8. Cấu trúc luận văn
1.2.1. Quản lý, quản lý giáo dục, quản lý nhà trường
* Quản lý:
Quản lý là một hệ thống tác động xã hội ở tầm vĩ mô, cũng như vi mô vì vậy có nhiều cách tiếp cận, có những khái niệm khác nhau về quản lý.
Theo lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin: “Quản lý xã hội một cách khoa học là sự tác động có ý thức của chủ thể quản lý đối với toàn bộ hay những hệ thống con người khác nhau của hệ thống xã hội trên cơ sở nhận thức và vận dụng đúng đắn những quy luật khách quan nhằm đảm bảo cho hệ thống hoạt động và phát triển tối ưu theo mục đích đặt ra”. [6, tr 267]
Về nội dung, thuật ngữ “Quảnlý” có nhiều cách hiểu không hẳn như nhau [25].
Quản lý là các hoạt động thực tiễn nhằm bảo đảm sự hoàn thành công việc qua những nỗ lực của người khác.
- Quản lý là công tác phối hợp có hiệu quả các hoạt động của những cộng sự khác cùng chung một tổ chức.
- Quản lý là một hoạt động thiết yếu đảm bảo phối hợp những nỗ lực cá nhân nhằm đạt mục đích của nhóm.
- Quản lý là sự có trách nhiệm về một cái gì đó.
Theo quan điểm của lý thuyết hệ thống: Quản lý là phương thức tác động có chủ đích của chủ thể quản lý lên hệ thống bao gồm hệ các quy tắc ràng buộc về hành vi đối với mọi đối tượng ở các cấp trong hệ thống nhằm duy trì tính trội hợp lý của cơ cấu và đưa hệ sớm đạt mục tiêu.
Những định nghĩa trên khác nhau về cách diễn đạt nhưng đều gặp nhau ở những nội dung cơ bản, quản lý phải bao gồm các yếu tố (các điều kiện) sau:
+ Phải có ít nhất một chủ thể quản lý là tác nhân tạo ra các tác động và ít nhất là một đối tượng bị quản lý tiếp nhận trực tiếp các tác động của chủ thể quản lý tạo ra và các khách thể khác chịu tác động gián tiếp của chủ thể quản lý. Tác động có thể chỉ là một lần mà cũng có thể là liên tục nhiều lần.
+ Phải có mục tiêu và một quỹ đạo đặt ra cho cả đối tượng và chủ thể, mục tiêu này là căn cứ để chủ thể tạo ra các tác động.
+ Chủ thể có thể là một người, nhiều người, còn đối tượng có thể là một hoặc nhiều người (trong tổ chức xã hội).
Bất luận một tổ chức có mục đích gì, cơ cấu và quy mô ra sao đều cần phải có sự quản lý và có người quản lý để tổ chức hoạt động và đạt mục đích của mình.
Hiện nay quản lý thường được định nghĩa rõ hơn: Quản lý là quá trình đạt đến mục tiêu của tổ chức bằng cách vận dụng các hoạt động (chức năng) kế hoạch hóa, tổ chức, chỉ đạo (lãnh đạo) và kiểm tra.
Như vậy có thể khái quát: “Quản lý là sự tác động chỉ huy, điều khiển, hướng dẫn các quá trình xã hội và hành vi hoạt động của con người nhằm đạt tới mục đích đề ra. Sự tác động của quản lý phải bằng cách nào đó để người bị quản lý luôn luôn hồ hởi, phấn khởi đem hết năng lực và trí tuệ để sáng tạo ra lợi ích cho bản thân, cho tổ chức và cho xã hội.”
Quản lý là môn khoa học sử dụng tri thức của nhiều môn khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn khác như: toán học, thống kê, kinh tế, tâm lý và xã hội học… nó còn là một “nghệ thuật” đòi hỏi sự khôn khéo và tinh tế cao.
Dựa vào những điểm chung từ những cách hiểu nêu trên, chúng tôi cho rằng: “Quản lý là những tác động có mục đích có kế hoạch của chủ thể quản lý
tới đối tượng quản lý và khách thể quản lý nhằm chỉ huy điều hành các đối tượng quản lý để thực hiện các mục tiêu quản lý đề ra”.
Quản lý gắn liền với hoạt động có mục đích có kế hoạch và có quan hệ giữa chủ thể quản lý với đối tượng quản lý, khách thể quản lý cả hai yếu tố này đều hướng tới mục tiêu chung đó là mục tiêu của tổ chức.
* Quản lý giáo dục
Hoạt động giáo dục cũng như khái niệm quản lý, quản lý giáo dục có nhiều cách định nghĩa khác nhau.
- Xét ở cấp vĩ mô: Quản lý giáo dục là những tác động có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống của chủ thể quản lý ở các cấp khác nhau đến tất cả mắt xích của hệ thống giáo dục (từ Bộ tới Trường, từ Trung ương đến địa phương) nhằm đạt tới mục tiêu, để nâng cao chất lượng hiệu quả của giáo dục.
- Xét ở cấp vi mô: Quản lý giáo dục là những tác động có mục đích có kế hoạch, có hệ thống của các lãnh đạo nhà trường tới cán bộ giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, các lực lượng giáo dục trong và ngoài trường, nhằm thực hiện có chất lượng hiệu quả mục tiêu giáo dục đào tạo trong nhà trường.
Theo chúng tôi: Quản lý giáo dục trong nhà trường là quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch của nhà quản lý đến tất cả các đối tượng, khách thể quản lý nhằm huy động một cách tối đa nguồn lực giáo dục trong và ngoài nhà trường để thực hiện mục tiêu giáo dục đề ra.
Theo tác giả Phạm Minh Hạc “Quản lý nhà trường là thực hiện đường lối giáo dục của Đảng trong phạm vi trách nhiệm của mình, tức là đưa nhà trường vận hành theo nguyên lý giáo dục để tiến tới mục tiêu giáo dục,mục tiêu đào tạo đối với ngành giáo dục với thế hệ trẻ và với từng học sinh” [17, tr 61,71,72].
Việc quản lý nhà trường phổ thông (có thể mở rộng ra là việc quản lý giáo dục nói chung): Là quản lý hoạt động dạy và học tức là làm sao đưa hoạt động đó từ trạng thái này sang trạng thái khác để dần dần tiến tới mục tiêu giáo dục. [17, tr71]
Xét về mặt lý luận và thực tiễn quản lý nhà trường bao gồm:
+ Tác động của chủ thể quản lý bên trong và bên ngoài, đây chính là những tác động quản lý của các cơ quan quản lý giáo dục cấp trên nhằm hướng dẫn và tạo điều kiện cho hoạt động giảng dạy và học tập, giáo dục của nhà trường bao gồm các chỉ dẫn, quyết định của các thực thể bên ngoài nhà trường nhằm định hướng cho sự phát triển của nhà trường, hỗ trợ và tạo điều kiện cho việc thực hiện phương hướng phát triển đó.
+ Quản lý nhà trường do chủ thể quản lý bên trong bao gồm:Quản lý giáo viên, quản lý học sinh, quản lý quá trình dạy và học của giáo viên và học sinh, quản lý cơ sở vật chất, quản lý tài chính, quản lý các hoạt động giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức pháp luật cho học sinh trong nhà trường.