CHƯƠNG 3: KHẢ NĂNG BIỂU ĐẠT CỦA CÁC YẾU TỐ TÌNH THÁI TRONG CÂU VĂN NGUYỄN HUY THIỆP
3.1. Tầm tác động của các yếu tố tình thái đối với thế giới nghệ thuật Nguyễn Huy Thiệp
3.1.1. Thể hiện sinh động mối quan hệ gia đình trong thời kỳ đổi mới
những câu chuyện về mối quan hệ gia đình. Là nhà văn xuất hiện sau khi đất nước từ giã mưa bom bão đạn của chiến tranh, thời kỳ mà người người, nhà nhà bước vào công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế, Nguyễn Huy Thiệp ghi lại tất cả những biến chuyển trong đời sống gia đình người Việt thuộc giai đoạn này.
Ngược dòng thời gian để nhìn lại giai đoạn văn học trước đó, ta đã bắt gặp những mối quan hệ gia đình hết sức đặc biệt trong sáng tác của Nguyễn Thi, Anh Đức, Nguyên Ngọc… Ở đó, các thành viên trong gia đình gắn kết với nhau một cách chặt chẽ, sẵn sàng hy sinh cho nhau để bảo vệ và giành lại tổ quốc. Người đọc đã từng hãnh diện và tự hào biết bao trước sự đồng cam cộng khổ của những cặp vợ chồng cùng tham gia kháng chiến, những đứa con - vì quá đau lòng và căm giận trước cái chết mà quân thù gây ra cho cha mẹ mình - đã nhất quyết xung phong ra trận khi tuổi chưa tròn mười tám… Những gắn kết keo sơn, những tình cảm yêu thương đầm ấm của gia đình mà chúng ta vẫn thường thấy ngày ấy giờ đây đã bị cho nền kinh tế thị trường hát khúc ai điếu, trở thành một thứ thuộc về quá khứ xa xôi, mờ nhạt,… và xa xỉ. Trong tác phẩm của mình, Nguyễn Huy Thiệp đã quay lại những thước phim chân thực và chua xót nhất về những gia đình mà mối quan hệ giữa các thành viên đã trở nên quá lỏng lẻo, hời hợt. Ở truyện ngắn Tướng về hưu, người đọc có thể dễ dàng nhận thấy không khí ảm đạm, lạnh lẽo trong một ngôi nhà
có những bảy thành viên. Đó là cảnh vợ chồng Thuần và Thủy. Mặc dù thừa nhận
“quan hệ tình cảm của vợ chồng tôi êm thấm” [20, tr.9] song đó chỉ là vẻ bề ngoài, thực chất giữa họ không thể có tiếng nói chung. Thuần chỉ biết “vùi đầu vào công trình nghiên cứu điện phân” [20, tr.9], với bản tính “cổ hủ, bất trắc và đầy thô vụng” [20, tr.9], anh như đứng bên ngoài tất cả mọi sự kiện xảy ra trong gia đình mình. Mọi công việc lớn nhỏ trong nhà đều do một tay Thủy lo liệu. Từ chuyện chi tiêu nhỏ nhặt hàng ngày trong gia đình đến cả những sự kiện trọng đại như cả ma chay, hiếu hỉ. Lúc vợ chồng lục đục, giận vợ, Thuần chỉ biết “dắt xe máy ra đường, phóng lang thang khắp phố cho kỳ hết xăng”… [20, tr.22]. Không chỉ dừng lại ở đó, trong gia đình này, mối quan hệ cha con giữa ông Thuấn với hai vợ chồng Thuần cũng có nhiều điều đáng nói. Là một người chinh chiến ngoài trận mạc hơn nửa đời người, ông Thuấn trở về với gia đình khi tuổi già ập đến. Những tưởng sẽ được hưởng những ngày tháng êm đềm, ấm áp bên con cháu, vậy mà ông lại không thể tìm được tình cảm yêu thương, gần gũi từ ngay chính đứa con trai độc nhất của mình. Nguyễn Huy Thiệp đã tinh tế biết bao khi lồng ghép các yếu tố tình thái vào những đoạn đối thoại giữa cha con ông Thuấn: “Cha tôi bảo: “Anh nhu nhược.
Duyên do là anh đếch sống được một mình.” Tôi bảo: “Không phải, cuộc đời nhiều trò đùa lắm.” Cha tôi bảo: “Anh cho là trò đùa à?” Tôi bảo: “Không phải là trò đùa,nhưng cũng không phải là nghiêm trọng.” [20, tr.23]. Có thể thấy, với bấy nhiêu câu đối thoại, nhưng hầu như câu nào cũng chứa các yếu tố tình thái, đặc biệt, phó từ phủ định được sử dụng lặp đi lặp lại. Chính sự xuất hiện của phó từ phủ định đó đã đẩy cuộc tranh luận của hai cha con không đi đến hồi kết, sự phủ định liên tục trong câu nói của Thuần là dấu hiệu của một tình cảm nhạt nhòa, một mối liên hệ lỏng lẻo giữa cha và con. Cha con Thuần giờ đây như hai kẻ đi trên hai con đường song song. Họ có thể bước ngang bằng nhau, nhưng không bao giờ gặp nhau, và cũng không thể nào chia sẻ được với nhau. Trong Tướng về hưu, con người đáng thương nhất có lẽ chính là ông Thuấn. Bởi rằng, ông không chỉ không tìm được tiếng nói chung với các con của mình, mà ông còn trở nên xa lạ đối với các cháu nội của ông. Chính Thuần cũng từng thắc mắc rằng: “Tôi cũng không hiểu sao hai đứa
con gái tôi lại ít gần ông nội” [20, tr.10].
Mối quan hệ gia đình trong thời kỳ đổi mới còn được Nguyễn Huy Thiệp tái hiện đầy chua xót trong tác phẩm Không có vua. Đây là một gia đình mà quan hệ cha con đã trượt dài xuống vũng sâu tăm tối của sự xa cách. Trong gia đình này, cha - con không ai coi ai ra gì, tất cả đều “cá mè một lứa”. Cha mắng mỏ, dè bỉu con bằng những lời lẽ độc địa, ráo hoảnh tình yêu thương. Với Đoài, lão Kiền bảo:
“Mày ấy à? Công chức gì mặt mày? Lười như hủi, chữ tác chữ tộ không biết, chỉ giỏi đục khoét!”. Với Khảm, lão mắng: “Đồ ruồi nhặng! Học với hành! Người ta dạy dỗ mày cũng phí cơm toi.”. Còn với Cấn “lão có đỡ hơn, thỉnh thoảng cũng khen, nhưng lời khen lại quá lời chửi: “Hay thật, cái nghề cạo đầu ngoáy tai của mày, nhục thì nhục nhưng hái ra tiền!” [20, tr.30]. Chẳng có một người cha nào khi không lại đi dùng những lời lẽ cay độc như vậy để chửi con mình. Với những tiếng chửi của lão, ta cứ ngỡ như những kẻ bị chửi không phải là những đứa con do lão sinh ra và cực nhọc nuôi nấng. Khi chửi con mình là “Đồ ruồi nhặng!” thì lão đã chẳng coi con mình ra gì, và có thể chính lão cũng không coi bản thân lão ra gì. Đáp lại một cách tương xứng, con cái khi giận lên lại xưng hô với bố là “ông” - “tôi”;
khi bố ốm nặng, con cái họp gia đình cùng biểu quyết: “Ai đồng ý bố chết giơ tay”
[20, tr.49]. Và khi bố chết thì tên Đoài mừng rỡ thốt lên: “Thật may quá. Bây giờ tôi đi mua quan tài.” [20, tr.51]. Chính phó từ “thật” ở trước động từ “may” và tiểu từ tình thái cuối câu “quá” đã lột tả toàn bộ sự khốn nạn, bất hiếu của Đoài. Không dừng lại ở mối quan hệ cha con, liệu có nơi đâu như gia đình này, anh thì đòi chém giết em: “Ông liệu tống thằng ấy ra khỏi nhà này, không tôi giết nó”. Còn em thì lại coi anh như kẻ thù. Anh em suốt ngày xỉa xói nhau: “Ấy là tôi nói chú khéo xử sự với người, mà nhanh xử sự với lợn” [20, tr.31]. Đâu chỉ có thế, mối quan hệ vợ chồng giữa Cấn và Sinh cũng chỉ là một mối quan hệ được xây dựng trên quyền hành, bạo lực và sự chịu đựng mỏi mòn. Họ lấy nhau vì đã từng có tình yêu nhưng cuộc sống vợ chồng trong cái gia đình hổ lốn đã làm cho tình yêu phai nhạt. Cấn sẵn sàng tát vợ đến “nảy đom đóm mắt” và sẽ còn tiếp tục đánh vợ không tiếc tay nếu không có sự can ngăn kịp thời của Đoài. Sinh thì chấp nhận hiện thực phũ phàng ấy trong nỗi ê chề, đắng cay…
Có thể nói, với việc sử dụng một cách tinh tế các yếu tố tình thái, Nguyễn Huy Thiệp đã khắc họa nên những hình ảnh chân thực đến quặn lòng về những mối quan hệ gia đình đầy bất trắc, hững hờ, dửng dưng, lạnh nhạt trong thời buổi kinh tế thị trường.
3.1.2. Biểu đạt nhiều cung bậc về sự tha hóa trong nhân cách con người