Kế thừa mô hình JDI (Job Description Index) do Smith và các cộng sự (1969) xây dựng cùng với các nghiên cứu khác, các biến quan sát dùng để đo lường thang
31
đo các yếu tố ảnh hưởng tới sự hài lòng công việc của nhân viên đã được xây dựng. Tuy nhiên, các biến quan sát này được hình thành dựa trên việc tổng hợp lý thuyết, các nghiên cứu trước có liên quan. Do đó cần xem xét để thực hiện điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện, thực tế hoạt động của Digipay.
Vì vậy, tác giả tiến hành nghiên cứu định tính để xây dựng mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng trong công việc của nhân viên tại Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh Toán Số.
Nghiên cứu định tính được tác giả tiến hành qua 2 bước:
+ Bước 1: Phỏng vấn sâu nhóm đối tượng khảo sát: 01 Tổng Giám đốc, 01 Giám đốc Vận hành, 01 Giám đốc Nhân sự, 03 Trưởng phòng (Hành chính, Chính sách phúc lợi toàn diện, Tiền lương và phúc lợi) tại Digipay và 01 Giám đốc Nhân sự Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực - Chi nhánh TPHCM. Tác giả sử dụng bảng câu hỏi phỏng vấn gồm 04 câu hỏi (Tham khảo Phụ lục 1).
Trong quá trình phỏng vấn, tác giả tiến hành hỏi và gợi ý trực tiếp nhằm định hướng cho người được phỏng vấn về 45 biến quan sát được thiết lập dùng để đo lường 9 thành phần của sự hài lòng trong công việc của nhân viên được tác giả đưa ra dựa trên cơ sở lý thuyết.
Sau khi hoàn thành phỏng vấn, tác giả nhận thấy các phương án trả lời khá đa dạng, phong phú và khá tương đồng với các thang đo thành phần của mô hình lý thuyết mà tác giả kiến nghị sử dụng.
Sau khi được điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và đặc điểm hoạt động tại Digipay, mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng trong công việc của nhân viên bao gồm 45 biến quan sát dùng để đo lường 09 yếu tố bao gồm: (1) Bản chất công việc, (2) Cơ hội đào tạo và thăng tiến, (3) Lãnh đạo, (4) Đồng nghiệp, (5) Thu nhập, (6) Thái độ chấp nhận rủi ro, (7) Môi trường và điều kiện làm việc, (8) Sự công bằng, (9) Phúc lợi cơ bản và cộng thêm.
Ngoài ra, sau khi phỏng vấn, một số phát biểu trong thang đo cũng đã được điều chỉnh để trở nên rõ ràng, dễ hiểu và phù hợp hơn trong quá trình thực hiện
32
khảo sát. Từ đó, tác giả xây dựng thang đo chính thức và tiến hành thiết kế bảng câu hỏi.
+ Bước 2: Thiết kế bảng câu hỏi khảo sát: bảng câu hỏi được thiết kế thành 2 phần như sau:
Phần I của bảng câu hỏi được thiết kế nhằm thu thập sự đánh giá về các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng trong công việc của nhân viên tại Digipay.
Phần II là các thông tin phân loại đối tượng khảo sát.
Bảng câu hỏi sau khi hoàn thành được dùng để phỏng vấn thử 20 người để kiểm tra mức độ rõ ràng của bảng câu hỏi và thông tin thu thập được. Sau khi được điều chỉnh, bảng câu hỏi chính thức được đem đi thực hiện khảo sát. Tác giả khảo sát trên 260 nhân viên với mục tiêu thu về kết quả khảo sát phù hợp từ 230 - 250 mẫu. Kết quả khảo sát được dùng cho nghiên cứu định lượng (Tham khảo bảng câu hỏi khảo sát ở Phụ lục 3).