Rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng đều có ảnh hưởng lớn đến sự mất khả năng thanh toán và ổn định của ngân hàng. Ngân hàng thường lập kế hoạch cân đối dòng tiền ra (trả lãi và gốc tiền gửi, cho vay, đầu tư mới,...) và dòng tiền vào (tiền nhận gửi, tiền thu nợ gốc và lãi cho vay,...) tại các thời điểm trong tương lai. Khi các hợp đồng vay không được thanh toán đầy đủ và đúng hạn sẽ dẫn đến sự không cân đối giữa hai dòng tiền. Do đó, khi không thu hồi được vốn và lãi đầy đủ, đúng hạn trong khi ngân hàng vẫn phải thanh toán cho các khoản tiền gửi nên ngân hàng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt thanh khoản, nghiêm trọng hơn là mất khả năng thanh toán và dẫn đến nguy cơ phá sản.
Kết quả của những nghiên cứu về rủi ro mất khả năng thanh khoản và nguy cơ vỡ nợ trong ngân hàng như, nghiên cứu của Acharya và Mora (2013) cho thấy sự thất bại của những ngân hàng trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế và bị thiệt hại do sự mất khả năng thanh toán từ giai đoạn trước khi vỡ nợ thực sự xảy ra. Tương đồng với kết quả nghiên cứu của Imbierowicz và Rauch (2014) cũng chỉ ra rằng, tồn tại mối quan hệ cùng chiều giữa rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản của ngân hàng trong suốt thời kỳ kinh tế ổn định cũng như thời kỳ khủng hoảng.
Như vậy, để hoạt động ổn định và an toàn đòi hỏi các ngân hàng phải có sự quản lý chặt chẽ giữa rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng để tránh nguy cơ mất khả năng thanh toán và vỡ nợ. Tín dụng là hoạt động kinh doanh tuy mang lại nhiều lợi nhuận nhưng cũng gặp nhiều thách thức như tình hình căng thẳng về thanh khoản của những
ngân hàng hiện nay, buộc các NHTM phải tìm nguồn tài trợ khi sự cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng khốc liệt hơn.