CHƯƠNG 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
3.1. Tầm tác động của các yếu tố tình thái đối với thế giới nghệ thuật Nguyễn Huy
3.1.3. Chỉ ra các sắc thái cô đơn, lạc loài của con người
Sống trong xã hội mà mọi giá trị đạo đức giường như đã bị đảo lộn đó, con người trở nên cô đơn, lạc loài ngay giữa những người thân của mình. Sự cô đơn đó là tâm lý chung của rất nhiều người lúc bấy giờ. Nguyễn Huy Thiệp có lẽ cũng đã từng nếm trải cảm giác đó. Hầu như trong tác phẩm nào của ông ta cũng nhìn thấy bóng dáng của một con người vừa là người trong cuộc, và là người ngoài cuộc. Họ vừa đứng từ xa để quan sát mọi thứ, nhưng đồng thời lại chính là kẻ phải quằn quại, giằng xé dữ dội trước những điều mắt thấy tai nghe. Chính họ cũng là nạn nhân của lối sống bàng quan, lạnh nhạt, hững hờ của xã hội sau thời chiến. Ông Thuấn trong
truyện ngắn Tướng về hưu là một con người cô đơn như thế. Nhập ngũ từ năm hai
mươi tuổi, năm bảy mươi tuổi về hưu “với hàm thiếu tướng”. Cả đời ông “gắn với
súng đạn, chiến tranh”. Thế nhưng, bước ra khỏi môi trường chinh chiến ác liệt ấy, ông lại phải đối mặt với một cuộc chiến còn trăm lần tái tê, ác liệt hơn, đó là cuộc chiến của sự cô đơn, lạc loài. Người vợ hiền tận tụy một đời hy sinh cho chồng con của ông nay đã lú lẫn, không đủ tỉnh táo để nhận biết và bầu bạn với ông. Đứa con trai độc nhất lại bạc nhược, an phận đến mức không còn khả năng để sẻ chia, thấu hiểu. Đứa con dâu thì thực dụng, toan tính đến lạnh lùng. Những đứa cháu nội thì bận bịu bài vở và sống với ông bằng khoảng cách của nhiều thế hệ. Những kẻ ăn người ở thì hoặc cục mịch quê mùa, hoặc cả tin ngờ nghệch… Không một ai có thể giúp ông thích nghi với cuộc sống xô bồ phức tạp, nghiệt ngã đầy ắp những cạnh tranh và toan tính. Cuộc sống đời thường khác xa với môi trường quân đội, khác xa
với lối sống “bình quân” của ông. Chính nếp quen sinh hoạt vừa được định hình ít
lâu của con người thành thị đã biến ông trở thành người lạc lõng. Nếu cảnh tượng lố
lăng, dung tục trong đám cưới đứa cháu họ “một sự ô hợp láo nháo thản nhiên rất
đời, thô thiển, thậm chí còn ô trọc nữa làm ông kinh hãi, đau đớn” [20, tr.13] thì việc cô con dâu xay thai nhi cho chó béc giê ăn làm ông đau xót đến quặn lòng: “Khốn nạn! Tao không cần sự giàu có này” [20, tr.14]. Hai từ “Khốn nạn!” được thốt ra vừa như một tiếng nấc nghẹn đắng lại vừa như một tiếng gào rách nát tim
lạc lõng giữa thế giới thiếu vắng tình người. Để rồi, cuối cùng ông phải cay đắng
thốt lên rằng: “Sao tôi cứ như lạc loài” [20, tr.23]. Thế mới thấy được cái tài của
Nguyễn Huy Thiệp, chính các yếu tố tình thái được sử dụng đúng nơi, đúng lúc đã giúp cho ta thấu hiểu và cảm thông sâu sắc trước mọi cảm xúc, thái độ, mọi biến thái tinh vi trong tận sâu tâm hồn của nhân vật.
Trong Tướng về hưu, ông Thuần không phải là con người cô đơn duy nhất.
Bên cạnh ông, tất cả mọi người đều phải lạnh buốt trong một nỗi cô đơn vô hình. Ngay chính Thuần cũng không thoát khỏi màng cô đơn bao trùm ấy. Dường như không thể chịu đựng được sự ngột ngạt của sự cô đơn, có lần Thuần đã thốt ra rằng: “Tôi thấy cô đơn quá. Các con tôi cũng cô đơn. Cả đám đánh bạc, cả cha tôi nữa” 20, tr.19]. Ở đây, có lẽ Nguyễn Huy Thiệp đã cố tình sử dụng kiểu câu tỉnh lược.
Đáng lẽ phải nói là “Cả đám đánh bạc, cả cha tôi nữa, cũng cô đơn” thì nhà văn lại
lược bỏ đi thành phần vị ngữ. Tỉnh lược yếu tố đó là cách Thuần nhấn mạnh vào nỗi cô đơn đang bủa vây, bao trùm lấy hết thảy mọi người. Chỉ với một câu nói ngắn ngủi, ta cảm nhận được sự chới với, lao đao của những kiếp người đang cô đơn ngay trong chính xã hội mình đang sống, trong chính gia đình mà mình đang ở, và cô đơn ngay trong chính bản thể của mỗi người. Đến ông Bổng, một kẻ tưởng như vô thưởng vô phạt, tưởng như lạnh lùng, thờ ơ ngay trước cái chết của chị mình cũng là một kẻ cô đơn. Bởi trong thế giới mà ông ta sống, chẳng có một ai thừa
nhận giá trị của ông ta, “Cả làng cả họ gọi em là đồ chó. Vợ em gọi em là đồ đểu.
Thằng Tuân gọi em là đồ khốn nạn.” [20, tr.16]. Không một ai muốn đón nhận sự tồn tại của ông ta vào thế giới của mình. Phải chăng cũng chính bởi lý do này mà ông Bổng, và cả những người như ông, ngày càng sa lầy vào hố sâu của sự cô đơn và tha hóa?
Ngay chính một kẻ quyền lực như Phong trong Giọt máu cũng phải thấm thía
nỗi cô đơn này. Cả một đời chạy theo tiền tài và dục vọng, nhưng cuối cùng, Phong đã nhận được gì cho mình? Tiền bạc và quyền uy, đó là những thứ hắn dư thừa. Thế nhưng, điều mà hắn cần nhất và đồng thời cũng là thứ mà hắn thiếu chính là tình người. Đến cuối đời, những người gần gũi, thân cận nhất với hắn lại chính là những
kẻ đâm cho hắn một nhát dao đau buốt. Vợ cả ngoại tình với lão hàng xóm, vợ thứ lại ngoại tình với con rể, còn người vợ ba lại sống với hắn trong nỗi sợ sệt, dè dặt của một cuộc hôn nhân cưỡng ép.
Còn Ngọc trong Những người thợ xẻ lại là một con người luôn day dứt băn
khoăn đi kiếm tìm sự gắn kết trong cuộc đời. Từng là một câu sinh viên, được sống trong môi trường đông đúc, Ngọc tiếp xúc với đủ loại người, đủ mọi suy nghĩ, đủ mọi cách sống. Giờ đây, khi bước vào con đường mưu sinh cùng toán thợ xẻ, Ngọc cũng được gặp thêm nhiều loại người mà có lẽ, trong môi trường đại học, anh không thể nào được biết đến. Thế nhưng, chàng sinh viên đó vẫn luôn đau đáu trong
lòng: “Người dưng ơi người dưng, một triệu người tôi gặp trong đời có ai là máu
thịt của tôi? Là thịt của tôi? Có ai sẽ sống vì tôi và chết vì tôi? Có ai không? Có ai là hoàng đế của tôi? Cũng là tử thần của tôi? Ai là tâm phúc với tôi? Là hy vọng của tôi? Cũng là địa ngục của tôi?” [20, tr.140, 141]]. Đó không chỉ là câu hỏi của riêng Ngọc mà là câu hỏi của tất thảy những con người đang cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong chính xã hội mà mình đang sống, những kẻ bơ vơ, lạc loài ngay trên chính quê hương của mình.
Có thể nói, với các phương tiện tình thái, Nguyễn Huy Thiệp đã tìm ra cho mình một con đường đầy ý nhị dẫn lối vào tâm can của nhân vật. Bằng cách đó, những nỗi cô đơn của con người được thể hiện ngay trong từng câu nói, trong từng cách nghĩ. Qua đấy, người đọc như hiểu sâu sắc hơn những tâm tư, trăn trở, những nỗi lòng thầm kín của cả nhân vật và của chính người viết truyện. Đó cũng chính là sợi dây kết nối, sẻ chia và đồng cảm giữa con người với con người.