Trích dẫn 10
Làm theo chánh pháp để thành tựu sự nghiệp. Muốn như thế phải học rộng lời Phật dạy. Mỗi một bài Kinh, mỗi lời Phật dạy như một toa thuốc tâm linh trị bệnh khổ đau cho con người. Càng đọc nhiều Kinh, càng nắm bắt nhiều phương pháp, ta càng có nhiều cơ hội để ứng dụng linh hoạt các phương pháp đó trong nhiều tình huống khác nhau của cuộc sống tu học.25
Trích dẫn 11
Dù sao đi nữa, những người có học vẫn có tiến bộ hơn những người không học. Đức Phật sở dĩ làm đạo thành công, là vì ngoài trí tuệ vô sư, khi còn là thái tử, Ngài đã học rộng, hiểu nhiều. Sách sử mô tả rằng Thái tử Tất Đạt Đa thông minh đến nỗi, các thầy dạy đều cáo lui sau vài tuần lễ, vì không còn gì để dạy nữa. Nhờ các dữ liệu thế học đó, bằng trí tuệ sau khi giác ngộ, đức Phật đã biến những hình ảnh rất bình thường như con bò, con trâu, cái cày, con rắn, chiếc bè thành chủ đề của những bài pháp có triết lý sâu sắc. Vì thấy rõ rằng phải có trí tuệ mới giải quyết được khổ đau, đức Phật đã tận tâm hoằng pháp suốt hơn bốn mươi năm, để lại cho chúng ta gần ba mươi ngàn bài kinh khác nhau. Vậy mà rất nhiều người không chịu học kinh, mà cứ tự tin đi truyền bá đạo Phật. Hành nghề mà không học để lấy kiến thức là phạm pháp, vì không đủ chuẩn. Ví dụ: một luật sư phải trải qua mấy năm học luật, thi chứng chỉ hành nghề, cộng với thời gian thực tập thì mới đủ điều kiện để làm việc.26
Trích dẫn 12
Đức Phật thường dạy thành tựu chúng sanh là tối thượng cúng dường. Lo cho chúng sanh, tức gieo vào lòng họ mối thiện cảm, kế đến chúng ta mới đưa giáo lý vào nhận thức của họ, để cải tạo tâm ác xấu thành tốt đẹp. Thật vậy, người có cảm tình rồi mới có thể nghe ta. Lúc ấy mới đem phải trái dạy họ. Trái lại, không làm cho chúng sanh cảm tình, mà chúng ta cứ răn đe cũng vô ích, người không nghe, thậm chí họ nghĩ ta không ra gì mà còn lên mặt dạy đời. Khi người nghe, mới dạy giáo lý khó tin, khó làm. Giáo pháp đưa vào tâm người, tiêu diệt nghiệp chướng phiền não của họ.27