Chất lượng tín dụng là chủ đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, đã được trình bày trong phần khảo lược nghiên cứu liên quan. Có nhiều quan điểm khác nhau về chất lượng tín dụng, tùy theo quan điểm tiếp cận của người nghiên cứu, cụ thể:
Theo Nguyễn Văn Tiến và Nguyễn Thu Thủy (2014), chất lượng tín dụng là một chỉ tiêu tổng hợp phản ánh hoạt động tín dụng phù hợp với chính sách tín dụng, bảo đảm
an toàn và mang lại hiệu quả kinh tế cho ngân hàng; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Trong nghiên cứu của Nguyễn Văn Tuấn (2015), dưới góc độ của NHTM, chất lượng tín dụng là khái niệm phản ánh khả năng an toàn và khả năng sinh lời của hoạt động tín dụng ngân hàng.
Nghiên cứu của Dương Thị Hoàn (2019) xem xét chất lượng tín dụng thể hiện qua việc tín dụng “đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, an toàn, sinh lời về vốn phù hợp với mục tiêu kế hoạch và quy định pháp luật từng thời kỳ”.
Như vậy, các định nghĩa đề cập đến chất lượng tín dụng ngân hàng đều xem đây là khái niệm phản ánh mức độ an toàn và sinh lời của hoạt động tín dụng. Vì vậy, chất lượng tín dụng ngân hàng trong đề tài được hiểu là khái niệm phản ánh mức độ an toàn và sinh lời của hoạt động tín dụng của NHTM. Nói cách khác, hoạt động tín dụng của ngân hàng có chất lượng khi kiểm soát được rủi ro tín dụng xảy ra trong giới hạn cho phép của pháp luật, cũng như đảm bảo được khả năng sinh lời theo kế hoạch mà ngân hàng đã đề ra.