Motif giấc mơ

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Trại hoa đỏ của Di Li. (Trang 41 - 47)

5. Bố cục của khóa luận

2.2.2. Motif giấc mơ

Vốn là một điều bí ẩn mà con người bao đời nay vẫn không ngừng tìm cách giải mã. Mơ hay giấc mơ là những trải nghiệm, ảo tưởng trong trí óc khi ngủ. Hiện tượng mơ không chỉ xảy ra với con người mà cũng có thể xảy ra ở các động vật có vú và một số loài chim. Tuy nhiên khi nói đến giấc mơ chúng ta thường chỉ đề cập đến hiện tượng này ở con người. Các sự việc trong giấc mơ thường không thể xảy ra được hoặc không giống với thực tế, chúng

thường nằm ngoài sự điều khiển của người mơ. Ngoại trừ trường hợp giấc mơ sáng suốt (giấc mơ tỉnh táo), trong đó người nằm mơ nhận ra rằng họ đang nằm mơ, đôi khi có thể làm thay đổi thực tại giấc mơ của họ.

Giấc mơ cũng được giải thích một cách rõ ràng thông qua lí thuyết phân tâm học của Freud. Nếu như các nhà triết học, xã hội học, tâm lí học trước thời Freud có xu hướng phân chia tâm lí con người thành vô thức, tiềm thức, và ý thức thì Freud lại chọn một cách phân chia khác, hay còn gọi là tiếp cận địa hình, là vô thức - tiền ý thức - ý thức. Theo cách phân chia này, giấc mơ chính là một sản phẩm tiêu biểu nhất của vô thức, hay giấc mơ chính là “con đường hoàng kim” để tìm hiểu vô thức. Năm 1900, Freud cho xuất bản cuốn sách Lí giải các giấc mơ, trong đó ông trình bày một cách cặn kẽ bản chất vô thức của giấc mơ. Theo quan niệm của ông, giấc mơ không là gì ngoài sự trá hình một ham muốn, thường là tính dục, mà khi thức cá nhân không thể thực hiện được. Giấc mơ với tư cách một cơ chế bảo vệ nhằm giúp một người tránh khỏi sự xung đột đó mà vẫn đạt được sự thoả mãn mong muốn. Freud cũng đã đào sâu vào kĩ thuật phân tích giấc mơ của mình khi cho rằng chúng ta trước hết phải phân biệt những ý tưởng mơ tiềm ẩn và nội dung biểu hiện của giấc mơ rồi sau đó mới tiến hành nghiên cứu và diễn giải giấc mơ: “Chúng ta sẽ gọi là nội dung rõ ràng của giấc mơ những điều người ta kể cho ta nghe về giấc mơ, và gọi là ý tưởng tiềm tàng trong giấc mơ những điều người ta dấu không nói đến hay ẩn náu trong giấc mơ, những ý tưởng mà chúng ta muốn tìm hiểu khi phân tích những ý tưởng gặp trong đó” [20, 96]. Điểm quan trọng nhất là ở đây, sự hình thành giấc mơ theo một cơ chế hay đúng hơn là một quá trình năm bước: sự cô đặc (condension), sự dịch chuyển (displacement), kịch hoá (dramatisation), tượng trưng hoá (symbolism), và chế biến lần thứ hai (second eleboration). Đây là một quá trình vô thức nhằm tránh sự kiểm duyệt của cái tôi ý thức: “... Sự biến dạng trong giấc mơ chỉ là

kết quả của sự kiểm duyệt mà cái tôi của chúng ta làm đối với những khuynh hướng hay ham muốn thường xuất hiện ban đêm trong giấc ngủ” [20, 112]; “ý thức kiểm duyệt giấc mơ và kết quả của sự kiểm duyệt đó là một sự dung hoà gây ra giấc mơ rõ ràng” [20, 113]. Cái mà ý thức kiểm duyệt chính là những ham muốn bị cấm kị mang bản chất vô thức. Freud đã viết như sau: “Những ham muốn hiện ra trong giấc mơ, làm cho giấc ngủ không yên, chúng ta không hề biết trước nhưng chỉ biết sau khi đã giải thích giấc mơ. Vậy, chúng ta có thể tạm gọi chúng là cái vô thức theo nghĩa thông thường của từ này...” [20, 114]. Freud cho rằng tất cả các ham muốn vô thức này chính là các ham muốn tính dục mà người nằm mơ không thể thực hiện trong khi thức.

Khác với văn học kì ảo cổ điển dùng motif giấc mơ để bộc lộ niềm tin, tín ngưỡng tôn giáo hay gởi gắm khát vọng hạnh phúc, công bằng của người lao động, motif giấc mơ trong văn học kì ảo hiện đại nói chung và tác phẩm

Trại Hoa Đỏ nói riêng lại mang một ý nghĩa khác. Giấc mơ “sống” cùng những ước vọng, nỗi bất an và cả ám ảnh của nhân vật. Giấc mơ trở thành cầu nối của nhân vật với một thế giới khác cùng song song tồn tại bên cạnh thế giới hiện thực. Trong thế giới đó, tồn tại những con người bí ẩn và cả những bí mật tưởng chừng như không thể nào phơi bày của nhân vật để từ đó đưa đến những suy đoán cho người đọc.

Motif giấc mơ trongTrại Hoa Đỏchỉ xuất hiện trong một nhân vật duy nhất - Diên Vĩ. Như đã biết, “giấc mơ cũng như vô thức của con người hiện diện với tư cách một “cá thể” không thể bị điều khiển bởi ý thức. Về yếu tố của giấc mơ, ta biết là nó không xác thực, chỉ dùng để thay thế vào điều mà người nằm mơ không biết cũng như chúng ta không biết gì về khuynh hướng trong những hành vi sai lạc của chúng ta, chỉ có khác là người nằm mơ có sẵn trong đầu mình yếu tố đó” [9, 41]. Với Di Li, tác giả đã bẻ ngoặt “chân lí”, khiến cho giấc mơ hay vô thức cũng trở thành một công cụ của các nhân vật

trong tác phẩm. Nhân vật của Di Li, một cách vô tình hay cố ý, đã sử dụng giấc mơ - vô thức để thực hiện một số hành vi, hoạt động trong đời sống của mình ở thế giới khác có tồn tại con người với đầy đủ hành vi, cảm xúc, lời nói. Thế giới trong những giấc mơ - vô thức huyễn hoặc là thế giới không thể tồn tại trong đời sống thực, hoặc giả nếu chúng tồn tại thì cũng nằm ngoài nhận thức của con người. Trong thế giới ấy, nhân vật của Di Li vẫn có đầy đủ các điều kiện để thi hành các chức năng của một thế giới bình thường, khác chăng chỉ là tất cả đều diễn ra khi nhân vật ngoài đời thực đang ngủ, còn nhân vật ảo thì nằm trong giấc mơ. Đây không phải là phân thân mà nó là dạng thức của ảo giác, là cõi vô thức thức dậy và thực thi những ẩn chứa thầm kín nhất của cái tôi, của bản ngã. Và trong thế giới của vô thức huyễn hoặc ấy, mọi giới hạn về không gian, thời gian đều bị xóa nhòa, con người có thể vượt thoát những rào cản vật lí để đạt được mục đích của mình. Có điều này bởi ta có thể thấy không có sự phân biệt giữa không gian thực và không gian trong giấc mơ, mặc dù mơ, nhưng Diên Vĩ vẫn có thể cảm nhận rõ ràng được mọi thứ như thể cô chỉ đang đi du ngoạn trong một thế giới khác: “Những cơn gió mang hơi thở mát lạnh và mùi hương đặc trưng của rừng già lọt qua kính cửa xe đang hé mở khiến Vĩ chìm hẳn vào giấc ngủ không mộng mị. Chừng rất lâu sau, Vĩ nghe thấy những âm thanh lao xao như tiếng cười nói” [6, 44]. Ta có thể bắt gặp điều tương đồng này trong những câu chuyện cổ tích như Giấc mộng Nam Kha. Trong trường hợp này, giấc mơ không đơn thuần là giấc mơ nữa, nó đã trở thành một “vật thể thực”, hết sức sống động và có sức tác động nhất định đối với ý thức. Đó là cơ sở để những giấc mơ trong tác phẩm của Di Li trở thành kì ảo.

Nhắc lại motif giấc mơ trong tác phẩm, đây như là một cầu nối tâm linh khi nhân vật rơi vào một thế giới khác, thế giới của những linh hồn - yếu tố đậm chất kì ảo trong các câu chuyện huyền huyễn. Thế giới đó không phải là

sự tái hiện lại thế giới mà Diên Vĩ đang sống, nó tái hiện lại thế giới của những con người bí ẩn có mặt ở Trại Hoa Đỏ - một thế giới mà Diên Vĩ chỉ vừa tiếp xúc nhưng lại trở nên quá rõ ràng trong giấc mơ của cô: “Khắp bản đèn điện sáng trưng đến chói mắt. Rất nhiều người đang tụ tập ở xung quanh. Họ đến từ những ngôi nhà trong bản, mặc các trang phục xủng xoẻng đầy vòng khuyên trên người. Họ hò reo và nói cười vui vẻ như đang chơi một trò gì đó” [23, 45]. Trong giấc mơ đó, Diên Vĩ luôn bị ám ảnh bởi một trò chơi dân gian: rồng rắn lên mây. Thậm chí, sự ám ảnh đó còn kéo ra cả thực tại: “Vĩ nghe lao xao bên tai những tiếng cười khanh khách, những tiếng bước chân nện thình thịch xuống mặt sàn xi măng, máu nóng bắt đầu dồn lên mặt Vĩ” [23, 55]. Diên Vĩ buộc phải lựa chọn tin hoặc không tin vào giấc mơ, bởi đối diện với những “sự thật” mà cô được chứng kiến và trải qua tại trang trại, lời tiên tri của Ráy, và cả của người đàn bà trong giấc mơ của cô. Và dĩ nhiên, cô tin vào điều đó, đó như là một sự lựa chọn đáp án cho những gì đang diễn ra không thể lí giải được tại trang trại. Bởi thế, giấc mơ liên tiếp xuất hiện trong tác phẩm đóng vai trò như là một phương án để giải quyết các bế tắc của đời sống thực. Ở một góc độ nào đó, giấc mơ buộc phải xuất hiện để giúp cho nhân vật của Di Li có một cứu cánh bám vào, để họ thực hiện sứ mệnh của mình như những người dấn thân nhưng hầu hết trong nhiều trường hợp họ chỉ nhận thấy được kết quả của sự việc chứ không hề ý thức được sự việc diễn ra như thế nào. Chẳng hạn như Kafka Tamura trongKafka bên bờ biển đã tiến hành giải cứu lời nguyền của cha mình về nỗi ám ảnh mang tên Oedipe trong hàng loạt các giấc mơ như vậy. Kafka đã tỉnh dậy với chiếc áo pull vấy máu mà không hiểu được vì sao, phải đến khi nghe tin người cha bị giết cậu mới lờ mờ nhận ra sức nặng của lời nguyền. Ngoài việc ngủ với mẹ mình là Miss Saeki thì Kafka còn quan hệ với chị gái mình là Sakura trong giấc mơ đầy nhục cảm. Kafka tìm cách chạy trốn nhưng chính cậu lại chạy về phía lời

nguyền mà cậu không hay biết. Cách đối mặt với lời nguyền của Kafka thật bạo liệt và nó tỏ rõ sự cô đơn đến cùng tận của bản thể. Kafka không thể thoát khỏi cái bản ngã níu kéo của mình, cậu bất lực ở thực tại và chỉ có thể hành động trong những giấc mơ. Tương tự, Diên Vĩ cũng như thế, nếu lúc đầu, giấc mơ của Diên Vĩ mang chức năng dự báo khi nhân vật trong giấc mơ đe dọa cô: “Cô hãy quay về đi… Về đi… Nguy hiểm đang đến rất gần. Hãy tỉnh táo. Cô đã làm một việc sai lầm. Hãy tỉnh táo. Về đi… về đi…” [23, 48]. Thì càng về sau, giấc mơ mang nhiệm vụ như là sự thông báo. Tuy không làm sáng tỏ được những cái chết bí ẩn trong trang trại, nhưng thông qua người đàn bà trong giấc mơ, Diên Vĩ biết được phần nào những vụ án mạng đang xảy ra, chỉ có điều khác với lúc đầu, sự sợ hãi khiến Vĩ buộc phải lựa chọn cách không tin tưởng nhưng cho dù vậy, đó cũng chỉ là biểu hiện bên ngoài của cô, những giấc mơ vẫn liên tục xuất hiện ép buộc Diên Vĩ hành động như những gì được dự báo, cô tự đi tìm kết quả và đưa bản thân vào sự nguy hiểm. Mỗi lần những giấc mơ có thể xem là ác mộng đó xuất hiện là mỗi lần cốt truyện lại tăng thêm kịch tính và kì ảo.

Có đôi khi, giấc mơ cũng thể hiện chính nội tâm của Diên Vĩ. Đó là tâm trạng lo sợ, hoang mang thậm chí khủng hoảng trước những sự việc đang xảy ra tại Trại Hoa Đỏ và chính bản thân cô: “Cô thấy mình như rời thân khỏi mặt đất và bên dưới là loang loáng những cặp mắt man dại đang nhìn cô chằm chằm. “Tao sẽ giết mày”… “Mẹ, cho con ra khỏi đây, Ở trong này con sợ lắm” - “Không, con phải ở lại.” - “Họ muốn giết con.” - “Con đừng nói dại, sẽ không ai làm gì con hết” [23, 88]. Lúc này đây, giấc mơ đã trở thành phương tiện để người đọc đi sâu vào thế giới nội tâm của một người nhạy cảm như Diên Vĩ. Cuộc sống tại một nơi hoàn toàn xa lạ, đối mặt với những nguy hiểm đang rình rập và những cái chết bí ẩn đang diễn ra hằng ngày. Kèm theo đó là sự ám ảnh về đứa con suýt rời khỏi Diên Vĩ khiến cho những giấc mơ của cô

trở nên chân thực hơn. Diên Vĩ hoàn toàn bộc lộ sự rối loạn trong nội tâm cũng như chứng bệnh của cô trong mỗi giấc mơ, càng lúc cô càng không thể phân biệt được giữa hai thế giới thực - ảo. Sự không phân biệt rạch ròi này càng làm gia tăng tính chất kì ảo trong cốt truyện khi những hình tượng ma quái liên tiếp xuất hiện ngày càng chân thật hơn. Buộc người đọc phải đặt ra câu hỏi và tận lực tìm ra câu trả lời về những yếu tố kì ảo trong tác phẩm liệu có thật hay không hay chỉ là ảo giác của bệnh hoang tưởng.

Motif giấc mơ tạo thêm không gian mới của thế giới ảo: không gian mộng ảo, mở rộng thêm trường hoạt động của nhân vật. Đem cái kì ảo vào trong cốt truyện khiến cho tình tiết câu chuyện được triển khai một cách kì thú và hấp dẫn hơn. Có thể nói đây là hiệu quả nghệ thuật mà motif giấc mơ đem lại cho bộ tiểu thuyết Trại Hoa Đỏcủa Di Li.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Trại hoa đỏ của Di Li. (Trang 41 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)