Các tổn thương do ORT gây ra trên hệ thống hô hấp khá giống với các nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp khác như E.coli, Pasteurella mutocida, Ranatipestifer, Haemophilus paragallinarum và Chlamydophyla psittaci...
Bệnh Cúm gia cầm
Gia cầm chết ác tính, chết đột ngột, chết nhiều, chết giống ngộ độc với tỷ lệ chết từ 20%-100%.
Gà thường sốt cao, ủ rũ, bỏ ăn uống, giảm đẻ, suy yếu và đứng tụ lại thành từng đám, lông xù, xơ xác, vùng da không có lông và da chân xung huyết màu thâm tím.
Gà có các triệu chứng cảm mạo như chảy nước mũi, dịch nhày màu xám, khó thở, vươn cổ để thở, thở khò khè, hắt hơi. Con vật chảy nước mắt, viêm kết mạc mắt, nhắm mắt. Sưng phù đầu, mào tích sưng phù, màu tím sẫm.
Con vật có triệu chứng thần kinh: co giật, mất thăng bằng, vận động xoay tròn. Gà bị ỉa chảy.
Bệnh CRD
Những triệu chứng chung nhất trong đàn gia cầm trưởng thành mắc bệnh tự nhiên bao gồm: khí quản có tiếng ral, chảy nước mũi và ho; thức ăn tiêu thụ giảm, giảm tăng trọng.
Trong các đàn gà đẻ, sản lượng trứng giảm và thường giữ ở mức thấp. Một số các biểu hiện khác gồm: sưng khớp, què, mất điều hòa thần kinh, sưng đầu, sưng phù mí mắt, chảy nước mắt, kém ăn, mỏ và chân khô, chân kém bóng láng.
Bệnh Newcastle
Trong đàn xuất hiện một số con ủ rũ, kém hoạt động, bỏ ăn lông xù lên, cánh xã như khoác áo tơi. Gà con chậm chạp, thường đứng tụ lại thành đám, gà lớn tách đàn thích đứng một mình, con trống thôi gáy, con mái ngừng đẻ. Trên nền chuồng thấy xuất hiện nhiều bãi phân trắng như phân cò. Gà thường sốt cao 42,5 - 43oC.
Sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên, gà lờ đờ rồi trở lên khó thở trầm trọng. Từ trong mũi chảy ra một chất nhớt màu đỏ nhạt hoặc trắng xám hơi nhớt. Gà bệnh hắt hơi, vẩy mỏ liên tục thường kêu thành tiếng ‘‘toác toác“; bệnh nặng gà không thở được bằng mũi; do có nhiều fibrin màu xám xẫm ở niêm mạc miệng, hầu, họng, xoang mũi cho nên gà phải vươn cổ, há mỏ ra để thở. Xung quanh mặt và đầu thường bị phù thũng.
Gà bệnh bị rối loạn tiêu hóa trầm trọng: gà bỏ ăn, uống nhiều nước. Thức ăn ở diều không tiêu, nhão ra do lên men, sờ tay vào diều như sờ vào túi bột. Khi cầm chân gà dốc ngược lên từ mồm sẽ chảy ra một chất nước nhớt, mùi chua khắm. Con vật ỉa chảy lúc đầu còn đặc, có thể lẫn máu, mầu nâu sẫm; sau loãng
dần có màu trắng xám do chứa nhiều muối urat. Lông đuôi gà bẩn, dính bết phân. Niêm mạc hậu môn xuất huyết có những tia máu đỏ.
Mào, yếm gà bị ứa máu màu tím bầm trong thời gian khó thở, sau chuyển màu tái dần do mất máu. Gà bị run cơ, cổ nghẹo, liệt chân và cánh, biểu hiện tư thế opisthotonus.
Bệnh IB (Viêm phế quản truyền nhiễm)
Gà con có triệu chứng hô hấp rất đặc trưng: thở khó, thở khò khè ngắt quãng, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, chảy nước mắt, xoang bị sưng to, viêm hầu họng làm cho con vật khó thở. Gà mệt mỏi thường nằm tụm lại dưới nguồn nhiệt. Gà giảm ăn và tăng trọng giảm rõ rệt.
Gà trên 6 tuần tuổi và chim trưởng thành cũng có triệu chứng tương tự trên, nhưng hiện tượng chảy nước mũi không phải là triệu chứng thường gặp. Gà có hiện tượng sưng mặt.
Gà thịt thương phẩm mắc phải một trong những chủng virus gây bệnh ở thận có thể qua khỏi giai đoạn bệnh ở đường hô hấp, nhưng sau đó trở nên yếu ớt, mệt mỏi, lông xù, phân ướt, uống nhiều nước.
Gà đẻ, tỷ lệ đẻ và chất lượng trứng giảm là triệu chứng đặc trưng bên cạnh những triệu chứng ở đường hô hấp, có thể ngừng đẻ hoặc tỷ lệ đẻ giảm 10-50%. Tỷ lệ trứng dị hình tăng lên, tỷ lệ ấp nở giảm. Chất lượng bên trong quả trứng cũng bị giảm sút. Lòng trắng lỏng và nhiều nước, không có ranh giới rõ ràng giữa lòng trắng đặc (phần bao quanh lòng đỏ) và lòng trắng lỏng.
Bệnh ILT (Viêm thanh quản truyền nhiễm)
Gà chảy nước mũi, có mủ, khò khè, ho, thở khó. Ban đầu gà kém ăn, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi. Từ khóe mắt, hốc mũi dịch nhớt chảy ra khô thì quánh lại. Sau 1-2 ngày bệnh trầm trọng hơn. Do khó thở, con vật thường vươn cổ, từng lúc ho khan hoặc há mỏ nuốt không khí. Nếu ổ viêm tập trung ở vùng hầu họng có thể nghe thấy tiếng ran ướt khi con vật thở. Gà ngày càng khó thở, ho và hắt hơi bắn ra ngoài niêm dịch đặc có lẫn máu. Trên mỏ, mặt, lông gà có các vệt máu. Nếu vạch miệng gà, có thể thấy trên niêm mạc miệng và hầu họng có những lớp màng giả màu vàng xám, to nhỏ không đều, dễ bóc. Nhiều trường hợp màng giả phủ kín cả niêm mạc hầu họng. Bệnh ở thể cấp tính, tỷ lệ mắc lên đến 100% và tỷ lệ chết khoảng 50%-100%.
Ở thể bệnh nhẹ gà giảm tỷ lệ đẻ (10-40%), chảy nước mắt, viêm và xuất huyết kết mạc mắt, xoang dưới mắt sưng to, chảy nước mũi.