5. Bố cục của khóa luận
2.1.3. …tạo sinh những mã huyền thoại
Theo Barthes, những yếu tố của một tác phẩm văn học trước hết cần phải được giải thích trong mối quan hệ của chúng với các yếu tố khác trong cùng một vũ trụ văn bản theo mô hình lý thuyết ngôn ngữ của Saussure. Bởi vì chúng chỉ có ý nghĩa khi đặt vào cùng một hệ thống tín hiệu, thuộc về một hệ thống mã nhất định để giải trình các ý nghĩa nội tại trong văn bản. Ông cho rằng: “Huyền thoại là một hệ thống đặc thù ở chỗ nó được thiết lập từ một chuỗi kí hiệu tồn tại trước nó: đó là hệ thống kí hiệu thứ hai”, R.Barthes đã thấy được tính sản sinh liên tục của kí hiệu trong thực tế [dẫn theo 22, tr.290].
Từ cách hiểu này cho thấy, huyền thoại có hai hệ thống ký hiệu, hệ thống này chèn lên hệ thống kia. Huyền thoại chứa đựng ngôn ngữ nên có thể gọi huyền thoại là một siêu ngôn ngữ. Và vì huyền thoại chứa đựng ký hiệu lên gọi huyền thoại là siêu ký hiệu. Tập hợp ký hiệu tạo nên một mã, gọi là mã huyền thoại. Một khi mã huyền thoại được tạo sinh, cũng là khi chúng mang lại ý nghĩa tràn ngập trong văn bản. Có bao nhiêu cách giải đáp những biểu tượng là cũng có bấy nhiêu mã huyền thoại. Từ đó, huyền thoại mới đã được cắm mốc bằng những tác phẩm độc đáo, mở đầu bằng những hình tượng lạ lẫm trong Biến dạng, Mê cung… của Kafka, tới Nhẫn thạch của Atiq Rahimi… Và đến với Tạ Duy Anh của văn học Việt Nam, cùng với biểu tượng kì ảo, biểu tượng ẩn mở ra một trò chơi ô chữ cần đáp án, một mã đóng cần được khơi mở.
Bước qua lời nguyền là truyện ngắn có sức nặng như một tiểu thuyết. Đây cũng được xem là một trong số những truyện ngắn thành công và gây tiếng vang đến tên tuổi Tạ Duy Anh. Điều làm nên thành công đó chính là mã huyền thoại mà tác phẩm gây dựng được. Từ hàng loạt những hình ảnh đối lập được tác giả miêu tả: “hai kẻ trong sáng như nhau, tội lỗi như nhau đã bước qua lời nguyền, đã ân xá cho nhau trong sự chứng kiến của các thiên thần. Và đêm ấy các vị đã bọc chặt chúng tôi bằng dáo, mác, bằng nỗi căm ghét phi lí. Dưới ánh đuốc các vị có thể thấy rõ dù chết chúng tôi cũng không rời nhau. Vậy mà các vị cứ quấn chặt chúng tôi bằng vòng lửa của địa ngục…” [10, tr.63]. Ngôi sao khi ấy là “thiên thần”, còn “các vị” khác nào tay sai của địa ngục. Chỉ trong một đoạn văn ngắn, hình ảnh đã được nâng lên thành biểu tượng vừa kì ảo vừa có sức hàm ẩn, nhờ vậy đoạn văn truyền tải được thông điệp của đôi trẻ muốn đạp tan quan niệm của tư tưởng bảo thủ ở ngôi làng. Tình yêu ấy đã hợp sức tạo nên một chiếc chìa có mã khóa mở tung điều lệ xưa cũ vô lí, bước qua lời nguyền đồng thời kiến tạo một giấc mơ
tương sáng hơn cho những tình cảm chân thành. Hay đến với Lãng du là đến với một miền mơ ảo thật sự. Ở đó có “anh” và “nàng”, có cả những kí ức tuổi thơ đẹp đẽ mà “anh” muốn đưa “nàng” về. Chỉ có điều, hiện thực đã xóa nhòa đi hết những dấu tích của xưa cũ, khiến cả đến “anh” cũng trở nên lúng túng, ngỡ mình đang lãng du?! Từng cái ổ gà, gốc cây, con đường và rồi “anh” nhận ra “thiên đường của anh” bỗng trở thành cái đích mà “anh” theo đuổi, đánh đổi từng chút một trí nhớ từng chút một những hình ảnh, những biểu tượng vốn dĩ thuộc về tuổi thơ để về lại một lần nữa, còn “nàng” dù muốn hay không cũng vô tình bị kéo theo trò chơi trốn tìm này. “Anh chỉ còn cảm nhận duy nhất một điều là đất dưới chân anh đang trải ra, trải mãi ra đến vô tận, không có bến bờ; đến sự khổ ải, tăm tối bắt gặp ánh sáng; đến xứ sở mà anh chỉ mới gặp trong giấc mơ thời trai trẻ. Có cái gì đang bay lên ở đâu đó kèm theo sự lụi tàn của những điều xấu xa, nhếch nhác, phản trắc, thù nghịch… Anh đang bay với tốc độ ánh sáng. Anh chỉ thấy rõ nhất một điều, từ cặp mắt, vẻ mặt – nổi bật với vầng trán thanh khiết – của nàng đang ngời sáng, thứ ánh sáng của sự cứu chuộc và tha thứ…” [10, tr.265].
Trên đây là những khảo sát mã huyền thoại được tạo sinh ngay trong bề mặt văn bản, nhưng truyện ngắn của Tạ Duy Anh không dừng lại ở đó. Có không ít những sáng tác của Tạ Duy Anh xây dựng cho mình trong đó là hình tượng người phụ nữ. Họ xuất hiện và trở đi trở lại nhiều lần trong các truyện ngắn. Vô hình chung, họ trở thành một “tượng đài”, một mô hình riêng biệt, độc lập. Họ - chị Túc, Quý Anh, bà Hảo, chị Thư… - mang trong mình những biểu trưng không có gì có thể xóa được. Chính vì vậy, họ trở thành huyền thoại, trở thành những kí mã tồn tại xuyên suốt qua những câu chuyện và còn có thể sống dậy giữa cuộc đời. Bạn đọc muốn tiếp cận đến những câu chuyện cũng đồng thời phải tiếp cận đến họ, giải mã chính con người họ, thì mọi vấn
đề sẽ được truyền tải. Họ không chỉ còn đơn thuần là nhân vật trong truyện nữa, mà họ đã trở thành một kí mã có chiều sâu, có linh hồn.
Như vậy, có thể nói, huyền thoại là chuỗi ký hiệu đặt biệt ở chỗ, nó được thiết lập từ một nhóm có hệ thống. Hàng loạt những ký hiệu sắp xếp theo chuỗi, theo cấp độ (hình ảnh – biểu tượng – biểu tượng ảo – biểu tượng ẩn)… Tất thẩy chúng tự tạo sinh ra những kí mã nhất định trong từng câu chuyện. Mỗi truyện ngắn là một bài học, một thế giới quan, một hệ nhận thức mới của tác giả. Mỗi bạn đọc, khi tiếp xúc với những truyện ngắn khác nhau là tự tạo những mã riêng cho mình, tạo một câu chuyện mang một hàm nghĩa mới tương thích. Đó chính là cơ chế tạo mã huyền thoại. Có thể cho rằng thế giới biểu tượng trong truyện ngắn của Tạ Duy Anh đã tạo nên những mã huyền thoại một cách thành công.