Mô hình nuôi gà ác công nghiệp theo hướng an toàn sinh học của chị
Nguyễn Thị Tư ở ấp Long Hòa, thị trấn Chợ Mới đang là điểm đến của nhiều nhà hàng, quán ăn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1993, chị
Nguyễn Thị Tư nuôi chim cút đẻ để lấy trứng. Trong một lần tình cờ tìm mua con cút giống ở Cần Thơ, chị nhìn thấy trong trang trại có để trứng gà ác vào
ấp chung với đàn cút nên là chị quyết định mua vài chục con gà ác nhỏ về
nuôi... Và chỉ sau 10 năm, trại gà ác của chị Tư đã tăng số lượng lên gần
11.000 con lớn nhỏ và có từ 4.500-5.000 trứng. Vào thời điểm dịch cúm gia
cầm bùng phát, đàn gà ác có hiện tượng bị chết nên cán bộ thú y địa phương
yêu cầu tiêu diệt, cả trại gà coi như mất sạch, tổng số vốn đầu tư hơn 300 triệu đồng đã không cánh mà bay. Tuy nhiên, có một điều là tỉnh An Giang hỗ trợ
cho các chủ chăn nuôi rất sớm. Nhờ vậy, chị mới có vốn gây đàn lại. Lần này, chị Tư quyết định nuôi sao cho có lợi nhưng phải thật an toàn. Theo đó, cùng
với việc không ngừng học hỏi ở các trại nuôi gà ác chuyên nghiệp về phương pháp chăm sóc, ấp trứng nhân tạo, vệ sinh chuồng trại, tìm con giống tốt... chị Tư đã đăng ký về Trạm thú y vắc-xin phòng bệnh H5N1, tiêm ngừa định kỳ 2 đợt/năm. Ngoài ra, chị còn tự phòng bệnh cho gà bằng một số loại vắc-xin
khác như ngừa hô hấp, ngừa tả, chủng đậu... Chị cho biết: “Quy trình phải luôn được khép kín, tiêm ngừa đúng thời hạn, đúng tuổi và ngay cả khâu vệ
sinh chuồng trại, sát trùng cũng phải luôn đảm bảo”. Trại gà ác của chị
Nguyễn Thị Tư nằm khuất trong con hẻm nhỏ. Ở đó, chị đã sử dụng hơn 3
phần diện tích nhà dành để nuôi gà ác. Ngay bên trong nhà, chị đặt một cái lò
ấp trứng, có công suất ấp 4.500 trứng; ra phía sau chút nữa có đến vài chục
cái lồng là nơi ở của gà con mới nở và gà thịt. Tất cả lồng đều được đóng
bằng cây tre và bao bọc xung quanh bằng bạc ni-lông; phía trên mỗi lồng đều được treo một cái bóng đèn tròn vì theo chị Tư “gà ác phải luôn được giữ ấm”. Sau cùng là gian trại gà bố mẹ được xây cất khá rộng rãi, với số lượng
khoảng 500 con, mỗi ngày cho 200 trứng. Riêng gà ác thịt (từ 25-30 ngày tuổi) có hơn 2.500 con và gà ác con (từ 5-7 ngày tuổi) có gần 1.000. Tất cả đều được nuôi trong một quy trình khép kín, từ đẻ trứng đến ấp trứng nhân
tạo, úm gà con và nuôi gà thịt, có chế độ kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh
chuồng trại dưới sự giám sát của ngành chức năng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, đây là mô hình đầu tiên trong tỉnh nuôi gà ác quy mô công nghiệp đạt các tiêu chuẩn về an toàn sinh học.
Gà ác nuôi rất mau lớn, khoảng 1 tháng 5 ngày hoặc 1 tháng 10 ngày là có thể xuất chuồng, với trọng lượng trung bình từ 200-250gr. Hiện nay, mỗi
ngày chị Tư cho xuất chuồng trên 100 con gà thịt đến các nhà hàng, quán ăn
trong toàn tỉnh và một số nơi ở tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, với giá 19.000 đồng/con; mỗi con thu lợi nhuận từ 1.500-2.000 đồng. Trong năm 2009, chị Tư dự định sẽ tăng đàn gà ác bố mẹ lên từ 1.000-1.500 con, đáp ứng nhu cầu
thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, chị cũng đã lập dự án trình Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang để được hỗ trợ vay vốn, mở
rộng chăn nuôi thành trang trại quy mô rộng 3 ha. Không chỉ mở rộng chăn
nuôi tại đây, chị còn dự tính đưa gà ác về Kiên Giang và ra đảo Phú Quốc để
phục vụ cho du khách trong và ngoài nước[15].