Trong thời gian qua, công tác QLCL công tác đấu thầu các dự án ĐTXD của Chi cục đã được thực hiện tương đối tốt và tuân thủ đúng theo Luật đấu thầu và Nghị định hướng dẫn luật đấu thầu. Trong đó, công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện các hạng mục như: khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát, kiểm định chất lượng và chứng nhận sự phù hợp của công trình tuân thủ các quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013 [16](trước là Luật số 61/2005/QH11) và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (trước là Nghị định 85/2009/NĐ-CP) của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng [17]. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác lựa chọn các nhà thầu vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế nhất định làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ và giá thành của công trình.
Công tác chuẩn bị HSMT cũng như HSYC [18], [19](đối với chỉ định thầu) và tiêu chuẩn đánh giá là khâu quan trọng trong quá trình lựa chọn nhà thầu, song trong nhiều trường hợp do Chi cục chuẩn bị chưa tốt, cộng với quá trình thẩm định, phê duyệt HSMT (HSYC) còn hình thức và mang tính thủ tục nên đã có nhiều vướng mắc như:
• HSMT (HSYC) được chuẩn bị một cách chung chung, thiếu rõ ràng gây khó hiểu cho nhà thầu cũng như cho việc đánh giá HSĐX. Nhiều tiêu chuẩn đánh giá không đủ rõ hoặc không phù hợp với HSMT (HSYC) đã làm cho quy trình đánh giá HSDT kéo dài, thiếu cơ sở tin cậy để ra quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu đồng thời gây ra những thắc mắc khiếu nại;
• Khối lượng mời thầu đưa ra thiếu sót so với hồ sơ thiết kế được duyệt; cũng như có trường hợp. Có trường hợp nhà thầu đã kiến nghị đi thực địa để xác định lại khối lượng cũng như điều kiện thi công cho đúng với thực tế.
Tuy chưa có những phát hiện về những tiêu cực cụ thể, nhưng về thực chất vẫn còn “quân xanh, quân đỏ” tồn tại dưới nhiều dạng tinh vi vi phạm Luật đấu thầu trong quá trình tổ chức đấu thầu và xét thầu. Thực
tế, có hiều hạng mục có thể gộp các gói thầu có tính chất giống nhau về mặt kỹ thuật lại với nhau để có giá gói thầu trên 1 tỷ đồng để tổ chức đấu thầu rộng rãi, nhưng Chi cục vẫn chia thành nhiều gói thầu (lấy lý do là các gói thầu nằm trên các tuyến đê, các huyện khác nhau) để có giá gói thầu nhỏ hơn 1 tỷ nhằm mục đích chỉ định thầu (ví dụ như kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều hàng năm thường xuyên xảy ra tình trạng này).
Kể cả hai hình thức đấu thầu hiện nay đều có nhiều hạn chế, còn chạy chọt (có thể nói là thông thầu), một số đơn vị thắng thầu thi công công trình nhưng năng lực chuyên môn, khả năng thi công, cũng như kinh nghiệm chưa đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, khi thi công lại phải thuê (bán) lại đơn vị khác vào làm. Khi đấu thầu nhiều nhà thầu thường bỏ giá thấp (thấp hơn giá sàn), chỉ cốt sao được thắng thầu, khi thi công lại tìm cách, chống chế, đẻ ra phát sinh để xin bổ sung phần thiếu hụt như thiết kế thiếu, thay đổi chủng loại vật tư, vật liệu, giá trị nhân công,… đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình.
Bên cạnh đó, hệ thống quản lý thông tin về số lượng, năng lực, uy tín và kinh nghiệm của các nhà thầu để phục vụ cho việc lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, có đạo đức nghề nghiệp khi tham gia hoạt động đấu thầu chưa hoàn chỉnh. Hiện tại, đã có Thông tư 17/2016/TT-BXD về hướng dẫn về năng lực hoạt động xây dựng gồm: năng lực hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân; năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức; công bố thông tin về năng lực hoạt động xây dựng có quy định về việc phải đăng tải công khai thông tin về năng lực hoạt động xây dựng. Nhưng nhiều nhà thầu lấy lý do là giảm bớt thủ tục hành chính để không phải công khai trên trang thông tin điện tử của các Sở Xây dựng và Bộ Xây dựng nên việc tra cứu thông tin nhà thầu để nâng cao chất lượng lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trong phạm vi cả nước đảm bảo chất lượng.
Tiêu chí chính để lựa chọn nhà thầu ở một số dự án là giá dự thầu thấp nhất, chưa quan tâm thích đáng đến yếu tố kỹ thuật, chất lượng và hiệu quả đầu tư của dự án. Trình độ chuyên môn của cán bộ kiêm nhiệm của Chi cục còn hạn chế, đùn đẩy trách nhiệm cho tư vấn và cơ quan thẩm định, thiếu tính chuyên nghiệp trong quản lý thực hiện hợp đồng như: không kiểm tra, rà soát kỹ chất lượng của sản phẩm tư vấn trước khi trình duyệt; không thể hiện và bảo vệ quan điểm khi đánh giá xét thầu; quản lý hợp đồng còn tuỳ tiện và dễ dãi, thưởng phạt hợp đồng chưa nghiêm minh, dẫn đến tình trạng công trình chậm tiến độ. Công tác báo cáo kết quả về đấu thầu còn yếu kém, mặc dù đã có thông tư số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC và đã được thay thế bằng thông tư 04/2017/TT-BKHĐT ngày 15/11/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định việc lựa chọn nhà thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhưng Chi cục vẫn chưa tổ chức được việc lựa chọn nhà thầu trên hệ thống đấu thầu qua mạng, dẫn đến chưa lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực kinh nghiệm, kỹ thuật, cũng như tài chính tốt nhất.
Năng lực tổ chuyên gia đấu thầu hiện nay của Chi cục phần lớn là chưa có chứng chỉ hành nghề (theo quy định mới) nên không đáp ứng được chuyên môn cũng như điều kiện pháp lý để tham gia lựa chọn nhà thầu trong thời gian tới.