QLCL dự án từ giai đoạn thiết kế là bước rất quan trọng để tạo ra sản phẩm chất lượng, sản phẩm thiết kế trước khi đưa ra thi công phải được Chi cục nghiệm thu và phê duyệt. Chi cục phải chịu trách nhiệm về chất lượng hồ sơ thiết kế được giao cho nhà thầu thi công xây dựng. Do đó, trước khi hợp đồng thiết kế, Chi cục sẽ QLCL nhà thầu tư vấn bằng cách kiểm tra giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề của chủ nhiệm thiết kế cũng như kỹ sư định giá và các chỉ tiêu đánh giá khả năng của nhà thầu tư vấn… Đồng thời cử cán bộ của Chi cục tham gia cùng đơn vị tư vấn thiết kế tiến hành quản lý, theo dõi, giám sát tiến độ cũng như chất lượng của từng bước hình thành sản phẩm tư vấn thiết kế. Tuy nhiên, công tác quản lý trong quá trình thiết kế còn đang bị bỏ ngỏ, sau khi ký hợp đồng với đơn vị tư vấn thiết kế, Chi cục thường chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng là (có hồ sơ và nộp đúng hạn) mà không có kế hoạch theo dõi, đôn đốc, kiểm tra hay yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế báo cáo quá trình thực hiện cũng như tham gia hỗ trợ, giải quyết những vướng mắc trong quá trình thiết kế của đơn vị tư vấn để kiểm soát sai sót, tăng chất lượng hồ sơ thiết kế công trình. Chỉ một số ít công trình, đơn vị tư vấn thiết kế có quy trình kiểm tra, quy trình xuất xưởng hồ sơ, còn lại hầu hết là chưa xây dựng được quy trình kiểm tra sản phẩm thiết kế. Vì vậy, hiện tượng khá phổ biến là các hồ sơ dự án/công trình sau khi phê duyệt xong mới bổ sung, hoàn thiện nhiệm vụ khảo sát thiết kế; bổ sung, điều chỉnh lại hợp đồng tư vấn, bổ sung các văn bản pháp lý liên quan. Có trường hợp do Chi cục thay đổi quy mô công trình, nhưng lại khống chế tổng mức dự toán được duyệt dẫn đến trong quá trình thi công phải xin bổ sung khối lượng nên đơn vị tư vấn thiết kế phải gò ép cho đủ để có thiết kế giao nộp. Tại một số dự án,
trước áp lực phải sớm hoàn thành hồ sơ để phục vụ công tác phòng chống thiên tai của Chi cục nên đã xảy ra tình trạng các đơn vị thiết kế chỉ quan tâm đến tiến độ và chi phí, còn chất lượng hồ sơ thiết kế, các phương án so sánh về kinh tế cũng như giải pháp kỹ thuật bị xem nhẹ, bị coi là hình thức. Có thể thấy rằng, một số cá nhân, tổ chức chưa đủ trình độ thiết kế, hoạt động mang tính chất chụp giật, làm cho xong, cộng với sự quản lý lỏng lẻo của Nhà nước và của Chi cục, đã cho ra đời nhiều dự án ĐTXD công trình kém chất lượng.
Bên cạnh đó, hoạt động tuyển chọn nhà thầu tư vấn còn chưa tốt, lỏng lẻo trong vấn đề kiểm tra năng lực tư vấn xây dựng do hầu hết là chỉ định thầu tư vấn. Trong khi đó, có hàng trăm Công ty tham gia vào lĩnh vực tư vấn thiết kế nhưng chỉ một số ít các nhà thầu tư vấn lớn có truyền thống và bề dày kinh nghiệm, lực lượng chuyên môn ổn định, có chiều sâu, đạo đức nghề nghiệp tốt, còn lại chủ yếu là các doanh nghiệp tư vấn mới thành lập năng lực còn yếu kém. Hơn nữa, tình trạng nhà thầu tư vấn thiết kế không đủ năng lực vẫn tham gia hoạt động thiết kế, nhiều cá nhân không có chứng chỉ chứng, không phù hợp vẫn tham gia thiết kế còn khá phổ biến, dẫn đến tình trạng là đi nhờ chữ ký.
Việc giám sát tác giả của đơn vị tư vấn chưa nghiêm túc, trách nhiệm chưa cao, chưa chịu trách nhiệm đến cùng đối với sản phẩm của mình. Nhiều khi, do đảm nhận cùng một lúc nhiều dự án trong khi thời gian ngắn nên việc QLCL của một số hồ sơ không cao.
Có thể thấy rằng, QLCL công trình là một hoạt động vô cùng quan trọng và sẽ là sai sót nếu chỉ QLCL thi công công trình mà không chú tâm quản lý tốt những bước đầu tiên hình thành dự án/công trình.