nào lại không xuất hiện trong một nền cảnh nào đó. Mỗi tác phẩm lại có một hình thức không gian đặc trưng phù hợp với thể loại, với hệ thống nhân vật của mình. “Cái kì ảo chủ yếu dựa trên một sự lưỡng lự của người đọc - một người đọc tự đồng nhất hóa với nhân vật chính - về bản chất của một biến cố lạ lùng” [39, 189]. Sự “lưỡng lự” này xuất phát từ việc đan xen giữa thực và ảo trong một tác phẩm mang yếu tố kì ảo. Trại Hoa Đỏ là một bộ tiểu thuyết trinh thám kết hợp yếu tố kì ảo, vì thế không gian nghệ thuật trong tác phẩm tồn tại hai hình thức, không gian thực của thể loại trinh thám và không gian ảo mang đậm chất huyền bí. Từ đó xuất hiện một sự “lưỡng lự” giữa hư và thực trong quá trình tiếp nhận tác phẩm thông qua hình tượng không gian. Không gian đó chủ yếu thể hiện dưới các bình diện sau: không gian địa phủ, không gian núi rừng và không gian vô thức.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Trại hoa đỏ của Di Li. (Trang 49 - 53)