Khi ấy A Nan đứng dậy lạy Phật, kính cẩn bạch rằng : -Nếu cái thấy, nghe không sanh diệt này là “tâm” của chúng con, tại sao trước kia đức Thế Tôn lại quở chúng con “bỏ mất chân tâm, điên đảo làm việc” ?
Cúi xin đức Như Lai mở lòng từ bi chỉ dạy cho chúng con biết cái “điên đảo” ở chỗ nào.
II. Phật dẫn tỷ dụ để chỉ rõ cái “điên đảo”.
Khi đó Phật xuôi cánh tay chỉ xuống đất, hỏi ông A Nan rằng : -Ông thấy cánh tay của ta như thế này, là xuôi hay ngược ? A Nan thưa :
-Các người trong thế gian cho như thế là ngược; còn con thì không biết thế nào là ngược và xuôi.
Phật lại hỏi ông A Nan :
-Các người trong thế gian cho như thế là ngược, thì như thế nào mới là xuôi ?
A Nan thưa :
-Đức Như Lai đưa cánh tay lên, năm ngón chỉ thẳng trên hư không, như thế là xuôi.
Phật liền đưa cánh tay lên, rồi kêu A Nan mà bảo rằng : -Cũng một cánh tay này chứ không chi khác, chẳng qua chỉ đổi đầu làm đuôi, đổi đuôi làm đầu mà thôi, thế mà người thế gian, chấp thế này là ngược và thế kia là xuôi; điên đảo là đấy ! đấy là điên đảo.
Đem một cánh tay này mà so sánh, để chỉ rõ thêm ra : Thân Như Lai gọi là thân Phật (giác ngộ), thân các ông gọi là thân điên đảo (chúng sanh). Vậy ông nên chín chắn suy xét, thân ông và thân Phật, cái “điên đảo” (chúng sanh) ở chỗ nào ?
Chú Giải.
Ý Phật chỉ : đồng một thể tánh chân tâm, vì vô minh vọng động, chấp đây thật là Phật, kia thật là chúng sanh. Đó là “điên đảo”.