KẾ CHÍNH – BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT NÂNG CAO
3.2.4 Các tính năng thiết kế bổ sung
Một số biện pháp kiểm soát nâng cao có thể được đưa vào thiết kế phòng xét nghiệm được nêu dưới đây. Cần lưu ý danh sách này không phải là cuối cùng hay cố định mà chỉ đơn giản là cung cấp một số thông tin chi tiết về các biện pháp khả thi.
Các cửa sổ trong phòng xét nghiệm khi áp dụng các biện pháp kiểm soát cao phải được đóng và niêm phong.
Khi khử trùng bằng khí (xông hơi) là biện pháp kiểm soát nâng cao để khử nhiễm, thì phòng hoặc không gian phòng xét nghiệm sẽ cần phải được bịt kín tối đa. Cần bịt kín tất cả các bề mặt và/hoặc đường ra vào của phòng xét nghiệm (lối đi trong tường, sàn, trần nhà hoặc bề mặt khác) để ngăn chặn các khí độc hại thoát ra.
Luồng khí thải của phòng xét nghiệm phải được thiết kế để giảm khả năng người, động vật và/hoặc môi trường bên ngoài tiếp xúc với không khí thải; ví dụ: bằng cách xả khí thải ra xa miệng hút gió. Hoặc cách khác, khí thải sẽ được lọc trước khi xả ra ngoài.
Cung cấp đủ không gian để xử lý tại chỗ chất thải phòng xét nghiệm, hoặc cung cấp kho lưu trữ an toàn dành riêng chất thải phòng xét nghiệm cho đến khi có thể được vận chuyển ra khỏi cơ sở để khử nhiễm.
3.3 Trang thiết bị phòng xét nghiệm
Các biện pháp bảo vệ sau đây có thể xem xét áp dụng với các thiết bị đang được sử dụng phục vụ hoạt động của phòng xét nghiệm:
lắp các phụ kiện ngăn chặn bổ sung cho thiết bị, ví dụ: sử dụng cốc ly tâm an toàn hoặc rotor có nắp cho máy ly tâm;
sử dụng các tính năng an toàn bổ sung trên thiết bị, ví dụ: sử dụng tính năng tự động tắt ở máy ly tâm hoặc máy phá vỡ tế bào bằng hạt;
thiết bị dành riêng (trong từng phòng riêng) chỉ sử dụng cho những công việc thao tác với vật liệu lây nhiễm để tránh nhiễm chéo; và
sử dụng thêm thiết bị an toàn chuyên dụng để bảo vệ khỏi khí dung lây nhiễm. Biện pháp kiểm soát kỹ thuật được sử dụng phổ biến nhất để hạn chế nguy cơ về khí dung là thiết bị ngăn chặn thứ nhất, ví dụ tủ an toàn sinh học. Ngoài việc giảm phơi nhiễm với khí dung, các thiết bị này còn có tác dụng cách li công việc hoặc thiết bị tạo ra khí dung với các khu vực khác trong phòng xét nghiệm.
Có các loại tủ an toàn sinh học khác nhau. Các thiết kế phi tiêu chuẩn khác của thiết bị ngăn chặn thứ nhất cũng có thể được đưa vào sử dụng vì một số lý do, bao gồm chi phí, khả năng di chuyển được và các yêu cầu đối với một thiết kế điều chỉnh.
Các thao tác có nguy cơ tạo khí dung thường được tiến hành trong tủ an toàn sinh học (hoặc thiết bị ngăn chặn thứ nhất khác) khi sử dụng có áp suất thấp hơn không gian phòng xét nghiệm (áp suất âm). Ở các thiết bị có cửa làm việc mở và giả sử đang hoạt động đúng cách, chênh áp đó sẽ làm cho không khí bị kéo qua cửa làm việc, nhập vào dòng khí thổi xuống bề mặt làm việc ở tốc độ mà bình thường sẽ ngăn chặn hầu hết khi dung phát tán ra ngoài tủ. Không khí được đi qua một loạt các bộ lọc khí hiệu suất cao HEPA và sau đó được thải trở lại phòng hoặc ra môi trường bên ngoài tùy thuộc vào loại tủ và cách bố trí lắp đặt. Để đảm bảo người sử dụng tủ an toàn sinh học, các nhân viên phòng xét nghiệm và môi trường nói chung được bảo vệ, tủ an toàn sinh học phải:
lắp đặt và sử dụng đúng cách,
sắp xếp công việc phù hợp, và
được chứng nhận, thẩm định và giấy chứng nhận còn hiệu lực.
Các luồng khí trong phòng không được ảnh hưởng đến các yếu tố bảo vệ của tủ an toàn sinh học, gồm các luồng không khí được tạo ra bởi hệ thống thông gió và làm mát bổ sung, tạo ra bởi máy móc hoặc do chuyển động khác (ví dụ: người đi lại hoặc đóng mở cửa phòng xét nghiệm).
Thông tin thêm về các loại, chức năng và cách sử dụng tủ an toàn sinh học và các thiết bị ngăn chặn khác có thể tìm trong Chuyên đề: tủ an toàn sinh học và các thiết bị ngăn
chặn thứ nhất khác (3).