-Phú Lâu Na, cái chân tâm này lại rời tất cả “tức” và “phi”, mà cũng là “tức” và “phi tức”.
Chân tâm như thế thì từ kẻ phàm phu cho đến các vị Thánh : Thanh Văn, Duyên Giác, làm sao lấy tâm trí suy nghĩ cho đến đạo vô thượng Bồ Đề của Như Lai, hay dùng lời nói luận bàn của thế gian mà ngộ nhập chỗ tri kiến của Phật cho được ?
Chú Giải.
Đây là chỗ tuyệt đối, không thể nói năng, suy nghĩ và kêu gọi là gì được. Túng cùng chỉ gọi chân tâm thôi. Bởi thế nên Phật đóng cửa thất tại nước Ma Kiệt. Ông Duy Ma ngậm miệng ở thành Tỳ Gia, cũng vì cái lý đạo cao siêu và nhiệm mầu quá, không thể nói ra được vậy.
IV.Phật lấy cây đàn tỷ dụ.
Tỷ dụ như cây đàn cầm hay đàn Tỳ Bà v . v . tuy sẵn có tiếng hay, nhưng phải nhờ ngón tay hay của người biết khảy (nhạc sĩ) mới có thể phát ra tiếng hay được.
Chú Giải.
Thí dụ này rõ ràng và thật tế lắm. Nguời đàn hay khảy ra tiếng hay, người đàn vừa khảy ra tiếng vừa, nguời đàn dở khảy ra tiếng dở, xong đều có tiếng cả. Dụ cho chân tâm của chúng ta tùy duyên biến hiện các pháp; nếu khéo dùng thì hiện ra Phật, còn vừa vừa thì thành Bồ Tát, Thanh Văn, vụng lắm thì thành tam đồ lục đạo, đều có biến hiện cả.
Ta cùng với các ông cũng đồng một bản thể chân tâm thanh tịnh này và viên mãn khắp giáp tất cả. Xong ta làm việc gì và lúc nào cũng đều chân cả. Còn các ông tâm vừa móng lên, thì phiền não trần lao đã khởi trước.
Bởi các ông không siêng năng cầu đạo vô thượng, chỉ ưa mến quả Tiểu thừa, mới vừa chứng đặng chút ít thì cho lả đầy đủ.