…đến biểu tượng ẩn

Một phần của tài liệu Yếu tố huyền thoại trong truyện ngắn của Tạ Duy Anh. (Trang 28 - 33)

5. Bố cục của khóa luận

2.1.2. …đến biểu tượng ẩn

Nếu những biểu tượng kì ảo mang lại màu sắc kì bí, thần kì, khó lí giải ở cấp độ một thì biểu tượng ẩn là những hình tượng ở cấp độ thứ hai và mang trong mình ý nghĩa hàm ẩn. Jean Chevalier khái quát biểu tượng ẩn giống như mũi tên bay mà không bay, đứng im mà biến ảo, hiển nhiên mà không nắm bắt được. Nó buộc ta sẽ cần phải dùng các từ để gợi ra một hay nhiều ý nghĩa của một biểu tượng [dẫn theo 17, tr.14]. Biểu tượng hàm ẩn trong văn học luôn mang lại một thế giới mở đa chiều mới.

Cũng như những biểu tượng kì ảo mà Tạ Duy Anh đã sử dụng, những biểu tượng ẩn trong truyện của ông có tính chất hàng loạt và thường lặp đi lặp lại như một sự nhấn mạnh có chủ ý. Như nghệ thuật sắp đặt, những khối nghệ thuật được đặt cạnh nhau tưởng chừng như không có một sự kết nối nào, nhưng những khoảng không của chúng lại là chỗ kết dính tuyệt vời nhất. Chúng tôi đã thử khảo sát và nhóm chúng lại với nhau theo nhóm biểu tượng qua tần suất xuất hiện trong truyện.

Bảng khảo sát 2.1.2.

Biểu tượng ẩn Tần suất xuất hiện (truyện) Tỉ lệ (%)

Bờ đê 8 24,3

Ánh trăng 13 39,4

Cái chết 5 15,2

Nhân hóa con vật –

Như vậy, qua bảng thống kê cho thấy, biểu tượng ẩn hướng đến cái khác lạ, thậm chí có phần siêu thực: ánh trăng, bờ đê, cái chết hay nhân hóa con vật – Vật hóa con người… trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm.

Ánh trăng xuất hiện trên bầu trời đêm trong những truyện ngắn của Tạ Duy Anh như một biểu trưng của cái đẹp vượt thoát. Nếu màn đêm tượng trưng cho những điều xấu xa, toan tính, âm mưu, tượng trưng cho cái khốc liệt của chiến tranh, cho những thứ cổ hủ thì ánh trăng - thứ ánh sáng huyền diệu, nhẹ nhàng nhưng đầy màu nhiệm, khơi gợi lại sự thoát tục, cô lập những điều đen tối xấu xa.

“Chiến tranh là cuộc chơi đỏ đen tàn khốc: phải được cả hoặc mất tất! Nhưng hãy còn một lát nữa để tôi kịp chuẩn bị lần chót cho cuộc ra đi không bao giờ biết trước. Giờ này trăng vừa lên. Thật kỳ lạ khi tôi có cảm giác tất cả đều bình yên, tưởng như chiến tranh bị đẩy lùi mãi, chỉ còn như một dư âm. Và tôi chờ đợi. Em biết tôi chờ đợi điều gì không? Tôi… chờ em bước ra từ vầng trăng. Em sẽ băng bó những vết thương, làm nguội mặt đất…” (Khi xưa chị đẹp nhất làng) [10, tr.17 - 18]. Hay trong đoạn “Đêm hoàn toàn tĩnh lặng. Chú Hổ tiến thêm một bước. Ngọn giáo tuột khỏi tay bà giáo. “Người hay quỷ”. Chú Hổ quay lưng, bước nhanh ra khỏi cửa, chạy như bị ma đuổi dưới ánh trăng…” (Vòng trầm luân trần gian) [10, tr.72]. Trăng đã thật sự có chức năng của riêng mình chứ không chỉ là một hình tượng đơn thuần nữa. Im lặng nhưng không có nghĩa là không tồn tại, không hữu ích. Ánh trăng đến với từng câu chuyện lại linh hoạt hòa với những cung bậc tình tiết, khi là nhân chứng, khi là cái đẹp hướng đến mà cũng có khi rất gần với trẻ thơ: “Trời sập tối rất nhanh. Bình thường như mọi khi, chờ trăng lên là chúng tôi dong trâu về. Nhưng mải “tra tấn” Quý Anh, chúng tôi bỏ mặc vầng trăng chơ vơ một mình” (Bước qua lời nguyền) [10, tr.57]. Cái nỗi chơ vơ của trăng có giống như nỗi chơ vơ, lẻ loi của cô bé Quý Anh đó không? Cô bé bị cô lập ngay

trong chính ngôi làng của mình, như ánh trăng hôm nay bị bọn trẻ bỏ quên nơi góc trời, tụi nhỏ đang bận mải miết thú vui mới – “tra tấn” Quý Anh. Trong cái đêm “hai kẻ trong trắng như nhau, đã ân xá cho nhau…” cũng là lúc vầng trăng trốn đi, để lại bầu trời “đêm ấy không trăng nhưng đầy sao và hương thơm mùa màn từ đất”, trăng lúc này như người bạn chỉ muốn màn đêm bảo bọc lấy “hai kẻ tội lỗi như nhau” được quyết định tương lai của chính mình.

Cuộc đời của con người là được sinh ra để rồi mất đi. Cái chết trở thành biểu tượng trong cả văn hóa và văn học. Cái chết đi vào văn chương trở thành biểu tượng. Truyện ngắn Tạ Duy Anh đã khai thác khá đa dạng về những cái chết như thế. Những biểu tượng này tuy không lớn và xuất hiện dày đặc, nhưng lại là những biểu tượng hàm ẩn cao trong việc phản ánh hiện thực cuộc sống, phản ánh nhân sinh quan của chính tác giả. Cũng như đời sống của những con người đã chết đi chỉ còn lại nắm đất. Mỗi cái chết cũng thể hiện phần nào cuộc đời của chính nhân vật. Sống như thế nào thì chết như thế ấy: “Những nấm đất! Những nắm đất vô tri, lạnh lẽo. Các vị sống thế nào thì chết cũng thế ấy […] chợt tôi phát hiện có một mô đất bẹp gí ở rìa khu bình dân, sát mép nước. Tuồng như nó cố tình lút xuống để người sống khỏi ngứa mắt” (Bước qua lời nguyền) [10, tr.45]. Trong Vòng trầm luân trần gian cũng vậy, Lão Mịch bóp cổ bà Mịch đến chết rồi liệm bà trong im lặng. Đến sau này, chính lão Mịch cũng chết ngạt “trong đống chăn cấu bẩn, lạnh toát âm khí” trong lúc lũ con đánh nhau trong việc bàn ai là người nuôi bố. Và như chính cái sự cô đơn mà lão Đình cam chịu sau những năm tháng từng bị “phản bội”. Lão đám giỗ cuộc đời lão bằng cách “đâm chiêu nhìn vào khoảng không vô hình. Lão cứ ngồi thế cho đến sáng bạch. Lão đã ngồi như thế hàng ngàn ngày nay. Không biết lão còn ngồi bao nhiêu ngày nữa để tự đưa ma mình” (Tội tổ tông) [10, tr.126]. Cuộc sống mòn như thế kéo dài để đưa tang “cuộc đời chó đẻ đến vợ con cũng ớn” của lão.

Lấy bối cảnh nông thôn khá nhiều, truyện ngắn Tạ Duy Anh không thể thiếu không gian quen thuộc bờ đê. Con đê bao bọc lấy làng, gói làng vào một cụm như khoanh vùng một thế giới nhỏ mà cũng lắm thị phi, bon chen. Nơi đó, lại có biết bao nhiêu cuộc ra đi, chia tay. Đó là biên giới của làng cũng chính là biên giới của lòng người. Vượt thoát khỏi bờ đê là vượt thoát khỏi định kiến xã hội vốn chật chội để ra ngoài, mặc vừa cái áo tự do của bản thân – sự vượt thoát. Con đê đầu làng như sự khơi gợi những ham muốn đời thường vốn bị tư tưởng hà khắc của phong tục gò ép: “Ở phía đê Bộc vẳng lên từ hội gặt lúa đêm những câu hò vừa chua ngoa vừa tình tứ” (Khi xưa chị đẹp nhất làng) [10, tr. 20]. Vẳng lên thôi, thứ âm thanh nghe được đó mà cũng mất đó, đứt quãng và không rõ ràng cũng giống như những số phận con người leo lét trong ngôi làng bé nhỏ.

Biểu tượng ẩn của Tạ Duy Anh không đơn thuần dừng lại ở những biểu tượng cụ thể. Ngòi bút tác giả vật hóa con người – nhân hóa con vật để tạo ra những biểu tượng bằng con mắt đầy hàm ẩn. Chúng là sinh linh, có linh hồn và nói một thứ ngôn ngữ riêng, mà dẫu các nhân vật có hiểu chúng thì chúng vẫn có cách riêng để thể hiện. Biểu tượng các con vật nhuốm màu kì ảo, có sức ám gợi sang những biểu tượng khác. “Lập tức con chó thay đổi thái độ. Nó cứ ngờ loại người quá thông minh để cử xử công bằng, cần gì đến nó. Bây giờ, nó hiểu rằng nó đang giữ vai trò người làm chứng. Lương tâm nó đòi hỏi không được để xảy ra tình cảnh bất công như vậy” (Dịch quỷ sứ) [10, tr.98]. Điều gì khiến con chó phải làm như thế? Hay vì nó nghĩ con người quá mu muội nên phải cần đến sự xuất hiện của nó.

“Mày quên tao rồi à? Nhưng tao không quên mày đâu, con ruồi ạ. Tao biết mày vẫn lân la đến các chốn cao sang để chứng minh mày không phải là ruồi. Nhưng ngay cả máu của mày cũng hôi hám mùi cống rãnh, làm sao mà thơm tho nhanh thế” (Con ruồi) [10, tr.171]. Không hóa thân rõ như Biến

dạng của Kafka, nhưng những biểu hiện của con ruồi đã quá rõ ràng, sự biến dạng nay đã ở trong tiềm thức. Hoặc ngôi nhà có nhiều ngóc ngách, không rõ hình thù, nhiều ổ chuột… được xây dựng một cách kín đáo trong đêm (Ngôi nhà của cha tôi), như miêu tả chính cái hang của chuột. Vậy đó là cái nhà hay cái hang? Người ở trong đó hay con vật ở trong đó? Con người – con vật, phần thú tính của con người được tác giả mượn biểu tượng ẩn gửi gắm.

Số lượng các biểu tượng không dừng lại ở đó, những biểu tượng ẩn đơn lẻ khác cũng được sử dụng một cách triệt để, tuy xuất hiện đơn lẻ trong riêng từng truyện: chiếc gáy, dáng hình người phụ nữ, giấc mơ – ác mộng, chiếc giày pha lê, tín vật… Tất thẩy chúng đã tạo nên một hệ thống biểu tượng ẩn đa dạng, phong phú cả chiều sâu và rộng.

Hình thể truyện không khác gì huyền thoại xưa. Biểu tượng của truyện nằm ở tính chất hàm nghĩa, ở những dụ ngôn đầy sức hàm chứa, những biểu tượng đầy ẩn ý - mê cung, không còn chỉ là một cấu trúc về không gian, mà thường được triển khai theo hai hướng: sự lạc lối trong mê cung của tâm thế nhân vật và mê hồn trận của lối viết. Vụ án, Lâu đài, Biến dạng… Tranz Kafka là những mê hồn trận mà người anh hùng phương Tây ở đó - khác với huyền thoại cổ xưa - không thể tìm ra lối thoát, trong khi mê cung xưa vẫn có một đường ra và có một kết thúc. Còn với Lão Tạ, mỗi tác phẩm của ông là một trận đồ bát quái khiến người đọc phải lạc lối khi tìm đường diễn giải – hiện tượng “mê cung” trong lối viết đã trở thành rất quen thuộc trong những đứa con tinh thần ấy. Dịch quỷ sứ, Ngũ gia truyện, Mê hồn trận là những truyện Lâu đài được Việt Nam hóa. Dẫu con đường thoát khỏi mê cung chỉ tìm thấy một không gian và thời gian xa lạ. Có thể nói, chính sự trở về với huyền thoại đã mang lại cho những tác phẩm hiện đại chất thơ, vẻ đẹp hồn nhiên mà bí ẩn, đã khiến những vấn đề của cái thường nhật nâng lên tầm ý

nghĩa siêu hình và mỗi người đọc tìm cách giải mã những câu hỏi muôn đời của hiện sinh.

Biểu tượng vốn đã khó xác định, nay Tạ Duy Anh lại mang đến biểu tượng ẩn. Để có thể "giải mã" tìm ra ý nghĩa của biểu tượng này cũng phải tính đến thói quen, phong tục, tập quán của các nền văn hoá trong từng cộng đồng dân tộc khác nhau. Điều bí ẩn vẫn luôn còn nguyên vẹn và mơ hồ về mặt ý nghĩa nếu như biểu tượng chưa được "giải mã". Một biểu tượng thường có nhiều nghĩa và ngược lại một ý nghĩa lại có nhiều biểu tượng cùng biểu thị. Jung cho rằng cái mà chúng ta gọi là biểu tượng dẫu chúng có quen thuộc trong đời sống hàng ngày vẫn chứa đựng những ý nghĩa khác, những tầng bậc còn tiềm ẩn bên trong chúng. Cấp độ của hình tượng được đẩy lên từng tầng bậc khác nhau, mang lại những cung bậc cảm xúc, trạng thái cho chính bạn đọc lan tỏa từ bên trong tác phẩm. Vì vậy, việc khám phá có thể đi bao xa trong việc nhận diện về những biểu tượng bị che dấu hoặc tiềm ẩn mà bề ngoài không được nhận thấy bởi tác giả của chúng? Đâu là mối quan hệ giữa các biểu tượng. Và liệu nếu có một mối dây kết nối nào đó thì những biểu tượng ẩn kia sẽ tạo sinh những điều gì?

Một phần của tài liệu Yếu tố huyền thoại trong truyện ngắn của Tạ Duy Anh. (Trang 28 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(74 trang)