5. Bố cục của khóa luận
3.2.2. Đẩy lùi thời gian vào quá khứ
Tổ chức thời gian trong tiểu thuyết huyền thoại vẫn theo cấu trúc một mặt hướng về tương lai đồng thời lại diễn ra quá trình nén chặt quá khứ, đó là cấu trúc đồng hiện của tương lai và hiện tại. Truyện ngắn huyền thoại cũng không nằm ngoài đặc điểm đó. Vì suy cho cùng, truyện ngắn cũng là “đoản thiên tiểu thuyết” (theo quan niệm của văn học phương Đông, để phân biệt với “trường thiên tiểu thuyết” – gọi tắt là tiểu thuyết). Chịu ảnh hưởng từ phương pháp nghiên cứu huyền thoại của Barthes và phương pháp giải ký hiệu của Saussure, Tạ Duy Anh xử lí huyền thoại trong truyện ngắn của mình bằng cách đẩy lùi thời gian về quá khứ. Như một dạng thức của thời gian cổ tích, thời gian trong những sáng tác của mình đều được đẩy về quá khứ, nhuốm màu “ngày xửa ngày xưa”. Những sự kiện, nhân vật, bối cảnh, các lớp lang bên cạnh việc được đặt trong một không gian huyền thoại có độ tĩnh về mặt cấu trúc thì còn được đặt ở một độ lùi nhất định về thời gian. Điều này làm yếu tố huyền thoại trong truyện ngắn Tạ Duy Anh thêm phần huyền ảo và hấp dẫn. Các yếu tố này tương xứng với nhau về cả không gian và thời gian.
Bước qua lời nguyền là câu chuyện bắt đầu từ “năm lên bảy tuổi” của nhân vật “tôi”. Nhưng câu chuyện là sự trải dài những sự kiện trên thời gian phi tuyến tính, sự đan xen giữa cái thời “tôi” còn là một đứa trẻ với khi “tôi” đã ba mươi như một sự trở đi trở lại của sự dày vò. Và như muốn tăng cấp
cho nỗi ám ảnh, tác giả còn xen vào đó những quãng thời gian “bố tôi kể”, “trong câu chuyện của bố tôi”, “làng Đồng xưa kia”… Vậy là thời gian trong tác phẩm không vừa bị bẻ vụn và vừa bị đẩy lùi đến hai lần. Mỗi lần như thế, ẩn ức tuổi thơ của nhân vật “tôi” lại trỗi dậy như chính lời nguyền của ngôi làng tồn tại mãi để cứ đè nặng lên đôi vai cũng những người trẻ yêu nhau. Việc lùi thời gian hai lần làm câu chuyện nhuốm màu cổ xưa, hai lần đẩy về với quá khứ là đẩy về với ngọn nguồn của sự việc để lí giải những gì đang xảy ra ở hiện tại. Đây được xem là một cách trần thuật thú vị khi tác giả chỉ cần những nét vẽ về quá khứ cũng đồng thời là nét phác thảo của hiện tại.
Người thắng trận có thể xem là một trong số những truyện ngắn Tạ Duy Anh thử thức với phương thức giả huyền thoại. Bắt đầu từ chuyến đi về quê tìm gia phả, “tôi” đi tìm sự tích về “khu miếu thờ nằm dưới bóng cây đa cổ, cạnh bờ sông quanh năm có trẻ con nô đùa” [10, tr.144]. Toàn bộ câu chuyện được kể bằng việc đẩy lùi cả thời gian lẫn không gian về thời bà Trang còn là một thiếu nữ xinh đẹp cùng với hội đấu vật hằng năm của làng để tìm người tài giỏi giúp nước giúp làng. Khi đưa câu chuyện nhuộm màu của quá khứ, Tạ Duy Anh chỉ muốn sử dụng màu sắc cổ xưa để tránh nhàm chán cho bạn đọc nhưng vẫn giữ được riêng cho tác phẩm của mình bài học nhân sinh: mạng người là quan trọng, đừng vì chút hư danh hay người đẹp mà giết chết một sinh linh. Bà Đoàn Trang đã không chịu được sự khốc liệt ấy mà quyên sinh bên giếng như một sự tìm về với cái “chân – thiện – mĩ”, là lời cảnh báo cho cuộc đời về cái đẹp chỉ thật sự tồn tại bên cạnh thiên lương mà thôi.
Không chỉ sử dụng những sự kiện, nhân vật có sắc màu dĩ vãng, mở đầu những câu chuyện của mình, Tạ Duy Anh thường tạo ra những mở màn có bụi thời gian với những từ ngữ: “ngày ấy/ hồi ấy/ năm ấy”, “năm tôi lên bảy”, “đêm qua”, “một hôm”, “chục năm trước”/ “chuyện xảy ra đã hơn chục
năm”, “theo như những giừ còn in lại trong kí ức”…. Thậm chí là cả một lượt đoạn trong Đại Việt sử kí toàn thư cho phần mởi đầu câu chuyện Mr. Ban: “Mậu Dần (Bảo Phù) năm thứ 6 (Tống Cảnh Viêm năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, dân chết nhiều vì bệnh đậu mùa. Mùa hạ lúa mất mùa. Tháng 6 có ngôi sao lớn sa về phương Nam rơi xuống biển, hơn hai ngàn ngôi sao nhỏ rơi theo. Tiếng kêu như sấm đến vài khắc mới hết. Mùa thu tháng 8, động đất 3 lần, nhiều súc vật chết. Mùa đông, tháng 10, ngày 22, vua nhường ngôi cho Hoàng thái tử. (Đại Việt sử ký Toàn thư, bản khắc Chính Hoà thứ 18)” [10, tr.381].
Trong khi Barthes vừa đồng thời đẩy biểu tượng huyền thoại về quá khứ và tạc đứng nó, thì Tạ Duy Anh dùng ẩn ức tuổi thơ viết lại dưới dạng văn bản tự sự đương đại nhưng đẩy lùi thời gian về quá khứ. Đây có thể gọi là sự đẩy lùi hai lần tại điểm nhấn. Điều này tạo nên ấn tượng ban đầu khi đến với truyện ngắn Tạ Duy Anh qua những trang chữ hiện đại mang hơi hướng cổ điển.