Không gian địa phủ

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Trại hoa đỏ của Di Li. (Trang 53 - 58)

5. Bố cục của khóa luận

3.1.1. Không gian địa phủ

Trong văn học kì ảo, thế giới vật chất và thế giới tâm linh thâm nhập lẫn nhau, do đó những phạm trù cơ bản của các thế giới này có sự biến đổi. Thời gian và không gian được miêu tả trong nhóm văn bản kì ảo này không phải là thời gian và không gian của cuộc sống thường ngày. Đó là những khung cảnh âm u, gợi không khí chết chóc hoang lạnh, nơi đó bạn đọc như bị dẫn lối vào một vùng thẩm mĩ đầy mê hoặc.

Trong Trại Hoa Đỏ, không gian mang màu sắc âm giới hiện hình với những âm thanh lạ, với bóng ma, ánh sáng... mang đặc điểm riêng của cõi âm ti, địa phủ. Không gian của cõi âm có khi ám ảnh cõi trần bởi những tiếng vọng âm u từ dưới lòng đất. Nơi hang động mà “Tiếng gọi của cô vọng vào lòng hang đá rồi luồn ngược trở ra thành những âm thanh rền rĩ” [23, 217]. Rồi cả tiếng sáo lạ lùng cứ lặp đi lặp lại một giai điệu mà chỉ mình Diên Vĩ có thể nghe thấy. Âm thanh đó tự động đến, tự động biến mất một cách vô tung vô ảnh, nhân vật lẫn người đọc không thể xác nhận được nguồn gốc của tiếng sáo cũng như việc nó đã biến mất ở nơi nào, chỉ biết “Tiếng sáo đột ngột im bặt. Vì nó tự nhiên ngừng lại nên Vĩ mới nhớ ra người đàn bà vẫn kiên nhẫn thổi sáo từ nãy đến giờ, kiên nhẫn thổi đi thổi lại một bản nhạc kì dị” [23, 217]. Có khi kì lạ hơn là những cái chết từ bao nhiêu năm tự nhiên được hé lộ. Sau khi Diên Vĩ nằm mộng thấy người đàn bà bí ẩn với vết máu chạy dọc theo thái dương, người phụ nữ đó liên tục ám ảnh cô trong giấc mơ và trong cả hiện thực, lôi kéo nhân vật tìm đến nơi mà cái xác đang nằm: “Trên vách có một hốc rộng như chiếc giường đá thiên nhiên tự tạo, và ngự trên đó là một bộ xương còn nguyên mớ tóc đen dài với phần bên dưới lồng trong bộ quần áo đen tuyền, bộ quần áo của người đàn bà mà cô vẫn nhìn thấy trong những cơn ác mộng” [23, 526]. Không chỉ vậy, ngôi làng mà nay là trang trại Hoa Đỏ nơi vợ chồng Diên Vĩ sinh sống tồn tại những câu chuyện, truyền thuyết rùng rợn, nơi đó có những hồn ma, lời nguyền tương ứng với sự thật mà con người chưa thể giải đáp được mà một trong số đó là những lời nguyền xoay quanh “nhà họ Quách”. Những hồn ma, xác chết khiến cuộc sống của dân làng nơi đây trở nên u ám, hoang lạnh như cõi âm.

Trong tác phẩm còn có khung cảnh tràn ngập sự chết chóc với “đám mây đen” khiến “khoảng sân bỗng sẫm dần, sẫm dần, rồi đen kịt như một chiếc giếng cạn khổng lồ”. Hình ảnh “hàng tràng cười ré lên điên dại” chen

lẫn vào “tiếng đập cánh sàn sạt như lũ người điên đang vò xé” và “tiếng tru não nề của chó sói” [23, 396 - 397] không chỉ bủa vây lấy nhân vật mà còn ám ảnh cả vào tâm trí của bạn đọc. Mọi âm thanh, hình ảnh đều liên tưởng đến sự ngột ngạt, u ám, tăm tối của địa ngục.

Cõi địa phủ ấy, cất giấu linh hồn của tạo vật để tạo ra những “điềm” báo về cõi dương gian mà theo kinh nghiệm dân gian sẽ biết đó là điềm gở hay điềm lành. Từ đó, con người có những cách giải điềm, giải hạn khác nhau. TrongTrại Hoa Đỏ, từng chùm hoa đỏ ối, cái màu đỏ bầm của máu, tựa như màu hoa Bỉ Ngạn mọc đầy ven hai bờ sông Vong Xuyên dưới địa phủ theo như quan niệm của người phương Đông là một trong những biểu tượng như thế. Màu đỏ u tối của những bụi hoa mọc đầy rẫy ở khu đất như một sự cảnh báo, cũng như một hiệu ứng ảo giác khiến nhân vật cảm thấy sợ hãi. Đó chỉ là hình ảnh của những đóa hoa, màu đỏ bình thường trong không gian thực, nhưng khi chúng xuất hiện trong sự hoang mang, sợ hãi của nhân vật thì lại trở thành một bức nền ảo, đầy rùng rợn: “Tấm biển vẫn đỏ bầm như máu, và nước sơn phết nhập nhoạng dòng chữ trên mặt gỗ” [23, 573]. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, đỏ sẫm là màu của đêm, của âm tính, nó kín đáo và, ở hạn độ của mình hướng tâm; nó biểu thị không phải sự phô hình hiện sắc, mà là sự bí ẩn của cuộc sống” [5, 304]. Và cũng là biểu tượng của sự chết chóc theo quan niệm của một vài quốc gia. Vậy nên, việc nó tạo ra cho bạn đọc cũng như nhân vật cảm giác sợ hãi và ảo giác về một không gian khô khốc, ngột ngạt, chết chóc của địa phủ cũng là lẽ dĩ nhiên. Hình ảnh những con chó rừng màu đen liên tiếp xuất hiện trong tác phẩm. Chúng xuất hiện ngay từ đầu câu chuyện, trước những biến cố và rồi biến mất một cách bất ngờ cũng tạo nên sự không xác định. Sự không xác định này khiến cho câu chuyện mang đầy màu sắc rùng rợn, kinh dị.

Không gian địa phủ còn thể hiện qua sự đình trệ, gắn liền với thời gian: “Trong khoảnh khắc, thời gian và không gian như dồn tụ lại thành một khối tròn bao phủ. Trong khối tròn hư vô đó, tất cả trở thành không giới hạn, không ý thức, không ý niệm, không ý nghĩ, chỉ còn lại duy nhất một nỗi sợ hãi từ hoang sơ nguyên thủy” [23, 526]. Sự đình trệ đó biến không gian trở thành không gian chết khi mọi vật di chuyển một cách chậm rãi hơn cả bình thường. Sau một thời gian dài lạc trong trạng thái vô thức, lưỡng lự giữa ảo giác và thực cảnh, khi tỉnh lại, cảm giác về thời gian đối với Diên Vĩ diễn ra một cách lặng lẽ: “Trăng ngoài cửa sổ vẫn bàng bạc, soi rõ từng ô gạch. Trại Hoa Đỏ tĩnh lặng như không còn sự sống” [23, 390].

Một biểu hiện nữa của kiểu không gian này là nhạc điệu. Nhạc điệu của âm giới là những âm thanh kình kịch, rì rầm, hổn hển, chập chờn, sột soạt, thều thào, cành cạnh...; những âm thanh nhỏ, yếu, mơ hồ, không rõ nét làm nên “tiếng vọng nghe âm u” tự cõi âm vọng về. Âm thanh xuất hiện mỗi lúc với mỗi âm điệu, sắc nhịp riêng, khi xa khi gần, khi đau thương ai oán, lúc não nùng man dại...; như lời yêu thương vụng trộm, như tiếng kêu oan, như lời đe dọa ác độc... tất cả xô bồ hiện về giữa cõi trần gợi ám ảnh ghê rợn. Trong những âm thanh ma quái vọng lên từ tiểu thuyết Trại Hoa Đỏ, lời người cõi âm hay lời của hồn ma xuất hiện nhiều nhất, với những giọng điệu khác nhau: lúc thì thầm ai oán, khi dậm dọa thách thức, khi oan trái tức tưởi hoặc âu yếm nhẹ nhàng... vọng lên cả ban ngày lẫn ban đêm, trong không gian ảo - thực, trong tiềm thức, trong vô thức. Lời nói của nhân vật Ráy cũng được xem là một âm thanh từ địa phủ: “Vĩ nhớ lại rằng bất cứ khi nào Ráy đưa ra những lời tiên đoán, giọng chị ta khác hẳn. Nó thông thái hơn vẻ cục mịch thường ngày của Ráy, như thể của một người hoàn toàn khác” [23, 206]. Với lời người cõi âm, cuộc đời của người đã chết được hé mở, kéo theo đó là những bí mật bị chôn sâu ở khu vực trang trại Hoa Đỏ. Các hồn ma đều chịu

chung số phận đau khổ, khi sống thì oan ức, khi chết thì trở thành những oan hồn không tìm được nơi hoá giải nỗi oan khổ đã mang theo xuống dưới mồ. Lời người âm đã giúp ta nhận ra rằng, đâu phải ba thước đất có thể vùi lấp đi tất cả. Trong thế giới của cõi âm, mọi tội lỗi, cái xấu được phơi bày không giấu giếm. Hồn ma và lời những bóng ma mang tính kì ảo nhưng những yếu tố của đời sống được phản ánh lại mang tính chân thực.

Không gian cõi âm còn xuất hiện qua ánh sáng lạnh lẽo, đầy ám khí: “Những đêm trăng, loài chó rừng rải rác trong rừng thẳm tụ về một chỗ để cất bản hợp âm. Lũ mèo rừng cũng gào lên trong màn truy hoan cuồng loạn của loài cầm thú” [23, 390], “nó tỏa ánh nhờn nhợt trên bầu trời tối đen rồi hắt chút tàn sáng xuống những cánh rừng” [23, 43]... Thứ ánh sáng ma quái đó khi thì thu gọn trong một chấm nhỏ trong mắt con chó rừng hay phản chiếu trong ánh đỏ của những cặp mắt chim Chết, khi lại trải dài bàng bạc vô định bao trùm khắp không gian, làm toát lên một không khí lạnh lạnh rợn rợn.

Đọc Trại Hoa Đỏ, người ta thường đặt câu hỏi vì sao nhà văn lại viết về không gian mang màu sắc địa phủ, âm giới trong một tác phẩm trinh thám như vậy? Việc đặt hiện thực của mình trong một không gian âm u của chốn địa phủ với nhiều yếu tố kì ảo như một cách trôi dạt vào những vùng địa hạt “cấm” trong cảm nhận trực giác về cõi âm, cõi tâm linh, vô thức ngàn đời bí hiểm từ đó mở rộng giới hạn phản ánh hiện thực của tiểu thuyết theo quan niệm của nhà văn. Viết về cõi âm, về cuộc sống với những bóng ma, âm thanh, màu sắc, cả sự hoài thai sinh nở... Di Li đã dùng yếu tố kì ảo để vẽ lên màn sương huyền bí bao phủ không gian cõi âm như một phương tiện để truyền tải thông điệp về cuộc sống. Không những vậy còn tạo được một sự lưỡng lự cho người đọc, đưa người đọc rơi vào mê cung, chặng đường đi tìm lời giải trong tác phẩm vì thế mà trở nên đầy hứng thú.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Trại hoa đỏ của Di Li. (Trang 53 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)