Motif hồn ma

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Trại hoa đỏ của Di Li. (Trang 47 - 49)

5. Bố cục của khóa luận

2.2.3.Motif hồn ma

Hồn ma trong tư tưởng tín ngưỡng và triết học, trong niềm tin của nhân loại là bản chất tự nhận thức bản thân đặc trưng cho một sinh vật nào đó. Theo những tư tưởng này, linh hồn sáp nhập bản chất bên trong của mỗi sinh vật và là cơ sở thật sự cho trí tuệ. Nhiều nền văn hóa và tín ngưỡng tin rằng, linh hồn là sự thống nhất của ý thức về đặc tính của một cá thể. Khái niệm về linh hồn có những liên hệ chặt chẽ với những ý niệm về cuộc sống sau khi chết, nhưng có nhiều ý kiến rất khác nhau, thậm chí của cùng một tôn giáo nào đó, về những gì sẽ xảy đến với linh hồn sau khi cơ thể chết đi.

Motif hồn ma có thể nói là motif xuất hiện nhiều trong văn học kì ảo từ trước đến nay. Trong Trại Hoa Đỏ của Di Li, hồn ma được xem là yếu tố kì ảo rõ rệt nhất. Trước tiên là sự xuất hiện của người đàn bà mặc đồ đen. Nếu ban đầu, người đàn bà chỉ xuất hiện trong giấc mơ của Diên Vĩ thì càng về sau, hình tượng người đàn bà xuất hiện một cách liên tục ngay trong cả không gian thực. Được tác giả miêu tả là: “Cô ta mặc một bộ quần áo đen tuyền và

mái tóc đen thả chấm vai khiến cả thân hình lẫn vào bóng đêm”, “máu từ trên thái dương cô ta phút chốc tuôn chảy” [23, 46 - 48]. Sự xuất hiện của hồn ma giống như một sự tái hiện sự thật. Hồn ma là người phụ nữ chết trong hang động được phát hiện ở gần cuối tác phẩm. Diên Vĩ và hồn ma như có một sự liên kết, chính cô là người đã phát hiện ra xác chết theo sự chỉ dẫn của chính hồn ma. Bắt đầu từ một lời cảnh báo trong giấc mơ, hồn ma vô tình lôi kéo sự chú ý của nhân vật lẫn người đọc. Càng về sau, sự xuất hiện của hồn ma trở thành một dấu hiệu dẫn dắt. Diên Vĩ và cả người đọc đều trông chờ sự xuất hiện của “nó”. Trong một cốt truyện trinh thám, yếu tố kì ảo như hồn ma ít khi xuất hiện. Tuy nhiên, sự xuất hiện bí ẩn của hồn ma là một lời giải thích được chấp nhận cho những sự việc đang diễn ra một cách bí ẩn. Hiện tượng tâm linh được sử dụng như một phương tiện giúp đỡ tìm ra đáp án, đây được coi là một kết cấu mới trong cốt truyện trinh thám khi vai trò của nhân vật thám tử cũng là nhân vật người bị hại, điều này yêu cầu người đọc tham gia vào quá trình phá án, những yếu tố kì ảo mà đặc biệt là yếu tố hồn ma xuất hiện trong tác phẩm là gợi ý chỉ dẫn cho quá trình giải mã đáp án.

Không chỉ dừng lại ở đó, trong một xã hội tôn thờ tâm linh như phương Đông, mọi vấn đề liên quan tới kì bí đều mặc nhiên được chấp nhận như một cứu cánh cho cuộc sống. Yếu tố hồn ma ngoại trừ xuất hiện với mục đích chỉ dẫn, còn xuất hiện như một sự cảnh báo. Trong chi tiết Mai Thanh bị ám sát, hồn ma của chị gái cô xuất hiện ngăn cản cô, khiến cho kẻ thủ ác thất bại. Theo thuyết duy lí, đây như một ảo giác xuất hiện. Tuy nhiên, không thể nào có sự xuất hiện trùng hợp như thế, trừ phi đó chính là hồn ma của chị gái Mai Thanh. Hồn ma còn xuất hiện với nhân vật Bách, đây là một nhân vật mang đầy tính duy lí, lí trí của một cảnh sát điều tra đóng vai nhân vật thám tử trong tác phẩm. Như sự lí giải về motif song trùng ở trên, nhân vật Bách có một sợi dây liên kết vô hình với Huy - bạn thân của Bách. Sợi dây liên kết này là yếu

tố khiến cho Bách có thể nhìn thấy được Huy. Khác với sự kiện Bách bị ám ảnh như một thói quen khi trò chuyện với Huy, “Một ánh chớp kéo theo tiếng sấm dồn và chiếc cổ nghẹo sang một bên của Huy hiện rõ mồn một trong gương”, Huy lại xuất hiện một lần nữa trên chặng đường Bách đi đến Trại Hoa Đỏ. Sự xuất hiện của hình ảnh Huy trong gương xe có thể xem như là một lời cảnh báo nguy hiểm. Hoặc giả, trong ánh sáng chớp nhoáng của cơn bão, Bách đã bị hoa mắt. Quay lại câu hỏi ban nãy, nếu giải thích duy lí, vậy thì sự trùng hợp đó từ đâu mà có?

Chuỗi những sự việc trùng hợp đó đều dẫn đến kết quả là hiện tượng siêu nhiên. Yếu tố hồn ma được thêm vào cốt truyện không chỉ làm tăng tính hấp dẫn mà ngoài ra đó như là một lời giải thích hợp lí nhằm che giấu sự thật chính xác đang được tác giả lần giở ra. Di Li đã lợi dụng tư tưởng duy tâm của độc giả tạo ra những mê lộ trong tác phẩm để đến cuối cùng khi đáp án được phơi bày khiến cho ai cũng phải giật mình vì sự thật đó. Tác phẩm lúc đó quay trở lại với cốt truyện trinh thám ban đầu. Tuy rằng trong đoạn kết, hình tượng “tấm biển vẫn đỏ bầm như máu và nước sơn phết nhập nhoạng dòng chữ trên mặt gỗ: Trại Hoa Đỏ” [23, 573] hoàn toàn trùng khớp với hình ảnh rùng rợn ở đầu câu chuyện khiến cho người đọc liên tưởng lại vụ án và những yếu tố kì ảo trong đó.

Một phần của tài liệu Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Trại hoa đỏ của Di Li. (Trang 47 - 49)